Nhà sản xuất

Baxter  /  Cilag AG

Nhà tiếp thị

Janssen-Cilag

Thành phần

Mỗi 0,5mL: Golimumab* 50mg.
(*Kháng thể đơn dòng IgG1қ, có nguồn gốc từ người được sản xuất trên dòng tế bào hybridoma của chuột bằng công nghệ DNA tái tổ hợp).

Mô tả

Dung dịch tiêm trong suốt đến hơi trắng đục, không màu đến vàng nhạt.

Dược lý

Đặc tính dược lực học
Nhóm dược lý: Trị liệu ức chế miễn dịch, ức chế yếu tố gây hoại tử u alpha (TNF-α), mã ATC: L04AB06.
Cơ chế hoạt động
Golimumab là kháng thể đơn dòng của người, tạo thành phức hợp có ái lực cao, bền vững với cả 2 dạng có hoạt tính sinh học của TNF-α ở người là dạng hòa tan và xuyên màng, kháng thể này ngăn cản TNF-α gắn vào thụ thể.
Tác dụng dược lực học
Việc golimumab gắn vào TNF của người đã được chứng minh làm trung hòa sự bộc lộ trên bề mặt các tế bào do TNF-α kích thích của các phân tử kết dính E-selectin, phân tử kết dính tế bào thành mạch (VCAM)-1 và phân tử kết dính giữa các tế bào (ICAM)-1 do các tế bào nội mạc của người tiết ra. Trong phòng thí nghiệm, việc tiết interleukin (IL)-6, IL-8 và yếu tố tăng sinh dòng tế bào hạt-đại thực bào (granulocyte-macrophage colony stimulating factor (GM-CSF) từ các tế bào nội mạc của người do TNF kích thích cũng bị ức chế bởi golimumab.
Cải thiện nồng độ protein phản ứng-C (CRP) đã được ghi nhận so với nhóm dùng giả dược và điều trị với SIMPONI dẫn đến giảm đáng kể nồng độ IL-6, ICAM-1, matrix metalloproteinase (MMP)-3 và yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (VEGF) trong huyết thanh tính từ trị số ban đầu khi so với nhóm chứng. Ngoài ra, nồng độ TNF-α đã giảm ở các bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm cột sống dính khớp (AS) và nồng độ IL-8 đã giảm ở bệnh nhân bị viêm khớp vẩy nến (PsA). Những thay đổi này được quan sát thấy tại đợt đánh giá đầu tiên (tuần 4) sau khi bắt đầu dùng SIMPONI và thường được duy trì đến tuần 24.
Hiệu quả lâm sàng
Viêm khớp dạng thấp
Hiệu quả của SIMPONI được chứng minh trong 3 nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng với giả dược trên hơn 1500 bệnh nhân ≥18 tuổi bị viêm khớp dạng thấp thể hoạt động, mức độ trung bình đến nặng được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của Viện thấp khớp học của Mỹ (ACR) ít nhất 3 tháng trước khi sàng lọc vào nghiên cứu. Bệnh nhân có ít nhất 4 khớp sưng và 4 khớp đau. SIMPONI hoặc giả dược được tiêm dưới da mỗi 4 tuần.
Nghiên cứu GO-FORWARD đánh giá 444 bệnh nhân bị RA thể hoạt động dù đang dùng MTX liều ổn định ít nhất 15 mg/tuần và không được điều trị trước đó với thuốc ức chế TNF. Bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên để nhận hoặc giả dược + MTX, SIMPONI 50 mg + MTX, SIMPONI 100 mg + MTX hoặc SIMPONI 100 mg + giả dược. Bệnh nhân đang dùng giả dược + MTX được chuyển sang SIMPONI 50 mg + MTX sau tuần 24. Tại tuần 52, bệnh nhân bước vào giai đoạn nghiên cứu mở rộng, dài hạn và nhãn mở.
Nghiên cứu GO-AFTER đánh giá 445 bệnh nhân đã điều trị trước đó với một hoặc nhiều thuốc kháng TNF như adalimumab, etanercept, hoặc infliximab. Bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên để nhận giả dược, SIMPONI 50 mg, hoặc SIMPONI 100 mg. Bệnh nhân được phép tiếp tục dùng đồng thời trị liệu chống thấp khớp cải thiện bệnh (DMARD) với MTX, sulfasalazin (SSZ), và/hoặc hydroxychloroquin (HCQ) trong thời gian nghiên cứu. Những lý do được nêu rõ cho việc ngừng liệu pháp kháng TNF trước đây là thiếu hiệu quả (58%), không dung nạp (13%), và/hoặc các lý do khác ngoài tính an toàn hoặc hiệu quả (29%, chủ yếu là lý do tài chính).
Nghiên cứu GO-BEFORE đánh giá 637 bệnh nhân có RA thể hoạt động chưa được điều trị với MTX và không dùng bất kỳ thuốc ức chế TNF nào trước đó. Bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên để nhận giả dược + MTX, SIMPONI 50 mg + MTX, SIMPONI 100 mg + MTX hoặc SIMPONI 100 mg + giả dược. Tại tuần 52, bệnh nhân bước vào giai đoạn nghiên cứu mở rộng, dài hạn và nhãn mở, trong đó các bệnh nhân đang nhận giả dược + MTX đã có ít nhất 1 khớp  đau hoặc sưng sẽ được chuyển sang dùng SIMPONI 50mg + MTX.
Trong nghiên cứu GO-FORWARD, các tiêu chí đồng đánh giá chính là phần trăm bệnh nhân đạt đáp ứng ACR 20 tại tuần 14 và sự cải thiện điểm số của Bảng đánh giá sức khỏe (HAQ) tại tuần 24 so với ban đầu. Trong nghiên cứu GO-AFTER, tiêu chí đánh giá chính là phần trăm bệnh nhân đạt đáp ứng ACR 20 tại tuần 14. Trong nghiên cứu GO-BEFORE, các tiêu chí đồng đánh giá chính là phần trăm bệnh nhân đạt đáp ứng ACR 50 tại tuần 24 và sự thay đổi điểm số vdH-S (van der Heijde-modified Sharp) tại tuần 52 so với ban đầu. Ngoài các tiêu chí đánh giá chính này, các đánh giá bổ sung về tác động của trị liệu SIMPONI lên các dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp, đáp ứng trên hình ảnh X quang, hoạt động thể chất và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe cũng được thực hiện.
Nhìn chung, không có sự khác biệt có ý nghĩa lâm sàng trong các trị số đánh giá hiệu quả giữa chế độ liều SIMPONI 50 mg và 100 mg dùng đồng thời với MTX đến tuần 104 trong nghiên cứu GO-FORWARD và nghiên cứu GO-BEFORE và đến tuần 24 trong nghiên cứu GO-AFTER. Theo thiết kế nghiên cứu trong mỗi nghiên cứu về viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân tham gia giai đoạn nghiên cứu mở rộng dài hạn có thể được chuyển đổi giữa liều SIMPONI 50 mg và 100 mg tùy theo quyết định của bác sĩ nghiên cứu.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Các kết quả ACR quan trọng đối với SIMPONI liều 50mg tại tuần 14, 24 và 52 trong các nghiên cứu GO-FORWARD, GO-AFTER và GO-BEFORE được thể hiện trong Bảng 1 và được mô tả dưới đây. Các đáp ứng đã được quan sát thấy trong đợt đánh giá đầu tiên (tuần 4) sau khi bắt đầu dùng SIMPONI.
Trong nghiên cứu GO-FORWARD, trong số 89 đối tượng được phân ngẫu nhiên dùng SIMPONI 50 mg + MTX, có 48 đối tượng vẫn dùng phác đồ này tại tuần 104. Trong số đó, có 40, 33 và 24 bệnh nhân theo thứ tự có đáp ứng ACR 20/50/70 tại tuần 104. Tỷ lệ tương tự về đáp ứng ACR 20/50/70 cũng được quan sát thấy từ tuần 104 đến tuần 256 trong số các bệnh nhân còn lại trong nghiên cứu và điều trị với SIMPONI.
Trong nghiên cứu GO-AFTER, tỷ lệ bệnh nhân đạt đáp ứng ACR 20 cao hơn ở nhóm bệnh nhân đang dùng SIMPONI so với nhóm bệnh nhân đang dùng giả dược, bất kể lý do đã báo cáo về việc ngừng một hoặc nhiều trị liệu ức chế TNF trước đó.
- xem Bảng 1.

Trong nghiên cứu GO-BEFORE, kết quả phân tích chính ở những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp mức độ trung bình đến nặng (đáp ứng ACR 50 ở nhóm dùng kết hợp SIMPONI 50 mg và 100 mg + MTX so với nhóm dùng MTX đơn độc) không có ý nghĩa thống kê tại tuần 24 (p=0,053). Tại tuần 52 trong toàn bộ quần thể, phần trăm bệnh nhân ở nhóm dùng SIMPONI 50 mg + MTX đã đạt đáp ứng ACR nhìn chung cao hơn nhưng khác biệt đáng kể so với nhóm dùng MTX đơn độc (xem Bảng 1). Các phân tích bổ sung được thực hiện trong các phân nhóm bệnh nhân được chỉ định có viêm khớp dạng thấp tiến triển, hoạt động và nặng. Hiệu quả điều trị nói chung cao hơn ở nhóm dùng SIMPONI 50 mg + MTX so với MTX đơn độc đã được chứng minh trong quần thể chỉ định so với toàn bộ quần thể.
Trong các nghiên cứu GO-FORWARD và GO-AFTER, đã ghi nhận các đáp ứng có ý nghĩa trên lâm sàng và thống kê về Thang điểm đánh giá mức độ hoạt động bệnh dựa trên 28 khớp (DAS 28) tại mỗi thời điểm đã định trước, tại tuần 14 và tuần 24 (p≤0,001). Trong số những bệnh nhân còn dùng trị liệu SIMPONI mà họ được nhận ngẫu nhiên từ đầu nghiên cứu, các đáp ứng DAS28 vẫn duy trì đến tuần 104. Trong số bệnh nhân còn lại trong nghiên cứu và điều trị với SIMPONI, các đáp ứng DAS28 đều giống nhau từ tuần 104 đến tuần 256.
Trong nghiên cứu GO-BEFORE, đáp ứng lâm sàng chính theo định nghĩa là việc duy trì đáp ứng ACR 70 trong thời gian 6 tháng liên tục đã được đánh giá. Tại tuần 52, 15% bệnh nhân trong nhóm dùng SIMPONI 50 mg + MTX đã đạt được đáp ứng lâm sàng chính so với 7% bệnh nhân trong nhóm dùng giả dược + MTX (p=0,018). Trong số 159 đối tượng được nhận ngẫu nhiên vào nhóm SIMPONI 50 mg + MTX, 96 bệnh nhân vẫn còn dùng phác đồ điều trị này tại tuần 104; trong đó có 85, 66 và 53 bệnh nhân tương ứng đã có đáp ứng ACR 20/50/70 tại tuần thứ 104. Trong số bệnh nhân còn lại trong nghiên cứu và điều trị với SIMPONI, tỷ lệ đáp ứng ACR 20/50/70 được ghi nhận giống nhau từ tuần 104 đến tuần 256.
Đáp ứng trên X quang
Nghiên cứu GO-BEFORE đã dùng sự thay đổi điểm số vdH-S so với giá trị ban đầu để đánh giá mức độ tổn thương cấu trúc của khớp. Đây là điểm số tổng hợp về sự tổn thương cấu trúc đánh giá bằng X quang về số lượng và kích thước của sự bào mòn khớp và mức độ hẹp khe khớp ở bàn tay/cổ tay và bàn chân. Bảng 2 trình bày các kết quả quan trọng đối với liều SIMPONI 50 mg tại tuần 52.
Nhóm dùng trị liệu SIMPONI có nhiều hơn đáng kể số bệnh nhân không có các hình ảnh bào mòn mới hoặc thay đổi tổng điểm vdH-S ≤ 0 so với ban đầu, khi so với nhóm chứng (p=0,003). Hiệu quả điều trị trên X quang quan sát được tại tuần 52 vẫn duy trì đến tuần 104. Trong số bệnh nhân vẫn còn tham gia nghiên cứu và điều trị với SIMPONI, hiệu quả điều trị trên X quang đều giống nhau từ tuần 104 đến tuần 256.
- xem Bảng 2.

Hoạt động thể chất và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe
Hoạt động thể chất và sự tàn tật là tiêu chí đánh giá riêng biệt trong nghiên cứu GO-FORWARD, trong khi nghiên cứu GO-AFTER dùng chỉ số tàn tật của Bảng câu hỏi HAQ-DI. Trong các nghiên cứu này, điểm số HAQ DI tại tuần 24 so với ban đầu đã cải thiện có ý nghĩa trên lâm sàng và trên thống kê ở nhóm dùng SIMPONI so với nhóm chứng. Cải thiện điểm số HAQ DI vẫn duy trì đến tuần 104 trong số bệnh nhân còn dùng trị liệu SIMPONI mà họ được nhận ngẫu nhiên từ đầu nghiên cứu. Cải thiện điểm số HAQ DI vẫn tương tự từ tuần 104 đến tuần 256 trong số bệnh nhân còn tham gia nghiên cứu và dùng SIMPONI.
Trong nghiên cứu GO-FORWARD, cải thiện có ý nghĩa lâm sàng và ý nghĩa thống kê về chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe đã được chứng minh ở nhóm bệnh nhân dùng SIMPONI so với nhóm dùng giả dược khi đánh giá điểm số thành phần thể chất của bảng đánh giá chất lượng cuộc sống SF-36 tại tuần 24. Trong số những bệnh nhân còn dùng trị liệu SIMPONI mà họ được nhận ngẫu nhiên từ đầu nghiên cứu, cải thiện thành phần thể chất trong Bảng SF-36 vẫn duy trì đến tuần 104. Trong số những bệnh nhân còn tham gia nghiên cứu và điều trị với SIMPONI, cải thiện thành phần thể chất của bảng đánh giá SF-36 cũng như nhau từ tuần 104 đến tuần 256. Trong các nghiên cứu GO-FORWARD và GO-AFTER, đã quan sát thấy cải thiện mức độ mệt mỏi có ý nghĩa thống kê được đo qua Thang điểm Đánh giá chức năng của phương pháp trị liệu bệnh mạn tính (FACIT-F).
Viêm khớp vẩy nến (PsA)
Tính an toàn và hiệu quả của SIMPONI được đánh giá trong một nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược (nghiên cứu GO-REVEAL) trên 405 bệnh nhân người lớn bị viêm khớp vẩy nến thể hoạt động (≥3 khớp sưng và ≥3 khớp đau) dù đang dùng trị liệu kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc DMARD. Bệnh nhân trong nghiên cứu này đã được chẩn đoán PsA ít nhất 6 tháng và bệnh vẩy nến ít nhất từ mức độ nhẹ. Các bệnh nhân với mỗi thể bệnh (sub-type) viêm khớp vẩy nến được thu nhận vào nghiên cứu này, gồm viêm đa khớp không có nốt thấp (43%), viêm khớp ngoại biên không đối xứng (30%), viêm khớp liên đốt ngón xa (DIP) (15%), viêm cột sống kèm viêm khớp ngoại biên (11%) và viêm khớp biến dạng nặng (1%). Nghiên cứu này không chấp nhận điều trị trước đây với một thuốc ức chế TNF. SIMPONI hoặc giả dược được tiêm dưới da mỗi 4 tuần. Bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên để dùng giả dược, SIMPONI 50 mg, hoặc SIMPONI 100 mg. Bệnh nhân đang dùng giả dược đã được chuyển sang SIMPONI 50 mg sau tuần 24. Bệnh nhân bước vào giai đoạn nghiên cứu mở rộng, dài hạn, nhãn mở tại tuần 52. Khoảng 48% bệnh nhân tiếp tục dùng methotrexat liều ổn định (≤ 25 mg/tuần). Các tiêu chí đồng đánh giá chính là phần trăm bệnh nhân đạt đáp ứng ACR 20 tại tuần 14 và thay đổi tổng điểm vdH-S, phiên bản đã chỉnh sửa cho viêm khớp vẩy nến, tại tuần 24 so với ban đầu.
Nhìn chung, không có sự khác biệt có ý nghĩa lâm sàng trong các trị số đánh giá hiệu quả giữa chế độ liều SIMPONI 50 mg và 100 mg đến tuần 104. Theo thiết kế nghiên cứu, bệnh nhân tham gia giai đoạn nghiên cứu mở rộng dài hạn có thể được chuyển đổi giữa liều SIMPONI 50 mg và 100 mg tùy theo quyết định của bác sĩ nghiên cứu.
Các dấu hiệu và các triệu chứng
Các kết quả quan trọng đối với liều 50 mg tại tuần 14 và tuần 24 được trình bày tại Bảng 3 và được mô tả sau đây.
- xem Bảng 3.

Đã quan sát thấy các đáp ứng điều trị trong đợt đánh giá đầu tiên (tuần 4) sau khi bắt đầu dùng SIMPONI. Các đáp ứng ACR 20 tương tự tại tuần 14 được ghi nhận ở những bệnh nhân bị viêm đa khớp không có nốt dạng thấp và thể bệnh viêm khớp ngoại biên không đối xứng của PsA. Số lượng bệnh nhân với các thể bệnh PsA khác lại quá ít để cho phép đánh giá có ý nghĩa. Các đáp ứng ghi nhận trong các nhóm dùng SIMPONI đều tương tự như ở các bệnh nhân đang dùng hoặc không dùng đồng thời MTX. Trong số 146 bệnh nhân được nhận ngẫu nhiên SIMPONI 50 mg, có 70 bệnh nhân vẫn còn dùng trị liệu này ở tuần 104. Trong số 70 bệnh nhân này, có 64, 46 và 31 bệnh nhân tương ứng đạt đáp ứng ACR 20/50/70. Trong số bệnh nhân còn lại trong nghiên cứu và điều trị với SIMPONI, tỷ lệ đáp ứng ACR 20/50/70 tương tự được thấy từ tuần 104 đến tuần 256.
Cũng quan sát thấy các đáp ứng có ý nghĩa thống kê về DAS28 tại tuần 14 và 24 (p<0,05).
Cải thiện các thông số về đặc điểm hoạt động bệnh ngoại biên của viêm khớp vẩy nến (như số lượng khớp sưng, số lượng khớp bị đau/nhạy cảm đau, viêm sưng ngón và viêm chỗ bám gân) tại tuần 24 đã quan sát thấy ở những bệnh nhân dùng SIMPONI. Trị liệu SIMPONI đem lại sự cải thiện đáng kể hoạt động thể chất qua đánh giá về HAQ DI, cũng như cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe được đánh giá qua tổng điểm thành phần thể chất và tinh thần của Bảng câu hỏi SF-36. Trong số những bệnh nhân còn dùng trị liệu SIMPONI mà họ được nhận ngẫu nhiên từ đầu nghiên cứu, các đáp ứng DAS28 và HAQ DI vẫn duy trì đến tuần 104. Tỷ lệ các đáp ứng DAS28 và HAQ DI vẫn như nhau từ tuần 104 đến tuần 256 trong số các bệnh nhân còn tiếp tục tham gia nghiên cứu và điều trị với SIMPONI.
Đáp ứng trên X quang
Tổn thương cấu trúc ở cả bàn tay và bàn chân được đánh giá trên X quang qua sự thay đổi so với ban đầu về điểm số vdH-S, theo bản sửa đổi cho bệnh viêm khớp vẩy nến bằng cách bổ sung đánh giá viêm khớp liên đốt ngón xa của bàn tay (DIP).
Trị liệu SIMPONI 50 mg làm giảm tỷ lệ tiến triển tổn thương khớp ngoại biên khi so với điều trị giả dược tại tuần 24, qua đánh giá sự thay đổi so với ban đầu về tổng điểm vdH-S đã sửa đổi (giá trị trung bình ± SD là 0,27±1,3 ở nhóm giả dược so với -0,16±1,3 ở nhóm SIMPONI; p=0,011). Trong số 146 bệnh nhân được nhận ngẫu nhiên SIMPONI 50 mg, có 126 bệnh nhân có dữ liệu về X quang tại tuần 52 và 77% bệnh nhân trong số này đã không có bệnh tiến triển so với ban đầu. Tại tuần 104, 114 bệnh nhân có dữ liệu về X quang và 77% số bệnh nhân này không có bệnh tiến triển so với ban đầu. Trong số bệnh nhân còn lại trong nghiên cứu và điều trị với SIMPONI, tỷ lệ bệnh nhân không tiến triển so với ban đầu đều tương tự nhau từ tuần 104 đến tuần 256.
Viêm cột sống khớp trục
Viêm cột sống dính khớp (AS)
Tính an toàn và hiệu quả của SIMPONI được đánh giá trong một nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược (nghiên cứu GO-RAISE) trên 356 bệnh nhân người lớn bị viêm cột sống dính khớp thể hoạt động (xác định bởi Chỉ số hoạt động bệnh Viêm cột sống dính khớp (BASDAI) ≥4 và tổng điểm mức độ đau lưng VAS ≥4, trên thang điểm từ 0 đến 10cm). Bệnh nhân tham gia nghiên cứu này có bệnh thể hoạt động dù hiện tại hoặc trước đây đã dùng trị liệu NSAID hoặc DMARD và chưa được điều trị trước đó với thuốc ức chế TNFα. SIMPONI hoặc giả dược được tiêm dưới da mỗi 4 tuần.
Bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên để nhận giả dược, SIMPONI 50 mg và SIMPONI 100 mg và được phép tiếp tục dùng đồng thời trị liệu DMARD (MTX, SSZ và/hoặc HCQ). Tiêu chí đánh giá chính là phần trăm bệnh nhân đạt đáp ứng ASAS 20 (ASAS: Hiệp hội quốc tế đánh giá viêm cột sống dính khớp) tại tuần 14. Dữ liệu về hiệu quả điều trị có đối chứng với giả dược được thu thập và phân tích đến tuần 24.
Các kết quả quan trọng đối với liều 50 mg được thể hiện trong Bảng 4 và được mô tả dưới đây. Nhìn chung, không có sự khác biệt có ý nghĩa lâm sàng trong các trị số đánh giá hiệu quả giữa chế độ liều SIMPONI 50 mg và 100 mg đến tuần 24. Theo thiết kế nghiên cứu, bệnh nhân tham gia giai đoạn nghiên cứu mở rộng dài hạn có thể được chuyển đổi giữa liều SIMPONI 50 mg và 100 mg tùy theo quyết định của bác sĩ nghiên cứu.
- xem Bảng 4.

Trong số bệnh nhân còn lại trong nghiên cứu và điều trị với SIMPONI, tỷ lệ bệnh nhân có đáp ứng ASAS 20 và ASAS 40 cũng tương tự nhau từ tuần 24 đến tuần 256.
Đáp ứng BASDAI 50, 70 và 90 có ý nghĩa thống kê (p≤0,017) cũng được ghi nhận tại tuần 14 và 24. Cải thiện các thông số đánh giá quan trọng về mức độ hoạt động của bệnh cũng được nhận thấy ở đợt đánh giá đầu tiên (tuần 4) sau khi bắt đầu dùng trị liệu SIMPONI và được duy trì đến tuần 24. Trong số bệnh nhân còn tham gia nghiên cứu và điều trị với SIMPONI, tỷ lệ tương tự về thay đổi chỉ số BASDAI so với ban đầu được ghi nhận từ tuần 24 đến tuần 256. Hiệu quả điều trị vẫn không thay đổi, được đánh giá qua đáp ứng ASAS 20 tại tuần 14, bất kể bệnh nhân có sử dụng trị liệu DMARD (MTX, sulfasalazin và/hoặc hydroxychloroquin), tình trạng kháng nguyên HLA-B27 hoặc nồng độ CRP ban đầu.
Trị liệu SIMPONI đem lại sự cải thiện đáng kể hoạt động thể chất qua đánh giá về sự thay đổi chỉ số BASFI (BASFI: Chỉ số chức năng viêm cột sống dính khớp) tại tuần 14 và 24 so với mức ban đầu. Chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe được đánh giá qua điểm số thành phần thể chất của Bảng câu hỏi SF-36 cũng cải thiện có ý nghĩa tại tuần 14 và 24. Trong số những bệnh nhân còn tham gia nghiên cứu và dùng trị liệu SIMPONI, mức độ cải thiện hoạt động thể chất và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe cũng tương tự từ tuần 24 đến tuần 256.
Viêm cột sống khớp trục không có hình ảnh tổn thương trên X quang (nr-Axial SpA):
Tính an toàn và hiệu quả của SIMPONI được đánh giá trong một nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược (nghiên cứu GO-AHEAD) ở 197 bệnh nhân người lớn bị nr-Axial SpA thể hoạt động nặng (được định nghĩa là những bệnh nhân đạt các tiêu chí phân loại ASAS về viêm cột sống khớp trục nhưng không đạt các tiêu chuẩn chẩn đoán New York đã sửa đổi cho viêm cột sống dính khớp). Bệnh nhân tham gia nghiên cứu này có bệnh thể hoạt động (xác định bởi chỉ số BASDAI ≥4 và tổng điểm mức độ đau lưng VAS ≥4, trên thang điểm 0-10cm) dù hiện tại hoặc trước đây đã dùng trị liệu NSAID và chưa được điều trị trước đó với bất kỳ thuốc sinh học nào bao gồm thuốc ức chế TNF. Bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên dùng giả dược hoặc SIMPONI 50 mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần. Tại tuần 16, bệnh nhân bước vào giai đoạn nghiên cứu nhãn mở mà tất cả các bệnh nhân đều nhận SIMPONI 50 mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần cho đến hết tuần 48 với các đánh giá hiệu quả được thực hiện qua tuần 52 và theo dõi an toàn qua tuần 60. Xấp xỉ 93% bệnh nhân sử dụng SIMPONI thời điểm bắt đầu kéo dài nhãn mở (tuần 16) đã duy trì điều trị đến khi kết thúc nghiên cứu (tuần 52). Các phân tích được thực hiện trên cả hai quần thể là Tất cả quần thể được điều trị (AT, N=197) và quần thể có Các dấu hiệu mục tiêu về Viêm (OSI, N=158, được xác định bởi tăng cao nồng độ protein phản ứng C (CRP) và/hoặc bằng chứng viêm khớp cùng - chậu trên hình ảnh MRI lúc ban đầu). Dữ liệu về hiệu quả điều trị có đối chứng với giả dược được thu thập và phân tích đến tuần 16. Tiêu chí đánh giá chính là tỷ lệ bệnh nhân đạt đáp ứng ASAS 20 tại tuần 16. Các kết quả quan trọng được thể hiện trong Bảng 5 và được mô tả dưới đây.
- xem Bảng 5.

Mức độ cải thiện có ý nghĩa thống kê về các dấu hiệu và triệu chứng của nr-Axial SpA thể hoạt động nặng đã được chứng minh ở những bệnh nhân dùng SIMPONI 50 mg so với giả dược tại tuần 16 (Bảng 5). Sự cải thiện được quan sát thấy tại đợt đánh giá đầu tiên (tuần 4) sau khi bắt đầu dùng SIMPONI. Điểm số theo tiêu chuẩn SPARCC đánh giá qua MRI đã cho thấy mức độ giảm có ý nghĩa thống kê về tình trạng viêm các khớp cùng-chậu (SI) tại tuần 16 ở bệnh nhân dùng SIMPONI 50 mg so với dùng giả dược (Bảng 5). Mức độ đau đánh giá qua tổng điểm VAS về đau lưng và đau lưng về đêm, và mức độ hoạt động của bệnh được đo qua ASDAS-C cũng cho thấy sự cải thiện có ý nghĩa thống kê tại tuần 16 so với trị số ban đầu ở bệnh nhân dùng SIMPONI 50 mg so với giả dược (p<0,0001).
So với bệnh nhân dùng giả dược, bệnh nhân dùng SIMPONI 50mg đã có mức độ cải thiện có ý nghĩa thống kê (p<0,0001) về mức độ vận động cột sống qua đánh giá điểm số BASMI (Chỉ số Bath đánh giá viêm cột sống dính khớp) và về hoạt động thể chất qua đánh giá điểm số BASFI. So với bệnh nhân dùng giả dược, bệnh nhân dùng SIMPONI đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe qua đánh giá ASQoL, EQ-5D, và các thành phần về thể chất và tinh thần của Bảng câu hỏi SF-36, và cải thiện đáng kể về năng suất qua đánh giá mức độ giảm nhiều hơn các công việc nói chung bị ảnh hưởng và trong suy giảm hoạt động được đánh giá qua bảng câu hỏi WPAI.
Đối với tất cả các tiêu chí đánh giá được mô tả ở trên, các kết quả có ý nghĩa thống kê cũng được chứng minh trong quần thể OSI ở tuần 16.
Ở cả hai quần thể AT và OSI, sự cải thiện về các dấu hiệu và triệu chứng, mức độ vận động cột sống, và hoạt động thể chất, chất lượng cuộc sống, và năng suất làm việc đã được quan sát tại tuần 16 giữa các bệnh nhân điều trị tiếp tục với SIMPONI 50 mg so với những bệnh nhân còn lại ở nghiên cứu tại tuần 53.
Viêm loét đại tràng
Hiệu quả của SIMPONI được đánh giá trong 2 nghiên cứu lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược ở bệnh nhân người lớn.
Nghiên cứu giai đoạn dẫn nhập (nghiên cứu PURSUIT-Dẫn nhập) đã đánh giá bệnh nhân viêm loét đại tràng đang hoạt động mức độ trung bình đến nặng (điểm số Mayo là 6-12; điểm số phụ về nội soi ≥2) mà các bệnh nhân này không có đáp ứng đủ hoặc không dung nạp được các trị liệu thông thường, hoặc phải lệ thuộc vào corticosteroid. Trong phần dò liều của nghiên cứu, 761 bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào 1 trong các nhóm điều trị sau đây: 400 mg SIMPONI tiêm dưới da tại tuần 0 và 200 mg tại tuần 2, 200 mg SIMPONI tiêm dưới da tại tuần 0 và 100 mg tại tuần 2, hoặc giả dược tiêm dưới da tại tuần 0 và tuần 2. Các thuốc uống nhóm aminosalicylate, corticosteroid, và/hoặc các thuốc điều hòa miễn dịch với liều dùng ổn định được phép dùng đồng thời trong nghiên cứu. Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả của SIMPONI đến tuần 6.
Các kết quả của nghiên cứu giai đoạn duy trì (nghiên cứu PURSUIT-Duy trì) được dựa trên sự đánh giá 456 bệnh nhân đạt đáp ứng lâm sàng với SIMPONI từ giai đoạn dẫn nhập trước đó. Bệnh nhân được phân ngẫu nhiên để nhận SIMPONI 50 mg, SIMPONI 100mg hoặc giả dược tiêm dưới da mỗi 4 tuần. Các thuốc uống nhóm aminosalicylate và/hoặc các thuốc điều hòa miễn dịch với liều dùng ổn định được phép dùng đồng thời. Corticosteroids được giảm liều dần khi bắt đầu nghiên cứu giai đoạn duy trì. Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả của SIMPONI đến tuần 54.
Những bệnh nhân đã hoàn thành nghiên cứu duy trì qua tuần 54 được tiếp tục điều trị trong nghiên cứu kéo dài, hiệu quả được đánh giá qua tuần 216. Đánh giá hiệu quả trong nghiên cứu kéo dài dựa trên thay đổi việc dùng corticosteroid. Đánh giá toàn cầu của bác sĩ (PGA) về hoạt động của bệnh, và sự cải thiện chất lượng cuộc sống được định lượng bởi bảng câu hỏi về bệnh viêm ruột (IBDQ).
- xem Bảng 6.

Số bệnh nhân dùng SIMPONI đã duy trì tình trạng lành niêm mạc (bệnh nhân có biểu hiện lành niêm mạc ở cả hai tuần 30 và tuần 54) gặp nhiều hơn trong nhóm 50 mg (42%, p lý thuyết <0,05) và nhóm 100 mg (42%, p<0,005) so với nhóm giả dược (27%).
Trong số 54% bệnh nhân (247/456) dùng corticosteroids đồng thời từ lúc bắt đầu vào nghiên cứu PURSUIT-Duy trì, tỷ lệ bệnh nhân có đáp ứng lâm sàng duy trì đến tuần 54 và đã không dùng corticosteroids đồng thời tại tuần 54 được ghi nhận cao hơn ở nhóm dùng 50 mg (38%, 30/78) và nhóm dùng 100 mg (30%, 25/82) so với nhóm dùng giả dược (21%, 18/87). Tỷ lệ bệnh nhân ngừng hẳn corticosteroids tại tuần 54 ở nhóm 50 mg (41%, 32/78) và nhóm 100 mg (33%, 27/82) cũng cao hơn so với nhóm dùng giả dược (22%, 19/87). Trong số những bệnh nhân tham gia nghiên cứu kéo dài, tỷ lệ bệnh nhân vẫn không sử dụng corticosteroid đã được duy trì qua tuần 216.
Tại tuần 6, SIMPONI đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống được đánh giá qua sự thay đổi IBDQ so với ban đầu (IBDQ là bộ câu hỏi đánh giá chuyên biệt về bệnh viêm đường ruột). Trong số những bệnh nhân dùng SIMPONI trong giai đoạn điều trị duy trì, cải thiện chất lượng cuộc sống được đo qua IBDQ vẫn duy trì đến tuần 54.
Khoảng 63% bệnh nhân sử dụng SIMPONI tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu kéo dài (tuần 56), vẫn còn điều trị qua thời điểm kết thúc nghiên cứu (sử dụng golimumab lần cuối ở tuần 212).
Tính sinh miễn dịch
Trong tất cả các nghiên cứu giai đoạn III trên RA, PsA và AS đến hết tuần 52, các kháng thể kháng golimumab được phát hiện bằng phương pháp miễn dịch enzyme (EIA) ở 5% (105/2062) bệnh nhân được điều trị với golimumab và hầu như tất cả các kháng thể đều là kháng thể trung hòa khi được kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Các tỷ lệ tương tự cũng được thấy trong tất các chỉ định của bệnh khớp. Điều trị phối hợp với MTX đem lại tỷ lệ bệnh nhân có kháng thể kháng golimumab thấp hơn so với nhóm dùng golimumab không kèm theo MTX (khoảng 3% [41/1235] so với 8% [64/827], tương ứng).
Kháng thể kháng golimumab được phát hiện ở 7% (14/193) bệnh nhân bị nr-Axial SpA được điều trị với golimumab đến tuần 52 bằng phương pháp EIA.
Trong các nghiên cứu giai đoạn II và III trên viêm loét đại tràng cho đến hết tuần 54, các kháng thể kháng golimumab được phát hiện bằng phương pháp EIA ở 3% (26/946) bệnh nhân dùng golimumab. 68% (21/31) bệnh nhân có kháng thể dương tính là kháng thể trung hòa trong phòng thí nghiệm. Việc điều trị đồng thời với các thuốc điều hòa miễn dịch (azathioprin, 6 mercaptopurin và MTX) dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân có kháng thể kháng golimumab thấp hơn so với nhóm dùng golimumab không kèm theo thuốc điều hòa miễn dịch (1% (4/308) so với 3% (22/638), tương ứng). Trong số những bệnh nhân tiếp tục điều trị trong nghiên cứu kéo dài và đã có các mẫu có thể đánh giá được qua tuần 228, các kháng thể kháng golimumab đã được phát hiện ở 4% (23/604) những bệnh nhân điều trị bằng golimumab. 82% (18/22) số bệnh nhân dương tính với kháng thể đã có kháng thể trung hòa in vitro.
Một phương pháp EIA dung nạp thuốc đã được sử dụng trong nghiên cứu pJIA cho việc phát hiện kháng thể kháng golimumab. Do độ nhạy cao hơn và sự dung nạp thuốc được cải thiện, một tỷ lệ cao hơn của kháng thể kháng golimumab được mong chờ được phát hiện với phương pháp EIA dung nạp thuốc so sánh với phương pháp EIA. Trong nghiên cứu pJIA pha III qua tuần 48, các kháng thể kháng golimumab đã được phát hiện bởi phương pháp EIA dung nạp thuốc ở 40% (69/172) trong đó đa số có nồng độ nhỏ hơn 1:1000. Một tác dụng ở các nồng độ trong máu của golimumab đã được thấy ở nồng độ >1:100 trong khi một tác dụng về hiệu quả đã không được thấy cho đến khi nồng độ >1:1000, qua số lượng trẻ với nồng độ >1:1000 là thấp (N=8). Trong số trẻ được thử nghiệm dương tính với các kháng thể kháng golimumab, 39% (25/65) đã có kháng thể trung hòa. Tỷ lệ cao hơn các kháng thể với phương pháp EIA dung nạp thuốc bởi vì chúng chủ yếu là các kháng thể có nồng độ thấp, không có ảnh hưởng rõ ràng đến nồng độ thuốc, hiệu quả và an toàn và vì vậy không thể hiện bất kỳ tín hiệu an toàn nào mới.
Sự xuất hiện các kháng thể kháng golimumab có thể làm tăng nguy cơ phản ứng tại vị trí tiêm (xem phần Cảnh báo). Số lượng bệnh nhân có kháng thể kháng golimumab dương tính không nhiều nên làm hạn chế khả năng đưa ra kết luận rõ ràng về mối quan hệ giữa các kháng thể kháng golimumab và hiệu quả hoặc tính an toàn của thuốc trên lâm sàng.
Các phân tích về tính sinh miễn dịch đặc thù theo sản phẩm và loại xét nghiệm nên việc so sánh tỷ lệ sinh kháng thể khi dùng thuốc này so với các sản phẩm khác là không phù hợp.
Quần thể bệnh nhân nhi
Viêm đa khớp tự phát thiếu niên
An toàn và hiệu quả của SIMPONI đã được đánh giá ở một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng với giả dược, có giai đoạn ngừng thuốc (GO-KIDS) trên 173 trẻ em (2 đến 17 tuổi) với pJIA hoạt động với tối thiểu 5 khớp hoạt động và một đáp ứng không đầy đủ với MTX. Trẻ có nhiều khớp viêm định hướng viêm khớp tự phát thiếu niên (viêm đa khớp với yếu tố thấp âm tính hoặc dương tính, viêm thiểu khớp kéo dài, viêm khớp vẩy nến thiếu niên hoặc JIA toàn thân không có triệu chứng toàn thân hiện tại) được bao gồm trong nghiên cứu này. Trung vị số khớp hoạt động ban đầu là 12, và trung vị CRP là 0,17 mg/dL.
Phần 1 của nghiên cứu bao gồm một pha nhãn mở 16 tuần trong đó có 173 trẻ sử dụng SIMPONI 30 mg/m2 (tối đa 50 mg) tiêm dưới da mỗi 4 tuần và MTX. 154 trẻ đạt được đáp ứng ACR Ped 30 tại tuần 16 được đưa vào Phần 2 của nghiên cứu, pha ngưng thuốc ngẫu nhiên, hoặc sử dụng SIMPONI 30 mg/m2 (tối đa 50 mg) + MTX, hoặc sử dụng giả dược + MTX mỗi 4 tuần. Nếu xuất hiện triệu chứng bệnh, trẻ được điều trị với SIMPONI 30 mg/m2 (tối đa 50 mg). Tại tuần 48, trẻ tham gia vào một nghiên cứu mở rộng dài hạn.
Trẻ em trong nghiên cứu này đã chứng minh các đáp ứng ACR Ped 30, 50, 70, và 90 sớm vào tuần thứ 4.
Ở tuần 16, 87% trẻ có đáp ứng ACR Ped 30, và 79%, 66%, và 36% số trẻ lần lượt có đáp ứng ACR Ped 50, ACR Ped 70, ACR Ped 90. Ở tuần 16, 34% số trẻ có bệnh không hoạt động được định nghĩa là có tất cả các yếu tố sau: không có khớp viêm hoạt động, không sốt, phát ban, viêm thanh mạc, lách to, bệnh hạch bạch huyết nói chung do JIA; không có viêm màng bồ đào hoạt động, ESR bình thường (<20 mm/giờ) hoặc CRP (<1,0 mg/dL); đánh giá bác sĩ toàn cầu về hoạt động của bệnh (≤ 5 mm trên VAS); thời gian cứng khớp buổi sáng là < 15 phút.
Ở tuần 16, tất cả thành phần ACR Ped đã chứng minh sự liên quan lâm sàng việc cải thiện so với ban đầu.
- xem Bảng 7.

Tiêu chí chính, tỉ lệ trẻ có đáp ứng ACR Ped 30 tại tuần 16 và không trải qua một đợt cấp giữa tuần 16 và tuần 48, đã không đạt được. Phần lớn trẻ em đã không trải qua đợt cấp giữa tuần 16 và tuần 48 (59% ở nhóm SIMPONI + MTX và 53% ở nhóm placebo + MTX, tương ứng, p = 0,41).
Các phân tích dưới nhóm được xác định trước của tiêu chí chính về CRP ban đầu (≥ 1 mg/dL vs < 1 mg/dL) đã chứng minh ở những bệnh nhân có CRP ban đầu ≥ 1 mg/dL, tỷ lệ bùng phát bệnh cao hơn ở nhóm placebo + MTX so với SIMPONI + MTX (87% so với 40% p = 0,0068).
Ở tuần 48, 53% số trẻ ở nhóm SIMPONI + MTX và 55% số trẻ ở nhóm giả dược + MTX có đáp ứng ACR Ped 30, và 40% số trẻ ở nhóm SIMPONI + MTX và 28% số trẻ ở nhóm placebo + MTX đạt được bệnh không hoạt động.
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu đã hoãn việc xem xét các kết quả nghiên cứu của SIMPONI trên đối tượng bệnh nhân nhi bị viêm loét đại tràng (xem Liều lượng và cách dùng về thông tin cho sử dụng thuốc ở trẻ em).
Đặc tính dược động học
Hấp thu
Sau khi tiêm dưới da golimumab liều đơn cho đối tượng khỏe mạnh hoặc bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, trung vị thời gian đạt nồng độ tối đa trong huyết thanh (Tmax) dao động từ 2 đến 6 ngày. Tiêm dưới da 50 mg golimumab cho đối tượng khỏe mạnh đã tạo nồng độ tối đa (Cmax) trong huyết thanh với giá trị trung bình ± SD là 3,1±1,4 µg/mL.
Sau khi tiêm dưới da liều đơn 100 mg, sự hấp thu golimumab đều tương tự nhau khi tiêm ở vị trí cánh tay, bụng, và đùi, với sinh khả dụng tuyệt đối trung bình là 51%. Do golimumab có dược động học hầu như phụ thuộc liều sau khi tiêm dưới da, sinh khả dụng tuyệt đối của liều golimumab 50 mg hoặc 200 mg được cho là tương tự như liều 100 mg.
Phân bố: Thể tích phân bố trung bình của SIMPONI là 115±19 mL/kg sau khi tiêm tĩnh mạch 1 liều đơn.
Thải trừ
Độ thanh thải toàn thân của golimumab được ước tính là 6,9±2,0 mL/ngày/kg. Thời gian bán thải cuối cùng được ước tính là 12±3 ngày ở người khoẻ mạnh và giá trị này xảy ra tương tự ở bệnh nhân bị RA, PsA, AS hoặc viêm loét đại tràng (UC).
Khi 50 mg golimumab được tiêm dưới da cho bệnh nhân bị RA, PsA hoặc AS mỗi 4 tuần, nồng độ huyết thanh đạt trạng thái ổn định đến tuần 12. Với việc sử dụng đồng thời MTX, trị liệu golimumab 50 mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần có nồng độ đáy trung bình (± độ lệch chuẩn) trong huyết thanh ở trạng thái ổn định xấp xỉ 0,6±0,4 μg/mL ở bệnh nhân bị RA thể hoạt động dù đang dùng MTX, và khoảng 0,5±0,4 μg/mL ở bệnh nhân bị PsA thể hoạt động và khoảng 0,8±0,4 μg/mL ở bệnh nhân bị AS. Nồng độ đáy trung bình trong huyết thanh ở trạng thái ổn định của golimumab trên bệnh nhân có nr-Axial SpA cũng có giá trị tương tự như ở bệnh nhân bị AS khi dùng chế độ liều 50 mg golimumab tiêm dưới da mỗi 4 tuần.
Bệnh nhân bị RA, PsA hoặc AS không dùng MTX đồng thời đã có nồng độ đáy của golimumab ở trạng thái ổn định thấp hơn 30% so với bệnh nhân dùng golimumab cùng lúc với MTX. Trong một số lượng bệnh nhân hạn chế bị RA được tiêm golimumab dưới da kéo dài 6 tháng, sử dụng đồng thời MTX đã làm giảm khoảng 36% độ thanh thải biểu kiến của golimumab. Tuy nhiên, phân tích dược động học trong quần thể đã cho thấy việc sử dụng đồng thời với các thuốc NSAID, corticosteroid dạng uống hoặc sulfasalazin không gây ảnh hưởng đến độ thanh thải biểu kiến của golimumab.
Sau các liều dẫn nhập 200 mg và 100 mg golimumab tại tuần 0 và tuần 2 tương ứng, và liều duy trì 50 mg hoặc 100 mg golimumab tiêm dưới da mỗi 4 tuần sau đó cho bệnh nhân có viêm loét đại tràng, nồng độ golimumab huyết thanh đạt trạng thái ổn định khoảng 14 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Trị liệu golimumab liều 50 mg hoặc 100 mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần trong giai đoạn duy trì điều trị đã dẫn đến nồng độ đáy trung bình trong huyết thanh ở trạng thái ổn định, lần lượt khoảng 0,9±0,5 μg/mLvà 1,8±1,1 μg/mL.
Sử dụng đồng thời các thuốc điều hòa miễn dịch không gây tác động đáng kể nào lên nồng độ đáy của golimumab ở trạng thái ổn định trong nhóm bệnh nhân có viêm loét đại tràng được tiêm golimumab dưới da liều 50 mg hoặc 100 mg mỗi 4 tuần.
Những bệnh nhân phát sinh kháng thể kháng golimumab thường có nồng độ đáy thấp trong huyết thanh của golimumab ở trạng thái ổn định (xem phần Đặc tính dược lực học).
Độ tuyến tính với liều dùng
Golimumab có dược động học tỷ lệ thuận với liều dùng khi tiêm 1 liều tĩnh mạch duy nhất trong khoảng liều từ 0,1 đến 10,0 mg/kg ở bệnh nhân bị RA. Dược động học theo liều dùng cũng được ghi nhận sau khi tiêm một liều duy nhất dưới da trong giới hạn 50 mg-400 mg ở người khỏe mạnh.
Ảnh hưởng của thể trọng lên dược động học
Độ thanh thải biểu kiến của golimumab được ghi nhận có xu hướng gia tăng theo thể trọng (xem phần Liều lượng và Cách dùng).
Quần thể bệnh nhân nhi-đối tượng trẻ em
Dược động học của golimumab được xác định trên 173 trẻ bị pJIA với khoảng tuổi từ 2 đến 17 tuổi. Trong nghiên cứu pJIA, trẻ được sử dụng golimumab 30 mg/m2 (tối đa 50 mg) tiêm dưới da mỗi 4 tuần, đã có trung vị nồng độ đáy golimumab ổn định tương tự các nhóm tuổi khác, và cũng tương tự hoặc cao hơn một chút so với những bệnh nhân RA người lớn sử dụng golimumab 50 mg mỗi 4 tuần.
Mô hình và sự mô phỏng đặc tính dược lực học và dược động học ở trẻ em bị pJIA đã xác nhận mối quan hệ giữa nồng độ trong máu của golimumab với hiệu quả lâm sàng và hỗ trợ chế độ liều 50 mg golimumab mỗi 4 tuần ở trẻ bị pJIA cân nặng tối thiểu 40 kg đạt được hiệu quả tương tự ở người lớn.
Dữ liệu an toàn tiền lâm sàng
Dữ liệu tiền lâm sàng cho thấy không có tác hại đặc biệt cho người dựa vào các nghiên cứu thông thường về dược an toàn, độc tính dùng liều lập lại, độc tính trên khả năng sinh sản và sự phát triển.
Chưa thực hiện các nghiên cứu về khả năng gây đột biến gien, khả năng sinh sản trên động vật cũng như khả năng gây ung thư khi dùng golimumab lâu dài.
Số lượng chuột cái mang thai đã giảm trong một nghiên cứu về khả năng sinh sản và chức năng sinh sản nói chung được tiến hành trên chuột nhắt, bằng cách sử dụng kháng thể tương tự có tác dụng ức chế chọn lọc hoạt động chức năng của TNFα ở chuột nhắt. Vẫn chưa biết rõ liệu phát hiện này là do tác động của thuốc lên chuột đực và/hoặc chuột cái. Không ghi nhận dấu hiệu nào về độc tính cho mẹ, độc tính cho phôi thai hoặc gây quái thai trong một nghiên cứu về độc tính trên sự phát triển ở chuột nhắt bằng cách tiêm cùng loại kháng thể tương tự này, và ở khỉ đuôi dài dùng golimumab.

Chỉ định/Công dụng

Viêm khớp dạng thấp (RA)
SIMPONI, kết hợp với methotrexat (MTX) được chỉ định trong:
• điều trị viêm khớp dạng thấp thể hoạt động, mức độ trung bình đến nặng ở người lớn khi không đáp ứng đầy đủ với thuốc chống thấp khớp cải thiện bệnh (DMARD) bao gồm MTX
• điều trị viêm khớp dạng thấp thể hoạt động, nặng và đang tiến triển ở người lớn chưa được điều trị với MTX trước đây.
Trị liệu SIMPONI kết hợp với MTX đã được chứng minh làm giảm tiến triển tổn thương khớp qua đánh giá hình ảnh X quang và làm cải thiện hoạt động thể chất.
Viêm khớp tự phát thiếu niên
Viêm đa khớp tự phát thiếu niên (pJIA)
SIMPONI kết hợp với MTX được chỉ định cho điều trị viêm đa khớp tự phát thiếu niên ở trẻ có cân nặng tối thiểu 40 kg có đáp ứng không đầy đủ với liệu pháp điều trị MTX trước đó.
Viêm khớp vẩy nến (PsA)
SIMPONI dùng đơn độc hoặc kết hợp với MTX được chỉ định trong điều trị viêm khớp vẩy nến thể hoạt động và tiến triển ở bệnh nhân người lớn không có đáp ứng đầy đủ với trị liệu DMARD trước đó. SIMPONI được chứng minh làm giảm tiến triển tổn thương khớp ngoại biên qua đánh giá hình ảnh X quang ở bệnh nhân có thể bệnh viêm đa khớp đối xứng (xem phần Đặc tính dược lực học) và làm cải thiện hoạt động thể chất.
Viêm cột sống khớp trục
Viêm cột sống dính khớp (AS)
SIMPONI được chỉ định điều trị viêm cột sống dính khớp thể hoạt động, nặng ở người lớn không có đáp ứng đầy đủ với trị liệu thông thường.
Viêm cột sống khớp trục không có hình ảnh tổn thương trên X quang (nr-Axial SpA)
SIMPONI được chỉ định điều trị viêm cột sống khớp trục thể hoạt động, nặng nhưng không có hình ảnh tổn thương trên X quang ở bệnh nhân người lớn có các dấu hiệu khách quan về phản ứng viêm được biểu hiện bởi tăng nồng độ protein phản ứng -C (CRP) và/hoặc bằng chứng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) mà các bệnh nhân này không có đáp ứng đầy đủ hoặc không dung nạp được các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
Viêm loét đại tràng (UC)
SIMPONI được chỉ định điều trị viêm loét đại tràng thể hoạt động, mức độ trung bình đến nặng ở bệnh nhân người lớn không có đáp ứng đầy đủ với trị liệu thông thường bao gồm các corticosteroid và 6-mercaptopurin (6-MP) hoặc azathioprin (AZA), hoặc bệnh nhân không dung nạp thuốc hoặc có các chống chỉ định y khoa dùng các trị liệu như vậy.

Liều lượng & Cách dùng

Trị liệu SIMPONI nên được khởi đầu và giám sát bởi các bác sĩ chuyên môn có kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm đa khớp tự phát thiếu niên, viêm khớp vẩy nến, viêm cột sống dính khớp, viêm cột sống khớp trục không có hình ảnh tổn thương trên X quang, hoặc viêm loét đại tràng. Nên phát Thẻ Cảnh báo cho bệnh nhân khi được điều trị bằng SIMPONI.
LIỀU LƯỢNG
Viêm khớp dạng thấp
Tiêm 50 mg SIMPONI, một lần mỗi tháng và cùng một ngày cho mỗi tháng.
Nên dùng SIMPONI đồng thời với MTX.
Viêm đa khớp tự phát thiếu niên
SIMPONI 50 mg dùng một lần mỗi tháng, cùng một ngày mỗi tháng, cho trẻ có cân nặng tối thiểu 40 kg.
Dữ liệu hiện có cho thấy đáp ứng lâm sàng thường đạt được trong khoảng 12 đến 14 tuần điều trị (sau 3-4 liều).  Nên xem xét điều trị ở trẻ không cho thấy các bằng chứng về lợi ích của việc điều trị.  
Viêm khớp vẩy nến, viêm cột sống dính khớp, hoặc viêm cột sống khớp trục không có hình ảnh tổn thương trên X quang
Tiêm 50 mg SIMPONI một lần mỗi tháng và cùng một ngày cho mỗi tháng.
Đối với tất cả các chỉ định điều trị trên, dữ liệu hiện có cho thấy đáp ứng lâm sàng thường đạt được trong vòng 12 đến 14 tuần điều trị (sau 3-4 liều). Nên xem xét lại việc tiếp tục điều trị ở những bệnh nhân không có bằng chứng về lợi ích điều trị trong khoảng thời gian này.
Bệnh nhân có thể trọng hơn 100kg: Đối với tất cả các chỉ định điều trị trên, khi những bệnh nhân bị RA, PsA, AS, hoặc nr-Axial SpA với thể trọng hơn 100kg không đạt đáp ứng lâm sàng đầy đủ sau 3 hoặc 4 liều dùng, có thể xem xét tăng liều golimumab đến 100 mg một lần mỗi tháng, nhưng phải tính đến tăng nguy cơ xảy ra một số phản ứng có hại nghiêm trọng của thuốc với liều dùng 100 mg so với liều 50 mg (xem phần Tác dụng ngoại ý). Nên cân nhắc lại việc tiếp tục điều trị ở những bệnh nhân không có bằng chứng về lợi ích điều trị sau khi nhận bổ sung 3 đến 4 liều 100 mg.
Viêm loét đại tràng
Bệnh nhân có thể trọng dưới 80kg: SIMPONI liều khởi đầu là 200 mg, liều kế tiếp vào tuần 2 là 100 mg, rồi liều tiếp theo là 50 mg mỗi 4 tuần (xem phần Đặc tính dược lực học).
Bệnh nhân có thể trọng lớn hơn hoặc bằng 80kg: SIMPONI liều khởi đầu là 200 mg, liều kế tiếp vào tuần 2 là 100 mg, rồi liều tiếp theo là 100 mg mỗi 4 tuần (xem phần Đặc tính dược lực học).
Trong thời gian điều trị duy trì, có thể giảm dần liều các corticosteroid theo các hướng dẫn thực hành lâm sàng.
Dữ liệu hiện có cho thấy đáp ứng lâm sàng thường đạt được trong vòng 12 đến 14 tuần điều trị (sau 4 liều). Nên xem xét lại việc điều trị tiếp tục ở những bệnh nhân không có bằng chứng về lợi ích điều trị trong khoảng thời gian này.
Quên thuốc
Nếu bệnh nhân quên tiêm SIMPONI vào ngày dự kiến, nên tiêm liều thuốc đã quên ngay khi nhớ lại. Phải hướng dẫn bệnh nhân không được tiêm liều gấp đôi để bù cho liều thuốc đã quên.
Nên tiêm liều tiếp theo dựa trên hướng dẫn sau đây:
• nếu liều bị quên ít hơn 2 tuần, bệnh nhân nên tiêm liều đã quên và tiếp tục dùng lịch tiêm ban đầu.
• nếu liều bị quên lớn hơn 2 tuần, bệnh nhân nên tiêm liều đã quên và lập một lịch tiêm mới tính từ ngày tiêm liều quên thuốc này.
Đối tượng đặc biệt
Người cao tuổi (≥65 tuổi)
Không cần chỉnh liều ở người cao tuổi.
Suy thận và suy gan
Chưa nghiên cứu sử dụng SIMPONI ở các quần thể bệnh nhân này. Không thể đưa ra liều khuyến cáo sử dụng.
Trẻ em
Chưa xác lập tính an toàn và hiệu quả của SIMPONI ở bệnh nhân dưới 18 tuổi cho các chỉ định ngoại trừ viêm đa khớp tự phát thiếu niên (pJIA).
CÁCH DÙNG
SIMPONI được tiêm dưới da. Sau khi được huấn luyện đúng cách kỹ thuật tiêm dưới da, bệnh nhân có thể tự tiêm SIMPONI nếu bác sĩ thấy phù hợp và có sự giám sát y tế khi cần thiết. Nên hướng dẫn bệnh nhân tiêm toàn bộ lượng thuốc SIMPONI theo hướng dẫn chi tiết về cách dùng thuốc được nêu trong tờ hướng dẫn sử dụng. Nếu cần tiêm nhiều lần, nên tiêm thuốc ở các vị trí khác nhau trên cơ thể.
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG

Cảnh báo

Nhiễm khuẩn
Bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ các bệnh nhiễm khuẩn bao gồm bệnh lao trước khi, trong khi và sau khi điều trị với SIMPONI. Vì việc thải trừ golimumab có thể kéo dài đến 5 tháng, cần tiếp tục giám sát bệnh nhân trong suốt thời kỳ này. Không được tiếp tục điều trị với SIMPONI nếu bệnh nhân phát triển một bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng hoặc nhiễm khuẩn huyết (xem phần Chống chỉ định).
Không nên dùng SIMPONI cho bệnh nhân đang bị bệnh nhiễm khuẩn thể hoạt động, nghiêm trọng trên lâm sàng. Cần thận trọng khi xem xét dùng SIMPONI ở bệnh nhân có bệnh nhiễm khuẩn mạn tính hoặc có tiền sử nhiễm khuẩn tái phát. Bệnh nhân cần được tư vấn thích hợp, và tránh phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ tiềm năng gây nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân đang dùng các thuốc ức chế TNF (yếu tố hoại tử u alpha) thường dễ nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng.
Đã có các báo cáo về các bệnh nhiễm khuẩn (bao gồm nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi), nhiễm khuẩn Mycobacterium (bao gồm bệnh lao), nhiễm nấm xâm lấn và nhiễm khuẩn cơ hội, thậm chí gây tử vong xảy ra ở các bệnh nhân dùng SIMPONI. Một số các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng này đã xảy ra ở bệnh nhân đang đồng thời dùng thuốc ức chế miễn dịch, cùng với tình trạng bệnh lý có sẵn nên dễ có khả năng mắc bệnh nhiễm khuẩn. Cần theo dõi chặt chẽ và tiến hành đánh giá chẩn đoán đầy đủ khi xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn mới ở những bệnh nhân đang điều trị với SIMPONI. Nên ngừng trị liệu SIMPONI nếu một bệnh nhân phát triển một bệnh nhiễm khuẩn mới nghiêm trọng hoặc bị nhiễm khuẩn huyết, và nên bắt dầu dùng liệu pháp kháng khuẩn hoặc kháng nấm thích hợp cho đến khi kiểm soát được bệnh nhiễm khuẩn này.
Đối với bệnh nhân đang cư trú hoặc đi du lịch đến các vùng có các dịch bệnh nhiễm nấm xâm lấn như bệnh nấm histoplasma, bệnh nấm coccidioides, hoặc bệnh nấm blastomyces, cần phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ trước khi bắt đầu điều trị với SIMPONI. Ở những bệnh nhân có nguy cơ cao khi điều trị với SIMPONI, nên nghĩ đến nhiễm nấm xâm lấn khi bệnh nhân phát triển một bệnh toàn thân nghiêm trọng. Khi tiến hành chẩn đoán và sử dụng trị liệu kháng nấm theo kinh nghiệm ở các bệnh nhân này, nếu có thể, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về chăm sóc bệnh nhân nhiễm nấm xâm lấn.
Bệnh lao
Đã có các báo cáo về bệnh lao xảy ra ở bệnh nhân đang dùng SIMPONI. Cần lưu ý rằng trong đa số các báo cáo, bệnh lao xảy ra ngoài phổi, biểu hiện tại chỗ hoặc lan tỏa.
Trước khi bắt đầu điều trị với SIMPONI, tất cả các bệnh nhân phải được đánh giá về bệnh lao cho cả hai thể hoạt động và không hoạt động ('tiềm ẩn'). Việc đánh giá này sẽ bao gồm tiền sử chi tiết với tiền sử mắc bệnh lao của cá nhân hoặc có thể tiếp xúc trước đây với người mắc bệnh lao và liệu pháp ức chế miễn dịch đã dùng trước đây và/hoặc hiện tại. Nên thực hiện các xét nghiệm tầm soát thích hợp, tức là phản ứng lao tố ở da hoặc xét nghiệm máu và chụp X quang cho tất cả các bệnh nhân (có thể áp dụng các khuyến cáo của địa phương). Đề nghị nên ghi chép việc tiến hành các xét nghiệm này vào thẻ cảnh báo của bệnh nhân. Bác sĩ điều trị nên lưu ý đến nguy cơ phản ứng lao tố có kết quả âm tính giả, đặc biệt ở những bệnh nhân bị ốm nặng hoặc bị suy giảm miễn dịch.
Nếu có chẩn đoán bệnh lao thể hoạt động, không được bắt đầu điều trị với SIMPONI (xem phần Chống chỉ định).
Nếu nghi ngờ nhiễm lao tiềm ẩn, nên tư vấn với bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị bệnh lao. Trong tất cả các trường hợp được mô tả sau đây, nên xem xét cẩn thận cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng trị liệu SIMPONI.
Nếu chẩn đoán bệnh lao thể không hoạt động (‘tiềm ẩn’), phải bắt đầu điều trị bệnh lao tiềm ẩn với các thuốc kháng lao trước khi bắt đầu dùng SIMPONI, và tuân theo các khuyến cáo của địa phương.
Điều trị kháng lao cần được cân nhắc trước khi bắt đầu dùng SIMPONI ở các bệnh nhân có nhiều hoặc có các yếu tố nguy cơ quan trọng dễ nhiễm bệnh lao mà xét nghiệm lao tiềm ẩn âm tính. Điều trị kháng lao cũng cần xem xét trước khi bắt đầu dùng SIMPONI ở những bệnh nhân có tiền sử lao thể tiềm ẩn hoặc thể hoạt động nhưng không thể khẳng định được liệu trình điều trị bệnh lao đã đầy đủ.
Đã có các trường hợp lao thể hoạt động xuất hiện ở bệnh nhân sử dụng SIMPONI trong và sau khi điều trị lao tiềm ẩn. Bệnh nhân dùng SIMPONI cần được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu và triệu chứng của lao thể hoạt động, bao gồm cả bệnh nhân có xét nghiệm âm tính với nhiễm lao tiềm ẩn, bệnh nhân đang điều trị lao tiềm ẩn, hoặc bệnh nhân trước đó đã điều trị nhiễm khuẩn lao.
Nên đề nghị tất cả bệnh nhân tham khảo ý kiến bác sỹ nếu có các dấu hiệu hoặc triệu chứng gợi ý bệnh lao (như ho dai dẳng, gầy ốm/sụt cân, sốt nhẹ) xuất hiện trong lúc hoặc sau khi điều trị với SIMPONI.
Tái hoạt động virus viêm gan B
Đã xảy ra các trường hợp tái hoạt động viêm gan B (HBV) ở những bệnh nhân là người lành mang virus mạn tính (nghĩa là có xét nghiệm kháng nguyên bề mặt dương tính) đang dùng thuốc ức chế TNF, bao gồm cả SIMPONI. Một số trường hợp đã dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân cần được xét nghiệm nhiễm HBV trước khi bắt đầu điều trị với SIMPONI. Đối với bệnh nhân có xét nghiệm nhiễm HBV dương tính, đề nghị tư vấn với bác sĩ chuyên khoa về điều trị viêm gan B.
Bệnh nhân mang HBV mạn tính cần dùng trị liệu SIMPONI phải được theo dõi chặt chẽ về các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm gan B thể hoạt động trong quá trình điều trị và vài tháng sau khi ngừng điều trị. Vẫn chưa có các dữ liệu đầy đủ về điều trị bệnh nhân là người mang mầm bệnh HBV với thuốc kháng virus kết hợp với thuốc ức chế TNF để ngăn chặn HBV tái hoạt động. Ở những bệnh nhân phát triển HBV tái hoạt động, nên ngừng dùng SIMPONI và bắt đầu dùng liệu pháp kháng virus hữu hiệu cùng trị liệu hỗ trợ thích hợp.
Các u ác tính và các rối loạn tăng sinh lympho
Vai trò tiềm ẩn của trị liệu ức chế TNF trong sự phát triển các bệnh u ác tính vẫn chưa biết rõ.
Dựa trên kiến thức hiện nay, không thể loại trừ nguy cơ có thể xảy ra về sự phát triển các u lympho, bệnh bạch cầu hoặc các u ác tính khác ở bệnh nhân được điều trị với thuốc ức chế TNF. Cần thận trọng khi xem xét trị liệu ức chế TNF cho các bệnh nhân có tiền sử bệnh u ác tính hoặc khi cân nhắc tiếp tục điều trị cho bệnh nhân mới xuất hiện bệnh u ác tính.
U ác tính ở trẻ em
Đã có các báo cáo hậu mãi về các bệnh u ác tính, trong đó một số trường hợp tử vong trong số trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi (lên tới 22 tuổi) dùng thuốc ức chế TNF (bắt đầu điều trị lúc ≤18 tuổi). Khoảng một nửa (½) các trường hợp này là các u lympho. Số còn lại mắc các bệnh u ác tính khác nhau và cả các bệnh u ác tính hiếm gặp thường liên quan đến thuốc ức chế miễn dịch. Không thể loại trừ nguy cơ phát triển các bệnh u ác tính ở trẻ em và thanh thiếu niên được điều trị với các thuốc ức chế TNF.
U lympho và bệnh bạch cầu
Trong giai đoạn dùng thuốc đối chứng của các thử nghiệm lâm sàng với tất cả các thuốc ức chế TNF bao gồm SIMPONI, số trường hợp u lympho xảy ra nhiều hơn ở bệnh nhân dùng thuốc kháng TNF khi so với nhóm chứng. Trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn IIb và giai đoạn III với SIMPONI trên viêm khớp dạng thấp (RA), viêm khớp vẩy nến (PsA) và viêm cột sống dính khớp (AS), tỷ lệ mới mắc u lympho ở nhóm bệnh nhân điều trị với SIMPONI cao hơn so với dự kiến trong quần thể chung. Đã có các báo cáo về bệnh bạch cầu xảy ra ở bệnh nhân dùng SIMPONI. Nguy cơ cơ bản về u lympho và bệnh bạch cầu đã gia tăng ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp với bệnh lý viêm đã có từ lâu và có hoạt tính cao; điều này làm phức tạp việc ước lượng các nguy cơ.
Hiếm có báo cáo hậu mãi về u lympho tế bào T thể gan-lách (HSTCL) ở bệnh nhân sử dụng các thuốc ức chế TNF khác (xem phần Tác dụng ngoại ý). Loại u lympho tế bào T hiếm gặp này có quá trình diễn tiến bệnh rất nhanh và thường gây tử vong. Hầu hết các trường hợp này xuất hiện ở thanh thiếu niên và bệnh nhân nam trẻ tuổi mà hầu hết các bệnh nhân này đều sử dụng đồng thời azathioprin (AZA) hoặc 6-mercaptopurin (6-MP) để điều trị bệnh viêm ruột. Cần xem xét cẩn thận nguy cơ tiềm ẩn khi phối hợp AZA hoặc 6-MP với SIMPONI. Không thể loại trừ nguy cơ phát triển u lympho tế bào T thể gan-lách ở bệnh nhân sử dụng các thuốc ức chế TNF.
U ác tính khác không phải u lympho
Trong giai đoạn dùng thuốc đối chứng của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn IIb và III với SIMPONI trên các bệnh nhân bị RA, PsA, AS, và UC, tỷ lệ mới mắc u ác tính không phải u lympho (không bao gồm ung thư da không phải u hắc tố) là như nhau giữa nhóm SIMPONI và nhóm chứng.
Loạn sản/ung thư đại tràng
Vẫn chưa biết rõ ảnh hưởng của trị liệu golimumab lên nguy cơ phát triển loạn sản hoặc ung thư đại tràng. Cần khám tầm soát định kỳ về loạn sản trước và trong khi điều trị bệnh cho tất cả bệnh nhân bị viêm loét đại tràng có nguy cơ loạn sản hoặc ung thư đại tràng gia tăng (ví dụ, bệnh nhân bị viêm loét đại tràng lâu ngày hoặc viêm xơ đường mật nguyên phát), hoặc những bệnh nhân có tiền sử loạn sản hoặc ung thư đại tràng. Đánh giá tầm soát nên bao gồm nội soi đại tràng và sinh thiết theo khuyến cáo của địa phương. Đối với những bệnh nhân mới được chẩn đoán loạn sản trong quá trình điều trị SIMPONI, cần xem xét kỹ về lợi ích và nguy cơ cho từng bệnh nhân và cân nhắc có nên tiếp tục điều trị hay không.
Trong một thử nghiệm lâm sàng thăm dò đánh giá việc sử dụng SIMPONI cho bệnh nhân bị hen nặng kéo dài, các báo cáo về u ác tính xảy ra nhiều hơn ở bệnh nhân dùng SIMPONI khi so với nhóm chứng (xem phần Tác dụng ngoại ý). Ý nghĩa của phát hiện này vẫn chưa được biết rõ.
Trong một thử nghiệm lâm sàng thăm dò đánh giá việc sử dụng một thuốc kháng TNF khác là infliximab trên bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) từ trung bình đến nặng, nhiều khối u ác tính, chủ yếu ở phổi hoặc đầu và cổ, đã được báo cáo ở nhóm dùng infliximab so với nhóm chứng. Tất cả các bệnh nhân đều có tiền sử nghiện thuốc lá nặng. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng bất kỳ thuốc ức chế TNF ở bệnh nhân COPD, cũng như ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc u ác tính gia tăng do nghiện thuốc lá nặng.
Ung thư da
U hắc tố ác tính và ung thư biểu mô tế bào Merkel đã được báo cáo ở những bệnh nhân sử dụng các thuốc ức chế TNF, bao gồm SIMPONI (xem phần Tác dụng ngoại ý). Khám da định kỳ được khuyến cáo, đặc biệt cho những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ về ung thư da.
Suy tim sung huyết
Đã có các báo cáo về các trường hợp suy tim sung huyết diễn biến xấu đi và suy tim sung huyết mới khởi phát khi dùng các thuốc ức chế TNF, bao gồm SIMPONI. Một vài trường hợp đã tử vong. Một thử nghiệm lâm sàng với một thuốc ức chế TNF khác đã ghi nhận suy tim sung huyết diễn biến xấu đi và tỷ lệ tử vong đã gia tăng vì suy tim sung huyết. Chưa nghiên cứu SIMPONI trên những bệnh nhân suy tim sung huyết. Cần thận trọng khi dùng SIMPONI cho bệnh nhân bị suy tim nhẹ (phân loại NYHA I/II). Nên theo dõi bệnh nhân chặt chẽ và phải ngừng dùng SIMPONI nếu bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng hoặc triệu chứng suy tim trước đó trở nên xấu đi (xem phần Chống chỉ định).
Các biến cố về thần kinh
Sử dụng thuốc ức chế TNF, bao gồm SIMPONI có liên quan với các trường hợp mới khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng lâm sàng và/hoặc bằng chứng trên X quang của các rối loạn thoái hóa myelin tại hệ thần kinh trung ương, bao gồm bệnh đa xơ cứng và rối loạn thoái hóa myelin ngoại biên. Cần cân nhắc cẩn thận lợi ích và nguy cơ của trị liệu ức chế TNF trước khi bắt đầu dùng trị liệu SIMPONI ở bệnh nhân đã có rối loạn thoái hóa myelin từ trước hoặc mới khởi phát. Nên xem xét ngừng trị liệu SIMPONI khi xuất hiện các rối loạn này (xem phần Tác dụng ngoại ý).
Phẫu thuật
Kinh nghiệm còn hạn chế về tính an toàn của SIMPONI trên bệnh nhân trải qua phẫu thuật, bao gồm chỉnh hình khớp. Nếu lên kế hoạch phẫu thuật, cần tính đến thời gian bán hủy kéo dài của thuốc. Nên giám sát chặt chẽ các bệnh nhiễm khuẩn và có hành động phù hợp đối với bệnh nhân cần phẫu thuật trong khi đang điều trị với SIMPONI.
Ức chế miễn dịch
Các thuốc ức chế TNF, bao gồm SIMPONI có khả năng ảnh hưởng đến cơ chế phòng vệ của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và các bệnh ác tính vì TNF có vai trò trung gian trong phản ứng viêm và điều hòa đáp ứng miễn dịch tế bào.
Quá trình tự miễn
Việc thiếu hụt tương đối TNFα do thuốc ức chế TNF gây ra có thể dẫn đến khởi đầu quá trình tự miễn. Nếu một bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng gợi ý của hội chứng giống lupus sau khi điều trị với SIMPONI và xuất hiện kháng thể kháng DNA sợi kép, phải ngừng điều trị với SIMPONI (xem phần Tác dụng ngoại ý).
Phản ứng huyết học
Đã có các báo cáo hậu mãi về giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu bất sản, và giảm tiểu cầu ở các bệnh nhân dùng các thuốc ức chế TNF. Giảm các huyết cầu bao gồm giảm toàn thể huyết cầu được báo cáo ít xảy ra khi dùng SIMPONI trong các thử nghiệm lâm sàng. Tất cả các bệnh nhân cần được tư vấn để chăm sóc y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý rối loạn tạo máu (như sốt dai dẳng, bầm tím, chảy máu, xanh xao). Cần xem xét ngừng điều trị SIMPONI ở những bệnh nhân có các bất thường đáng kể về huyết học đã được xác định.
Sử dụng đồng thời các thuốc ức chế TNF với anakinra
Đã gặp nhiễm khuẩn nghiêm trọng và giảm bạch cầu trung tính trong các nghiên cứu lâm sàng sử dụng đồng thời anakinra với thuốc ức chế TNF khác là etanercept, mà không có thêm lợi ích trên lâm sàng. Do bản chất của các biến cố bất lợi gặp trong điều trị phối hợp này, các độc tính tương tự có thể xảy ra khi phối hợp anakinra với các thuốc ức chế TNF khác. Không khuyến cáo dùng phối hợp SIMPONI với anakinra.
Sử dụng đồng thời các thuốc ức chế TNF với abatacept
Trong các nghiên cứu lâm sàng, sử dụng đồng thời các thuốc ức chế TNF với abatacept làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, bao gồm nhiễm khuẩn nghiêm trọng khi so với dùng thuốc ức chế TNF đơn độc, mà không có thêm lợi ích trên lâm sàng. Không khuyến cáo dùng phối hợp SIMPONI với abatacept.
Sử dụng đồng thời với các liệu pháp sinh học khác
Không có đủ thông tin về việc sử dụng đồng thời SIMPONI với các liệu pháp sinh học khác được dùng để điều trị các bệnh lý tương tự như chỉ định điều trị của SIMPONI. Sử dụng phối hợp SIMPONI với các liệu pháp sinh học khác không được khuyến cáo vì có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, và các tương tác dược lý tiềm năng khác.
Chuyển đổi giữa các liệu pháp sinh học DMARD
Cần thận trọng khi chuyển đổi thuốc sinh học này bằng thuốc sinh học khác và bệnh nhân phải được tiếp tục giám sát do hoạt tính sinh học trùng lắp có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng bất lợi, bao gồm nhiễm khuẩn.
Chủng ngừa/tác nhân lây nhiễm để chữa bệnh
Trong thời gian điều trị với SIMPONI, bệnh nhân có thể được tiêm chủng, ngoại trừ vaccin sống (xem phần Tương tác và Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú). Dữ liệu vẫn còn hạn chế về đáp ứng tiêm chủng với vaccin sống, hoặc nhiễm khuẩn do lây nhiễm thứ phát từ vaccin sống ở bệnh nhân đang dùng thuốc kháng TNF. Sử dụng vaccin sống có thể gây nhiễm khuẩn trên lâm sàng, bao gồm nhiễm khuẩn lan tỏa.
Sử dụng các tác nhân lây nhiễm khác để điều trị như vi khuẩn sống giảm độc (ví dụ, truyền nhỏ giọt BCG vào bàng quang để điều trị ung thư) có thể gây nhiễm khuẩn lâm sàng, bao gồm nhiễm khuẩn lan tỏa. Không khuyến cáo sử dụng đồng thời các tác nhân lây nhiễm để chữa bệnh cùng với SIMPONI.
Phản ứng dị ứng
Theo kinh nghiệm hậu mãi, phản ứng quá mẫn toàn thân nghiêm trọng (kể cả phản ứng phản vệ) đã được ghi nhận sau khi tiêm SIMPONI. Một số trong các phản ứng đó xảy ra ngay sau khi sử dụng SIMPONI lần đầu. Nếu có phản ứng phản vệ hoặc các phản ứng dị ứng nghiêm trọng khác xảy ra, phải dừng tiêm SIMPONI ngay và tiến hành điều trị thích hợp.
Nhạy cảm với mủ cao su (latex)
Nắp đậy kim của bút tiêm hoặc bơm tiêm chứa sẵn thuốc được sản xuất bằng cao su tự nhiên khô có chứa mủ cao su (latex), và có thể gây phản ứng dị ứng cho người nhạy cảm với latex.
Đối tượng đặc biệt
Người cao tuổi (≥65 tuổi):
Trong các nghiên cứu giai đoạn III trên bệnh nhân bị RA, PsA, AS và UC, không thấy những khác biệt nói chung về các biến cố bất lợi (AE), các biến cố bất lợi nghiêm trọng (SAE) và các nhiễm khuẩn nặng khi dùng SIMPONI ở bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên so với những bệnh nhân trẻ tuổi hơn. Tuy nhiên, cần thận trọng khi điều trị cho người cao tuổi và cần chú ý đặc biệt về sự xuất hiện các nhiễm khuẩn. Nghiên cứu nr-Axial SpA không có bệnh nhân từ 45 tuổi trở lên.
Suy thận và suy gan
Chưa thực hiện các nghiên cứu chuyên biệt sử dụng SIMPONI trên bệnh nhân bị suy thận hoặc suy gan. Nên cẩn thận khi dùng SIMPONI cho các đối tượng suy giảm chức năng gan (xem phần Liều lượng và Cách dùng).
Trẻ em
Tiêm chủng: Nếu có thể, khuyến cáo trước khi bắt đầu điều trị SIMPONI, bệnh nhân nhi nên được tiêm đầy đủ tất cả các tiêm chủng phù hợp với hướng dẫn tiêm chủng.
Tá dược
SIMPONI chứa sorbitol (E420). Không nên dùng SIMPONI cho bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp fructose.
Khả năng cấp phát thuốc nhầm lẫn
SIMPONI được đăng ký sử dụng ở hàm lượng 50 mg và 100 mg tiêm dưới da. Điều quan trọng là phải dùng đúng hàm lượng để tiêm đúng liều thuốc được chỉ định trong phần liều dùng (xem phần Liều lượng và Cách dùng). Cần thận trọng để cấp thuốc đúng hàm lượng nhằm bảo đảm bệnh nhân không dùng thuốc dưới liều hoặc quá liều chỉ định.
Ảnh hưởng trên khả năng lái xe và vận hành máy móc
SIMPONI có thể có ảnh hưởng không đáng kể trên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Chóng mặt có thể xảy ra sau khi tiêm SIMPONI (xem phần Tác dụng ngoại ý).

Quá Liều

Liều đơn đến 10 mg/kg dùng đường tĩnh mạch đã được sử dụng trong một nghiên cứu lâm sàng mà không có độc tính phụ thuộc liều. Nếu quá liều, đề nghị theo dõi bệnh nhân về bất kỳ các dấu hiệu hoặc triệu chứng của tác dụng bất lợi và tiến hành điều trị triệu chứng phù hợp ngay lập tức.

Chống chỉ định

Quá mẫn với hoạt chất hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Bệnh lao (TB) thể hoạt động hoặc các bệnh nhiễm khuẩn nặng khác như nhiễm khuẩn huyết, và nhiễm khuẩn cơ hội (xem phần Cảnh báo).
Suy tim vừa hoặc nặng (phân loại NYHA III/IV) (xem phần Cảnh báo).

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ có khả năng sinh con
Phụ nữ có khả năng sinh con phải dùng biện pháp tránh thai thích hợp để ngừa thai và vẫn tiếp tục dùng biện pháp tránh thai ít nhất 6 tháng sau khi dùng liều golimumab cuối cùng.
Phụ nữ có thai
Không có dữ liệu đầy đủ về sử dụng golimumab ở phụ nữ có thai. Do tác dụng ức chế TNF, dùng golimumab trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch bình thường ở trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu trên động vật không cho thấy các tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với việc mang thai, sự phát triển phôi/thai, quá trình sinh đẻ hoặc phát triển sau sinh (xem phần Dữ liệu an toàn tiền lâm sàng). Không khuyến cáo sử dụng golimumab ở phụ nữ mang thai; chỉ dùng golimumab cho phụ nữ có thai khi thật cần thiết.
Golimumab qua được nhau thai. Sau khi điều trị với một kháng thể đơn dòng ức chế TNF trong giai đoạn mang thai, kháng thể được phát hiện đến 6 tháng trong huyết thanh của trẻ sơ sinh được sinh ra từ các phụ nữ đã dùng thuốc này. Hậu quả là những trẻ sơ sinh này có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn. Không khuyến cáo tiêm chủng vaccin sống cho trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với golimumab trong tử cung mẹ, tính từ 6 tháng sau lần tiêm golimumab cuối cùng cho người mẹ trong quá trình mang thai (xem phần Cảnh báo và Tương tác).
Cho con bú
Vẫn chưa biết rõ golimumab được tiết vào sữa người mẹ hoặc được hấp thu toàn thân sau khi trẻ bú sữa mẹ hay không. Golimumab được chứng minh tiết vào sữa ở khỉ, và vì các globulin miễn dịch của người cũng tiết vào sữa mẹ, nên không được cho con bú trong lúc điều trị và ít nhất trong vòng 6 tháng sau khi kết thúc điều trị với golimumab.
Khả năng sinh sản
Không tiến hành nghiên cứu về khả năng sinh sản trên động vật dùng golimumab. Một nghiên cứu về khả năng sinh sản ở chuột, bằng cách sử dụng một kháng thể tương tự có tác dụng ức chế chọn lọc hoạt động chức năng của TNFα ở chuột, đã cho thấy không có tác dụng nào liên quan đến khả năng sinh sản (xem phần Dữ liệu an toàn tiền lâm sàng).

Tương tác

Chưa thực hiện các nghiên cứu tương tác thuốc.
Sử dụng đồng thời với các liệu pháp sinh học khác
Không khuyến cáo phối hợp SIMPONI với các trị liệu sinh học khác được dùng để điều trị các bệnh lý tương tự như chỉ định điều trị của SIMPONI, bao gồm anakinra và abatacept (xem phần Cảnh báo).
Vaccin sống/tác nhân lây nhiễm để chữa bệnh
Không dùng vaccin sống đồng thời với SIMPONI (xem phần Cảnh báo và Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú).
Không dùng các tác nhân lây nhiễm để chữa bệnh cùng lúc với SIMPONI (xem phần Cảnh báo).
Methotrexat
Mặc dù sử dụng đồng thời methotrexat làm nồng độ đáy ở trạng thái ổn định của SIMPONI tăng cao hơn ở bệnh nhân bị RA, PsA hoặc AS, nhưng dữ liệu hiện có không đề xuất phải chỉnh liều SIMPONI hoặc methotrexat (xem phần Đặc tính dược động học).

Tương kỵ

Vì không có các nghiên cứu về khả năng tương thích, không được pha trộn thuốc này với các thuốc khác.

Tác dụng ngoại ý

Tóm tắt hồ sơ về tính an toàn
Trong giai đoạn đối chứng của các thử nghiệm then chốt về RA, PsA, AS, nr-Axial SpA, và viêm loét đại tràng (UC), nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là phản ứng bất lợi của thuốc (ADR) thường gặp nhất được báo cáo trong 12,6% số bệnh nhân dùng trị liệu golimumab so với 11,0% ở nhóm chứng. Các ADR nghiêm trọng nhất đã được báo cáo khi dùng golimumab là các nhiễm khuẩn nghiêm trọng (bao gồm nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, lao, nhiễm nấm xâm lấn và nhiễm khuẩn cơ hội), rối loạn thoái hóa myelin, tái hoạt động HBV, suy tim sung huyết, các quá trình tự miễn (hội chứng giống lupus), các phản ứng huyết học, quá mẫn toàn thân nghiêm trọng (bao gồm phản ứng phản vệ), viêm mạch máu, u lympho và bệnh bạch cầu (xem phần Cảnh báo).
Bảng danh sách các phản ứng bất lợi
Bảng liệt kê các phản ứng bất lợi của thuốc khi dùng golimumab được ghi nhận trong các nghiên cứu lâm sàng và trong các báo cáo hậu mãi trên toàn cầu. Trong phạm vi các nhóm hệ thống cơ quan cụ thể, các phản ứng bất lợi của thuốc được liệt kê theo tần suất và sử dụng quy ước sau đây: rất thường gặp (≥1/10), thường gặp (≥1/100 đến <1/10), ít gặp (≥1/1000 đến <1/100), hiếm gặp (≥1/10.000 đến <1/1.000), rất hiếm gặp (<1/10.000), không rõ (không thể ước lượng từ dữ liệu có sẵn). Trong mỗi nhóm tần suất, các phản ứng bất lợi được thể hiện với thứ tự theo mức độ nghiêm trọng giảm dần.
- xem Bảng 8.

Qua mục này, trung vị thời gian theo dõi (xấp xỉ 4 năm) được trình bày chung cho tất cả các hình thức sử dụng golimumab. Sử dụng golimumab được mô tả theo liều, trung vị thời gian theo dõi khác nhau (xấp xỉ 2 năm cho liều 50 mg, xấp xỉ 3 năm cho liều 100 mg) vì bệnh nhân có thể chuyển đổi giữa các liều.
Mô tả các phản ứng bất lợi chọn lọc
Nhiễm khuẩn
Trong giai đoạn đối chứng của các thử nghiệm then chốt, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là phản ứng bất lợi hay gặp nhất, xảy ra ở 12,6% số bệnh nhân được điều trị với golimumab (tỷ lệ mới mắc trên 100 đối tượng-các năm là 60,8; 95% CI là 55; 67,1), so với 11,0% ở nhóm chứng (tỷ lệ trên 100 đối tượng-các năm là 54,5; 95% CI là 46,1; 64,0). Trong giai đoạn có đối chứng và không đối chứng của các nghiên cứu này với trung vị thời gian theo dõi xấp xỉ 4 năm, tỷ lệ mới mắc trên 100 đối tượng-các năm về nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là 34,9 biến cố; 95% CI là 33,8; 36,0 đối với bệnh nhân điều trị với golimumab.
Trong giai đoạn đối chứng của các thử nghiệm then chốt, nhiễm khuẩn đã xảy ra ở 23,0% số bệnh nhân dùng golimumab (tỷ lệ mới mắc trên 100 đối tượng-các năm là 132,0; 95% CI là 123,3; 141,1), so với 20,2% ở nhóm chứng (tỷ lệ trên 100 đối tượng-các năm là 122,3; 95% CI là 109,5; 136,2). Trong giai đoạn có đối chứng và không đối chứng của các thử nghiệm này với trung vị thời gian theo dõi xấp xỉ 4 năm, tỷ lệ mới mắc nhiễm khuẩn trên 100 đối tượng-các năm là 81,1 biến cố; 95% CI là 79,5; 82,8 đối với bệnh nhân điều trị với golimumab.
Trong giai đoạn đối chứng của các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân bị RA, PsA, AS và nr-Axial SpA, nhiễm khuẩn nghiêm trọng xảy ra ở 1,2% số bệnh nhân điều trị với golimumab và 1,2% ở nhóm chứng. Tỷ lệ mới mắc của nhiễm khuẩn nghiêm trọng trên 100 đối tượng-các năm theo dõi trong giai đoạn dùng thuốc đối chứng của các thử nghiệm lâm sàng về RA, PsA, AS và nr-Axial SpA là 7,3; 95% CI là 4,6; 11,1 ở nhóm golimumab 100 mg, 2,9; 95% CI là 1,2; 6,0 ở nhóm dùng golimumab 50 mg và 3,6; 95% CI là 1,5; 7,0 ở nhóm dùng giả dược. Trong giai đoạn có đối chứng của những thử nghiệm lâm sàng với golimumab dẫn nhập điều trị bệnh viêm loét đại tràng, tỷ lệ nhiễm khuẩn nghiêm trọng là 0,8% ở nhóm bệnh nhân sử dụng golimumab so với 1,5% ở nhóm bệnh nhân dùng thuốc đối chứng. Nhiễm khuẩn nghiêm trọng xảy ra ở những bệnh nhân được điều trị golimumab là bệnh lao, nhiễm khuẩn bao gồm nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, nhiễm nấm xâm lấn và các nhiễm khuẩn cơ hội khác. Một số trường hợp nhiễm khuẩn này đã tử vong. Trong các giai đoạn có đối chứng và không có đối chứng của các thử nghiệm then chốt này với trung vị thời gian theo dõi lên đến 3 năm, tỷ lệ mới mắc nhiễm khuẩn nghiêm trọng gồm nhiễm khuẩn cơ hội và nhiễm lao ở những bệnh nhân điều trị với 100 mg golimumab thì cao hơn so với những bệnh nhân nhận golimumab liều 50 mg. Tỷ lệ mới mắc trên 100 bệnh nhân-các năm của tất cả các nhiễm khuẩn nghiêm trọng là 4,1; 95% CI là 3,6; 4,5 ở nhóm dùng 100 mg golimumab và 2,5; 95% CI là 2,0; 3,1 ở nhóm dùng 50 mg golimumab.
U ác tính
U lympho
Tỷ lệ mới mắc u lympho ở bệnh nhân điều trị với golimumab trong các thử nghiệm then chốt này được ghi nhận cao hơn so với dự kiến ở quần thể chung. Trong các giai đoạn có đối chứng và không có đối chứng của các thử nghiệm này với trung vị thời gian theo dõi lên đến 3 năm, tỷ lệ phát sinh u lympho ở nhóm dùng 100 mg golimumab cao hơn so với nhóm dùng 50 mg golimumab. Có 11 đối tượng được chẩn đoán u lympho (1 bệnh nhân trong nhóm dùng golimumab 50 mg và 10 bệnh nhân trong nhóm dùng golimumab 100 mg) với tỷ lệ (95% CI) trên 100 đối tượng-các năm theo dõi là 0,03 (0,00; 0,15) và 0,13 (0,06; 0,24) biến cố, tương ứng với nhóm dùng golimumab liều 50 mg và 100 mg so với 0,00 (0,00; 0,57) biến cố ở nhóm dùng giả dược. Đa số các trường hợp u lympho xảy ra ở nghiên cứu GO-AFTER, gồm những bệnh nhân thu nhận đã từng dùng các thuốc ức chế TNF trước đó, có thời gian bị bệnh dài hơn và bệnh khó điều trị hơn (xem phần Cảnh báo).
U ác tính không phải u lympho
Trong các giai đoạn đối chứng của các thử nghiệm then chốt và trong suốt thời gian theo dõi khoảng 4 năm, tỷ lệ phát sinh u ác tính không phải u lympho (ngoại trừ ung thư da không phải u hắc tố) là tương tự nhau giữa nhóm golimumab và nhóm chứng. Qua khoảng 4 năm theo dõi, tỷ lệ phát sinh u ác tính không phải u lympho (ngoại trừ ung thư da không phải u hắc tố) cũng tương đương như ở quần thể chung.
Trong các giai đoạn có đối chứng và không có đối chứng của các thử nghiệm lâm sàng then chốt với trung vị thời gian theo dõi lên đến 3 năm, ung thư da không phải u hắc tố đã được chẩn đoán ở 5 bệnh nhân dùng giả dược, 10 bệnh nhân dùng golimumab 50 mg và 31 bệnh nhân dùng golimumab 100 mg với tỷ lệ mới mắc (95% CI) trên 100 đối tượng - các năm theo dõi là 0,36 (0,26; 0,49) cho cả hai nhóm golimumab gộp lại và 0,87 (0,28; 2,04) đối với nhóm giả dược.
Trong các giai đoạn có đối chứng và không có đối chứng của các thử nghiệm lâm sàng then chốt với trung vị thời gian theo dõi lên đến 3 năm, các khối u ác tính ngoài u hắc tố ác tính, ung thư da không phải u hắc tố và u lympho đã được chẩn đoán ở 5 bệnh nhân dùng giả dược, 21 bệnh nhân dùng golimumab 50 mg và 34 bệnh nhân dùng golimumab 100 mg với tỷ lệ mới mắc (95% CI) trên 100 đối tượng-các năm theo dõi là 0,48 (0,36; 0,62) cho cả hai nhóm golimumab gộp lại và 0,87 (0,28; 2,04) đối với giả dược (xem phần Cảnh báo).
Các trường hợp được báo cáo trong nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân hen
Trong một nghiên cứu lâm sàng thăm dò, bệnh nhân bị hen nặng kéo dài nhận golimumab một liều cao tấn công (150% liều điều trị được chỉ định) tiêm dưới da ở tuần 0, sau đó là golimumab 200 mg, golimumab 100 mg hoặc golimumab 50 mg mỗi 4 tuần tiêm dưới da đến tuần 52. Đã có 8 trường hợp báo cáo bị khối u ác tính ở cả hai nhóm golimumab gộp lại (n=230) và không có trường hợp nào trong nhóm điều trị giả dược (n=79). U lympho đã được báo cáo ở 1 bệnh nhân, ung thư da không phải u hắc tố ở 2 bệnh nhân, và các u ác tính khác ở 5 bệnh nhân. Không có sự phân nhóm cụ thể của bất kỳ loại u ác tính.
Trong giai đoạn đối chứng với giả dược của nghiên cứu này, tỷ lệ phát sinh (95% CI) của tất cả các khối u ác tính trên 100 đối tượng-các năm theo dõi là 3,19 (1,38; 6,28) trong nhóm golimumab. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ phát sinh (95% CI) trên 100 đối tượng-các năm theo dõi trong nhóm dùng golimumab là 0,40 (0,01; 2,20) cho u lympho, 0,79 (0,10; 2,86) cho ung thư da không phải u hắc tố, và 1,99 (0,64; 4,63) cho các khối u ác tính khác. Đối với các đối tượng dùng giả dược, tỷ lệ phát sinh (95% CI) trên 100 đối tượng-các năm theo dõi của các khối u ác tính này là 0,00 (0,00; 2,94). Vẫn chưa biết rõ ý nghĩa của phát hiện này.
Các biến cố thần kinh
Trong các giai đoạn có đối chứng và không có đối chứng của các thử nghiệm then chốt với trung vị thời gian theo dõi lên đến 3 năm, tỷ lệ bị thoái hóa myelin được ghi nhận cao hơn ở nhóm bệnh nhân dùng golimumab 100 mg so với nhóm dùng golimumab 50 mg (xem phần Cảnh báo).
Tăng men gan
Trong giai đoạn đối chứng của các thử nghiệm then chốt về RA và PsA, ALT tăng nhẹ (>1 và <3 lần giới hạn trên giá trị bình thường (ULN)) đã xảy ra với tỷ lệ tương tự ở nhóm điều trị với golimumab và nhóm chứng trong các nghiên cứu về RA và PsA (22,1% đến 27,4% bệnh nhân); trong các nghiên cứu về AS và nr-Axial SpA, nhiều bệnh nhân ở nhóm điều trị với golimumab (26,9%) có ALT tăng nhẹ khi so với nhóm chứng (10,6%). Trong các giai đoạn có đối chứng và không có đối chứng của các thử nghiệm then chốt về RA và PsA, với trung vị thời gian theo dõi khoảng 5 năm, tỷ lệ bệnh nhân có tăng nhẹ ALT đều như nhau ở nhóm điều trị golimumab và nhóm chứng. Trong giai đoạn có đối chứng của các thử nghiệm then chốt về viêm loét đại tràng dùng golimumab dẫn nhập, tăng nhẹ ALT (>1 và < 3xULN) đã xảy ra với tỷ lệ tương tự ở cả hai nhóm dùng golimumab và nhóm chứng (8,0% đến 6,9%, tương ứng). Trong các giai đoạn có và không có đối chứng của các thử nghiệm then chốt về viêm loét đại tràng với thời gian theo dõi trung bình khoảng 2 năm, tỷ lệ bệnh nhân có ALT tăng nhẹ là 24,7% ở nhóm dùng golimumab trong suốt thời gian duy trì điều trị của nghiên cứu viêm loét đại tràng này.
Trong giai đoạn đối chứng của các thử nghiệm then chốt về RA và AS, mức tăng ALT ≥ 5 x ULN được ghi nhận ít gặp và xảy ra nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân điều trị với golimumab (0,4% đến 0,9%) so với nhóm chứng (0,0%). Hiện tượng này không quan sát thấy trên quần thể bị PsA. Trong các giai đoạn có đối chứng và không có đối chứng của các thử nghiệm then chốt trên RA, PsA và AS, với trung vị thời gian theo dõi là 5 năm, tỷ lệ tăng ALT ≥ 5xULN đều tương tự nhau ở cả hai nhóm điều trị với golimumab và nhóm chứng. Nhìn chung, các trường hợp tăng ALT này thường không có triệu chứng và các bất thường này đã giảm hoặc khỏi hẳn khi tiếp tục dùng thuốc hoặc ngừng dùng golimumab hoặc thay đổi các thuốc dùng đồng thời. Không có trường hợp nào được báo cáo trong giai đoạn đối chứng và không đối chứng của nghiên cứu nr-Axial SpA (lên đến 1 năm). Trong giai đoạn đối chứng của các nghiên cứu then chốt về viêm loét đại tràng dùng golimumab dẫn nhập, tăng ALT ≥ 5xULN xảy ra với tỷ lệ tương tự ở nhóm dùng golimumab so với nhóm dùng giả dược (0,3% đến 1,0%, tương ứng). Trong các giai đoạn đối chứng và không đối chứng của các thử nghiệm then chốt về viêm loét đại tràng với thời gian theo dõi trung bình khoảng 2 năm, tỷ lệ tăng ALT ≥ 5 x ULN là 0,8% ở bệnh nhân dùng golimumab trong suốt thời gian duy trì điều trị của nghiên cứu viêm loét đại tràng.
Trong các thử nghiệm then chốt trên RA, PsA, AS, và nr-Axial SpA, một bệnh nhân trong thử nghiệm về RA với các bất thường ở gan từ trước và đang dùng lẫn lộn các thuốc được điều trị với golimumab đã phát triển viêm gan không do viêm nhiễm có vàng da và đã tử vong. Không thể loại trừ vai trò của golimumab như là yếu tố góp phần hoặc làm bệnh nặng hơn.
Phản ứng tại vị trí tiêm
Trong giai đoạn có đối chứng của các thử nghiệm then chốt, 5,4% số bệnh nhân điều trị với golimumab đã có phản ứng tại vị trí tiêm so với 2,0% ở nhóm chứng. Sự xuất hiện các kháng thể kháng golimumab có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng tại vị trí tiêm. Đa số các phản ứng tại vị trí tiêm đều có mức độ nhẹ và trung bình và biểu hiện thường gặp nhất là đỏ tại vị trí tiêm. Nhìn chung, không cần phải ngừng dùng thuốc khi có phản ứng tại vị trí tiêm.
Trong các thử nghiệm có đối chứng giai đoạn IIb và/hoặc III trên bệnh nhân bị RA, PsA, AS, nr-Axial SpA, hen nặng kéo dài, và các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II/III trên bệnh nhân bị viêm loét đại tràng, không có phản ứng phản vệ nào xảy ra ở bệnh nhân được điều trị với golimumab.
Kháng thể tự miễn
Trong các giai đoạn có đối chứng và không có đối chứng của các thử nghiệm lâm sàng then chốt trong suốt 1 năm theo dõi, 3,5% bệnh nhân ở nhóm điều trị với golimumab và 2,3% bệnh nhân ở nhóm chứng có xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA) mới dương tính (với hiệu giá kháng thể là 1:160 hoặc cao hơn). Tần suất gặp kháng thể kháng dsDNA trong 1 năm theo dõi ở bệnh nhân không có kháng thể kháng mạch kép DNA (anti-dsDNA) tại thời điểm ban đầu là 1,1%.
Quần thể bệnh nhân nhi
Viêm đa khớp tự phát thiếu niên: Sự an toàn của golimumab đã được nghiên cứu ở nghiên cứu pha III với 173 bệnh nhân pJIA từ 2 đến 17 tuổi. Thời gian theo dõi trung bình là xấp xỉ 2 năm. Trong nghiên cứu này, loại và tần suất các biến cố bất lợi được báo cáo là tương tự như ở nghiên cứu trên người lớn bị viêm khớp dạng thấp.
Báo cáo các phản ứng có hại nghi ngờ liên quan đến thuốc
Báo cáo các phản ứng có hại nghi ngờ liên quan đến thuốc sau khi được cấp phép lưu hành là điều rất quan trọng. Việc báo cáo này cho phép tiếp tục giám sát sự cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc. Chuyên gia y tế được yêu cầu báo cáo bất kỳ phản ứng có hại nghi ngờ có liên quan đến sản phẩm thông qua hệ thống báo cáo quốc gia.

Thận trọng

SIMPONI được cung cấp trong một bút tiêm chứa sẵn thuốc chỉ dùng một lần có tên SmartJect hoặc một bơm tiêm dùng một lần. Mỗi hộp SIMPONI đều có tờ hướng dẫn sử dụng mô tả đầy đủ cách sử dụng bơm tiêm/bút tiêm. Sau khi lấy bút tiêm chứa sẵn thuốc hoặc bơm tiêm chứa sẵn thuốc ra khỏi tủ lạnh, phải chờ 30 phút để bơm tiêm/bút tiêm chứa sẵn thuốc đạt đến nhiệt độ phòng trước khi tiêm SIMPONI. Không được lắc bơm tiêm/bút tiêm chứa thuốc.
Dung dịch tiêm trong suốt đến hơi trắng đục, không màu đến vàng nhạt và có thể chứa một vài hạt nhỏ protein màu trắng trong hoặc trắng mờ. Hình dạng này không phải là bất thường đối với các dung dịch có chứa protein. Không nên dùng SIMPONI nếu dung dịch bị đổi màu, vẩn đục hoặc chứa các phần tử/hạt lạ có thể thấy được. Hướng dẫn sử dụng chi tiết về cách chuẩn bị và cách tiêm SIMPONI trong bơm tiêm/bút tiêm chứa sẵn thuốc được nêu trong tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo hộp.

Bảo quản

Bảo quản trong tủ lạnh 2°C-8°C. Bảo quản trong bao bì gốc cho đến khi sử dụng, tránh ánh sáng, không để đông lạnh và không lắc.

Phân loại ATC

L04AB06 - golimumab

Trình bày/Đóng gói

Dung dịch tiêm: hộp 1 bút tiêm chứa sẵn thuốc (SmartJect)/bơm tiêm chứa sẵn thuốc x 0,5mL.

A