Nhà sản xuất

Searle

Thành phần

Spiromide 40 Mỗi viên: Spironolactone 50mg, furosemide 40mg.
Spiromide tablets Mỗi viên: Spironolactone 50mg, furosemide 20mg.

Mô tả

Spiromide 40: Viên nén mặt lồi, màu hồng hơi ngả cam, một mặt có đường gãy, mặt kia có chữ SEARLE.

Dược lý

Dược lực học
- Spironolactone là chất ức chế cạnh tranh sự kết hợp của Aldosterone với các thụ thể của nó. Vị trí hoạt động quan trọng của nó là phần xa của ống thận, nơi nó kết hợp với thụ thể Aldosterone hòa tan trong bào tương để tạo thành phức hợp bất hoạt. Biểu hiện hàng loạt chuỗi phản ứng sinh hóa đưa đến tổng hợp các protein có hoạt tính sinh lý, gây lợi tiểu và hạ áp. Dùng Spironolactone kèm với rối loạn chất điện giải càng góp phần tăng hoạt tính renin trong huyết thanh ở chuột thí nghiệm. Một tác dụng khác nhưng ít quan trọng là ức chế trực tiếp đến tổng hợp Aldosterone của thượng thận. Spironolactone là steroidal lactone quan trọng nhất trong ứng dụng lâm sàng, nó hoạt động như một thuốc lợi tiểu và hạ áp bởi tác động ức chế giữ Na+ của Aldosterone, và ức chế một phần sinh tổng hợp cortisol thượng thận của Aldosterone.
- Furosemide là dẫn xuất của acid anthranilic, thuộc nhóm lợi niệu quai. Furosemide có tác dụng lợi tiểu bằng cách: phong tỏa cơ chế đồng vận chuyển ở nhánh lên của quai Henle, tăng thải trừ Na+, K+, Cl-, kéo theo nước nên lợi niệu; tăng lưu lượng máu qua thận, tăng độ lọc cầu thận, và giãn mạch thận, phân phối lại máu có lợi cho các vùng sâu ở vỏ thận, kháng ADH tại ống lượn xa; giãn tĩnh mạch, giảm ứ máu ở phổi, giảm áp suất thất trái; tăng đào thải Ca++, Mg++ và làm giảm Ca++, Mg++ máu.
Dược động học
SPIRONOLACTONE
- Sự hấp thu Spironolactone bằng đường uống có thể thay đổi vì khả năng ít tan trong nước. Dùng thuốc sau ăn sẽ tăng hấp thu, có thể vì làm chậm quá trình làm trống dạ dày, thức ăn thúc đẩy sự phân hủy thuốc và cải thiện hòa tan thuốc. Hơn nữa, acid mật được tiết ra trong bữa ăn có thể hòa tan Spironolactone, là một chất rất ái Lipid. Nồng độ đỉnh trong huyết thanh thường xảy ra sau một giờ dùng thuốc (sau ăn bữa ăn chuẩn, ở người khỏe mạnh tình nguyện). Hoạt tính sinh học toàn thân được xác định khoảng 60-70% và thời gian bán hủy thuốc trong huyết tương là 1.3+/-0.3 giờ. Có thể phát hiện được thuốc đến 8 giờ sau hấp thu nhưng nó chuyển hóa rất mạnh nên không thấy thành phần thuốc tự do trong nước tiểu.
- Spironolactone kết hợp với protein khoảng 98% nhưng thể tích phân phối thuốc thì chưa rõ. Mức độ tích tụ thuốc ở mô và khả năng thuốc qua hàng rào máu não cung chưa rõ.
FUROSEMIDE
- Phương pháp tham khảo để xác định mức Furosemide trong huyết tương và nước tiểu là phương pháp sắc ký khí-dịch (lỏng) và sắc ký dịch (lỏng) hiệu năng cao. Khi dùng Furosemide dạng uống ở người khỏe mạnh thì hoạt tính sinh học trung bình của thuốc khoảng 52% nhưng khoảng EHE rộng 27-80%. Dường như không có chuyển hóa đáng kể trước đó. Thức ăn làm giảm hoạt tính sinh học của Furosemide khoảng 30%.
- Trong huyết tương, Furosemide kết hợp với protein, chủ yếu là Albumin. Thể tích phân bố của Furosemide thay đổi trong khoảng 170-270 mL/kg.
- Khi nồng độ Furosemide được xác định bằng các phương pháp đặc biệt, thì thời gian bán hủy của pha b thay đổi trong khoảng 45-60 phút. Độ thanh thải Furosemide trong huyết tương toàn bộ vào khoảng 200mL/phút. Bài tiết qua thận dưới dạng không đổi, loại bỏ thuốc nhờ chuyển hóa và thải qua phân. Furosemide được lọc một phần ở thận dưới dạng glucuronide. Furosemide có thể qua nhau, gặp ở bà mẹ có thai có phù và cao huyết áp. Nồng độ thuốc trong huyết tương trẻ sơ sinh có thể tương đương với nồng độ thuốc trong huyết tương của bà mẹ. Furosemide tiết qua sữa.
- Hoạt tính sinh học Furosemide dùng đường uống không thay đổi ở bệnh nhân có suy tim, nhưng có thể làm giảm độ thanh thải ở bệnh nhân này. Ở bệnh nhân có suy thận tiến triển thì hoạt tính sinh học của thuốc giảm và giảm thanh thải thuốc trong huyết tương, thời gian bán hủy kéo dài khoảng 9 giờ ở bệnh nhân có urê huyết tăng.
- Vị trí chủ yếu của chuyển hóa sinh học Spironolactone được nghĩ là xảy ra ở gan. Ở người, Furosemide được chuyển hóa một phần thành dạng không hoạt động glucuronide 7-15%, và được bài tiết qua mật và nước tiểu.

Chỉ định/Công dụng

Spiromide 40
- Chẩn đoán và điều trị cường aldosterone nguyên phát (bướu tuyến thượng thận tiết aldosterone, tăng sản tuyến thượng thận hai bên).
- Điều trị cao huyết áp phải dùng thuốc.
- Điều trị phù do cường aldosterone thứ phát, và điều trị phù kháng trị với các thuốc lợi tiểu khác đã dùng uống hoặc tĩnh mạch.
- Điều chỉnh thiếu kali và/hoặc magnesi do sử dụng trước đó loại lợi tiểu gây mất kali.
Spiromide tablets
- Tình trạng phù đặc biệt khi có cường Aldosterone thứ phát.
- Phù và cổ trướng do suy tim và xơ gan.
- Điều trị cao huyết áp phải dùng thuốc thể nhẹ đến vừa.
- Hội chứng thận hư khi việc điều trị bệnh lý căn bản, hạn chế uống nước và ăn muối, đồng thời dùng các thuốc lợi tiểu khác không đạt hiệu quả mong muốn.

Liều lượng & Cách dùng

Spiromide 40
- Liều spironolactone thay đổi tùy theo bệnh cảnh lâm sàng. Trong điều trị cường aldosterone thứ phát hoặc cao huyết áp đích thực, liều 50-100 mg/ngày, có thể tăng liều lên đến 400 mg/ngày trong chuẩn đoán và điều trị cường aldosterone nguyên phát. Tác dụng tối đa xảy ra sau vài ngày dùng thuốc.
- Để tăng hoạt tính sinh học, cần dùng spironolactone cùng bữa ăn.
- Với furosemide dùng đường uống thường bắt đầu với liều 20-40 mg/ngày, 1-3 lần/ngày, và tăng liều tùy vào đáp ứng điều trị. Nói chung liều uống từ 160-320 mg/ngày và không vượt quá liều này. Tuy nhiên, ở bệnh nhân suy thận, liều uống có thể đạt đến 1000 mg/ngày. Ở trẻ em, liều uống 1-3 mg/kg/ngày.
- Điều trị tĩnh mạch thường bắt đầu với liều 20-40 mg dùng 1 lần đến 2 lần/ngày. Tùy vào đáp ứng của điều trị mà có thể tăng liều lên giống như điều trị dùng liều uống. Đặc biệt trên những bệnh nhân có suy thận tiến triển thì liều tăng lên đến 1000 mg furosemide/ngày có thể dùng dạng truyền tĩnh mạch. Để tránh độc tính trên tai thì tốc độ truyền không nên vượt quá 4mg/phút.
Spiromide tablets
- Uống từ một đến bốn viên/ngày (50-200 mg Spironolactone và 20-80 mg Furosemide) tùy theo đáp ứng của bệnh nhân.
- Tác dụng tối đa xảy ra sau vài ngày dùng thuốc.

Cảnh báo

Tác động của thuốc khi lái xe và vận hành máy móc: Không có thông tin ghi nhận.
Spiromide 40
- Trẻ sơ sinh: thuốc này không có khuynh hướng dùng cho trẻ sơ sinh.
- Bà mẹ cho con bú.
Spiromide tablets
Cảnh báo:
- Thận trọng khi dùng bổ sung thuốc bổ sung kali hoặc các thuốc chứa kali khác vì có thể gây tăng kali huyết.
- Cần điều chỉnh liều các glycoside trợ tim và thuốc chống cao huyết áp khi bổ sung spiromide vào phác đồ điều trị.
- Các dẫn xuất sulfonamide, kể cả Furosemide, đã có báo cáo ghi nhận làm nặng thêm hoặc kích hoạt bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.
Lưu ý:
- Cần đánh giá định kỳ các chất điện giải trong huyết thanh do có khả năng tăng kali máu, giảm natri máu, kiềm hóa giảm clo huyết và có thể có tăng BUN thoáng qua, đặc biệt ở bệnh nhân có tổn thương chức năng thận. Nếu có tăng kali máu, ngưng dùng thuốc và cần có biện pháp tích cực để giảm nồng độ kali huyết thanh về mức bình thường. Kết hợp với các thuốc lợi niệu thiazide, Spiromide có thể làm tăng nồng độ acid uric trong huyết thanh và nặng thêm bệnh gút.
- Thận trọng ở bệnh nhân có bệnh gan nặng vì điều trị bằng thuốc lợi niệu quá mạnh có thể làm nặng thêm bệnh não gan ở bệnh nhân nhạy cảm.
- Đã ghi nhận có một vài trường hợp có tăng glucose máu và thay đổi khả năng dung nạp glucose. Kiểm tra định kỳ glucose trong máu và nước tiểu ở bệnh nhân tiểu đường và ở người nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường khi điều trị bằng Spiromide.
- Furosemide làm tăng nguy cơ bí tiểu cấp ở bệnh nhân loạn sản tiền liệt tuyến và/hoặc có tổn thương chức năng tiểu tiện. Đã ghi nhận có nhiễm toan chuyển hóa tăng clo máu có khả năng phục hồi ở một vài bệnh nhân xơ gan mất bù.
- Spironolactone hoặc chất chuyển hóa của nó có thể qua nhau thai và độ an toàn của Furosemide ở phụ nữ có thai thời kỳ đầu chưa được thiết lập. Do đó, chỉ sử dụng Spiromide ở phụ nữ có thai khi lợi ích thu được lớn hơn nguy cơ đối với mẹ và thai nhi.
- Canrenone (chất chuyển hóa của Spironolactone) và Furosemide có trong sữa mẹ. Furosemide gây ức chế tiết sữa. Nếu cần điều trị bằng Spiromide ở phụ nữ đang cho con bú, cần phải cho trẻ ăn ngoài.

Quá Liều

- Quá liều Spironolactone gây ngủ lịm, lú lẫn tinh thần, buồn nôn, nôn, chóng mặt, tiêu chảy. Tăng K+ máu và hạ Na+ máu hiếm thấy xảy ra cấp tính. Triệu chứng thường mất khi ngưng thuốc, bù dịch và điện giải, điều trị tăng K+ máu thích hợp.
- Liều cao Furosemide có thể gây mất dịch và điện giải nặng gây giảm thể tích nội mạch, có thể gây hạ huyết áp tư thế và giảm độ lọc cầu thận.
- Giảm thể tích do Furosemide sẽ hoạt hóa hệ Renin-Angiotensin-Aldosterone và bằng cách này K+ càng mất nhiều qua nước tiểu. Điều trị bao gồm bổ sung NaCl và nước, nếu cần thiết phải truyền tĩnh mạch.

Chống chỉ định

Spiromide 40
- Tăng kali trong máu.
- Hạ natri trong máu.
- Giảm chức năng thận.
- Phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em.
- Loét tá tràng.
Spiromide tablets
- Suy thận cấp, suy giảm đáng kể chức năng thận, vô niệu, tăng kali máu và bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Phụ nữ có thai, cho con bú; và trẻ em.

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Spiromide 40
- Spironolactone chống chỉ định khi đang cho con bú mặc dù có dưới 0.2% canrenone trong huyết thanh mẹ qua sữa ở bà mẹ đang cho con bú có dùng spironolactone. Vì thuốc qua nhau nên lý tưởng nhất là không nên dùng cho phụ nữ có thai.
- Furosemide qua sữa mẹ. Không nên cho con bú khi bà mẹ đang điều trị bằng furosemide. Furosemide cũng gây ức chế tiết sữa. Furosemide qua nhau, nó cũng gây giảm lượng máu ở tử cung-nhau. Vì thế tránh dùng furosemide lúc có thai nếu không thật cần thiết.
Spiromide tablets
- Spironolactone hoặc chất chuyển hóa của nó có thể qua nhau thai và độ an toàn của Furosemide ở phụ nữ có thai thời kỳ đầu chưa được thiết lập. Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai vì Furosemide qua nhau thai, thuốc cũng làm giảm lượng máu tới tử cung. Chỉ sử dụng Spiromide ở phụ nữ có thai khi lợi ích thu được lớn hơn nguy cơ đối với mẹ và thai nhi.
- Canrenone (chất chuyển hóa của Spironolactone) và Furosemide có trong sữa mẹ. Furosemide gây ức chế tiết sữa. Nếu cần điều trị bằng Spiromide ở phụ nữ đang cho con bú, cần phải cho trẻ ăn ngoài.

Tương tác

Spiromide 40
a) Tương tác có thể gây nguy hiểm:
- ASPIRIN: Aspirin làm giảm bài tiết carenone ra nước tiểu. Furosemide thường được dùng chung với những thuốc khác, đặc biệt ở người lớn tuổi, và một số tương tác quan trọng phải được đặt ra.
- DIGOXIN: Bệnh nhân uống spironolactone cùng với digoxin cho thấy có tăng digoxin trong huyết thanh vì spironolactone gây ức chế bài tiết digoxin ở ống thận.
- THUỐC KHÁC: Nên tránh phối hợp với thuốc ức chế men chuyển, amiloride, triamterene và carbenoxolone. Spironolactone tác dụng đồng vận với lithium ở bệnh nhân tâm thần.
- Tương tác thuốc có thể có lợi: Trong một số rối loạn đã mô tả trước đó, khi phối hợp spironolactone với thuốc lợi tiểu khác làm tăng hiệu quả hơn mỗi thứ sử dụng riêng lẽ. Kết hợp furosemide với thuốc hạ áp khác làm tăng tác dụng điều trị cao huyết áp.
b) Phản ứng phụ: Tác dụng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
- Phát hiện ung thư vú ở bệnh nhân dùng spironolactone kéo dài, nhưng mối liên hệ riêng lẽ này chưa bao giờ thấy và dường như nó có nguyên nhân khác làm yếu tố cơ hội. Cũng ghi nhận được một số trường hợp tuyệt lạp bạch cầu hạt hoặc tăng bạch cầu ái toan khi dùng spironolactone, các trường hợp này có lẽ do phản ứng đặc dị và thường tự khỏi sau khi ngưng thuốc.
- Spironolactone có thể gây tăng K+ máu và hạ Na+ máu, làm nặng thêm tình trạng giảm chức năng thận, đặc biệt ở người có chức năng thận giảm trước đó. Tăng K+ máu mức độ nặng có thể gây tử vong khi dùng spironolactone kết hợp thuốc ức chế men chuyển trong điều trị bệnh nhân cao huyết áp hoặc suy tim mà có giảm chức năng thận ở mức trung bình.
- Toan chuyển hóa có tăng Clo trong máu cũng gặp ở bệnh nhân xơ gan tiến triển, thường gặp ở bệnh nhân có tăng K+ máu mà chức năng thận bình thường.
- Rối loạn tiêu hóa: Loét dạ dày tá tràng, tiêu phân đen. Furosemide giống những thuốc lợi tiểu khác cũng gây mất Mg++, có thể gây rối loạn nhịp tim. Thiếu hụt cả K+ và Mg++ có khuynh hướng xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi ăn uống kém hoặc không được bù đủ dinh dưỡng khi nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch. Các thuốc lợi tiểu giữ K+ cũng làm giảm sự thiếu hụt Mg++ do lợi tiểu. Furosemide ít gây mất dung nạp đường hơn là nhóm lợi tiểu thiazides.
- Cũng như thuốc lợi tiểu khác, điều trị furosemide kéo dài có thể gây hạ Na+ máu nguy hiểm đe dọa tính mạng, phần lớn gặp ở bệnh nhân có suy tim hoặc suy gan nặng.
- Furosemide, cũng giống nhóm thuốc lợi tiểu quai khác, có thể gây độc ở tai. Điếc do furosemide thường hồi phục khi ngưng thuốc. Tuy nhiên, cũng có gặp trường hợp không hồi phục độc tính ở tai. Tác dụng phụ này thường gặp ở bệnh nhân có suy thận và được điều trị furosemide đường tĩnh mạch, liều cao kéo dài. Nguy cơ này tăng khi điều trị furosemide kết hợp với kháng sinh nhóm aminoglycoside.
- Có 3 trẻ nhũ nhi sanh nhẹ ký và có dị sản phế quản, chúng bị sỏi thận sau khi điều trị với furosemide.
- Một số ít trường hợp gặp viêm tụy cấp sau khi điều trị furosemide liều cao.
Spiromide tablets
- Furosemide và các salicylate cạnh tranh ở vị trí bài tiết ở thận, do đó bệnh nhân dùng liều cao salicylate có thể bị ngộ độc salicylate.
- Furosemide có tác dụng đối kháng tubocurarine và có thể gây tăng cường tác dụng của succinylcholine. Cả spironolactone và Furosemide làm giảm đáp ứng thành mạch đối với norepinephrine. Do đó, thận trọng khi dùng ở bệnh nhân phải gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ.
- Thanh thải thận của lithium bị giảm đi do Furosemide, có thể dẫn đến tăng nguy cơ ngộ độc lithium.
- Không dùng đồng thời Cephaloridine với Furosemide vì đã có báo cáo ghi nhận tăng độc tính trên thận.

Tác dụng ngoại ý

Spiromide 40
- Phì đại tiền liệt tuyến có thể xảy ra khi dùng spironolactone. Thầy thuốc nên cảnh báo nguy cơ này. Sự tiến triển của chứng phì đại tuyến vú ở nam giới dường như liên quan đến thời gian và liều dùng. Hầu hết các trường hợp đều hồi phục khi ngưng điều trị với SPIROMIDE. Các phản ứng phụ có thể phục hồi sau khi ngưng sử dụng thuốc: Rối loạn tiêu hóa, ngủ gà, phát ban, rối loạn kinh nguyệt, ù tai. Furosemide có thể gây nitơ máu, tăng uric máu, tăng đường huyết. Ức chế tủy xương là tác dụng phụ hiếm có cần ngưng sử dụng thuốc. Các phản ứng ở da: vàng da, hồng ban, viêm da, xuất huyết da, ... đã được báo cáo. Furosemide có thể gây thiếu máu, mất bạch cầu và giảm tiểu cầu. Viêm thận kẽ và viêm tủy rất hiếm gặp.
Spiromide tablets
- Có thể xuất hiện chứng vú to ở đàn ông khi dùng Spironolactone, và thầy thuốc nên có cảnh báo cho bệnh nhân về tác dụng có thể có này. Xuất hiện chứng vú to có thể liên quan đến liều dùng và thời gian điều trị và thường hết khi ngưng dùng Spironolactone. Một số trường hợp hiếm gặp có thể bị chứng vú to dai dẳng.
- Các phản ứng bất lợi khác, thường hết khi ngưng dùng thuốc đã được ghi nhận bao gồm: bất lực, rối loạn dạ dày-ruột, ngủ gà, phát ban, rối loạn kinh nguyệt và tác dụng androgen nhẹ.
- Furosemide có thể gây tăng ure huyết, tăng acid uric huyết và tăng đường huyết. Suy giảm tủy xương là biến chứng hiếm gặp của Furosemide, cần phải ngưng điều trị.
- Các phản ứng da liễu đã được ghi nhận khi sử dụng Furosemide, bao gồm mề đay, ban đỏ đa dạng, ban xuất huyết, viêm da tróc vẩy, ngứa, viêm mạch hoại tử, giộp da do phản ứng độc với ánh sáng.
- Rối loạn máu do Furosemide bao gồm thiếu máu, mất bạch cầu hạt và giảm tiểu cầu.
- Hiếm gặp viêm thận kẽ dị ứng và viêm tụy cấp.
- Các phản ứng bất lợi khác, thường hết khi ngưng dùng Furosemide đã được báo cáo bao gồm: ù tai và điếc có hồi phục, dị cảm, nhìn mờ, tụt huyết áp thế đứng, và rối loạn dạ dày-ruột.

Bảo quản

Spiromide 40: Bảo quản dưới 30oC. Tránh ẩm và tránh ánh sáng.
Spiromide tablets: Bảo quản tránh ẩm ướt, quá lạnh, quá nóng và ánh nắng mặt trời.

Phân loại ATC

C03EB01

Trình bày/Đóng gói

Viên nén Spiromide 40: hộp 3 vỉ x 10 viên, Spiromide tablets: hộp 2 vỉ x 10 viên.

 

A