Nhà sản xuất

JW Pharmaceutical

Thành phần

Mỗi 250mL: L-isoleucine 1.40g, L-leucine 2.20g, L-lysine acetate 2.25g, L-methionine 2.20g, L-phenylalanine 2.20g, L-threonine 1.00g, L-tryptophan 0.50g, L-valine 1.60g, L-histidine 0.625g, L-cystein hydroclorid 0.05g.

Trình bày/Đóng gói

Dung dịch tiêm truyền: túi 250mL, túi 500mL.

Mô tả

Dung dịch không màu hoặc màu vàng rất nhạt chứa trong túi polypropylen trong suốt không màu.

Dược lực học

Dung dich tiêm truyền Nephgold cung cấp các acid amin thiết yếu cho cơ thể; L-Isoleucine, L-Leucine, Lysine HCl, L-Methionine, L-Phenylalanine, L-Threonine, L-Tryptophan, L-Valine, L-Arginine, L-Histidine, L-Ornithine-L-Aspartate, Aminoacetic Acid, L-Alanine, L-Proline. Dung dịch này cung cấp dinh dưỡng và duy trì protein cho cơ thể. Tính chất dược lực học của thuốc giống như của các acid amin được cung cấp từ thức ăn thông thường.

Dược động học

Tính chất dược động học của dịch truyền acid amin về cơ bản giống như các acid amin cung cấp bởi thức ăn thông thường. Tuy nhiên các acid amin của protein trong thức ăn vào tĩnh mạch cửa trước và rồi vào hệ tuần hoàn, còn dịch truyền tĩnh mạch đưa các amino acid trực tiếp vào hệ tuần hoàn.

Chỉ định/Công dụng

Bổ sung amino acid trong các điều kiện sau: giảm protein máu, suy dinh dưỡng, trước và sau phẫu thuật.

Liều lượng & Cách dùng

Tổng lượng amino acid tối đa mỗi ngày là 1-1,5 g/kg thể trọng ở người lớn, truyền tĩnh mạch, nên duy trì khoảng 10 g amino acid mỗi 60 phút với tốc độ giữ khoảng 80-130 giọt/phút. Tuy nhiên liều dùng và tốc độ truyền phải được theo dõi ở trẻ em, người già và các bệnh nhân bỏng đòi hỏi cung cấp lượng lớn protein.

Thận trọng lúc dùng

1. Phải theo dõi cân bằng điện giải khi tiêm truyền lượng lớn hoặc truyền đồng thời với các chất điện giải khác.
2. Nên truyền tĩnh mạch tốc độ chậm.
3. Nếu khí hậu lạnh nên sử dụng chế phẩm ở nhiệt độ cơ thể.
4. Để tránh nguy cơ nhiễm trùng huyết, phải kiểm tra và bảo quản trong điều kiện vô khuẩn cho dung dịch và bộ truyền dịch.

Cảnh báo

Không sử dụng khi không có toa bác sĩ.

Quá Liều

Chưa có thông tin về sử dụng quá liều. Nếu xảy ra quá liều nên tiến hành điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Chống chỉ định

Bệnh nhân bị hoặc nghi ngờ hôn mê gan.
Bệnh nhân rối loạn chức năng thận nặng và tăng nitơ máu.
Bệnh nhân rối loạn chức năng chuyển hóa nitrogen.
Bệnh nhân suy tim xung huyết.
Bệnh nhân phù phổi.
Bệnh nhân thiểu và vô niệu.
Bệnh nhân mất nước và nhược trương.
Bệnh nhân nhiễm toan acid lactic và ngộ độc cồn methylic.
Bệnh nhân block nhĩ thất và nhược cơ.

Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú

Sử dụng cho phụ nữ mang thai: Độ an toàn của thuốc sử dụng cho phụ nữ mang thai chưa được thiết lập. Vì thế, chỉ nên dùng thuốc cho phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ có khả năng mang thai khi cân nhắc về lợi ích của việc điều trị lớn hơn bất cứ nguy cơ nào xảy đến cho thai nhi.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú: Chỉ dùng thuốc cho phụ nữ cho con bú khi cân nhắc lợi ích của việc điều trị lớn hơn bất cứ nguy cơ có hại nào có thể xảy ra cho trẻ vì chưa có nghiên cứu về mức độ an toàn của thuốc trên trẻ sơ sinh khi mẹ dùng thuốc.

Tương tác

Sử dụng đồng thời với tetracyclin có thể làm giảm tác dụng trữ protein của dung dịch amino acid.

Tác dụng ngoại ý

1. Quá mẫn: Phản ứng quá mẫn như phát ban hiếm khi xảy ra, khi có cần ngưng thuốc.
2. Hệ tiêu hóa: Các triệu chứng như buồn nôn, ói đôi khi xảy ra.
3. Hệ tuần hoàn: Tức ngực, hồi hộp, nhịp tim nhanh và giảm huyết áp đôi khi xảy ra.
4. Tiêm truyền quá liều với tốc độ nhanh có thể gây nhiễm toan máu.
5. Các biểu hiện khác như lạnh run, sốt, nhức đầu, khó thở, ngưng thở, sốc, co thắt khí quản, co thắt đường niệu đôi khi có thể xảy ra.
6. Các trường hợp giãn mạch cũng được ghi nhận.
7. Các biến chứng chuyển hóa sau đây đã được ghi nhận: toan chuyển hóa, giảm phosphat máu, kiềm hóa máu, tăng đường huyết, tiểu glucose, lợi niệu thẩm thấu và mất nước, hạ đường huyết, tăng men gan, ứ vitamin, mất cân bằng điện giải và tăng amoniac máu ở trẻ em.
8. Tăng B.U.N có thể gặp ở các bệnh nhân suy gan hoặc thận.
9. Các bệnh nhân suy gan có thể bị mất cân bằng các amino acid trong huyết thanh, toan chuyển hóa, tăng nitơ máu, tăng amoniac máu và hôn mê.

Thận trọng

A. Cần thận trọng ở các bệnh nhân sau:
1. Bệnh nhân bị toan máu nặng.
2. Bệnh nhân bị suy tim xung huyết, suy thận nặng, và phù do ứ natri.
3. Bệnh nhân tăng kali máu và ứ kali.
4. Bệnh nhân suy gan, suy thận.
B. Thận trọng chung:
1. Cần thận trọng theo dõi cân bằng điện giải ở những bệnh nhân được truyền với số lượng nhiều hoặc truyền đồng thời với các dung dịch điện giải khác.
2. Cần thận trọng khi sử dụng đồng thời các dung dịch có chứa ion acetat với số lượng nhiều gây toan chuyển hóa.
3. Đối với các bệnh nhân có tiền sử bệnh thận, bệnh phổi, và bệnh tim nặng cần thận trọng theo dõi sự thay thế quá nhiều của thể tích dịch cơ thể. Phải theo dõi insulin trên các bệnh nhân tiểu đường.
Sử dụng cho trẻ em
1. Nên sử dụng dung dịch có nồng độ thấp hơn 2,5% do gan trẻ chưa trưởng thành.
2. Có thể làm tăng amoniac huyết bởi vì thiếu khả năng tổng hợp urê ở trẻ nhỏ. Cần phải đo giá trị amoniac trong máu khi dùng amino acid.
Sử dụng cho người cao tuổi: Nói chung, sử dụng thận trọng và tiêm truyền chậm ở người cao tuổi bởi vì chức năng sinh lý bị giảm.

Bảo quản

Bảo quản trong bao bì kín, ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng.

Phân loại ATC

B05BA01

A