Tên chung quốc tế: Glucagon.

Mã ATC: H04AA01.

Loại thuốc: Thuốc chống hạ glucose huyết; chất phụ trợ chẩn đoán; thuốc chống co thắt; thuốc giải độc (do thuốc chẹn beta - adrenergic).

Dạng thuốc và hàm lượng

Bột pha tiêm: Lọ 1 mg (1 đơn vị), 10 mg (10 đơn vị) glucagon, dạng muối hydroclorid. Có kèm theo dung môi pha tiêm.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Glucagon là hormon polypeptid nội sinh do các tế bào alpha của đảo Langerhans tụy sản xuất. Glucagon có tác dụng làm tăng nồng độ glucose huyết bằng cách kích thích phân giải glycogen và tân tạo glucose ở gan. Glucagon hoạt hóa adenylcyclase để xúc tác chuyển ATP thành AMP vòng, đặc biệt ở gan và ở mô mỡ. Sự tạo thành AMP vòng khởi động một loạt các phản ứng trong tế bào bao gồm hoạt hóa phosphorylase làm thúc đẩy giáng hóa glycogen thành glucose. Nồng độ glucose huyết tăng trong vài phút. Tiết glucagon được kích thích khi nồng độ glucose huyết thấp hoặc khi nồng độ insulin huyết thanh cao. Nói chung, tác dụng của glucagon đối kháng insulin, tuy vậy, glucagon đã được báo cáo kích thích tiết insulin ở người khỏe mạnh và ở người đái tháo đường typ 2.

Glucagon cũng tăng cường sử dụng glucose ở ngoại biên. Cường độ tác dụng tăng glucose huyết của glucagon phụ thuộc vào dự trữ glycogen ở gan và sự hiện diện của phosphorylase.

Tác dụng của glucagon không bị các thuốc hủy giao cảm như dihydroergotamin chẹn lại. Tác dụng tăng glucose huyết của glucagon tăng và kéo dài khi dùng đồng thời với epinephrin.

Glucagon có tác dụng ngoài gan không phụ thuộc vào tác dụng tăng glucose huyết, glucagon làm thư giãn cơ trơn của dạ dày, tá tràng, ruột non và đại tràng, tuy cơ chế tác dụng chưa xác định.

Glucagon cũng ức chế bài tiết của dạ dày, tụy. Glucagon có tác dụng làm tăng co sợi cơ tim và điều hòa nhịp tim.

Sau khi tiêm tĩnh mạch nhanh ở động vật gây mê, glucagon làm hạ huyết áp. Glucagon cũng làm giảm nồng độ amino nitrogen trong huyết tương, làm tăng bài tiết các chất điện giải qua thận, làm giảm tổng hợp protein và mỡ, làm tăng tốc độ chuyển hóa. Nếu điều trị kéo dài, glucagon có thể gây tác dụng đái tháo đường kéo dài trong một số ngày.

Trong điều trị, glucagon có thể được chiết xuất từ nguồn động vật, nhưng hiện nay phổ biến hơn là được sản xuất bằng kỹ thuật DNA tái tổ hợp. Glucagon được dùng dưới dạng hydroclorid, nhưng liều thường được tính theo glucagon (một đơn vị tương đương với 1 mg glucagon).

Dùng glucagon trong chẩn đoán: Sử dụng tác dụng ức chế vận động đường tiêu hóa của glucagon để giảm trương lực và gây thư dãn đường tiêu hóa, sẽ tạo thuận lợi cho xét nghiệm X-quang và nội soi.

Dược động học

Vì bản chất của glucagon là một polypeptid, nên glucagon bị phá hủy ở đường tiêu hóa, do đó phải dùng đường tiêm.

Sau khi tiêm glucagon, nồng độ glucose tối đa trong huyết tương đạt được trong vòng 30 phút, tác dụng tăng glucose huyết kéo dài trong khoảng 60 - 90 phút. Sau khi tiêm tĩnh mạch liều 0,25 - 0,5 mg, tác dụng giãn cơ trơn đường tiêu hóa xảy ra trong vòng 1 phút và kéo dài 9 - 17 phút. Sau khi tiêm bắp tiều duy nhất 1mg, tác dụng giãn cơ trơn đường tiêu hóa xảy ra trong vòng 8 - 10 phút và kéo dài 12 - 27 phút. Thể tích phân bố là 0,25 lít/kg. Nửa đời của glucagon trong huyết tương khoảng 8 đến 18 phút. Độ thanh thải là 13,5 ml/phút/kg. Glucagon giáng hóa mạnh ở gan, thận và huyết tương.

Chỉ định

Điều trị cấp cứu hạ glucose huyết nặng ở người đái tháo đường khi dùng insulin hoặc thuốc uống hạ glucose huyết.

Người bệnh tâm thần trong liệu pháp gây sốc bằng insulin.

Trong khoa X-quang (giúp chẩn đoán) để xét nghiệm X-quang hoặc nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng ruột non và đại tràng.

Điều trị triệu chứng cho những người ngộ độc/quá liều thuốc chẹn thụ thể beta: Tiêm tĩnh mạch glucagon liều cao để điều trị tác dụng độc với tim, đặc biệt, trị nhịp tim chậm và hạ huyết áp, khi dung quá liều các thuốc ức chế beta.

Chống chỉ định

Quá mẫn với glucagon.

U tế bào ưa crom.

Không nên dùng glucagon để điều trị ngạt do đẻ hoặc hạ glucose huyết cho trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc có trọng lượng khi sinh thấp.

Glucagon ít hoặc không có tác dụng trong điều trị hạ glucose huyết khi dự trữ glycogen ở gan bị cạn kiệt như khi thiếu ăn, suy thượng thận hoặc hạ glucose huyết mạn tính.

Thận trọng

Người có u đảo tụy (u tiết insulin) và/hoặc u tế bào ưa crom: Glucagon kích thích giải phóng các  catecholamin từ u tế bào ưa crom, dẫn đến tăng huyết áp và kích thích giải phóng insulin từ u đảo tụy, dẫn đến hạ glucose huyết. Glucagon đã được dùng trong chẩn đoán u tế bào ưa crom và u đảo tụy, nhưng việc sử dụng này không được khuyến cáo vì lý do an toàn.

Dùng glucagon để chẩn đoán ở người có tiền sử đái tháo đường.

Người dị ứng với protein lợn hoặc bò có thể dị ứng với glucagon vì glucagon có nguồn gốc từ lợn hoặc bò.

Thời kỳ mang thai

Dùng glucagon cho người mang thai chưa thấy có tác dụng phụ đặc biệt đối với bào thai.

Thời kỳ cho con bú

Không có nguy cơ đối với trẻ bú mẹ khi dùng glucagon cho người mẹ.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Khoảng 50% người bệnh dùng glucagon có những khó chịu, thường là khó chịu nhẹ.

Thường gặp, ADR >1/100

Tiêu hóa: Buồn nôn và nôn.

Hiếm gặp, ADR <1/1 000

Toàn thân: Phản ứng dị ứng. Hạ kali huyết khi dùng liều cao (10 mg).

Da: Phát ban dị ứng da.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Glucagon là protein vì vậy nên xem xét về khả năng gây phản ứng quá mẫn của thuốc.

Nên thử phản ứng dị ứng với glucagon bằng test trong da trước khi dùng thuốc, đặc biệt cho người dị ứng với protein lợn hoặc bò.

Nên ngừng điều trị bằng glucagon nếu phản ứng quá mẫn xảy ra trong khi điều trị.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:

Glucagon và glucagon hydroclorid có thể tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Pha loãng glucagon với dung môi kèm theo hướng dẫn: Thêm 1 ml dung môi vô khuẩn vào lọ chứa 1 mg thuốc để có dung dịch chứa 1 mg/ml. Không được dùng dung dịch có nồng độ trên 1 mg/ml. Dung dịch hòa tan phải trong và phải dung ngay. Phần còn lại không dùng phải bỏ đi.

Liều lượng:

Hạ glucose huyết nghiêm trọng (hôn mê do insulin):

Người lớn và trẻ em trên 20 kg: Liều thông thường (tiêm đưới da, bắp, tĩnh mạch): 1 mg.

Trẻ em cân nặng dưới 20 kg: 0,5 mg. Một cách khác: 20 – 30 microgam/kg.

Sau khi người bệnh tỉnh, đáp ứng, phải bổ sung hydrat carbon để phục hồi glycogen ở gan và ngăn chặn hạ glucose huyết tái phát.

Nếu trong vòng 15 phút sau khi dùng thuốc, người bệnh không tỉnh có thể cho thêm một liều và cho tiêm tĩnh mạch dextrose.

Xét nghiệm X-quang đường tiêu hóa (giúp chẩn đoán) ở người lớn:

Tiêm bắp 1 - 2 mg hoặc tiêm tĩnh mạch 0,25 - 2 mg, phụ thuộc vào thời gian bắt đầu tác dụng và thời gian tác dụng cần thiết cho xét nghiệm đặc hiệu. Do dạ dày ít nhạy cảm với glucagon, nhà sản xuất khuyến cáo dùng liều 0,5 mg tiêm tĩnh mạch hoặc 2 mg tiêm bắp khi muốn dạ dày thư dãn.

Đối với đại tràng: 2 mg tiêm bắp 1 liều duy nhất trước khi bắt đầu làm thủ thuật.

Quá liều thuốc chẹn calci hoặc chẹn beta: Liều ban đầu tiêm tĩnh mạch 50 microgam/kg trong 1 - 2 phút; nếu không hiệu quả, cho liều cao hơn, có thể tới 10 mg đối với một số người lớn. Trong nhiều trường hợp, tiếp theo liều ban đầu, có thể cho truyền lĩnh mạch liên tục với tốc độ 2 - 5 mg/giờ (tối đa 10mg/giờ),

pha loãng với dextrose 5%; tốc độ truyền sau đó có thể giảm dần theo đáp ứng.

Chú ý: Khi cần dùng các liều lớn hơn 2 mg, không pha thuốc bằng dung môi kèm theo bột thuốc mà pha bằng nước cất pha tiêm để giảm thiểu khả năng bị viêm tĩnh mạch huyết khối, ngộ độc thần kinh hoặc ức chế cơ tim, gây ra bởi chất bảo quản phenol có sẵn trong dung môi của nhà sản xuất.

Tương tác thuốc

Có thể dùng glucagon và glucose cùng nhau mà không làm giảm tác dụng của mỗi thuốc.

Khi sử dụng đồng thời glucagon và thuốc kháng cholinergic, không có hiệu quả hơn khi dùng một thuốc mà lại làm tăng tác dụng phụ.

Dùng đồng thời với các dẫn xuất cumarin hoặc indandion chống đông, glucagon có thể làm tăng tác dụng chống đông của chúng.

Glucagon làm tăng tác dụng của thuốc kháng vitamin K.

Glucagon làm tăng tác dụng chống đông máu của warfarin.

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản glucagon ở 20 - 250C.

Dung dịch thuốc pha với dung môi đi kèm, bảo quản ở 2 - 80C, giữ được hiệu lực trong vòng 48 giờ. Tránh để đông lạnh.

Dung dịch glucagon pha với nước cất để tiêm phải sử dụng ngay.

Sử dụng dung dịch glucagon khi dung dịch còn trong và có độ lỏng như nước.

Tương kỵ

Glucagon có thể kết tủa trong dung dịch nước muối và trong các dung dịch có pH 3 đến 9,5.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng quá liều glucagon gồm buồn nôn, nôn, giảm trương lực cơ dạ dày và ỉa chảy.

Do glucagon có nửa đời ngắn, điều trị quá liều glucagon chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ và có thể sử dụng những biện pháp sau:

Theo dõi nồng độ điện giải trong huyết thanh, đặc biệt nồng độ kali và điều trị hạ kali huyết bằng bổ sung kali. Bổ sung dịch khi cần.

Theo dõi nồng độ glucose huyết.

Theo dõi huyết áp, đặc biệt cần phải điều trị tăng huyết áp và mạch nhanh cho những người có bệnh mạch vành hoặc u tế bào ưa crom.

Nếu người bệnh tăng huyết áp đột ngột có thể tiêm tĩnh mạch 5 - 10 mg phentolamin mesylat để kiểm soát huyết áp.

Sử dụng các thuốc lợi niệu mạnh, thẩm tách màng bụng, thẩm tách thận nhân tạo vẫn chưa được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị quá liều glucagon.

A