Bại não
Bại não là gì?
Bại não là một thuật ngữ chung mô tả một nhóm các rối loạn vĩnh viễn về phát triển vận động và tư thế, gây ra các giới hạn về hoạt động do những rối loạn không tiến triển xảy ra trong não bào thai hoặc não ở trẻ nhỏ đang phát triển. Các rối loạn vận động của bại não thường kèm theo những rối loạn về cảm giác, nhận cảm, nhận thức, giao tiếp và hành vi, động kinh và các vấn đề cơ xương thứ phát.
Trẻ bại não luôn cần được quan tâm và chăm sóc. Ảnh: www.penfieldbuildingblocks.org
Nguyên nhân gây bại não
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bại não ở trẻ, được chia thành 3 nhóm chính sau:
1. Nguyên nhân trước sinh
Nhiễm trùng trong thai kỳ
Các nhiễm trùng ở phụ nữ có thai như nhiễm rubella, các virus trong thời gian 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây tổn thương não của bào thai và gây bại não sau này. Các nhiễm trùng khác như nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hệ tiết niệu – sinh dục của người mẹ cũng có thể gây nên sinh non, một nguy cơ khác của bại não.
Thiếu oxy não bào thai
Khi chức năng của nhau thai bị giảm sút (suy nhau thai) hoặc bị bóc tách khỏi thành tử cung trước khi sinh (nhau bong non) hoặc chảy máu do nhau tiền đạo (bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung gây chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ) có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi, dẫn đến tổn thương não thai nhi, là một nguyên nhân bại não.
Các nguyên nhân và bất thường khác
Các trẻ có bất thường cấu trúc hệ thần kinh cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị bại não.
Mẹ bị bệnh: Bệnh tuyến giáp, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật....
Di truyền: Yếu tố gia đình.
Dùng thuốc không hỏi ý kiến của bác sĩ khi mang thai, tiếp xúc với các hóa chất độc hại khi mang thai.
2. Nguyên nhân trong khi sinh
Sinh non, cân nặng thấp
Sinh non là trẻ sinh ra trước 37 tuần thai tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng trước khi có thai. Những trẻ sinh non đặc biệt trước 32 tuần và nhất là trước 28 tuần thai có nguy cơ bại não rất cao. Nguyên nhân là do trẻ sinh non có nguy cơ rất cao bị xuất huyết não, phù não gây tổn thương các tổ chức mong manh đang phát triển của não hoặc gây tổn thương não dạng nhuyễn hóa chất trắng quanh não thất.
Cân nặng khi sinh thấp: Một nghiên cứu cho thấy những trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh dưới 1.500 gram có nguy cơ bại não cao gấp 30 lần so với trẻ sinh đủ tháng.
Ngạt trong quá trình chuyển dạ và sinh
Trẻ đẻ ra bị ngạt thường không khóc ngay, toàn thân tím tái hoặc trắng bệch cần phải cấp cứu. Tỉ lệ trẻ ngạt chỉ chiếm 10% trong tổng số các bệnh nhân bại não.
Sang chấn sản khoa
Các sang chấn sản khoa nhất là các trường hợp sinh khó phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ khi sinh như: Sử dụng giác hút, can thiệp forceps ...
3. Nguyên nhân sau sinh
Xuất huyết não
Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh và xuất huyết não ở trẻ nhỏ do thiếu Vitamin K là bệnh hay gặp ở các nước đang phát triển như Việt Nam nếu không được điều trị tốt dễ gây di chứng bại não. Các bệnh lý về máu khác dẫn đến rối loạn đông máu cũng là yếu tố nguyên nhân góp phần tăng nguy cơ xuất huyết não ở trẻ, dẫn tới bại não.
Vàng da nhân
Hiện tượng vàng da sinh lý thường xuất hiện vào ngày thứ 2 - 4 sau sinh, vàng nhạt và thường không có kèm theo triệu chứng nào khác. Vàng da sinh lý thường kéo dài trong khoảng 1 tuần ở trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần ở trẻ sinh non tháng.
Khi nồng độ billirubin trong máu lên cao, gan không có khả năng chuyển hóa và đào thải do chức năng gan chưa trưởng thành ở trẻ sơ sinh sẽ gây lên vàng da bệnh lý. Trong trường hợp này, sắc tố bilirubin tăng cao trong máu có thể vượt qua hàng rào mạch máu – não và lắng đọng chủ yếu ở các nhân nền của não (do đó có tên là vàng da nhân) và làm tổn thương các cấu trúc này gây ra bại não.
Trẻ bị vàng da bệnh lý thường gặp ở trẻ có bất đồng nhóm máu mẹ - con ( nhóm máu ABO, Rh, và dưới nhóm...). Biểu hiện ở trẻ là vàng da đậm và vàng toàn thân, củng mạc mắt cũng vàng. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời,trẻ có thể xuất hiện bỏ bú, tím tái và duỗi cứng chi (dấu hiệu tổn thương não).
Hạ đường huyết sau sinh
Gần đây, nguyên nhân gây tổn thương não do trẻ bị hạ đường huyết sau sinh được ghi nhận gặp tương đối nhiều. Khi đường trong máu hạ thấp, trẻ bị hôn mê, suy hô hấp, là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tổn thương não ở trẻ dẫn đến bại não.
4. Bại não mắc phải
Trẻ mắc các chứng bệnh gây tổn thương thần kinh trong những năm đầu tiên của đời sống, kéo dài cho đến trước 5 tuổi như: Viêm màng não mủ, viêm não, chấn thương sọ não, đuối nước...
Phân loại bại não theo thể lâm sàng
Các thể lâm sàng của Bại não. Ảnh: www.neurogen.in
1. Bại não thể liệt cứng (spastic cerebral palsy)
Bại não thể liệt cứng chiếm khoảng 70 - 80%.
Trẻ mắc thể này có biểu hiện các cơ co cứng, luôn ở trạng thái tăng trương lực cơ. Mọi hoạt động vận động của trẻ đều rất khó khăn. Trẻ khó cầm nắm, bò hoặc đi. Thể lâm sàng này lại được chia làm ba phân nhóm nhỏ:
Liệt cứng 2 chi dưới: Trẻ có bất thường co cứng rõ ở 2 chi dưới. Ở thể này, do các cơ khép đùi bị co cứng, chân trẻ luôn bị kéo vào trong làm cho trẻ có dáng đi bắt chéo hai chân rất đặc trưng.
Liệt cứng nửa người: Thường có biểu hiện liệt cứng một bên (phải hoặc trái). Thường thì chi trên bị ảnh hưởng nặng hơn chi dưới.
Liệt cứng tứ chi: Bệnh nhân thuộc nhóm này có biểu hiện liệt cứng cả 2 chi trên và 2 chi dưới cùng với các cơ trục thân. Cả các cơ ở mặt cũng bị ảnh hưởng làm cho trẻ bị tàn phế rất nặng.
2. Bại não thể loạn vận động
Khoảng 6% bệnh nhân bại não thuộc thể này.
Thể loạn vận động đặc trưng bằng sự thay đổi thất thường của trương lực cơ (lúc tăng, lúc giảm).
Trẻ thường có các động tác bất thường không kiểm soát được. Các động tác này có nhịp điệu chậm, biên độ đôi khi rộng như đang múa nhưng trẻ không ý thức được điều này.
Do bất thường trong kiểm soát các cử động, bệnh nhân khó có tư thế vận động bình thường, các cơ ở mặt và lưỡi cũng bị ảnh hưởng làm trẻ khó bú, khó nuốt, khó nói.
3. Bại não thể thất điều
Thể thất điều chiếm tỷ lệ khoảng 6%.
Ở thể này, cân bằng tư thế và phối hợp động tác bị ảnh hưởng, trẻ khó kiểm soát tư thế dáng đi lảo đảo, vùng thắt lưng hay đong đưa. Khả năng phối hợp vận động kém do đó trẻ khó thực hiện các động tác đòi hỏi sự nhịp nhàng như vỗ tay theo nhịp hay viết chữ.
4. Bại não thể phối hợp
Trẻ bị bại não thể phối hợp thường phối hợp 2 trong các thể bại não trên, thường gặp phối hợp thể co cứng với thể múa vờn, những trường hợp này thường bị tàn tật nặng nề.
Phân loại theo mức độ nặng:
Bại não mức độ nhẹ
Bại não mức độ nặng vừa
Bại não nặng
Các dấu hiệu phát hiện sớm trẻ bại não
- Khi đẻ ra không khóc ngay hoặc khóc yếu.
- Sau khi sinh thường mềm nhão, không vận động.
- Đầu rũ xuống, không ngẩng lên được.
- Khó bế ẵm, tắm rửa, thay quần áo cho trẻ vì người trẻ cứng đờ
- Co giật: bất tỉnh, sùi bọt mép
- Chậm biết giữ đầu cổ, chậm biết lẫy, ngồi, bò...
- Có khiếm khuyết về sử dụng bàn tay trong cầm nắm và thực hiện các hoạt động
- Không nhận biết mẹ hoặc những người thân, chậm kỹ năng giao tiếp sớm
- Không quay đầu đáp ứng với âm thanh, đồ chơi có màu sắc, không nhìn vào mặt mẹ, người thân
- Không biết hóng chuyện, biểu lộ tình cảm, không quay đầu theo tiếng động
- Không thể hiện nét mặt, không dùng mắt để thể hiện vui thích
- Mút, bú khó khăn, hay sặc sữa
- Hay chảy nước bọt, khò khè, tăng tiết dịch mũi họng...
- Có rối loạn cảm giác nông như nóng, lạnh, đau
- Các biểu hiện khác: Lác mắt, sụp mi, giảm, mất khả năng nhìn, nghe kém, méo miệng...
Bệnh bại não là một bệnh lý phức tạp, do nhiều nguyên nhân gây nên, thể bệnh đa dạng, việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh giúp chúng ta có các biện pháp phòng ngừa chủ động, đồng thời phát hiện sớm, can thiệp kịp thời.
Bệnh bại não được chẩn đoán bằng cách nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bại não bằng cách: hỏi bệnh sử toàn diện, khám, đánh giá các triệu chứng, kiểm tra về tâm thần kinh.
Một số xét nghiệm được chỉ định thêm. Ví dụ như là:
Điện não đồ (EEG): được sử dụng để đánh giá hoạt động điện của não. Xét nghiệm này được chỉ định khi con bạn có dấu hiệu co giật, động kinh.
Cộng hưởng từ (MRI) não: MRI là kĩ thuật sử dụng năng lượng nam châm và sóng radio để tạo ra những hình ảnh của não. Nó có thể nhận diện được những bất thường hay tổn thương trong não.
CT scan não: xét nghiệm này tạo ra những hình ảnh cắt ngang, rõ nét về não. Nó cũng phát hiện những tổn thương trong não.
Siêu âm: Đây là một phương pháp khá nhanh và rẻ tiền. Siêu âm sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra những hình ảnh cơ bản về não của trẻ.
Xét nghiệm máu: một số trường hợp được xét nghiệm máu để tìm những rối loạn đông máu.
Nếu bác sĩ của bạn khẳng định là bại não, họ có thể gửi đến các chuyên gia về thần kinh học. Những chuyên gia này có thể khám những vấn đề thần kinh chuyên sâu hơn, ví dụ:
- Giảm hay mất thị lực, chẳng hạn như mờ một hoặc hai mắt
- Điếc
- Chậm nói
- Thiểu năng trí tuệ
- Rối loạn chuyển động
Hầu hết những trẻ sinh ra bị bại não nhưng chúng có thể không có triệu chứng cho đến nhiều tháng hay nhiều năm sau đó. Các triệu chứng thường xuất hiện trước khi trẻ đạt 3 – 4 tuổi.
Bại não có thê gây ra những biến chứng gì?
Bại não thường dẫn đến những biến chứng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Yếu cơ, co cứng cơ hay những vấn đề phối hợp vận động có thể dẫn đến những biến chứng trong suốt thời thơ ấu hoặc trưởng thành. Có thể kể đến:
Co rút cơ: đây là tình trạng các cơ bắp bị ngắn lại dẫn đến cơ rất căng. Co rút cơ có thể hạn chế sự phát triển xương, xương dễ bị biến dạng, dễ bị trật khớp, bán trật khớp.
Lão hóa sớm: một số loại lão hóa sớm sẽ ảnh hưởng ở người bại não ở tuổi 40.
Thiếu dinh dưỡng: những vấn đề nuốt và vận động khiến trẻ khó khăn trong ăn uống. Vì vậy, trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển xương. Một vài trẻ cần đến ống nuôi ăn mới có đủ dinh dưỡng.
Sức khỏe tâm thần: Người bị bại não thường gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần, ví dụ như trầm cảm. Sự cô lập xã hội và những thách thức đối phó vớ khuyết tật có thể dẫn đến trầm cảm.
Bệnh tim và phổi: Những trẻ bị bại não dễ gặp các bệnh lý về tim, phổi, rối loạn hô hấp.
Thoái hóa khớp: Nhưng áp lực đặt lên xương khớp hay sự biến dạng do co rút cơ thường dẫn đến sự thoái hóa khớp.
Loãng xương: Gãy xương do mật độ khoáng chất trong xương thấp. Có thể do: thiếu vận động, thiếu dinh dưỡng, sử dụng các thuốc chống động kinh.
Điều trị bại não như thế nào?
Không thể chữa dứt hoàn toàn bại não nhưng điều trị có thể cải thiện cuộc sống của những người mắc bệnh này. Điều quan trọng là bắt đầu một chương trình điều trị càng sớm càng tốt.
Sau khi bại não được chẩn đoán, một nhóm các chuyên gia y tế làm việc với trẻ và gia đình để phát triển một kế hoạch giúp trẻ phát huy hết khả năng của mình. Phương pháp điều trị phổ biến bao gồm thuốc; phẫu thuật; vật lý trị liệu, liệu pháp tâm lý, ngôn ngữ...Không liệu pháp điều trị đơn lẻ nào là tốt nhất cho tất cả trẻ em bị bại não. Trước khi quyết định kế hoạch điều trị, điều quan trọng là nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để hiểu tất cả các lợi ích và nguy cơ của các phương pháp điều trị.
Các phương pháp điều trị bại não gồm:
1. Hỗ trợ
Những hỗ trợ cho trẻ có thể là:
- Hỗ trợ đi bộ
- Xe lăn
- Các loại nẹp
- Trợ thính
- Kính mắt
2. Dùng thuốc
Các chọn lựa thuốc điều trị trương lực cơ bao gồm:
- Tiêm botulinum toxin A (BoNT-A)
- Các loại thuốc uống
- Bơm baclofen trong màng tuỷ (ITB, Intrathecal baclofen)
(I) Tiêm độc tố Botulinum A (BoNT-A)
BoNT-A là một chất độc thần kinh được tiêm vào các cơ đích để điều trị co cứng và loạn trương lực khu trú (cục bộ) ở trẻ bại não. BoNT-A ngăn chặn sự phóng thích acetylcholine, một trong những chất dẫn truyền thần kinh chính, tại chỗ nối thần kinh - cơ và gây liệt cơ tạm thời. Tình trạng yếu cơ này thường kéo dài từ ba đến sáu tháng, khi đó có thể chỉ định tiêm lặp lại.
Có thể xem xét chỉ định tiêm BoNT-A khi đã xác định mục tiêu chức năng và cần theo dõi chặt chẽ việc đạt được mục tiêu và các phản ứng phụ sau các mũi tiêm. Y văn hiện tại cho thấy có nhiều chứng cứ ủng hộ việc sử dụng tiêm BoNT-A để điều trị co cứng cho chi trên và chi dưới.
Tiêm BoNT-A được coi là một lựa chọn điều trị tiêu chuẩn để điều trị chứng tăng trương lực cơ ở trẻ bại não ở các nước có thu nhập cao. Các mũi tiêm thường được các bác sĩ phục hồi chức năng thực hiện.
(II) Các loại thuốc uống
Nhiều loại thuốc uống thường được kê toa cho trẻ bại não khi kết quả mong muốn là giảm co cứng và/hoặc trương lực cơ toàn thể. Các loại thuốc được sử dụng cho co cứng toàn thể thường được kê toa bao gồm:
- Baclofen
- Diazepam
- Dantrolene
- Tizanidine
Các loại thuốc được kê toa để điều trị chứng loạn trương lực toàn thể bao gồm:
- Baclofen
- Haloperidol
- L dopa
- Tetrabenazine
- Benzhexol
Nhiều thuốc kể trên có thể có các phản ứng phụ như buồn ngủ, an thần và yếu cơ. Điều quan trọng là phải đặt các mục tiêu cụ thể khi dùng thuốc và theo dõi liên tục các tác dụng có lợi và/hoặc các tác dụng phụ của thuốc đang sử dụng.
(III) Bơm Baclofen trong khoang màng tuỷ (ITB)
Baclofen là một loại thuốc uống thường được thử nghiệm cho trẻ bị tăng trương lực và loạn trương lực toàn thể. Thuốc tác dụng trên các thụ thể trong tủy sống, ức chế co thắt cơ và làm giảm trương lực cơ. Ở dạng uống, thuốc không dễ dàng vượt qua hàng rào máu não, do vậy có thể cần liều cao hơn nhưng lại gây ra các phản ứng phụ không mong muốn.
Khi được đưa vào trong màng tuỷ, baclofen có thể được phân phối trực tiếp đến vị trí tác dụng, cho phép dùng liều nhỏ hơn và ít tác dụng phụ hơn. Một máy bơm Baclofen trong màng tuỷ, bao gồm một bơm lập trình được và ống dẫn lưu trong màng tuỷ, có thể được lập trình để điều trị một liều liên tục kèm/hoặc không kèm với liều nhanh baclofen trong khoảng thời gian 24 giờ.
Các quy trình và điều kiện cho bơm Baclofen trong màng tuỷ khác nhau giữa các quốc gia. Do bản chất xâm lấn của can thiệp và các rủi ro liên quan (như sự cố bơm, rò ống dẫn và những khó khăn trong chăm sóc vết thương), việc tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng tới đội ngũ y tế chuyên khoa thường là điều kiện tiên quyết cho việc cấy ghép bơm.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật phá huỷ rễ cột sống lưng chọn lọc (Selective Dorsal Rhizotomy - SDR) là một can thiệp phẫu thuật thần kinh làm giảm co cứng cho trẻ bại não thể co cứng. Mục đích là giảm co cứng ở hai chi dưới vĩnh viễn bằng cách phá vỡ cung phản xạ tủy sống bất thường, nhằm cải thiện chức năng vận động.
Phẫu thuật sẽ không chỉnh sửa các co rút hoặc biến dạng hiện tại và không chữa khỏi những ảnh hưởng nguyên phát của bại não, gồm mất kiểm soát vận động, yếu cơ, các vấn đề về thăng bằng... Đối với đa số trẻ, nếu muốn đạt được khả năng di chuyển chức năng tối ưu, trẻ có thể cần được phẫu thuật chỉnh hình một thời gian sau SDR để điều chỉnh các co rút và biến dạng cố định của xương.
Trẻ được mổ SDR luôn cần phải kết hợp tập vật lý trị liệu tích cực sau khi phẫu thuật để phục hồi và cải thiện các kỹ năng vận động.
4. Những phương pháp điều trị khác
Trẻ được tập vật lí trị liệu để cải thiện những rối loạn vận động. Ví dụ: giảm sự co cứng, căng cơ, huấn luyện thăng bằng, tập đi lại…
Trẻ được học cách ăn uống, mặc quần áo, sinh hoạt hằng ngày.
Ngoài ra, liệu pháp ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị mới hứa hẹn nhiều tiềm năng để điều trị trẻ bị bại não.
Làm cách nào để ngăn ngừa bị bại não?
Phần lớn các nguyên nhân dẫn đến bại não không phải luôn luôn ngăn ngừa được. Tuy nhiên, nếu bạn đang mang thai hay có dự định mang thai thì bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định.
Tiêm ngừa đầy đủ lúc mang thai cũng là cách phòng ngừa bại não
Điều quan trọng là phải tiêm vắc xin để chống lại một số bệnh có thể gây tổn thương não thai nhi. Ví dụ: rubella. Cũng rất quan trọng khi bạn được chăm sóc trước sinh đầy đủ. Việc khám thai định kỳ trong khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa sinh non, nhẹ cân hay nhiễm trùng. Hãy luôn nhớ phòng bệnh hơn chữa bệnh!
Bại não là một bệnh lý rối loạn vận động phức tạp. Bệnh để lại nhiều biến chứng và tàn tật cho trẻ. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng quan trọng.
Ban Biên tập Y Khoa Online
---------------------------------------------
Nguồn:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cerebral-palsy/diagnosis-treatment/drc-20354005. Truy cập ngày 7/5/2020
https://www.healthline.com/health/cerebral-palsy. Truy cập ngày 7/5/2020
https://www.cdc.gov/ncbddd/cp/facts.html. Truy cập ngày 7/5/2020
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/bai-nao-la-gi-nguyen-nhan-chinh-cua-benh-bai-nao-la-gicach-phan-loai-bai-nao/. Truy cập ngày 7/5/2020
-
Ung thư
18/11/2024 09:51 GMT+7
-
Viêm mũi xoang
15/11/2024 18:38 GMT+7
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7