Viêm mũi xoang

15/11/2024 18:38 GMT+7

NỘI DUNG

Tổng quan

Giải phẫu học các xoang cạnh mũi

Sinh lý học các xoang cạnh mũi

Viêm mũi xoang

Viêm mũi xoang cấp tính

  - Viêm mũi xoang cấp tính do siêu vi

  - Viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn

  - Viêm xoang hàm trên cấp tính

  - Viêm xoang trán cấp tính

  - Viêm xoang sàng cấp tính

  - Viêm xoang bướm cấp tính

Viêm mũi xoang mạn tính

  - Viêm mũi xoang mạn tính không có polyp

  - Viêm mũi xoang mạn tính có polyp

-----------------------------

TỔNG QUAN

Trước đây, thuật ngữ "viêm xoang" được dùng để mô tả tình trạng viêm của niêm mạc xoang. Tuy nhiên, vì viêm niêm mạc xoang rất hay liên quan đến tình trạng viêm niêm mạc mũi, do đó thuật ngữ “viêm mũi xoang” thường được sử dụng hơn thuật ngữ “viêm xoang”.

Trước khi đi vào chi tiết về bệnh lý viêm mũi xoang, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các kiến thức cơ bản về xoang và các cấu trúc liên quan trong mũi.

GIẢI PHẪU HỌC CÁC XOANG CẠNH MŨI

Các xoang cạnh mũi là các khoang chứa không khí trong xương. Mỗi bên có bốn loại xoang là xoang hàm trên, xoang trán, xoang sàng và xoang bướm. Về mặt lâm sàng, các xoang cạnh mũi được chia thành hai nhóm:

- Nhóm xoang trước. Bao gồm xoang hàm trên, xoang trán và các xoang sàng trước.

- Nhóm xoang sau. Bao gồm các xoang sàng sau và xoang bướm.

Tất cả các xoang đều có lỗ thông ra ngoài khoang mũi.

Vị trí các xoang cạnh mũi

Minh họa vị trí của các xoang trên khuôn mặt. Ảnh: DK 

Xoang hàm trên

Đây là xoang cạnh mũi lớn nhất và nằm trong phần thân của xương hàm trên. Thể tích trung bình của xoang hàm trên là 15 mL ở người lớn. Kích thước trung bình của xoang là cao 33mm, sâu 35mm và rộng 25mm. Sàn của xoang hàm trên tiếp giáp với chân răng tiền hàm số 2 hoặc răng hàm số 1. Trần của xoang hàm trên tiếp giáp với sàn của hốc mắt.

Xoang trán

Xoang trán nằm bên trong xương trán, có hình dạng và kích thước hay thay đổi. Hai xoang trán thường không đối xứng có vách ngăn xương ở giữa mỏng và thường nằm xiên hoặc thậm chí là không có. Có thể không có xoang trán ở một hoặc cả hai bên trán, hoặc xoang tráng có thể rất lớn. Kích thước trung bình của xoang trán là cao 32mm, rộng 24mm và sâu 16mm.

Thành trước của xoang tiếp giáp da vùng trán; thành dưới tiếp giáp ổ mắt và thành sau tiếp giáp màng não và vùng não thùy trán.

Giải phẫu học vùng mũi xoang

Xoang sàng

Xoang sàng là các khoang chứa khí có thành mỏng nằm bên trong xương sàng. Số lượng xoang sàng thay đổi từ 3 đến 18. Xoang sàng được chia thành nhóm xoang sàng trước thông với ngách mũi giữa và nhóm xoang sàng sau thông với ngách mũi trên.

Khi mới sinh, kích thước trung bình của xoang sàng trước là 5 × 2 × 2 mm và xoang sàng sau là 5 × 4 × 2 mm. Xoang sàng đạt kích thước trưởng thành vào năm thứ 12.

Xoang bướm

Nằm trong phần thân của xương bướm. Có 2 xoang, phải và trái, hiếm khi đối xứng và được ngăn cách bởi một vách xương mỏng, thường nằm xiên và thậm chí có thể không có vách xương này. Lỗ xoang bướm nằm ở vị trí cao và mở thông với ngách bướm sàng, ở giữa cuốn mũi trên. Lỗ xoang bướm có hình bầu dục hay hình tròn và có thể nhìn thấy bằng nội soi mũi.

Kích thước trung bình của một xoang bướm ở người lớn là cao khoảng 2 cm, sâu 2 cm và rộng 2 cm.

Thành bên của xoang bướm tiếp giáp dây thần kinh thị giác và động mạch cảnh trong. Trần của xoang bướm tiếp giáp với vùng não thùy trán, bó thần kinh khứu giác ở phía trước và tuyến yên ở phía sau.

Các cấu trúc xung quanh của xoang bướm rất quan trọng đối với phẫu thuật nền sọ qua nội soi.

Xoang cạnh mũi

Niêm mạc của xoang

Các xoang cạnh mũi được lót bằng niêm mạc liên tục với niêm mạc của khoang mũi qua lỗ xoang. Niêm mạc của xoang mỏng hơn và ít mạch máu hơn so với niêm mạc của khoang mũi. Về mặt mô học, đó là biểu mô trụ có lông mao với các tế bào hình đài tiết ra chất nhầy.

Lông mao hiện diện nhiều ở gần lỗ xoang và giúp dẫn ​​lưu chất nhầy từ bên trong xoang vào khoang mũi.

SINH LÝ HỌC CÁC XOANG CẠNH MŨI

Thông khí tại xoang

Sự thông khí của các xoang cạnh mũi diễn ra nhờ vào lỗ thông tự nhiên của xoang. Khi hít vào, luồng không khí tạo ra áp suất âm trong mũi từ −6 mm đến −200 mm nước, tùy thuộc vào lực hít vào. Khi thở ra sẽ tạo áp suất dương trong mũi, hình thành các luồng khí xoáy giúp thông khí cho các xoang. Như vậy, sự thông khí của xoang là thông khí nghịch (so với phổi), nghĩa là xoang cạn khí lúc hít vào và đầy khí lúc thở ra. Điều này hoàn toàn ngược lại với những gì diễn ra trong phổi, là đầy khí khi hít vào và cạn khí lúc thở ra.

Làm sạch chất nhầy

Chất nhày được tiết bởi tế bào niêm mạc bên trong xoang sẽ được các lông mao vận chuyển đến các lỗ thông tự nhiên của xoang để đưa ra ngoài.

Chức năng của xoang

Hiện chưa thật sự rõ vì sao thiên nhiên lại tạo ra các xoang cạnh mũi này! Các chuyên gia gợi ý các chức năng có thể là:

- Làm ấm và ẩm không khí hít vào bằng cách tăng diện tích bề mặt tiếp xúc với không khí.

- Tạo cộng hưởng cho giọng nói.

- Hoạt động như lớp cách nhiệt để bảo vệ các cấu trúc mỏng manh trong hốc mắt và hộp sọ khỏi sự thay đổi của nhiệt độ trong mũi.

- Làm hộp sọ nhẹ hơn.

- Gia tăng diện tích bề mặt cho khứu giác vì niêm mạc khứu giác nằm ở phần trên của khoang mũi và kéo dài qua xoang sàng.

- Lớp bảo vệ tại chỗ chống lại vi khuẩn.

- Hoạt động như vùng đệm giảm chấn giúp bảo vệ não không bị chấn thương

VIÊM MŨI XOANG

Định nghĩa:

Trước đây, thuật ngữ viêm xoang được dùng để mô tả tình trạng viêm của niêm mạc xoang. Tuy nhiên, vì viêm niêm mạc xoang rất hay liên quan đến tình trạng viêm niêm mạc mũi, do đó thuật ngữ “viêm mũi xoang” thường được sử dụng hơn thuật ngữ “viêm xoang”.

Phân loại:

Viêm mũi xoang được chia thành các loại theo diễn tiến như sau:

- Viêm mũi xoang cấp tính: Các triệu chứng kéo dài dưới 4 tuần và hoàn toàn khỏi.

- Viêm mũi xoang bán cấp: Thời gian kéo dài 4-12 tuần.

- Viêm mũi xoang mạn tính: Thời gian kéo dài ≥ 12 tuần.

- Viêm mũi xoang tái phát: Bốn đợt viêm mũi xoang trở lên mỗi năm; mỗi đợt kéo dài 7-10 ngày trở lên và khỏi hoàn toàn giữa các đợt.

Đợt cấp của viêm mũi xoang mạn tính là tình trạng viêm mũi xoang mạn tính đột ngột diễn tiến nặng lên và trở về mức ban đầu sau khi điều trị.

Triệu chứng:

Các triệu chứng thường gặp của viêm mũi xoang bao gồm:

- Nghẹt mũi

- Chảy nước mũi/nghẹt mũi ở mũi trước hoặc chảy dịch mũi sau

- Đau hoặc cảm giác nặng mặt

- Thay đổi khứu giác (giảm hoặc mất khứu giác)

- Các triệu chứng khác bao gồm ho, sốt, hôi miệng, mệt mỏi, đau răng, viêm họng, đau đầu hoặc ù tai.

VIÊM MŨI XOANG CẤP TÍNH

1. Viêm mũi xoang cấp tính do siêu vi

Nguyên nhân: Bệnh do virus đường hô hấp gây ra, thường là các loại virus cảm lạnh thông thường như rhinovirus, virus cúm và parainfluenza.

Các virus lây lan qua các giọt bắn khi ho và hắt hơi. Thời gian ủ bệnh là 1-4 ngày.

Đặc điểm lâm sàng: Gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi và sốt nhẹ. Bệnh nhân sẽ cải thiện trong vòng một tuần hoặc 10 ngày, trừ khi có biến chứng nhiễm khuẩn. Viêm mũi xoang cấp tính do siêu vi là bệnh tự khỏi.

Điều trị: Chỉ có điều trị triệu chứng bằng cách sử dụng thuốc làm thông mũi và thuốc kháng histamin. Thuốc giảm đau có tác dụng làm giảm đau đầu, sốt và đau nhức cơ. Tránh dùng aspirin, vì nó làm tăng phát tán virus.

Uống nhiều nước. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý cũng có tác dụng.

Không cần dùng kháng sinh, trừ khi bị biến chứng nhiễm khuẩn.

Biến chứng: Ít gặp, thường bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu có bội nhiễm do vi khuẩn hoặc bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, thì bệnh sẽ diễn tiến thành viêm mũi xoang do vi khuẩn và có thể gây viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm tai giữa.

2. Viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn

Nguyên nhân: Các loại vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm mũi xoang là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis và Staphylococcus aureus.

Viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn thường xảy ra sau đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus. Virus làm tổn thương lông mao và biểu mô, gây phù nề niêm mạc và tắc nghẽn lỗ xoang dẫn đến ứ dịch trong xoang, rồi sau đó là nhiễm khuẩn, nghĩa là bệnh diễn tiến thành viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn.

Đặc điểm lâm sàng: Các triệu chứng bao gồm nghẹt mũi, mũi chảy mủ, đau mặt hoặc cảm giác nặng mặt là các triệu chứng chính. Giảm khứu giác/mất khứu giác, ho, sốt, nhức đầu, đau tai, đau răng hoặc hôi miệng có thể là các triệu chứng phụ đi kèm.

Chẩn đoán: Viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn được chẩn đoán khi các triệu chứng của viêm mũi xoang cấp tính do virus kéo dài hoặc nặng hơn sau 10 ngày.

Tuy nhiên, tình trạng nhiễm khuẩn có thể khởi phát sớm hơn nếu người bệnh bị suy giảm miễn dịch. Không cần chụp CT để chẩn đoán trừ khi nghi ngờ có biến chứng hoặc bệnh không đáp ứng với điều trị. Một số biến dạng cấu trúc vùng mũi có thể là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng kéo dài.

Nội soi mũi có thể phát hiện mủ trong các ngách mũi. Có thể dùng tăm bông phết mủ ở ngách mũi giữa để phân lập vi khuẩn và làm xét nghiệm xác định độ nhạy của vi khuẩn đối với các loại kháng sinh, thường được gọi là kháng sinh đồ.

Điều trị: Các phương pháp điều trị viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn bao gồm:

- Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) có thể được sử dụng để giảm đau đầu và đau xoang hoặc đau răng.

- Thuốc kháng sinh: Một đợt điều trị ngắn bằng kháng sinh có thể giúp nhanh hết bệnh hơn, nhưng một số khuyến cáo khuyên nên chờ đợi và theo dõi. Nếu bệnh diễn tiến nặng hơn thì mới dùng thuốc kháng sinh.

Amoxicillin có hoặc không có axit clavulanic đều có hiệu quả và là bước điều trị đầu tiên. Đối với những người bị dị ứng với penicillin thì có thể dùng doxycycline, levofloxacin hoặc các loại kháng sinh khác dựa theo kết quả kháng sinh đồ.

- Rửa mũi bằng nước muối: Giúp làm loãng chất nhầy, rửa sạch vi khuẩn và làm giảm triệu chứng.

Rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý

Rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý giúp cải thiện triệu chứng của viêm mũi xoang. Ảnh: neilmed.com

- Thuốc kháng histamin: nên được sử dụng nếu bị dị ứng. Thuốc kháng histamin làm chất nhầy đặc lại.

- Thuốc giảm sung huyết (làm thông mũi): có tác dụng co mạch vùng niêm mạc mũi, giúp giảm tình trạng nghẹt mũi (VD thuốc chứa xylometazoline). Chỉ nên sử dụng tại chỗ (tại mũi) nhóm thuốc này trong vài ngày, vì sử dụng kéo dài có thể gây viêm mũi do thuốc.

Có thể sử dụng thuốc giảm sung huyết dạng uống nếu không có chống chỉ định như tăng huyết áp hoặc loét dạ dày tá tràng.

- Thuốc xịt mũi chứa steroid: Có tác dụng chống viêm, giảm phù nề và dị ứng.

3. Viêm xoang hàm trên cấp tính

Nguyên nhân:

- Thường gặp nhất là viêm mũi do virus gây ảnh hưởng đến niêm mạc xoang, sau đó có thể vi khuẩn xâm nhập.

- Lặn và bơi trong nước bị ô nhiễm.

- Nhiễm trùng răng là nguyên nhân quan trọng gây viêm xoang hàm trên. Chân răng tiền hàm và răng hàm tiếp giáp với sàn xoang hàm trên và chỉ được ngăn cách bởi một lớp niêm mạc mỏng. Áp xe quanh chân răng có thể vỡ vào xoang; hoặc khi nhổ năng, chân răng có thể bị đẩy vào xoang tạo lỗ rò miệng-xoang. Khi đó vi khuẩn từ khoang miệng xâm nhập vào xoang hàm trên.

- Chấn thương xoang như gãy xương phức tạp, chấn thương xuyên thấu hoặc vết thương do súng bắn có thể dẫn đến viêm xoang.

Đặc điểm lâm sàng: Các triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào mức độ viêm và hiệu quả dẫn lưu dịch tiết của lỗ xoang hàm trên.

Trường hợp viêm xoang kèm tắc lỗ thông xoang thì thường nặng nề hơn và hay gây ra các biến chứng.

- Các triệu chứng hay gặp: sốt, khó chịu và đau nhức cơ thể.

- Nhức đầu: Thường chỉ khu trú ở trán và do đó có thể bị nhầm với viêm xoang trán.

- Đau: Thường gặp là đau vùng xoang hàm trên, nhưng có thể lan đến nướu hoặc răng. Vì lý do này bệnh nhân có thể đi khám nha sĩ. Đau tăng khi cúi xuống, ho hoặc nhai. Thỉnh thoảng, cơn đau lan đến vùng trên ổ mắt cùng bên giống với viêm xoang trán.

- Nhạy đau. Ấn hoặc gõ nhẹ lên thành trước của xoang sẽ gây đau.

- Đỏ và sưng vùng má: Thường gặp ở trẻ em. Mí mắt dưới có thể sưng húp.

- Chảy dịch mũi. Nội soi mũi trước hoặc nội soi mũi thấy mủ hoặc chất nhầy ở ngách mũi giữa. Niêm mạc vùng ngách mũi giữa và cuốn mũi giữa có thể bị đỏ và sưng.

- Chảy dịch mũi sau: Có thể thấy mủ ở vùng vòm họng khi nội soi mũi sau.

Chẩn đoán:

- Kiểm tra độ xuyên sáng: Dùng đèn chiếu từ má ngoài, ngay  vị trí của xoang hàm trên và kiểm tra độ xuyên sáng bên trong miệng vùng má. Nếu xoang hàm trên bị viêm thì ánh sáng xuyên qua sẽ bị mờ đi.

- Chụp X-quang: Cho thấy hình ảnh mờ đục hoặc mức dịch trong xoang bị viêm.

- Chụp cắt lớp vi tính (Chụp CT) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được ưa chuộng để kiểm tra các xoang.

X quang chẩn đoán viêm xoang hàm trên

Chụp X quang cho thấy mức dịch (đầu mũi tên) trong xoang hàm trên bên phải bị viêm. Ảnh: radiopaedia.org

Điều trị:

Nội khoa

- Thuốc kháng sinh: Ampicillin và amoxicillin khá hiệu quả và có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn. Erythromycin, doxycycline hay cotrimoxazole có hiệu quả như nhau và có thể dùng cho những người nhạy cảm với penicillin. Các chủng vi khuẩn H. influenzae và M. catarrhalis sản sinh β-lactamase nên cần sử dụng amoxicillin/acid clavulanic hoặc cefuroxime axetil.

Sparfloxacin cũng có hiệu quả và có ưu điểm là chỉ dùng một liều duy nhất mỗi ngày.

- Thuốc nhỏ thông mũi: Ephedrine 1% hoặc 0,1% xylometazoline hoặc oxymetazoline được dùng dưới dạng thuốc nhỏ mũi hoặc xịt để thông mũi và cải thiện dẫn lưu xoang.

- Xông hơi: Xông hơi đơn thuần hoặc với menthol hay Tr. Benzoin Co. giúp giảm triệu chứng và cải thiện dẫn lưu xoang. Nên bắt đầu xông hơi 15–20 phút sau khi dùng thuốc thông mũi để có hiệu quả tốt hơn.

- Thuốc giảm đau:  Nên dùng Paracetamol hoặc thuốc giảm đau phù hợp khác để giảm đau và nhức đầu.

- Chườm nóng: Chườm nóng tại vị trí xoang bị viêm thường có tác dụng làm dịu và giúp giảm viêm.

Phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp viêm xoang hàm trên cấp tính đều đáp ứng với điều trị nội khoa, hiếm khi cần phải rửa xoang. Chỉ rửa xoang khi điều trị nội khoa không hiệu quả và phải dùng kháng sinh.

Biến chứng:

- Viêm xoang hàm trên cấp tính có thể chuyển thành viêm xoang bán cấp hoặc mạn tính.

- Viêm xoang trán do tắc nghẽn đường dẫn lưu xoang trán do phù nề.

- Viêm xương hoặc viêm tủy xương hàm trên.

- Viêm mô tế bào hoặc áp xe hốc mắt. Nhiễm trùng lan đến hốc mắt do phù nề trực tiếp từ mái xoang hàm trên hoặc gián tiếp sau khi ảnh hưởng đến xoang sàng.

4. Viêm xoang trán cấp tính

Nguyên nhân:

- Thường theo sau nhiễm trùng do virus ở đường hô hấp trên sau đó là xâm nhập của vi khuẩn.

- Nước vào xoang trong khi lặn hoặc bơi.

- Chấn thương từ bên ngoài vào xoang, ví dụ như gãy xương hoặc thương tích xuyên thấu.

- Phù nề ở ngách mũi giữa, thứ phát do nhiễm trùng xoang hàm trên hoặc xoang sàng cùng bên.

Đặc điểm lâm sàng:

- Nhức đầu: Thường nặng và khu trú ở xoang bị ảnh hưởng, thường có tính chu kỳ đặc trưng, ​​tức là đau đầu xuất hiện khi thức dậy, tăng dần và đạt đến đỉnh điểm vào khoảng giữa ngày và sau đó bắt đầu giảm dần. Do đó hay được gọi là "nhức đầu văn phòng" vì chỉ xuất hiện trong giờ làm việc.

- Nhạy đau: Dùng tay ấn ngay phía trên góc mắt trong, hướng lên trên sàn xoang trán sẽ gây đau dữ dội. Đau cũng xuất hiện bằng cách gõ nhẹ vào thành trước của xoang trán, ở giữa của vùng trên ổ mắt.

- Sưng mí mắt trên kèm tràn dịch kết mạc (chảy nước mắt) và sợ ánh sáng.

- Chảy dịch mũi. Có thể thấy dịch nhầy ở phần trước của ngách mũi giữa. Tuy nhiên có thể sẽ không thấy dịch nhầy nếu lỗ thông của xoang trán bị tắc nên chất nhầy sẽ không được dẫn lưu. Niêm mạc mũi vùng ngách mũi giữa bị viêm.

- Chụp X-quang. Có thể thấy độ mờ của xoang hoặc mức dịch bên trong xoang bị viêm.

- Chụp CT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được ưu tiên sử dụng.

Điều trị:

Nội khoa

Điều trị cũng giống như đối với viêm xoang hàm trên cấp tính, tức là dùng thuốc kháng sinh, thuốc thông mũi và thuốc giảm đau. Kết hợp thuốc kháng histamin với thuốc thông mũi dạng uống (phenylephrine hydrochloride). Đặt một miếng bông gòn tẩm thuốc co mạch vào ngách mũi giữa, một hoặc hai lần mỗi ngày, để làm giảm phù nề lỗ thông, giúp dẫn lưu xoang và thông khí. Nếu bệnh nhân có đáp ứng với điều trị nội khoa và cơn đau giảm, thì tiếp tục điều trị trong 10 ngày đến 2 tuần.

Phẫu thuật

Nếu bệnh nhân đau dai dẳng, đau ngày càng nhiều hơn, hoặc có sốt mặc dù đã điều trị nội khoa trong 48 giờ, hoặc sưng mí mắt nhiều hơn và nguy cơ biến chứng viêm mô tế bào hốc mắt, thì phẫu thuật khoan dẫn lưu xoang trán được chỉ định để dẫn lưu dịch ra ngoài. Một vết rạch ngang dài 2 cm được thực hiện ở góc trong phía trên của hốc mắt, ngay dưới lông mày. Sàn xoang trán được bộc lộ và bác sĩ phẩu thuật sẽ tiến hành khoan để dẫn lưu. Mủ trong xoang trán được lấy để nuôi cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. Bác sĩ phẫu thuật có thể đưa vào trong xoang trán một ống dẫn lưu để bơm rửa xoang bằng nước muối sinh lý hai hoặc ba lần mỗi ngày cho đến khi thông ống mũi – trán (đường thông tự nhiên của xoang trán). Để kiểm tra xoang trán đã thông chưa, bác sĩ nhỏ vài giọt xanh methylene vào dung dịch rửa và sẽ nhìn thấy dịch xanh chảy ra đường mũi khi xoang trán đã thông, khi đó ống dẫn lưu sẽ được lấy ra.

Biến chứng:

Viêm xoang trán cấp tính có thể gây ra các biến chứng sau:

- Viêm mô tế bào hốc mắt.

- Viêm tủy xương trán và tạo thành lỗ rò.

- Viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng hoặc nếu nhiễm trùng lan qua thành sau của xoang sẽ gây áp xe thùy trán.

- Viêm xoang trán mạn tính, nếu nhiễm trùng cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.

5. Viêm xoang sàng cấp tính

Nguyên nhân: Viêm xoang sàng cấp tính thường liên quan đến nhiễm trùng từ các xoang khác. Bệnh thường gặp nhiều hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Đặc điểm lâm sàng:

- Đau: Khu trú ở sống mũi, giữa và sâu vào mắt. Đau tăng lên khi nhãn cầu chuyển động.

- Triệu chứng ở mắt: Sưng mí mắt, cả hai mí mắt đều sưng húp; tăng tiết nước mắt gây chảy nước mắt; viêm mô tế bào hốc mắt là biến chứng sớm trong viêm xoang sàng cấp tính.

- Chảy dịch mũi: Khi soi mũi trước, có thể thấy mủ ở ngách mũi giữa hoặc hoặc ngách mũi trên tùy thuộc vào nhóm xoang sàng trước hoặc nhóm xoang sàng sau bị viêm.

- Sưng cuốn mũi giữa.

Điều trị:

Điều trị nội khoa giống như viêm xoang hàm trên cấp tính.

Giảm thị lực và lồi mắt là dấu hiệu của áp xe ở hốc mắt sau và có thể cần phải phẫu thuật dẫn lưu các xoang sàng vào mũi.

Biến chứng:

- Viêm mô tế bào và áp xe hốc mắt.

- Suy giảm thị lực và mù lòa do liên quan đến dây thần kinh thị giác.

- Huyết khối xoang hang.

- Áp xe ngoài màng cứng, viêm màng não hoặc áp xe não.

6. Viêm xoang bướm cấp tính

Nguyên nhân:

Xoang bướm rất hiếm khi bị viêm riêng lẻ, thường trong bệnh cảnh của viêm nhiều xoang hoặc có liên quan đến viêm xoang sàng sau.

Đặc điểm lâm sàng:

- Nhức đầu: Thường khu trú ở vùng chẩm hoặc đỉnh đầu. Đau cũng có thể lan đến vùng xương chũm.

- Chảy dịch mũi sau: Chỉ có thể nhìn thấy khi nội soi mũi sau. Mủ hiện diện trên mái và thành sau của vùng hầu mũi hoặc phía trên ở phần đầu sau của cuốn mũi giữa.

- Chụp X-quang: Cho thấy độ mờ hoặc mức dịch trong xoang bướm. Chụp nghiêng xoang bướm ở tư thế nằm ngửa hoặc nằm sấp sẽ thấy rõ mức dịch hơn. Chụp CT thường được lựa chọn.

Chẩn đoán phân biệt:

U nhầy hoặc u tân sinh ở xoang bướm có thể có những đặc điểm giống với viêm xoang bướm cấp tính và cần phải loại trừ trong mọi trường hợp khi chỉ có liên quan một mình xoang bướm.

Điều trị:

Phương pháp điều trị cũng giống như đối với viêm cấp tính ở các xoang khác.

VIÊM MŨI XOANG MẠN TÍNH

Đây là bệnh viêm mạn tính của niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi, với triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần. Đôi khi có những đợt cấp tính bùng phát trên nền viêm xoang mạn tính. Khi đó các triệu chứng sẽ nặng hơn, nhưng sau khi được điều trị thì sẽ trở lại mức nền mạn tính.

Nguyên nhân và sinh lý bệnh học:

Viêm xoang mũi mạn tính là một bệnh đa yếu tố như do nhiễm trùng, hoặc do viêm, dị ứng… Các yếu tố gây bệnh tạo thành một vòng lẩn quẩn, diễn tiến theo chiều kim đồng hồ và cả ngược chiều kim đồng hồ (xem ảnh minh họa bên dưới)

Nguyên nhân và sinh lý bệnh học của viêm mũi xoang mạn tính

Nguyên nhân và sinh lý bệnh của viêm mũi xoang mạn tính

Về mặt lâm sàng, bệnh được chia thành hai loại:

- Viêm mũi xoang mạn tính không có polyp

- Viêm mũi xoang mạn tính có polyp

1. Viêm mũi xoang mạn tính không có polyp

Bệnh có thể do vi khuẩn, hoặc do diễn tiến của viêm mũi xoang cấp tính → bán cấp → mạn tính. Vi khuẩn trong viêm mũi xoang mạn tính khác với vi khuẩn trong viêm mũi xoang cấp tính. Các vi khuẩn được phân lập trong viêm mũi xoang mạn tính là Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella pneumoniae và Escherichia coli. Các vi khuẩn kỵ khí cũng được tìm thấy. Do đó, vi khuẩn học trong viêm mũi xoang mạn tính rất đa dạng và có bản chất là nhiều loại vi khuẩn. Trong đa số trường hợp là do diễn tiến từ viêm mũi xoang cấp tính, trong đó vi khuẩn trở nên kháng thuốc do điều trị bằng kháng sinh không đủ liều lượng và thời gian.

Ngoài ra còn có các yếu tố thúc đẩy khởi phát hoặc diễn tiến bệnh.

Các yếu tố thúc đẩy:

- Biến dạng cấu trúc: Vẹo vách ngăn mũi, bóng khí cuốn mũi… làm hẹp các lỗ thông của xoang, gây viêm xoang trán, xoang hàm trên, xoang sàng hoặc xoang bướm. Tắc nghẽn lỗ thông xoang sẽ tạo áp lực âm trong xoang à Giảm oxy mô và pH acid à Giảm thanh thải chất nhầy à Tích tụ dịch nhầy trong xoang à Nhiễm khuẩn à Viêm xoang dai dẳng.

- Giảm thanh thải chất nhầy: Lông mao rất quan trọng để làm sạch các dịch tiết bình thường trong xoang. Lông mao bị mất chức năng có thể là thứ phát do nhiễm trùng, viêm và độc tố (như ô nhiễm và khói thuốc lá). Trong rối loạn chức năng lông mao nguyên phát, lông mao bị khiếm khuyết và không hoạt động.

- Xơ nang và hội chứng Young: Chất nhầy quá đặc và nhớt nên lông mao không thể di chuyển được.

- Viêm xương/viêm tủy xương. Nhiễm khuẩn gây tình trạng viêm bên trong xương, khởi đầu là viêm niêm mạc phản ứng sau đó trở thành viêm mãn tính và không đáp ứng với điều trị. Tình trạng này thường được phát hiện sau phẫu thuật mũi và xoang cạnh mũi.

- Nhiễm trùng răng: Răng tiền hàm và răng hàm có liên quan đến xoang hàm trên. Nhiễm trùng răng, áp xe chân răng, lỗ rò răng – miệng sau khi nhổ răng hay dị vật trong quá trình điều trị tủy răng đã đưa vi khuẩn vào xoang và gây nhiễm trùng xoang. Nhiễm trùng răng có bản chất là do nhiều loại vi khuẩn, có cả các vi khuẩn kỵ khí.

- Hen suyễn: Ước tính có gần một nửa số trường hợp viêm mũi xoang mạn tính bị hen suyễn.

- Dị ứng: Làm phù nề niêm mạc mũi và tắc nghẽn lỗ xoang.

- Màng sinh học (biofilm): Đây là cơ chế bảo vệ của vi khuẩn. Chúng tạo ra một lớp màng polysaccharide bao xung quanh các khúm vi khuẩn. Lớp màng này, mặc dù cho phép các dưỡng chất đi vào để nuôi các sinh vật và các chất tiết của chúng đi ra, nhưng lại không cho kháng sinh đi vào bên trong. Do đó lớp màng sinh học này giúp bảo vệ vi khuẩn không cho kháng sinh tiêu diệt, làm cho bệnh diễn tiến kéo dài (mạn tính) và trở nên kháng trị.

Các triệu chứng:

Các triệu chứng chính của viêm xoang mũi mạn tính là:

- Nghẹt mũi,

- Chảy dịch có mủ ở mũi trước hoặc mũi sau,

- Đau vùng mặt và cảm giác nặng mặt,

- Rối loạn khứu giác (giảm khứu giác hoặc mất khứu giác).

Các dấu hiệu:

Nội soi mũi có thể phát hiện:

- Phù nề niêm mạc mũi

- Chảy mủ thấy qua nội soi mũi

Chẩn đoán:

Để chẩn đoán viêm mũi xoang mạn tính, cần có ít nhất hai triệu chứng và một dấu hiệu đã được liệt kê ở trên.

Chụp CT xoang có thể giúp phát hiện tình trạng viêm niêm mạc, mức độ  bệnh và yếu tố thúc đẩy bệnh.

Điều trị:

Nội khoa

- Thuốc kháng sinh: Vì bệnh có bản chất là do nhiều vi khuẩn, nên chọn thuốc kháng sinh phổ rộng dựa trên kết quả kháng sinh đồ.

Hiện có nhiều vi khuẩn đề kháng với kháng sinh như S. aureus có thể đề kháng với methicillin. Có thể sử dụng nhóm kháng sinh macrolide liều thấp kéo dài (hơn 12 tuần). Macrolide có tác dụng kìm khuẩn và cũng có tác dụng chống viêm.

- Rửa bằng nước muối: Giúp rửa sạch vi khuẩn và phá vỡ màng sinh học của chúng.

- Thuốc co mạch tại chỗ: Giúp thông mũi, giảm triệu chứng nghẹt mũi và mở lỗ thông xoang. Tốt nhất nên sử dụng thuốc thông mũi vài phút trước khi xịt mũi chứa steroid để thuốc có thể tiếp cận tất cả các vùng mũi đã thông.

- Thuốc xịt steroid: Để chống viêm và làm giảm phù nề.

- Điều trị chống dị ứng: Sử dụng thuốc kháng histamin hoặc thuốc đối kháng thụ thể leukotriene (như montelukast). Thuốc kháng histamin làm đặc chất nhầy của xoang.

Phẫu thuật

Phẫu thuật nội soi xoang được sử dụng cho những trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa. Mục đích của phẫu thuật là nhằm điều chỉnh các biến dạng cấu trúc vùng mũi gây cản trở dẫn lưu và thông khí tại xoang,

Điều trị nội khoa sau phẫu thuật sẽ vẫn được tiếp tục để giúp mang lại hiệu quả lâu dài.

2. Viêm mũi xoang mạn tính có polyp

Sự hình thành polyp ở mũi và xoang có thể là do các quá trình nhiễm trùng hoặc các rối loạn toàn thân như loạn động lông mao nguyên phát, xơ nang, tam chứng Samter (nhạy cảm với aspirin, polyp mũi và hen suyễn), hen suyễn (7% bệnh nhân hen suyễn có polyp), hội chứng Churg–Strauss (hen suyễn, tăng bạch cầu ái toan ngoại biên, thâm nhiễm phổi và viêm mạch bạch cầu ái toan toàn thân) và viêm xoang dị ứng do nấm.

Triệu chứng: Tương tự như triệu chứng thấy ở viêm mũi xoang mạn tính không có polyp nhưng khi khám mũi thì thấy có nhiều polyp. Polyp xoang sàng có thể lớn và ăn vào hốc mắt hoặc lan đến hố sọ trước. Nhiễm trùng có thể hiện diện và khi đó xoang chứa đầy mủ.

Chẩn đoán:

Dựa trên hỏi thông tin về bệnh sử, khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh.

Chụp CT xoang có thể phát hiện bất thường về cấu trúc, mức độ bệnh, mức độ phá hủy thành xương và xâm lấn đến cấu trúc xung quanh như hốc mắt và hộp sọ. Trong trường hợp nghi ngờ xâm lấn vào hốc mắt hoặc hộp sọ, có thể cần chụp MRI (cộng hưởng từ) có chất tương phản.

Điều trị:

- Thuốc steroid toàn thân: Có tác dụng chống viêm và ức chế phóng thích cytokine. Không nên sử dụng kéo dài vì thuốc gây nhiều tác dụng phụ. Nhóm thuốc này có thể được sử dụng trước phẫu thuật để giảm kích thước polyp và sau phẫu thuật để ngừa tái phát.

- Thuốc xịt mũi steroid: Làm giảm kích thước polyp và phù nề ở niêm mạc mũi.

- Rửa mũi: Giúp loại bỏ mầm bệnh, tác nhân gây dị ứng, và làm loãng chất nhầy đặc.

- Thuốc kháng sinh: Có thể được sử dụng trong các đợt cấp của viêm mũi xoang mạn tính do Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và Moraxella.

- Kiểm soát dị ứng: Thuốc miễn dịch có thể được sử dụng cho những bệnh nhân có tiền sử dị ứng đã biết.

- Điều trị hen suyễn: Hen suyễn là bệnh đi kèm của viêm mũi xoang mạn tính và cần được điều trị với sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa hô hấp.

Trong trường hợp polyp mũi kích thước lớn thì điều trị nội khoa thường không hiệu quả và cần phải phẫu thuật nội soi để cắt bỏ tất cả các polyp, dẫn lưu và thông khí cho xoang.

Nhiều trường hợp cần phẫu thuật lại khi polyp tái phát.

Hiện nay phương pháp điều trị được lựa chọn cho bệnh viêm mũi xoang mạn tính có hoặc không có polyp là phẫu thuật nội soi xoang thường được gọi là FESS (Functional Endoscopic Sinus Surgery: phẫu thuật phục hồi chức năng xoang bằng nội soi).

 

BS. Trần Quốc Hùng

Ban Biên tập Y Khoa Online

-------------------------------------

Nguồn tham khảo: 

Diseases of Ear, Nose and Throat & Head and Neck Surgery, 7th Edition, PL Dhingra, Shruti Dhingra and Deeksha Dhingra