Bướu sợi tuyến vú
Tổng quan
Bướu sợi tuyến vú (hay còn gọi là u xơ tuyến vú) là vú có khối u đặc, lành tính (không phải là ung thư). Bướu sợi tuyến vú thường xảy ra ở độ tuổi từ 15 đến 35 nhưng có thể gặp ở bất kỳ phụ nữ nào đang trong độ tuổi kinh nguyệt.
Bướu sợi tuyến vú là bệnh lý khá phổ biến. Khối u thường có dạng hình tròn, thường không gây đau, mật độ chắc, bề mặt trơn láng, giới hạn rõ, có cảm giác như hạt đậu trong vú. Khi sờ vào thì khối u dễ dàng di động bên trong mô vú.
Khi được chẩn đoán bướu sợi tuyến vú, bệnh nhân thường được yêu cầu tiếp tục theo dõi sự thay đổi về kích thước hay cảm giác khi sờ vào khối u. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định làm sinh thiết khối u để kiểm tra hoặc phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
Triệu chứng của bướu sợi tuyến vú
Bướu sợi tuyến vú là khối u đặc ở vú, thường không gây đau. Khối u có đặc điểm:
- Hình tròn, có viền rõ ràng, bề mặt trơn láng
- Dễ di động
- Mật độ cứng
Bướu sợi tuyến vú thường tiến triển chậm. Kích thước khối u trung bình khoảng 2,5 cm, có thể to dần theo thời gian. Khối u có thể mềm hoặc đau vài ngày trước kỳ kinh nguyệt. Khối bướu sợi tuyến vú lớn có thể gây đau khi chạm vào.
Có thể có một hoặc nhiều khối bướu sợi tuyến vú và có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên vú.
Một số trường hợp bướu sợi tuyến vú teo lại theo thời gian. Hầu hết bướu sợi tuyến vú ở thanh thiếu niên teo nhỏ lại sau nhiều tháng đến vài năm, sau đó biến mất. Bướu sợi tuyến vú cũng có thể thay đổi hình dạng theo thời gian.
Bướu sợi tuyến vú có thể to hơn trong thời kỳ mang thai và có thể teo lại sau thời kỳ mãn kinh.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Hãy đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám khi:
- Phát hiện khối u vú mới
- Nhận thấy những thay đổi bất thường ở vú
- Phát hiện khối u ở vú đã được kiểm tra trước đây phát triển to hơn hoặc có dấu hiệu thay đổi bất thường
Các loại bướu sợi tuyến vú
Có hai loại bướu sợi tuyến vú chính:
- Bướu sợi tuyến vú đơn giản: là loại phổ biến nhất, có kích thước khối u thường nhỏ và không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Dưới kính hiển vi, mô sinh thiết có vẻ đồng nhất (tức là hình ảnh các tế bào trông giống nhau).
- Bướu sợi tuyến vú phức tạp: chiếm khoảng 15% trường hợp bướu sợi tuyến vú. Bướu sợi tuyến vú phức tạp phổ biến hơn ở những người trên 35 tuổi và khối u thường lớn hơn. Dưới kính hiển vi, mô sinh thiết có một số điểm khác biệt chứ không đồng nhất như bướu sợi tuyến vú đơn giản. Có thể thấy hình ảnh vôi hóa hoặc u nang trên ảnh chụp nhũ ảnh. Bướu sợi tuyến vú phức tạp có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú.
Chụp nhũ ảnh tầm soát hàng năm ở một phụ nữ 57 tuổi, không có triệu chứng phát hiện bướu sợi tuyến vú lành tính tiến triển theo thời gian với hình ảnh canxi hóa sau 3 năm (ảnh B) và 7 năm (ảnh C). Ảnh: researchgate.com
Ngoài ra còn có những loại bướu sợi tuyến vú không phổ biến như:
- Bướu sợi tuyến vú khổng lồ: là bướu sợi tuyến vú có kích thước khối u lớn hơn 5 cm.
- Bướu sợi tuyến vú ở trẻ vị thành niên: là một loại bướu sợi tuyến vú xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 18. Loại bướu này rất hiếm gặp.
Bướu sợi tuyến vú có phổ biến không?
Các loại u lành tính ở vú, bao gồm bướu sợi tuyến vú, rất phổ biến. Bướu sợi tuyến vú là loại u lành tính phổ biến nhất ở vú. Chúng thường xảy ra nhất ở phụ nữ có độ tuổi từ 15 đến 35. Có tới 10% bé gái nữ sơ sinh sẽ có bướu sợi tuyến vú vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Các triệu chứng của bướu sợi tuyến vú
Bướu sợi tuyến vú là khối u đặc (không chứa dịch) ở một hoặc cả hai bên vú. U thường không gây đau và có tính di động (dễ dàng di chuyển dưới da khi sờ ấn), có kích thước nhỏ như hạt đậu hoặc phát triển lớn như quả bóng gôn (trung bình khoảng 2 đến 3 cm).
Bướu sợi tuyến vú có thể:
- Hình tròn hoặc hình bầu dục có viền rõ ràng
- Bề mặt trơn láng
- Mật độ cứng
Bướu sợi tuyến vú thường tiến triển chậm. Kích thước khối u trung bình khoảng 2,5 cm, có thể to dần theo thời gian. Tuy nhiên không phải lúc nào khối u cũng ngày càng to hơn mà có khi co nhỏ lại, gặp trong một số trường hợp bệnh nhân đang ở độ tuổi thiếu niên hoặc đã mãn kinh. Ngược lại, bướu sợi tuyến vú có thể phát triển lớn hơn trong thời kỳ mang thai. Khối u có thể mềm hoặc đau vài ngày trước kỳ kinh nguyệt. Khối u nhỏ thường không đau nhưng bướu sợi tuyến vú lớn có thể đau khi chạm vào.
Có thể có một hoặc nhiều khối bướu sợi tuyến vú và có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên vú.
Nguyên nhân gây ra bướu sợi tuyến vú
Nguyên nhân chính xác gây bướu sợi tuyến vú chưa được biết rõ. Tuy nhiên sự liên quan giữa nồng độ nội tiết tố estrogen với bướu sợi tuyến vú đã được ghi nhận. Thường bướu sợi tuyến vú có xu hướng phát triển lớn hơn trong thời kỳ mang thai hoặc khi sử dụng liệu pháp hormone (khi nồng độ estrogen cao hơn), trong khi khối u có nhiều khả năng co nhỏ lại sau thời kỳ mãn kinh (khi nồng độ estrogen thấp hơn).
Bướu sợi tuyến vú phát triển ở mô tiểu thùy tuyến vú và mô liên kết của vú. Tiểu thùy là các tuyến trong vú tạo ra sữa trong thời kỳ cho con bú.
Những ai có nguy cơ bị bướu sợi tuyến vú?
Bướu sợi tuyến vú phổ biến nhất ở độ tuổi từ 15 đến 35. Tuy nhiên, bất kỳ ai có kinh nguyệt đều có thể bị bướu sợi tuyến vú. Bệnh không còn phổ biến khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh. Người da đen có nguy cơ bướu sợi tuyến vú cao hơn một chút.
Biến chứng của bướu sợi tuyến vú
Mặc dù bướu sợi tuyến vú phức tạp có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú, hầu hết các bướu sợi tuyến vú là loại u lành tính, không đe dọa đến tính mạng. Kích thước khối u có thể to hơn, thay đổi về ngoại hình hoặc gây đau. Giống như hầu hết các bệnh về vú, khám vú thường xuyên hoặc chụp nhũ ảnh là cách tốt nhất để phát hiện và ngăn ngừa biến chứng.
Chẩn đoán bướu sợi tuyến vú
Bệnh nhân có thể lần đầu tiên nhận phát hiện bướu tuyến vú khi tắm hoặc khi tự khám vú. Bướu sợi tuyến vú cũng có thể được phát hiện trong lúc khám sức khỏe định kỳ, chụp nhũ ảnh sàng lọc hoặc siêu âm tuyến vú.
Nếu thăm khám sờ thấy có khối u ở vú thì bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm hoặc thủ thuật. Tùy thuộc vào độ tuổi, đặc điểm khối u mà bác sĩ lựa chọn phù hợp. Một vài xét nghiệm và thủ thuật thường được chỉ định là:
Xét nghiệm hình ảnh
Xét nghiệm hình ảnh cung cấp thông tin chi tiết về kích thước, hình dạng và các đặc điểm khác của khối u vú:
- Siêu âm vú: sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh bên trong mô vú. Siêu âm cho thấy rõ kích thước và hình dạng của bướu sợi tuyến vú. Siêu âm cũng có thể phân biệt giữa khối u vú đặc và u nang chứa đầy dịch. Siêu âm vú không gây đau và không cần đưa bất kỳ dụng cụ gì vào bên trong vú.
- Chụp nhũ ảnh: sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mô vú. Chụ nhũ ảnh có thể giúp phát hiện ranh giới của bướu sợi tuyến vú và tách biệt nó với các mô khác. Nhưng chụp nhũ ảnh có thể không phải là xét nghiệm hình ảnh tốt nhất đối với bướu sợi tuyến vú ở những người trẻ tuổi, những người có thể có mô vú đặc. Mô vú đặc sẽ khiến sự phân biệt giữa mô vú bình thường và mô tuyến vú bị xơ khó khăn hơn trên ảnh chụp nhũ ảnh. Ngoài ra, do nguy cơ nhiễm xạ, chụp nhũ ảnh thường không được sử dụng để kiểm tra các khối u vú ở những người trẻ dưới 30 tuổi.
Bướu sợi tuyến vú (U xơ tuyến vú) trên phim chụp nhũ ảnh. Ảnh: researchgete.net
Sinh thiết
Trong trường hợp cần biết về loại hoặc bản chất mô học của khối u vú, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết để kiểm tra mẫu mô. Phương pháp sinh thiết phổ biến đối với bướu sợi tuyến vú là sinh thiết kim lõi.
Trong thủ thuật sinh thiết kim lõi. Thiết bị siêu âm sẽ giúp bác sĩ hướng kim đến đúng vị trí để thu thập một mẫu mô vú nhỏ. Mẫu mô này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ xem dưới kính hiển vi để xác định loại tế bào khối u nào hiện diện.
Minh họa sinh thiết kim lõi tuyến vú. Ảnh: Mayo Clinic
Nếu khối u vú phát triển nhanh hoặc gây đau hay gây ra biến chứng khác, có thể cần phải cắt bỏ toàn bộ khối u. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị cắt bỏ khối u nếu kết quả sinh thiết không rõ ràng. Khi đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ trao đổi với bệnh nhân về các lựa chọn điều trị.
Điều trị bướu sợi tuyến vú
Bệnh nhân có thể không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào. Nếu bướu sợi tuyến vú nhỏ, bác sĩ có thể đề nghị tiếp tục theo dõi xem khối u có phát triển hay nhỏ lại không thay vì cố gắng cắt bỏ nó ngay lập tức.
Tương tự, nếu bệnh nhân bị bướu sợi tuyến vú trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú, bác sĩ có thể đợi cho đến khi nồng độ hormone trở lại bình thường để xem khối u có tự biến mất không.
Thông thường, bướu sợi tuyến vú không cần điều trị. Trong một số trường hợp, có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ bướu sợi tuyến vú phát triển nhanh. Tuy nhiên, trước khi quyết định phẫu thuật, hãy lưu ý những điều sau:
- Phẫu thuật có thể thay đổi hình dạng vú.
- Bướu sợi tuyến vú đôi khi sẽ nhỏ lại hoặc tự biến mất.
- Bướu sợi tuyến vú có thể vẫn giữ nguyên mà không có thay đổi gì.
Nếu bệnh nhân quyết định không phẫu thuật, bác sĩ có thể hẹn tái khám để theo dõi. Trong những lần tái khám sau, bệnh nhân có thể được siêu âm để kiểm tra xem khối u có thay đổi về hình dạng hoặc kích thước không. Trong thời gian giữa các lần tái khám, nếu bệnh nhân thấy có bất kỳ thay đổi nào ở vú thì phải báo ngay cho bác sĩ.
Bướu sợi tuyến vú khi nào thì cần phẫu thuật?
Nếu kết quả từ xét nghiệm hình ảnh hoặc sinh thiết có kết luận không chắc rằng đây có phải là bướu sợi tuyến vú lành tính hay không, khi đó có thể bệnh nhân sẽ được đề nghị phẫu thuật. Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định nếu bướu sợi tuyến vú lớn, phát triển nhanh hoặc gây ra các triệu chứng. Phẫu thuật là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bướu sợi tuyến vú khổng lồ và u phyllode (u diệp thể) ở tuyến vú.
Các thủ thuật cắt bỏ bướu sợi tuyến vú bao gồm:
- Cắt bỏ khối u: Bác sĩ phẫu thuật sử dụng dao để cắt bỏ toàn bộ bướu sợi tuyến vú.
- Làm đông lạnh khối u: Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ qua da vú để vào khối u, sau đó làm đông lạnh để phá hủy mô bướu sợi tuyến vú. Lưu ý là không phải cơ sở y tế nào cũng có kỹ thuật này.
Bướu sợi tuyến vú có thể tái xuất hiện sau điều trị. Nếu bệnh nhân phát hiện thấy một khối u mới ở vú thì cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám ngay. Khi đó bác sĩ có thể cho siêu âm, chụp nhũ ảnh hoặc sinh thiết để xem khối u vú mới này có phải là bướu sợi tuyến vú hay một bệnh lý vú khác.
Phòng ngừa bướu sợi tuyến vú
Hiện tại do chưa xác định rõ nguyên nhân nên không có biện pháp phòng ngừa bướu sợi tuyến vú. Tuy nhiên, do bệnh có liên quan đến nội tiết tố estrogen nên duy trì tình trạng nội tiết tố cân bằng, như hạn chế hay cẩn thận trong việc sử dụng hormone liệu pháp có thể giúp giảm nguy cơ bướu sợi tuyến vú.
Ngoài ra, có thể thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ ung thư vú nói chung:
- Tự kiểm tra vú thường xuyên, tốt nhất là mỗi tháng một lần ngay sau kỳ kinh nguyệt vì khi đó mô vú mềm và ít căng nhất. Nếu nhận thấy bất kỳ điều gì bất thường thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra.
- Đi khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra vú
- Chụp nhũ ảnh thường xuyên (bắt đầu từ tuổi 40, nhưng sớm hơn nếu là người có nguy cơ cao)
- Không uống rượu. Nếu có, thì uống rượu ở mức độ vừa phải
- Không hút thuốc lá
- Ăn nhiều trái cây và rau quả và tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng phù hợp, tránh thừa cân, béo phì
Tiên lượng của bướu sợi tuyến vú
Hầu hết những người bị bướu sợi tuyến vú hoặc bệnh lành tính ở vú không phát triển thành ung thư vú. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tuân theo lịch trình sàng lọc được khuyến nghị do bác sĩ đưa ra và báo cáo bất kỳ thay đổi nào ở vú nếu có.
Bướu sợi tuyến vú có thể chuyển thành ung thư không?
Bướu sợi tuyến vú hiếm khi chuyển thành ung thư. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tiếp tục kiểm tra mô vú để xem có khối u mới hay có thay đổi ở khối u hiện tại không. Thường xuyên tự thăm khám và cảm nhận thay đổi ở vú là cách tốt nhất để phát hiện những bất thường mới xuất hiện ở vú.
Những lưu ý về lối sống & chế độ ăn uống cho bệnh nhân bướu sợi tuyến vú
Cân bằng estrogen:
Tăng nồng độ estrogen có thể làm tăng nguy cơ hoặc khiến bệnh nhanh tiến triển hơn. Có nhiều cách giúp giảm nồng độ estrogen, bao gồm:
- Giảm cân: Các tế bào mỡ ở người béo phì và thừa cân tạo ra nhiều estrogen hơn, vì vậy giảm cân có thể giúp giảm tình trạng gia tăng estrogen.
- Tránh các chất gây rối loạn hormone: Các hóa chất tự nhiên và tổng hợp có thể làm mất cân bằng nội tiết tố, làm tăng nồng độ estrogen. Các hóa chất này có thể đi vào cơ thể qua da và thực phẩm. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với các hóa chất có trong phân bón, thuốc trừ sâu, nhựa như BPA, lớp phủ chống dính trên đồ nấu nướng, chất chống cháy, thuốc nhuộm, sơn…
- Kiểm soát tình trạng stress: Căng thẳng có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe. Tuyến thượng thận phóng thích một loại hormone gọi là cortisol khi tinh thần bị căng thẳng và thúc đẩy sự phát triển của các mô mỡ, từ đó có thể tăng sản xuất estrogen. Do đó việc giảm stress sẽ giúp giảm lượng mô mỡ và nồng độ estrogen.
Thiền và yoga cũng có thể giúp giảm căng thẳng, đặc biệt là nếu luyện tập thường xuyên.
Các hoạt động thể chất khác, chẳng hạn như đi bộ và chạy, cũng có thể giúp giảm căng thẳng.
Thực phẩm cần tránh:
- Đường: Ăn uống thực phẩm có nhiều đường sẽ gây tăng đường huyết, từ đó làm tăng sản xuất insulin, có thể gây tăng cân, béo phì và làm tăng sản xuất estrogen.
- Thực phẩm làm tăng estrogen: Bệnh nhân nên tránh hoặc hạn chế sử dụng một số thực phẩm có chứa các thành phần tự nhiên có tác dụng giống với estrogen, được gọi là phytoestrogen (như đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ).
BS. Trần Quốc Hùng
Ban Biên tập Y Khoa Online
-----------------------
Nguồn tham khảo:
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15690-fibroadenomas-of-the-breast. Truy cập ngày 24/09/2024
https://www.webmd.com/breast-cancer/what-are-fibroadenomas. Truy cập ngày 24/09/2024
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fibroadenoma/symptoms-causes/syc-20352752. Truy cập ngày 24/09/2024
https://www.cancer.org/cancer/types/breast-cancer/non-cancerous-breast-conditions/fibroadenomas-of-the-breast.html. Truy cập ngày 24/09/2024
https://www.medicinenet.com/what_should_i_eat_if_i_have_fibroid_tumors/article.htm. Truy cập ngày 24/09/2024
https://www.healthline.com/health/fibroids-diet. Truy cập ngày 24/09/2024
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7
-
Viêm kết mạc có giả mạc
06/07/2023 16:00 GMT+7