Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung (hay còn gọi là thai lạc chỗ) là khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển không phải ở trong nội mạc tử cung như bình thường mà ở một vị trí khác ngoài nội mạc tử cung.
- Hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng ha còn gọi là vòi trứng hoặc vòi Fallop (loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo hoặc đoạn kẽ)
- 5% trường hợp còn lại xảy ra ở các vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc sẹo mổ trước đó.
Vị trí trứng thụ tinh làm tổ của thai bình thường so với thai ngoài tử cung. Ảnh: Mayo Clinic
Đôi khi có thể gặp thai ngoài tử cung ở 2 bên, chiếm tỉ lệ khoảng 1/200.000 thai kỳ.
Hoặc hiếm hơn có thể gặp trường hợp đa thai với một thai làm tổ trong buồng tử cung bình thường và thai còn lại ở vị trí lạc chỗ (tỉ lệ 1/30.000 thai kỳ).
Nếu không can thiệp, diễn tiến tự nhiên của thai ngoài tử cung ở ống dẫn trứng sẽ theo 3 hướng sau:
- Sẩy qua loa vòi trứng
- Thoái triển tự nhiên
- Vỡ ống dẫn trứng, gây xuất huyết trong ổ bụng, đây là một trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng cần PHẪU THUẬT NGAY.
Các yếu tố nguy cơ cho thai ngoài tử cung là gì?
Các yếu tố nguy cơ cho thai ngoài tử cung bao gồm:
- Tiền căn thai ngoài tử cung
- Tiền căn phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng chậu trước đó
- Viêm vùng chậu
- Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)
Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung của phụ nữ
- Hút thuốc lá
- Tuổi trên 35 tuổi
- Vô sinh
- Các biện pháp hỗ trợ sinh sản
- Các yếu tố nguy cơ khác như những bất thường bẩm sinh, u vòi trứng (vòi Fallop)
Tuy nhiên khoảng một nửa số bệnh nhân bị thai ngoài tử cung không xác được yếu tố nguy cơ. Do đó phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mang thai cần cảnh giác với thai ngoài tử cung khi có các triệu chứng cảnh báo.
Các triệu chứng của thai ngoài tử cung là gì?
Triệu chứng ban đầu của thai ngoài tử cung có thể giống như một thai kỳ điển hình một số dấu hiệu như trễ kinh, ngực căng hoặc đau bụng.
Khi bệnh tiến triển thì các triệu chứng sẽ dần xuất hiện. Các triệu chứng có thể gặp:
Chậm kinh: Đại đa số thai ngoài tử cung có dấu hiệu chậm kinh. Tuy nhiên, một số trường hợp có kinh nguyệt không đều rất khó dự đoán ngày hành kinh hoặc ra máu âm đạo bất thường trước thời điểm kinh nguyệt cũng cần phải lưu ý.
Đau bụng: Thường đau ở vị trí chỗ thai làm tổ ngoài tử cung, đau vùng bụng dưới đôi khi đau bụng kèm theo mót rặn.
Ra máu âm đạo bất thường: bất thường về thời gian ra máu như trước hoặc sau ngày dự kiến hành kinh, ra máu kéo dài. Bất thường về tính chất của máu như máu màu đỏ sáng hoặc sẫm hoặc loãng hơn bình thường.
Trong trường hợp khối thai ngoài tử cung bị vỡ có dấu hiệu toát mồ hôi, choáng váng, chóng mặt và có thể thể ngất.
Thai ngoài tử cung được chẩn đoán như thế nào?
Thai ngoài tử cung được chẩn đoán thông qua việc hỏi tiền sử, thăm khám vùng chậu, siêu âm (đặc biệt là siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo) và xét nghiệm máu đo nồng độ βhCG.
Hình ảnh thai ngoài tử cung ở vòi trứng khi siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo. Ảnh: researchgate.net
Thai ngoài tử cung thử thai có lên 2 vạch không?
Thực tế, que thử thai hoạt động dựa trên nồng độ hormone HCG có trong nước tiểu, không hề phụ thuộc vào vị trí túi thai làm tổ. Do đó, khi phụ nữ có thai là trong nước tiểu đã có chứa hormone HCG. Do đó, chỉ cần mang thai, dù là thai trong hay ngoài tử cung thì thử thai que thử vẫn lên 2 vạch.
Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai ngoài tử cung, nồng độ hormone HCG sẽ có dấu hiệu giảm dần. Bởi vậy, ở những trường hợp phụ nữ mang thai ngoài tử cung, khi thử thai sẽ thấy vạch thứ 2 lên mờ hơn bình thường.
Việc làm cần thiết ngay sau khi biết mình có thai, người phụ nữ cần phải đi siêu âm để kiểm tra xem thai đã vào tử cung hay chưa, nếu tuần thai chưa đủ để vào tử cung, bác sĩ sẽ hẹn bạn tái khám trong khoảng 1 - 2 tuần tới. Nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ can thiệp bằng biện pháp siêu âm đầu dò qua đường âm đạo để xác định được chính xác vị trí của túi thai.
Thai ngoài tử cung được điều trị như thế nào?
Một thai ngoài tử cung không thể di chuyển hoặc được di chuyển đến tử cung, vì vậy thai ngoài tử cung LUÔN CẦN ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ. Có ba phương pháp:
- Thuốc
- Phẫu thuật
- Theo dõi sự thoái triển tự nhiên của thai ngoài tử cung
Không phải tất cả trường hợp mang thai ngoài tử cung đều phải phẫu thuật. Nếu được phát hiện sớm, khối thai chưa vỡ, kích thước nhỏ bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu. Nếu thai có kích thước lớn (thường là trên 3cm) sẽ được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.
Việc chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể
Thuốc nào được dùng để điều trị thai ngoài tử cung?
Loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung là methotrexate (MTX), một loại thuốc trong điều trị ung thư. Cơ chế tác động của thuốc là: ngăn chặn sự phân chia của các tế bào, khối thai sau đó sẽ được cơ thể hấp thu sau 4-6 tuần và ống dẫn trứng vẫn được bảo tồn. Tùy thuộc vào nồng độ βhCG ban đầu mà bệnh nhân sẽ được lựa chọn phác đồ đơn liều hay đa liều. Bệnh nhân sẽ được theo dõi cho đến khi βhCG trở về âm tính, trong quá trình theo dõi nếu βhCG tăng hoặc giảm không như mong đợi sẽ được bổ sung liều MTX lặp lại hoặc can thiệp phẫu thuật tùy trường hợp.
Ưu điểm của MTX |
Nhược điểm của MTX |
Tỉ lệ thành công cao (>90%) |
Thời gian theo dõi dài (2-6 tuần), một số trường hợp thất bại điều trị (chiếm tỉ lệ 15%) bệnh nhân cần sử dụng thêm một liều khác (tối đa 3 liều) |
Tránh được phẫu thuật cũng như các tai biến của thuốc mê |
Một số tác dụng phụ của thuốc: buồn nôn, nôn, chóng mặt, loét miệng, viêm dạ dày… |
Bảo tồn được vòi trứng, duy trì khả năng sinh sản |
Cần ngừa thai sau điều trị, tối thiểu 3 tháng |
Có thể theo dõi điều trị ngoại trú |
Bệnh nhân cần tái khám theo dõi nồng độ βhCG cho đến khi âm tính |
Tác dụng phụ khi điều trị Methotrexate?
- Buồn nôn, nôn
- Chán ăn, mệt mỏi
- Tiêu chảy
- Loét miệng
- Thay đổi thị lực
- Rụng tóc
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
- Hiếm gặp: suy gan, suy thận, suy tủy
Tôi nên tránh những gì trong khi điều trị?
Trong thời gian điều trị MTX, cần chú ý:
- Không có quan hệ tình dục cho đến khi có kinh trở lại do nguy cơ có thể vỡ ống dẫn trứng.
- Sử dụng biện pháp tránh thai trong ít nhất 3 tháng và trao đổi với bác sĩ của bạn nếu bạn đang có kế hoạch mang thai.
- Không dùng thuốc kháng viêm như aspirin hoặc ibuprofen (ví dụ, Advil® hoặc Motrin®).
- Không dùng các loại vitamin hay thực phẩm có chứa axit folic…làm giảm hiệu quả điều trị.
- Không uống rượu. Bạn có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong 2 đến 3 ngày đầu sau khi tiêm. Da của bạn có thể nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời.
Liệu thai ngoài tử cung có ảnh hưởng đến thai kỳ trong tương lai không?
Một khi bạn đã có tiền căn bị thai ngoài tử cung, bạn có nguy cơ bị thai ngoài tử cung ở lần mang thai sau cao hơn người bình thường. Do đó ở lần mang thai tiếp theo, hãy cảnh giác về các dấu hiệu và triệu chứng của thai ngoài tử cung đồng thời cần khám thai sớm để xác định vị trí túi thai.
Làm gì nếu tôi mang nhóm máu Rhesus âm?
Nếu bạn thuộc nhóm máu Rhesus âm, bạn cần được tiêm anti D để dự phòng thiếu máu tán huyết cho thai ở lần mang thai sau
Khi nào tôi có thể có thai lại?
Hiện tại chưa có đủ chứng cứ cho thấy việc có thai lại quá sớm sẽ khiến bạn có nguy cơ thai ngoài tử cung cao hơn. Tuy nhiên nếu bạn đã được điều trị bằng Methotrexate, bạn nên chờ ít nhất ba tháng do thuốc này được ghi nhận có tiềm năng gây quái thai. Do đó, nên sử dụng một hình thức tránh thai an toàn trong khi chờ đợi.
Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa thai ngoài tử cung ở thai kỳ sau?
Hiện chưa xác định được phương pháp ngăn ngừa thai ngoài tử cung tái phát. Điều tốt nhất bạn có thể làm là tránh mang thai bằng cách sử dụng biện pháp tránh thai. Điều trị sớm các viêm nhiễm nếu có. Nếu bạn có thai, điều quan trọng là phải nhớ rằng bạn đang có nguy cơ thai ngoài tử cung cao hơn dân số chung. Nhận biết sớm và điều trị kịp thời là điều quan trọng.
Ban Biên tập Y Khoa Online
--------------------------------------------
Nguồn:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ectopic-pregnancy/symptoms-causes/syc-20372088. Truy cập ngày 24/5/2020
https://www.medicinenet.com/ectopic_pregnancy/article.htm. Truy cập ngày 24/5/2020
http://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/benh-phu-khoa/thai-ngoai-tu-cung-dieu-co-ban-can-biet/. Truy cập ngày 24/5/2020
https://www.webmd.com/baby/pregnancy-ectopic-pregnancy. Truy cập ngày 24/5/2020
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7