Sởi
Tổng quan
Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Virus sởi có tên khoa học là Polynosa morbillorum, là thành viên của giống Morbillivirus, thuộc họ Paramyxoviridae.
Minh họa 3D virus sởi (Polynosa morbillorum). Ảnh: CDC.gov
Bệnh lây lan dễ dàng khi người bệnh thở, ho hoặc hắt hơi. Nếu một người mắc bệnh thì có tới 9 trong số 10 người tiếp xúc gần chưa tiêm vắc xin sởi sẽ bị lây bệnh.
Bệnh sởi có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em.
Virus sởi xâm nhập đầu tiên ở đường hô hấp và sau đó đi khắp cơ thể. Các triệu chứng thường gồm sốt cao, ho, sổ mũi và phát ban.
Nhiều người nghĩ rằng bệnh sởi chỉ là phát ban và sốt nhẹ rồi sẽ khỏi sau vài ngày, nhưng bệnh sởi có thể diễn tiến nặng, gây biến chứng và thậm chí tử vong, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh hoặc ngăn ngừa khả năng lây bệnh cho người khác. Vắc xin sởi an toàn và giúp cơ thể chống lại virus.
Trước khi vắc xin sởi được sử dụng vào năm 1963 và tiêm chủng rộng rãi, các đợt dịch lớn xảy ra theo chu kỳ khoảng hai đến ba năm một lần và có khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.
Vào năm 2022, ước tính có 136.000 người tử vong vì bệnh sởi - chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, mặc dù đã có vắc xin an toàn với chi phí hợp lý.
Hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức phối hợp cùng với các chương trình tiêm chủng của nhiều quốc gia đã giúp ngăn chặn thành công khoảng 57 triệu ca tử vong do sởi trong giai đoạn 2000–2022. Tiêm chủng đã làm giảm số ca tử vong do bệnh sởi ước tính từ 761.000 ca trong năm 2000 xuống còn 136.000 ca trong năm 2022.
Các triệu chứng của bệnh sởi
Sởi không chỉ có phát ban ra da mà còn là bệnh có thể gây nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh sởi được chia làm 4 giai đoạn:
1. Giai đoạn ủ bệnh: Là giai đoạn từ khi cơ thể bị nhiễm virus sởi đến triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn ủ bệnh không có triệu chứng và thường kéo dài từ 7-14 ngày.
2. Giai đoạn xuất hiện triệu chứng: Sau thời kỳ ủ bệnh, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện như sốt nhẹ đến trung bình, thường kèm theo ho, sổ mũi, mắt bị viêm đỏ, chảy nước mắt (viêm kết mạc) và đau họng. Những triệu chứng này không đặc hiệu vì có thể gặp ở bệnh sởi và nhiều bệnh khác. Chúng thường nhẹ, kéo dài 2 đến 3 ngày trước khi có nội ban xuất hiện.
Nội ban (hay được gọi là hạt Koplik) ở bệnh nhân sởi là các hạt trắng nhỏ, li ti mọc ở niêm mạc vùng má phía trong miệng và ngang răng hàm. Xung quanh hạt Koplik thường có xung huyết. Các hạt Koplik xuất hiện và biến mất cũng rất nhanh, thường trong vòng từ 12-24 giờ.
Hạt Koplik (nội ban) trong niêm mạc miệng ở bệnh sởi. Ảnh: x.com
3. Giai đoạn phát ban:
Phát ban sởi xuất hiện từ 3 đến 5 ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Phát ban là triệu chứng sởi điển hình. Khi phát ban xuất hiện, thân nhiệt của người bệnh có thể tăng cao đến hơn 40°C.
Phát ban da ở bệnh sởi. Ảnh: nhsinform.scot
Đặc điểm của ban sởi là những dạng dát sẩn, hơi gồ trên bề mặt da, không đau, không hoặc ít ngứa và không mưng mủ. Nhiều nốt ban đỏ sát nhau có thể tập hợp thành các mảng ban đỏ lớn trên da. Ban sởi thường xuất hiện trên da theo thứ tự từ ở vùng chân tóc, mặt, cổ, sau đó lan đến thân mình (ngực, lưng), cánh tay rồi xuống bụng, mông, đùi và chân. Khi ban sởi lan xuống đến chân thì thường bệnh nhân hết sốt và ban bắt đầu lặn dần. Ban sởi khi lặn có thể để lại những vết thâm vằn vện trên da nên thường được gọi là dấu hiệu “vằn da hổ”.
4. Giai đoạn hồi phục: Phát ban sởi có thể kéo dài khoảng 7 ngày. Phát ban dần dần mờ đi cũng theo theo thứ tự vị trí như khi xuất hiện. Khi các triệu chứng khác của bệnh biến mất, triệu chứng ho và những vết “vằn da hổ” do phát ban có thể kéo dài khoảng 10 ngày.
Biến chứng
Các biến chứng thường gặp của bệnh sởi là:
- Viêm tai xảy ra ở khoảng 1/10 trẻ em mắc bệnh sởi.
- Tiêu chảy xãy ra ít hơn 1/10 người mắc bệnh sởi.
Ai có nguy cơ bị biến chứng của bệnh sởi?
Bệnh sởi có thể diễn tiến nặng ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, có một số nhóm có nhiều khả năng bị biến chứng của bệnh sởi hơn:
- Trẻ em dưới 5 tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Những người có hệ miễn dịch bị suy giảm, như do bệnh bạch cầu hoặc nhiễm HIV
Biến chứng nặng ở trẻ em và người lớn:
Một số bệnh nhân có thể bị biến chứng nặng như viêm phổi và viêm não, cần phải nhập viện và có thể tử vong.
- Nhập viện. Khoảng 1 trong 5 người chưa tiêm vắc xin ở Hoa Kỳ mắc bệnh sởi phải nhập viện.
- Viêm phổi. Cứ 20 trẻ mắc bệnh sởi thì có 1 trẻ bị viêm phổi, đây là nguyên nhân tử vong phổ biến nhất do bệnh sởi ở trẻ nhỏ.
- Viêm não. Cứ 1.000 trẻ mắc bệnh sởi thì có khoảng 1 trẻ bị viêm não, có thể dẫn đến co giật và khiến trẻ bị điếc hoặc thiểu năng trí tuệ.
- Tử vong. Gần 1 đến 3 trong 1.000 trẻ bệnh sởi sẽ tử vong do các biến chứng về hô hấp và thần kinh.
- Biến chứng trong thai kỳ. Ở phụ nữ đang mang thai và chưa tiêm vắc xin, bệnh sởi có thể gây sinh non, hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Biến chứng lâu dài
Viêm toàn bộ não xơ hóa bán cấp (SSPE: Subacute sclerosing panencephalitis) là một căn bệnh rất hiếm gặp ở hệ thần kinh trung ương và là hậu quả của nhiễm virus sởi từ khi còn nhỏ.
Viêm toàn bộ não xơ hóa bán cấp thường khởi phát từ 7 đến 10 năm sau khi mắc bệnh sởi, mặc dù đã hoàn toàn bình phục.
Nguy cơ bị viêm toàn bộ não xơ hóa bán cấp cao hơn ở trẻ bị bệnh sởi dưới 2 tuổi.
Bệnh sởi lây lan như thế nào?
Bệnh sởi là một trong những căn bệnh dễ lây lan nhất trên thế giới.
Bệnh lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết mũi hoặc họng bị nhiễm virus (ho hoặc hắt hơi). Virus sởi vẫn có thể hoạt động và lây lan trong không khí hoặc trên các bề mặt trong tối đa 2 giờ. Vì lý do này, bệnh rất dễ lây nhiễm và một người bị sởi có thể lây cho 9 trong số 10 người tiếp xúc gần chưa được tiêm vắc xin. Những cách lây lan phổ biến gồm:
- Tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh
Virus bệnh sởi là một loại vi-rút rất dễ lây lan, sống trong chất nhầy mũi và họng của người bị nhiễm bệnh. Bệnh có thể lây sang người khác qua ho và hắt hơi.
Bệnh sởi có thể lây lan khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi.
- Tiếp xúc với các giọt bắn trong không khí
Nếu một người hít phải không khí hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm virus sởi, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng thì người đó có thể bị nhiễm virus sởi.
Bệnh sởi chỉ lây từ người sang người. Động vật không bị bệnh sởi và cũng không lây bệnh sởi.
Bệnh sởi rất dễ lây: Một người bị bệnh sởi có thể lây cho 9 trong số 10 người (90%) tiếp xúc gần chưa được tiêm vắc xin.
Bệnh sởi có thể lây sang người khác trong khung thời gian là khoảng 8 ngày: từ 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban. Điều này có nghĩa là người mắc bệnh sởi có thể lây bệnh cho người khác trước khi biết mình bị bệnh.
Những ai có nguy cơ bị bệnh sởi?
Các đối tượng sau đây có nguy cơ mắc bệnh sởi:
- Chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi: Một người chưa được tiêm vắc xin sởi sẽ bạn có nhiều khả năng mắc bệnh sởi hơn.
- Đi du lịch quốc tế: Nếu du lịch đến các quốc gia mà bệnh sởi phổ biến hơn, thì có nguy cơ mắc bệnh sởi cao hơn.
- Thiếu vitamin A: Bệnh sởi có nhiều khả năng diễn tiến nặng hơn hoặc gây biến chứng ở những người có chế độ ăn uống thiếu hụt vitamin A.
Chẩn đoán bệnh sởi
Sởi thường được chẩn đoán dựa trên triệu chứng phát ban đặc trưng của bệnh cũng như sự xuất hiện của hạt Koplik (nội ban) ở niêm mạc miệng bên trong má. Bác sĩ có thể sẽ hỏi đã tiêm vắc xin phòng sởi chưa, có đi du lịch quốc tế đến những nước đang có dịch hay bệnh sởi vẫn còn phổ biến, hoặc gần đây có tiếp xúc với bất kỳ ai bị sốt và phát ban không...
Tuy nhiên, triệu chứng phát ban cũng có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Nếu cần, bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm máu tìm kháng thể để đánh giá phát ban có phải là do sởi hay không. Ngoài ra, có thể sử dụng tăm bông phết lấy lấy dịch hầu họng để tìm virus sởi bằng xét nghiệm Real Time PCR (RT-PCR).
Điều trị
Hiện không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi. Việc điều trị sởi bao gồm các biện pháp để làm giảm các triệu chứng như hạ sốt, bù nước và điện giải nếu bệnh nhân bị nôn hay tiêu chảy nhiều và điều trị hoặc ngăn ngừa các biến chứng.
Ngoài ra, có thể áp dụng một số biện pháp để bảo vệ những người không có khả năng miễn dịch với bệnh sởi sau khi họ đã tiếp xúc với virus.
Tiêm vắc xin sau khi tiếp xúc. Những người không có khả năng miễn dịch chống lại bệnh sởi, bao gồm cả trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi), có thể cần được tiêm vắc xin sởi trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với virus sởi để được bảo vệ. Trường hợp sau tiêm vắc xin mà vẫn mắc bệnh sởi thì bệnh thường nhẹ hơn và thời gian bệnh ngắn hơn.
Globulin huyết thanh miễn dịch. Phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi và những người có hệ miễn dịch suy yếu sau khi tiếp xúc với virus có thể được tiêm kháng thể, gọi là globulin miễn dịch. Khi được tiêm kháng thể trong vòng 6 ngày sau khi tiếp xúc với virus, các kháng thể này có thể ngăn ngừa bệnh sởi hoặc nếu có bệnh thì cũng bị nhẹ hơn.
Dùng thuốc
Phương pháp điều trị bệnh sởi có thể bao gồm:
- Thuốc hạ sốt. Có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen (paracetamol), ibuprofen, hoặc naproxen sodium để hạ sốt. Đọc kỹ nhãn thuốc hoặc hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để liều dùng phù hợp. Có thể kết hợp với chuồm mát, lau mình bằng nước ấm để hạ sốt.
Thận trọng khi cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên dùng aspirin. Mặc dù aspirin được chấp thuận sử dụng cho trẻ em trên 3 tuổi, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc các triệu chứng giống cúm không bao giờ được dùng aspirin. Lý do là sử dụng aspirin ở những trẻ em này có liên quan đến hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng.
- Kháng sinh. Nếu có nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm phổi hoặc viêm tai thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.
- Vitamin A. Thiếu hụt vitamin A nhiều khả năng sẽ bị sởi nặng hơn. Tất cả trẻ em hoặc người lớn bị sởi nên được bổ sung vitamin A để giúp phục hồi tình trạng thiếu hụt vitamin A có thể xãy ra ngay cả ở trẻ được nuôi dưỡng tốt. Bổ sung vitamin A cũng có thể giúp ngăn ngừa tổn thương mắt và mù lòa và có thể làm giảm số ca tử vong do sởi.
Liều thông thường là 200.000 đơn vị quốc tế (IU) cho trẻ em > 1 tuổi. Trẻ nhỏ hơn có thể dùng liều thấp hơn.
Phòng ngừa bệnh sởi
Tiêm vắc xin toàn cộng đồng là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi. Vắc xin sởi là vắc xin phòng ngừa bệnh sởi được nghiên cứu và điều chế dưới dạng vắc xin sống, giảm độc lực được chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên với hiệu quả bảo vệ cao.
1. Phòng bệnh ở trẻ em: Tất cả trẻ em nên được tiêm hai liều vắc xin để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh sởi
- Liều đầu tiên thường được tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi ở những quốc gia có bệnh sởi phổ biến và 12–15 tháng ở các quốc gia khác.
- Liều thứ hai được tiêm khi trẻ được 15–18 tháng tuổi.
Vắc xin phòng bệnh sởi được tiêm riêng (vắc xin sởi đơn) hoặc thường kết hợp với vắc xin phòng quai bị, rubella và/hoặc thủy đậu như loại vắc xin MR 2 trong 1 (sởi, rubella) , MMR 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella), và MMRV 4 trong 1: (sởi, quai bị, rubella, thủy đậu).
2. Phòng bệnh ở người lớn: Người trưởng thành có thể cần tiêm vắc xin phòng sởi nếu không có bằng chứng về miễn dịch và có nguy cơ cao mắc bệnh sởi như mới tiếp xúc gần với người bệnh sởi; đang đi học hay đi du lịch quốc tế đến quốc gia có bệnh sởi hoặc làm việc trong môi trường bệnh viện...
Bằng chứng về miễn dịch (bảo vệ cơ thể không bị bệnh sởi) bao gồm:
- Giấy tờ chứng minh đã tiêm vắc xin sởi (VD sổ tiêm chủng)
- Xét nghiệm cho thấy cơ thể có khả năng miễn dịch chống lại bệnh sởi
- Xét nghiệm cho thấy đã từng bị bệnh sởi. Nếu trước đây có mắc bệnh sởi thì cơ thể đã tạo ra miễn dịch chống lại virus sởi và sẽ không bị mắc bệnh sởi lần nữa.
Nếu không chắc mình có cần tiêm vắc xin sởi hay không, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Tiêm chủng phòng ngừa sởi tại Việt Nam
Hiện nay, có 5 loại vắc xin sởi được lưu hành tại Việt Nam trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ, bao gồm:
- Vắc xin sởi đơn MVVac (Việt Nam): được nghiên cứu và sản xuất bởi Polyvac Việt Nam.
- Vắc xin phối hợp Sởi – Rubella (MR): được nghiên cứu và phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (Việt Nam).
- Vắc xin MMR II (Mỹ) phối hợp 3 trong 1 Sởi – Quai bị – Rubella: nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn Merck Sharp and Dohm (MSD), được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn.
- Vắc xin MMR (Ấn Độ) phối hợp 3 trong 1 Sởi – Quai bị – Rubella: nghiên cứu và phát triển bởi công ty Serum Institute of India Ltd, được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 10 tuổi.
- Vắc xin Priorix (Bỉ) phối hợp 3 trong 1 Sởi – Quai bị – Rubella: nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn Glaxosmithkline (GSK), được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn.
Vắc xin phòng bệnh sởi là một trong những loại vắc xin bắt buộc phải tiêm cho trẻ trong “Chương trình tiêm chủng mở rộng” ở nước ta hiện nay, chứng tỏ mức độ cần thiết và quan trọng của loại vắc xin này đối với trẻ nhỏ.
Theo Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lịch tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 2 liều:
- Liều thứ nhất: cần bắt đầu sớm ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (Vắc xin sởi đơn)
- Liều thứ 2: khi trẻ được 18 tháng tuổi (Vắc xin Sởi – Rubella).
Nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
Các nơi tiêm phòng sởi:
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố
- Trung tâm Y tế
- Trạm Y tế
- Cơ sở tiêm chủng khác
Liên hệ Trạm Y tế nơi trẻ đang cư trú để biết lịch tiêm phòng vắc xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
BS. Trần Quốc Hùng
Ban Biên tập Y Khoa Online
---------------------------
Nguồn:
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles. Truy cập ngày 29/08/2024
https://www.cdc.gov/measles. Truy cập ngày 29/08/2024
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles. Truy cập ngày 29/08/2024
https://vncdc.gov.vn/hay-dua-tre-di-tiem-chung-phong-benh-soi-ngay-khi-tre-duoc-9-thang-tuoi-nd13807.html. Truy cập ngày 29/08/2024
https://hcdc.vn/lich-tiem-phong-vac-xin-soi-cho-tre-OsTD4o.html. Truy cập ngày 29/08/2024
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7
-
Viêm kết mạc có giả mạc
06/07/2023 16:00 GMT+7