Ung thư
Ung thư là sự phát triển không kiểm soát của các tế bào bất thường trong cơ thể. Những tế bào bất thường này được gọi là tế bào ung thư hay tế bào ác tính và chúng có thể xâm nhập vào các mô bình thường trong cơ thể.
Nhiều bệnh ung thư được gọi bằng tên của mô nơi các tế bào ung thư bắt nguồn từ đó (ví dụ: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng). Ung thư không chỉ có ở con người, động vật và các sinh vật sống khác cũng có thể bị ung thư.
Thông thường khi một tế bào bị hư hoặc bị biến đổi mà không sửa chữa được thì sẽ chết đi. Nhưng khi các tế bào bị hư hoặc bị biến đổi, không sửa chữa được mà cũng không bị chết đi thì chúng có thể biến thành tế bào ung thư. Lúc đó các tế bào phân chia và tăng trưởng không kiểm soát sẽ thành phát triển thành một khối tế bào ung thư. Thông thường, các tế bào ung thư có thể tách ra khỏi khối tế bào ban đầu, đi vào máu và hệ bạch huyết để xâm nhập vào các cơ quan khác rồi tiếp tục tăng trưởng mất kiểm soát. Quá trình tế bào ung thư rời khỏi một nơi, đi đến và phát triển ở một nơi khác trong cơ thể được gọi là di căn. Ví dụ, nếu tế bào ung thư vú lan đến xương được gọi là ung thư vú di căn xương, khác với bệnh ung thư xương nguyên phát, có nghĩa là ung thư bắt đầu từ xương.
Theo số liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) 2020, các loại ung thư phổ biến trên thế giới được liệt kê theo bảng bên dưới.
Riêng tại Việt Nam, các loại ung thư phổ biến là ung thư gan (14,5%), ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9.8%), ung thư đại trực tràng (9%). Nếu xét theo giới tính, ba bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam là:
- Nam giới: Ung thư gan (20.5%), ung thư phổi (18,9%), ung thư dạ dày (11,2%)
- Nữ giới: Ung thư vú (25,8%), ung thư phổi (9,1%), ung thư đại trực tràng (9%)
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư và loại ung thư bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, các yếu tố môi trường địa phương, chế độ ăn uống và di truyền. Ví dụ: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cung cấp thông tin tổng quát về bệnh ung thư trên toàn thế giới:
- Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Theo dữ liệu mới nhất của WHO, có 8,2 triệu ca tử vong do ung thư (chiếm khoảng 22% tổng số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm).
- Các loại ung thư phổi, dạ dày, gan, đại tràng (ruột già) và vú là loại ung thư gây tử vong cao nhất mỗi năm.
- Tử vong do ung thư trên toàn thế giới được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng, ước tính có khoảng 13,1 triệu ca tử vong do ung thư vào năm 2030 (tăng khoảng 70%).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư là gì?
Bất cứ tác nhân nào có thể khiến tế bào bình thường phát triển bất thường đều có khả năng gây ung thư. Hiện có một số loại ung thư được biết là có nguyên nhân từ môi trường, lối sống hoặc di truyền, nhưng cũng còn nhiều loại ung thư vẫn chưa rõ nguyên nhân. Mặc dù thường khó hoặc không thể xác định được các nguyên nhân ban đầu khiến ung thư khởi phát ở một người cụ thể, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân đóng góp riêng lẻ hoặc phối hợp với các nguyên nhân khác để gây nên ung thư. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:
- Phơi nhiễm với hóa chất hoặc độc chất: Benzen, amiăng, niken, cadmium, vinyl clorua, benzidine, N-nitrosamine, thuốc lá hoặc khói thuốc lá (chứa ít nhất 66 hóa chất và độc tố có khả năng gây ung thư) và aflatoxin
- Bức xạ ion hóa: Uranium, radon, tia cực tím từ ánh sáng mặt trời, bức xạ từ các nguồn phát alpha, beta, gamma và tia X
- Tác nhân gây bệnh: Virus gây u nhú ở người (HPV), virus Epstein-Barr (EBV), virus viêm gan B (HBV) và C (HCV), virus herpes liên quan đến sarcoma Kaposi (KSHV), virus polyoma tế bào Merkel, và vi khuẩn Helicobacter pylori.
- Di truyền: Một số bệnh ung thư có liên quan đến gen như các loại ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, da và ung thư hắc tố da (melanoma)
Điều lưu ý quan trọng là hầu hết mọi người đều có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư và tiếp xúc với các chất gây ung thư (ví dụ: ánh sáng mặt trời, khói thuốc lá và tia X) trong suốt cuộc đời, nhưng nhiều người vẫn không bị ung thư. Ngoài ra, nhiều người có gen liên quan đến ung thư nhưng cũng không bị ung thư. Tại sao vậy? Tuy hiện chưa có câu trả lời thỏa đáng cho từng trường hợp, nhưng rõ ràng là số lượng hoặc mức độ chất gây ung thư mà một người tiếp xúc càng cao thì nguy cơ mắc bệnh ung thư của người đó càng cao.
Bệnh ung thư có những triệu chứng gì?
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh ung thư phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí của nó và/hoặc nơi các tế bào ung thư di căn đến. Ví dụ, ung thư vú có thể biểu hiện dưới dạng một khối u ở vú hoặc tiết dịch ở núm vú trong khi ung thư vú di căn có thể biểu hiện các triệu chứng đau (nếu di căn đến xương), rất mệt mỏi (di căn phổi) hoặc co giật (di căn não). Một số bệnh nhân có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến khi ung thư tiến triển nặng.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ mô tả bảy dấu hiệu và/hoặc triệu chứng cảnh báo có thể bệnh ung thư xuất hiện:
- Thay đổi thói quen đại tiện (đi tiêu) hoặc tiểu tiện (đi tiểu)
- Vết lở loét ở miệng không lành
- Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường (ví dụ, tiết dịch ở núm vú hoặc một "vết loét" không lành mà rỉ dịch dai dẳng)
- Khối u ngày càng to, ví dụ u ở vú, tinh hoàn...
- Khó tiêu hoặc khó nuốt (thường là kéo dài)
- Thay đổi rõ về kích thước, màu sắc, hình dạng hoặc độ dày của mụn cóc hoặc nốt ruồi
- Ho hoặc khàn giọng dai dẳng
Các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác cũng có thể cảnh báo liên quan một số loại ung thư, bao gồm:
- Giảm cân hoặc chán ăn không rõ nguyên nhân
- Cơn đau mới xuất hiện ở xương hoặc bộ phận khác trong cơ thể, có thể ngày càng đau hơn hoặc đau rồi hết đau nhưng không giống với những cơn đau trước đây
- Mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn kéo dài
- Sốt nhẹ không rõ nguyên nhân, có thể sốt dai dẳng hoặc sốt rồi hết sốt
- Nhiễm trùng tái đi tái lại, không khỏi khi điều trị thông thường
Bất cứ ai có những dấu hiệu và triệu chứng này nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Những dấu hiệu và triệu chứng này cũng có thể do các bệnh lý khác không phải ung thư gây ra.
Có bao nhiêu loại ung thư?
Có hơn 200 loại ung thư. Ung thư có thể khởi phát ở bất cứ đâu trong cơ thể và thường được đặt tên theo vị trí mà nó bắt đầu. Ví dụ, ung thư vú bắt đầu ở vú, vẫn được gọi là ung thư vú ngay cả khi nó di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể.
Xét về tính chất vật lý của khối u, có hai loại ung thư chính:
- Ung thư có khối u đặc là ung thư của bất kỳ cơ quan hoặc mô nào trong cơ thể. Các ung thư có khối u đặc phổ biến nhất là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư đại trực tràng.
- Ung thư máu (hệ huyết học) là bệnh ung thư của các tế bào máu, bao gồm bệnh bạch cầu, ung thư hạch và đa u tủy.
Xét về mô học, ung thư được chia thành 5 loại chính như sau:
- Ung thư biểu mô (carcinoma): Ung thư bắt đầu ở da hoặc trong các mô lót bên trong hoặc bao phủ các cơ quan nội tạng – như ung thư da, phổi, đại tràng, tụy, buồng trứng, u hắc tố da…
- Sarcoma: Ung thư bắt đầu ở các mô như xương, sụn, mỡ, cơ, mạch máu hoặc mô liên kết như sarcoma xương, sarcoma hoạt dịch, sarcoma mỡ, sarcoma mạch máu, sarcoma cơ vân…
- Bệnh bạch cầu (Ung thư máu): Ung thư bắt đầu từ mô tạo máu như tủy xương, sản xuất một số lượng lớn tế bào máu bất thường và xâm nhập vào máu như bệnh bạch cầu nguyên bào lympho gồm bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL) và bệnh bạch cầu mạn dòng lympho (CLL), hoặc bệnh bạch cầu tủy xương gồm bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML) và bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML) ), bệnh bạch cầu tế bào T…
- Ung thư hạch và đa u tủy: Ung thư bắt đầu trong các tế bào hạch bạch huyết của hệ thống miễn dịch là ung thư hạch, ví dụ như u tế bào lympho T, u tế bào lympho B, u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin…
- Ung thư hệ thần kinh trung ương: Ung thư bắt đầu trong các mô của não và tủy sống như u thần kinh đệm, u màng não, u tuyến yên, u bao sợi thần kinh, u lympho hệ thần kinh trung ương nguyên phát…
Ngoài ra còn có một hình thức ung thư khác là ung thư di căn trong đó các tế bào ung thư thường xuất phát từ một loại tế bào hay loại mô và di căn đến mô cơ quan khác. Do đó, để gọi bệnh "ung thư di căn" cho chính xác thì tên gọi phải bao gồm cả mô ung thư ban đầu và mô ung thư di căn đến, ví dụ như ung thư phổi di căn xương hay ung thư tuyến tiền liệt di căn xương, và phương pháp điều trị 2 loại ung thư này cũng khác nhau.
Ung thư được chẩn đoán như thế nào?
Một số bệnh ung thư được tình cờ phát hiện và chẩn đoán nhờ quá trình khám sàng lọc định kỳ. Những xét nghiệm sàng lọc này được thực hiện thường xuyên ở một độ tuổi nhất định. Cũng có nhiều bệnh ung thư được phát hiện khi bệnh nhân có các triệu chứng và khai với bác sĩ.
Khám thực thể và khai thác bệnh sử, đặc biệt là bệnh sử có triệu chứng, là những bước đầu tiên trong chẩn đoán ung thư. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm tương ứng với loại ung thư và vị trí nghi ngờ ung thư. Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm công thức máu, ion đồ (nồng độ các chất điện giải) và các xét nghiệm khác nếu cần để có thêm thông tin chẩn đoán.
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để giúp bác sĩ phát hiện những bất thường nghi ngờ là ung thư. Chụp X-quang, chụp CT, MRI (hình ảnh cộng hưởng từ) và siêu âm là những công cụ phổ biến thường được sử dụng. Các xét nghiệm khác như nội soi giúp khảo sát các các mô trong đường tiêu hóa, cổ họng và phế quản. Ở những nơi không thể nhìn thấy rõ (ví dụ như bên trong xương hoặc hạch bạch huyết), quét hạt nhân phóng xạ (Chụp PET scan) thường được sử dụng, khi đó bệnh nhân sẽ uống hoặc được tiêm tĩnh mạch một chất phóng xạ yếu có thể tập trung và phát hiện được trong vùng mô bất thường.
Các xét nghiệm trên có thể rất hiệu quả trong việc xác định những bất thường trong cơ thể; cung cấp những bằng chứng giúp hướng chẩn đoán nghi ngờ ung thư. Tuy nhiên, hầu hết việc chẩn đoán xác định ung thư đều dựa vào kết quả kiểm tra mẫu mô nghi ung thư trong cơ thể. Mẫu mô bị nghi ngờ này được lấy ra khỏi cơ thể bằng một thủ thuật hay phẫu thuật được gọi là “sinh thiết”. Mẫu mô sinh thiết sẽ được gửi đi và phân tích bởi chuyên gia mô học hoặc giải phẫu bệnh. Có loại sinh thiết tương đối đơn giản (ví dụ: sinh thiết da hoặc sinh thiết mô đường tiêu hóa được thực hiện bằng nội soi có trang bị thêm chức năng sinh thiết), nhưng cũng có loại sinh thiết cần được hướng dẫn cẩn thận bằng hình ảnh hoặc thậm chí phải phẫu thuật (ví dụ, sinh thiết mô não hoặc hạch bạch huyết). Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể vừa để chẩn đoán vừa có thể chữa khỏi bệnh nếu tất cả các mô ung thư được loại bỏ hoàn toàn tại thời điểm sinh thiết.
Sinh thiết không chỉ giúp chẩn đoán xác định bệnh ung thư mà còn có thể xác định loại ung thư (ví dụ, loại mô được tìm thấy có thể cho biết đây là loại ung thư nguyên phát (nghĩa là ung thư bắt đầu tại đây - vị trí mô sinh thiết) hoặc cho biết đây là loại ung thư thứ phát (nghĩa là ung thư nguyên phát bắt nguồn ở nơi khác trong cơ thể và di căn đến đây) và từ đó giúp xác định giai đoạn ung thư. Giai đoạn ung thư là cách để các chuyên gia y tế ước tính mức độ lan rộng (di căn) của ung thư trong cơ thể bệnh nhân.
Tìm hiểu thêm về Sinh thiết
Những loại xét nghiệm máu nào có thể giúp phát hiện ung thư?
Xét nghiệm tìm dấu ấn khối u trong máu
Dấu ấn khối u là những chất hóa học do tế bào ung thư tạo ra và được tìm thấy trong máu. Tuy nhiên, các dấu ấn khối u cũng có thể được tạo ra bởi các tế bào bình thường trong cơ thể và nồng độ có thể tăng nhiều trong những bệnh lý không phải ung thư. Bên dưới là các ví dụ về dấu ấn khối u phổ biến:
- Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt
- Kháng nguyên ung thư-125 (CA-125) đối với ung thư buồng trứng
- Calcitonin đối với ung thư tuyến giáp thể tủy
- Alpha-fetoprotein (AFP) cho ung thư gan và ung thư tinh hoàn
- Nội tiết tố Gonadotropin màng đệm ở người (hCG) đối với ung thư tế bào mầm, như ung thư buồng trứng, tinh hoàn
- Kháng nguyên carcinoembryonic (CEA) cho bệnh ung thư đại tràng (ruột già)
- Protein mào tinh hoàn người 4 (HE4) và inhibin đối với ung thư buồng trứng
Xét nghiệm tế bào khối u lưu hành trong máu
Các xét nghiệm máu tiên tiến gần đây có thể phát hiện các tế bào khối u đã tách ra khỏi vị trí ung thư ban đầu và đang lưu hành trong máu. Các xét nghiệm này được dùng để đo lượng tế bào khối u hoặc những vật liệu di truyền của tế bào ung thư như ADN, ARN đang lưu hành trong máu.
Xét nghiệm protein máu
Điện di là một xét nghiệm kiểm tra các loại protein khác nhau trong máu. Xét nghiệm này có thể giúp xác định các loại protein là globulin miễn dịch khác nhau tăng cao ở những người mắc bệnh đa u tủy. Sinh thiết tủy xương cũng có thể giúp xác định chẩn đoán ung thư máu.
Công thức máu tổng quát
Công thức máu giúp bác sĩ:
- Hướng chẩn đoán một số bệnh ung thư máu, chẳng hạn như bệnh bạch cầu và ung thư hạch
- Đánh giá xem ung thư đã xâm lấn tủy xương hay chưa
- Đánh giá đáp ứng của bệnh nhân đối với điều trị ung thư
- Chẩn đoán các tình trạng bệnh lý khác không phải ung thư
Dưới đây là cách diễn giải kết quả Công thức máu thông thường:
- Giảm bạch cầu: Điều trị ung thư có thể làm giảm số lượng bạch cầu trong cơ thể. Cần lưu ý là bệnh bạch cầu, ung thư hạch hoặc đa u tủy cũng làm hạ bạch cầu.
- Giảm hồng cầu: Một số phương pháp hóa trị hoặc xạ trị có thể làm giảm số lượng hồng cầu (thiếu máu). Cần lưu ý là giảm hồng cầu cũng có thể do ung thư gây chảy máu vào dạ dày, như trong trường hợp ung thư dạ dày.
- Số lượng bạch cầu thay đổi: Tế bào lympho hoặc bạch cầu đơn nhân cao bất thường có thể do một số loại ung thư gây ra.
- Giảm tiểu cầu: Ung thư ảnh hưởng đến tủy xương cũng có thể làm giảm số lượng tiểu cầu.
Sinh thiết tủy xương có thể giúp chẩn đoán xác định ung thư máu.
Xét nghiệm phân tích nước tiểu
Đây là loại xét nghiệm để tìm các tế bào và những chất khác nhau hiện diện bất thường trong nước tiểu, chẳng hạn như hồng cầu (tiểu máu), bạch cầu, protein (tiểu đạm). Tiểu máu có thể do bệnh lành tính, nhưng cũng có thể do bệnh ác tính.
Các xét nghiệm máu khác:
- Alkaline phosphatase: Giúp chẩn đoán ung thư gan và ung thư xương.
- Ferritin: Nồng độ ferritin tăng cao có thể là dấu hiệu của bệnh Hodgkin hoặc bệnh bạch cầu.
- Thyroglobulin: Nồng độ hormone này tăng cao có thể gợi ý ung thư tuyến giáp.
Ung thư được phát hiện là chỉ khu trú tại vị trí ban đầu hay nó đã xâm lấn hoặc di căn từ vị trí đó sang các nơi khác? Ung thư cục bộ được cho là đang ở giai đoạn đầu, trong khi ung thư di căn là ở giai đoạn tiến triển. Phần sau đây mô tả các phương pháp phân giai đoạn cho bệnh ung thư.
Các phương pháp xác định giai đoạn ung thư?
Có nhiều phương pháp phân giai đoạn ung thư khác nhau tùy theo loại ung thư. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI), các tiêu chí chung được đưa vào trong hầu hết trong các hệ thống phân chia giai đoạn bao gồm:
- Vị trí của khối u nguyên phát
- Kích thước khối u và số lượng khối u
- Ảnh hưởng đến hạch bạch huyết (sự xâm lấn của ung thư vào các hạch bạch huyết)
- Có hay chưa có di căn
Tuy nhiên, có hai phương pháp phân giai đoạn chính: Chia giai đoạn theo TMN được sử dụng cho hầu hết các loại ung thư có khối u đặc trong khi phương pháp chia giai đoạn đánh số La Mã được sử dụng cho hầu hết các loại ung thư.
1. Phương pháp TNM: Là hệ thống phân giai đoạn ung thư được sử dụng rộng rãi nhất. Hầu hết các cơ sở y tế đều sử dụng hệ thống TNM làm phương pháp chính để xác định giai đoạn của bệnh ung thư. Theo cách này, bệnh nhân có thể biết bệnh ung thư của mình thuộc giai đoạn nào trong hồ sơ bệnh án, ngoại trừ các loại ung thư đặc biệt cần một hệ thống phân giai đoạn khác, ví dụ như u não, tủy sống và ung thư máu.
Phương pháp TNM dựa trên đặc tính của khối u (T), mức độ xâm lấn đến hạch bạch huyết (N) và sự hiện diện của di căn xa (M). Một con số được thêm vào sau mỗi chữ cái để biểu thị kích thước hoặc mức độ xâm lấn của khối u nguyên phát và mức độ di căn (con số càng cao nghĩa là khối u càng lớn hoặc di căn càng lan rộng).
Sau đây là cách Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI) mô tả hệ thống phân giai đoạn TNM:
Khối u nguyên phát (T)
TX - Không đo được khối u
T0 - Không có bằng chứng hiện diện của khối u
T1, T2, T3, T4 - Kích thước và/hoặc mức độ lan rộng của khối u. Con số sau chữ T càng cao thì khối u càng lớn hoặc càng phát triển, xâm lấn sang các mô lân cận. T có thể được chia thêm để cung cấp thêm chi tiết, chẳng hạn như T3a và T3b.
Hạch vùng (N)
NX - Không đánh giá được ung thư có xâm lấn hạch vùng hay không
N0 - Không xâm lấn hạch vùng
N1, N2, N3 – Có xâm lấn hạch vùng. Số càng lớn thì số lượng và mức độ hạch bạch huyết bị xâm lấn càng lớn
Di căn xa (M)
MX - Không thể đánh giá được tình trạng di căn xa
M0 - Không có di căn xa
M1 - Có di căn xa
Dựa theo phân giai đoạn trên, nếu bệnh ung thư của một bệnh nhân được ghi là T1N2M0, có nghĩa ung thư có một khối u nhỏ (T1), nhưng đã xâm lấn một số hạch vùng (N2) và chưa có di căn xa (M0).
2. Phương pháp đánh số La Mã:
- Giai đoạn 0: Các tế bào bất thường hiện diện nhưng chưa xâm lấn sang các mô lân cận. Còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ, (CIS: Carcinoma in-situ). CIS không phải là ung thư nhưng có thể trở thành ung thư.
- Giai đoạn I, Giai đoạn II và Giai đoạn III (có khi được viết là Giai đoạn 1, Giai đoạn 2 và Giai đoạn 3): Ung thư đã hiện diện. Con số càng cao, khối u ung thư càng lớn và càng xâm lấn sang các mô lân cận.
- Giai đoạn IV (có khi được viết là Giai đoạn 4): Ung thư đã di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Con số càng cao thì ung thư càng tiến triển. Các chữ cái thường được sử dụng sau số đầu tiên để mô tả bệnh ung thư chi tiết hơn. Ví dụ, ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2 có thể được chia thành 2A, 2B hoặc 2C.
3. Phương pháp khác: Có một hệ thống phân giai đoạn khác được sử dụng cho tất cả các loại ung thư hay nhóm ung thư, chia thành năm giai đoạn chính như sau:
- Tại chỗ: Các tế bào bất thường chỉ hiện diện trong lớp tế bào mà chúng phát triển.
- Khu trú: Ung thư chỉ giới hạn ở cơ quan nơi nó bắt đầu, không có bằng chứng về sự xâm lấn mô lân cận.
- Vùng: Ung thư đã lan rộng ra khỏi vị trí ban đầu và xâm lấn đến các hạch bạch huyết hoặc các mô & cơ quan lân cận.
- Xa: Ung thư đã di căn xa, từ vị trí ban đầu đến các cơ quan hoặc các hạch bạch huyết ở xa.
- Không xác định: Không có đủ thông tin để xác định giai đoạn.
Đánh giá ung thư thuộc giai đoạn nào là một bước quan trọng vì nó giúp bác sĩ quyết định lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhất, làm cơ sở để ước tính tiên lượng cho bệnh nhân cũng như chia sẻ với các chuyên gia y tế khác khi cần thiết, ví dụ như khi hội chẩn hoặc để cùng phối hợp điều trị cho bệnh nhân.
Điều trị ung thư như thế nào?
Điều trị ung thư dựa vào loại ung thư và giai đoạn ung thư. Ở một số bệnh nhân, chẩn đoán và điều trị có thể xảy ra cùng lúc nếu khối ung thư được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khi bác sĩ mổ mô sinh thiết.
Hầu hết bệnh nhân ung thư sẽ được điều trị theo phác đồ. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch… hoặc điều trị kết hợp (kết hợp hai hoặc nhiều phương pháp điều trị).
Đối với những bệnh ung thư không thể chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật thì thường sẽ được điều trị kết hợp. Phác đồ điều trị phối hợp được quyết định tùy theo loại và giai đoạn ung thư.
Ngoài các phương pháp điều trị chuyên biệt được liệt kê ở trên, còn có liệu pháp giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư. Đây là những phương pháp chăm sóc y tế hoặc điều trị hỗ trợ để giúp giảm nhẹ các triệu chứng (chứ không phải chữa khỏi) cho bệnh nhân ung thư. Những liệu pháp giảm nhẹ được thực hiện với mục đích kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư, đặc biệt là giai đoạn cuối. Cũng có những phương pháp điều trị giảm nhẹ khác thường được sử dụng cho bệnh nhân ung thư để giảm các triệu chứng do bệnh hoặc do điều trị như thuốc giảm đau, thuốc chống nôn, buồn nôn...
Tiên lượng bệnh ung thư ra sao?
Tiên lượng bệnh ung thư có thể từ mức rất tốt đến kém. Tiên lượng liên quan trực tiếp đến loại và giai đoạn ung thư. Ví dụ, nhiều bệnh ung thư da có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật cắt bỏ mô ung thư da. Hoặc một bệnh nhân có khối u lớn cũng có thể được chữa khỏi sau phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác như hóa trị. Cần lưu ý là khái niệm “chữa khỏi” đôi khi có hàm ý là ung thư không tái phát trong khoảng thời gian 5 năm chứ không phải là bệnh ung thư được chữa khỏi hoàn toàn.
Khi ung thư xâm lấn đến các hạch bạch huyết hoặc di căn sang các cơ quan khác thì tiên lượng sẽ xấu đi. Ví dụ, những bệnh ung thư có giai đoạn được đánh số cao (ví dụ: giai đoạn III hoặc T3N2M1) có tiên lượng xấu hơn những bệnh giai đoạn được đánh số thấp (hoặc 0). Khi giai đoạn ung thư được đánh số tăng lên, thì tiên lượng sẽ xấu hơn và tỷ lệ sống còn cũng giảm đi.
Các biến chứng hay gặp của ung thư là gì?
Có nhiều biến chứng có thể xảy ra với bệnh ung thư; nhiều loại biến chứng đặc thù cho loại và giai đoạn ung thư. Một số biến chứng thường gặp có thể xảy ra do bệnh ung thư và do phác đồ điều trị được liệt kê dưới đây:
- Mệt mỏi (cả do ung thư và điều trị)
- Thiếu máu (cả hai)
- Chán ăn (cả hai)
- Mất ngủ (cả hai)
- Rụng tóc (chủ yếu là do điều trị)
- Buồn nôn (cả hai)
- Phù bạch huyết (cả hai)
- Đau (cả hai)
- Suy giảm hệ thống miễn dịch (cả hai)
Có thể phòng bệnh ung thư được không?
Nhiều bệnh ung thư có thể phòng ngừa được hoặc ít ra cũng giúp giảm nguy cơ bệnh ung thư nhờ vào một số phương pháp phòng ngừa rất đơn giản.
Phòng ngừa ung thư bằng cách tránh các nguyên nhân tiềm ẩn gây ung thư là cách đơn giản nhất. Ví dụ:
- Ngừng (hoặc tốt hơn là không bao giờ bắt đầu) hút thuốc lá
- Tránh ánh nắng quá mức (bằng cách giảm tiếp xúc hoặc bôi kem chống nắng) và tránh tiếp xúc hóa chất, chất độc là những cách tuyệt vời để tránh ung thư.
- Tránh tiếp xúc với một số loại virus và mầm bệnh cũng có thể giúp phòng ngừa một số bệnh ung thư. Những người phải làm việc gần các tác nhân gây ung thư (nhân viên hóa chất, kỹ thuật viên X-quang, nhà nghiên cứu bức xạ ion hóa, công nhân amiăng) nên tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu mọi phơi nhiễm với các tác nhân đó.
Có hai loại vắc xin đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để phòng ngừa các loại ung thư cụ thể. Đơn cử là vắc xin chống lại virus viêm gan siêu vi B (HBV), được coi là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan, và vắc xin kháng virus u nhú ở người (HPV) loại 16 và 18. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, những loại virus là nguyên nhân của khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngày nay, việc tiêm chủng HPV được khuyến khích cho trẻ em ở cả hai giới.
Các phương pháp sàng lọc bệnh ung thư giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm khi ung thư có nhiều khả năng được chữa khỏi bao gồm khám vú, khám tinh hoàn, khám trực tràng (nội soi), chụp nhũ ảnh, khám và phết tế bào cổ tử cung, một số loại xét nghiệm máu, khám tuyến tiền liệt, xét nghiệm nước tiểu...
Những người nghi ngờ mình có thể bị ung thư nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Mặc dù các khuyến nghị khám & xét nghiệm sàng lọc ung thư gây nhiều tranh cãi trong những năm gần đây, như sàng lọc quá tốn kém nhưng ít hiệu quả hoặc lạm dụng nhiều xét nghiệm xâm lấn không cần thiết, nhưng chúng vẫn có thể mang lại những lợi ích nhất định. Việc nên hay không nên khám & xét nghiệm sàng lọc ung thư sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể và luôn cần ý kiến của chuyên gia y tế.
BS. Trần Quốc Hùng
Ban Biên tập Y Khoa Online
-------------------------------------
Nguồn:
https://www.medicinenet.com/cancer/article.htm. Truy cập ngày 18/12/2023
https://www.cancer.org/cancer/understanding-cancer/what-is-cancer.html. Truy cập ngày 18/12/2023
https://www.cancer.gov/about-cancer/diagnosis-staging/staging. Truy cập ngày 20/12/2023
https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf. Truy cập ngày 20/12/2023
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7
-
Viêm kết mạc có giả mạc
06/07/2023 16:00 GMT+7
-
Dị ứng thức ăn trẻ em
02/04/2023 08:36 GMT+7
-
Sâu răng và dự phòng sâu răng ở trẻ em
26/02/2023 14:27 GMT+7