Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em gây ra các vết loét bên trong hoặc xung quanh miệng và phát ban hoặc mụn nước trên tay, chân, hoặc mông... Bệnh TCM có thể gây đau, nhưng thường không nặng.
Bệnh TCM không giống như bệnh lở mồm long móng, là bệnh do một loại vi-rút khác gây nên và chỉ ảnh hưởng đến động vật.
Nguyên nhân của bệnh TCM
Bệnh TCM do các loại vi rút thuộc họ vi rút đường tiêu hóa (gọi chung là Enterovirus) gây ra. Tác nhân thường gặp nhất là vi rút Coxsackie A16, trong khi enterovirus 71 (EV71) thì ít gặp hơn.
Yếu tố nguy cơ của bệnh TCM
Tuổi là yếu tố nguy cơ chính của bệnh TCM. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em độ tuổi mẫu giáo do dễ bị lây lan qua tiếp xúc giữa các trẻ.
Mặc dù bệnh TCM thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ nhưng bất kỳ ai cũng có bị bệnh.
Trẻ lớn và người lớn được cho là đã có miễn dịch với bệnh TCM. Họ thường tạo ra các kháng thể sau khi tiếp xúc với vi-rút gây bệnh. Nhưng thanh thiếu niên và người lớn đôi khi vẫn mắc bệnh TCM.
Bệnh TCM có xu hướng lây lan dễ dàng vào mùa hè và mùa thu.
Triệu chứng bệnh TCM
Thời gian thông thường từ khi bắt đầu bị nhiễm bệnh đến khi các triệu chứng xuất hiện (thời kỳ ủ bệnh) là từ 3 đến 6 ngày. Trong giai đoạn này trẻ có thể có các triệu chứng:
- Sốt
- Đau họng.
- Đôi khi mất cảm giác ngon miệng và cảm thấy không khỏe, mệt mỏi.
- Trẻ sơ sinh hay mới biết đi có thể quấy khóc.
Một hoặc hai ngày sau khi cơn sốt bắt đầu, trẻ bắt đầu khởi phát các dấu hiệu:
- Các tổn thương giống như vết phồng rộp, gây đau ở lưỡi, nướu hoặc bên trong má. Các vết loét miệng có thể gây đau khi nuốt. Ăn hoặc uống ít hơn bình thường có thể là dấu hiệu duy nhất của bệnh ở trẻ.
- Phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi ở mông. Không ngứa nhưng thỉnh thoảng nổi mụn nước. Tùy thuộc vào màu da, phát ban có thể xuất hiện màu đỏ, trắng, xám hoặc chỉ xuất hiện dưới dạng những vết sưng nhỏ.
Lây truyền bệnh TCM
Vi-rút gây bệnh TCM hiện diện trong các loại dịch của cơ thể người bị nhiễm bệnh, bao gồm:
- Nước bọt
- Chất nhầy đường hô hấp, từ mũi hoặc phổi
- Chất lỏng từ mụn nước hoặc vảy
- Phân
Đường lây truyền bệnh TCM:
- Ho hoặc hắt hơi
- Tiếp xúc gần gũi như hôn, ôm, dùng chung cốc hoặc dùng chung đồ dùng
- Tiếp xúc với phân, như khi thay tã
- Chạm vào các bề mặt có vi-rút trên đó
Chẩn đoán bệnh TCM
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của con bạn và xem vết loét hoặc phát ban. Hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng thường là đủ để bác sĩ xác định xem đó có phải là bệnh TCM hay không. Nhưng cũng có những trường hợp bác sĩ cần ngoáy họng con bạn hoặc lấy mẫu phân hay máu để xét nghiệm.
Chăm sóc trẻ trị bệnh TCM
Hiện chưa có thuốc chữa dứt hoặc vắc-xin phòng bệnh TCM. Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng điều trị vi-rút gây bệnh. Bệnh TCM thường tự khỏi sau 7 đến 10 ngày.
Trẻ bệnh tay chân miệng chỉ có sốt nhẹ < 38,50C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, chơi, thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú. Phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ như sau: Uống thuốc theo toa bác sĩ: hạ sốt, giảm đau, đa sinh tố. Hạ sốt khi sốt > 380 C bằng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống) có thể lặp lại mỗi 4- 6 giờ khi sốt lại. Tuyệt đối không được dùng aspirin để giảm đau hạ sốt cho trẻ em vì nó có thể gây hại.
Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay,… Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Trẻ thường đau họng miệng do vết loét nên có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch như phosphalugel hoặc varogel hoặc trimafort,…cho trẻ ngậm nuốt 1-2ml /lần để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn. Đồ lạnh như đá viên, sữa chua hoặc sinh tố để làm dịu cơn đau họng. Tránh nước trái cây và soda, có axit có thể gây kích ứng vết loét.
Giảm ngứa cho trẻ bằng các loại thuốc kháng histamine thông thường như Chlorpheniramine, Polaramin, Theralene...theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Bổ sung nguồn nước uống cho trẻ nhất là các loại nước trái cây ép chứa nhiều vitamin.
Vệ sinh răng miệng.
Cho trẻ nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích và cách ly với trẻ khác.
Tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc khi trẻ có các dấu hiệu nặng hoặc bất thường.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo dưới đây
Phụ huynh lưu ý khi trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng sau, PHẢI đưa trẻ đến bệnh viện ngay, bất kể trong đêm:
- Sốt cao
- Thở bất thường
- Quấy khóc liên tục
- Khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà
- Giật mình, hốt hoảng, chới với
- Ngồi không vững hoặc đi loạng choạng
- Run tay, chân hoặc co giật
- Vả mồ hôi
- Nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú
- Yếu tay chân
- Da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái
Biến chứng bệnh tay chân miệng
Các biến chứng nghiêm trọng do bệnh TCM rất hiếm gặp. Enterovirus 71 có nhiều khả năng gây ra biến chứng hơn các loại vi-rút TCM khác.
Các biến chứng có thể bao gồm:
- Mất nước nếu lở miệng gây khó nuốt chất lỏng
- Phù màng não và tủy sống (viêm màng não do virus)
- Viêm não
- Viêm cơ tim
- Liệt
Phòng chống bệnh TCM
Con bạn dễ lây nhất trong 7 ngày đầu tiên của bệnh. Nhưng vi-rút có thể tồn tại trong cơ thể chúng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần và lây lan qua nước bọt hoặc phân. Thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ lây nhiễm:
Rửa tay cẩn thận, đặc biệt là sau khi thay tã hoặc lau mũi cho trẻ. Giúp trẻ giữ tay sạch sẽ.
Dạy trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho. Khăn giấy là tốt nhất, nhưng tay áo của trẻ đang mặc cũng được.
Làm sạch và khử trùng các bề mặt và vật dụng dùng chung như đồ chơi và tay nắm cửa.
Không ôm, hôn người mắc bệnh tay chân miệng. Không dùng chung cốc hoặc đồ dùng với họ.
Đừng gửi con bạn đến trường hoặc nhà trẻ cho đến khi các triệu chứng ở trẻ biến mất. Thảo luận với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng trẻ vẫn còn khả năng lây nhiễm.
Ban Biên tập Y Khoa Online
-------------------------
Nguồn:
https://www.webmd.com/children/hand-foot-mouth-disease. Truy cập ngày 5/7/2023
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hand-foot-and-mouth-disease/symptoms-causes/syc-20353035. Truy cập ngày 5/7/2023
https://bvndtp.org.vn/phu-huynh-can-biet-cham-soc-tre-benh-tay-chan-mieng-tai-nha/. Truy cập ngày 5/7/2023
-
Ung thư
18/11/2024 09:51 GMT+7
-
Viêm mũi xoang
15/11/2024 18:38 GMT+7
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7