Thoát vị đĩa đệm

23/05/2020 01:18 GMT+7

Tổng quan bệnh Thoát vị đĩa đệm

Đĩa đệm là phần nằm giữa các đốt sống, xung quanh là lớp vỏ bao xơ, ở giữa là nhân nhầy. Đĩa đệm có tác dụng chịu áp lực do cột sống đè lên, tạo sự mềm dẻo cho cột sống. Nó còn có vai trò giúp các đốt xương sống khi hoạt động sẽ không bị cọ sát vào nhau.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng khối nhân nhầy bị thoát ra bên ngoài vỏ bọc bao xơ của nó theo một hoặc nhiều vết nứt rách ở vòng sợi. Từ đó phần nhân này có thể gây chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh cột sống và gây ra các triệu chứng bệnh tùy thuộc vào vị trí thoát vị.

Thoát vị đĩa đệm

Hình ảnh cột sống bình thường và cột sống bị thoát vị đĩa đệm. Ảnh: Mayo Clinic

Trên thực tế, thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng là phổ biến nhất với triệu chứng thường gặp là đau lan tỏa từ thắt lưng xuống chân, hay còn gọi là đau dây thần kinh tọa.

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm

Tác nhân bên ngoài

Một lực mạnh từ bên ngoài (ví dụ như tai nạn) tác động trực tiếp vào cột sống gây ra chấn thương đĩa đệm

Các tư thế vận động không đúng cách (nằm, ngồi, đi, đứng)

Hút thuốc làm giảm oxy cung cấp tới các đốt sống, xương, các mô

Ngồi lâu, lười vận động hoặc tập thể dục, chơi thể thao quá sức

Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học như ăn nhiều chất dầu mỡ, thiếu canxi

Thừa cân, béo phì. Cân nặng của cơ thể càng lớn, gánh nặng cho những đĩa đệm cột sống càng cao, đặc biệt là ở khu vực thắt lưng

Nghề nghiệp: Những người lao động chân tay, làm việc quá sức, mang vác nặng, sai tư thế dẫn đến đĩa đệm và cột sống bị tổn thương.

Tác nhân bên trong

Biến chứng của các bệnh lý khác như: Viêm khớp, thoái hóa cột sống, gai cột sống

Do tuổi tác. Đây là nguyên nhân mà đa số các bệnh nhân gặp phải. Khi quá trình lão hóa diễn ra, đĩa đệm bị mất nước, thoái hóa xơ cứng và rất dễ dàng bị tổn thương.

Bệnh lý bẩm sinh ở vùng cột sống như: Cong vẹo cột sống, hẹp ống sống, gai đôi …

Cấu trúc cột sống yếu, khiếm khuyết do di truyền

Triệu chứng bệnh Thoát vị đĩa đệm

Tùy thuộc vào vị trí của đĩa đệm bị thoát vị gây chèn ép thần kinh, sẽ có biểu hiện triệu chứng tương ứng ở vùng và cơ quan do thần kinh đó chi phối. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và cột sống thắt lưng là thường gặp. 

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Cơn đau quanh vùng gáy, vai

Tê đau, mất cảm giác ở bắp tay, cổ tay, bàn tay

Giảm lực cơ tay

Đau từ cổ lan lên đầu gây cảm giác choáng váng

Tê, đau, nhức, tăng giảm tùy theo cử động cổ tay

Vận động vùng cổ bị hạn chế, khó khăn khi xoay ngang cổ, cúi xuống, ngửa lên

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Đau thần kinh đùi bì, đau dây thần kinh tọa, đau thắt lưng

Không cúi người được, khả năng ưỡn thắt lưng giảm, những cử động khác vùng cột sống lưng cũng bị hạn chế

Yếu hay liệt ở chân, mông trong một số trường hợp nặng

Rối loạn cảm giác tê đau

Đau ở vùng cột sống lưng, đau dây thần kinh liên sườn, đau nhiều khi đại tiện, ho, nằm nghiêng

Biến chứng của Thoát vị đĩa đệm

- Đau thần kinh tọa: Vì nhân đĩa đệm chèn ép rễ dây thần kinh gây ra đau nhức dữ dội, đau buốt vùng mông dọc xuống cẳng chân, mu bàn chân, các ngón chân

- Teo cơ: Không vận động lâu ngày sẽ khiến cơ trở nên suy yếu, bị teo. Các chi teo nhanh chóng, chân tay bé lại, khả năng đi lại, vận động giảm sút.

- Mất kiểm soát tiểu tiện, đại tiện khi rễ thần kinh bị tổn thương có thể gây ảnh hưởng đến cơ vòng. Ví dụ ảnh hưởng cơ vòng đường tiểu, gây bí tiểu, sau đó lại đái dầm dề, nước tiểu tự động chảy rỉ ra.

- Liệt chi. Khi nhân nhầy chui vào trong ống sống, chèn ép rễ thần kinh, làm hẹp khoang sống sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ bị liệt nửa người hoặc bại liệt cả người.

- Chèn ép rễ thần kinh: Người bệnh thoát vị đĩa đệm thường có những cơn đau kéo dài từ thắt lưng và lan rộng đến chân. Đau có thể tăng lên khi hoạt động mạnh, hắt hơi, đứng hoặc ngồi lâu, ho, di chuyển mạnh…

- Hội chứng chùm đuôi ngựa: Là một biến chứng nguy hiểm của bệnh thoát vị đĩa đệm. Đây thường là một cấp cứu ngoại khoa. Rễ dây thần kinh bị chèn ép, khiến việc đi tiểu tiện đại tiện mất kiểm soát. Đôi khi bệnh có thể gây chèn ép toàn bộ bó rễ thần kinh ở phần dưới cùng của cột sống có hình dạng giống đuôi ngựa, nên gọi là hội chứng chùm đuôi ngựa. Khi đó người bệnh cần được phẫu thuật sớm để tránh biến chứng liệt vĩnh viễn..

Đối tượng nguy cơ bệnh Thoát vị đĩa đệm

Các đối tượng lao động chân tay, mang vác nặng, sai tư thế, người thừa cân béo phì, người có tiền sử gia đình bệnh lý cột sống đều có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm.

Loại thoát vị đĩa đệm thường gặp

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh có liên quan đến đĩa đệm.

Cột sống thắt lưng gồm 5 đốt sống theo thứ tự từ trên xuống là L1 đến L5. Đốt sống S1 thuộc vùng xương cùng bên dưới.

Phần đĩa đệm ở cột sống thắt lưng không giống với các đĩa đệm ở vùng khác. Đặc thù của các đĩa đệm ở vùng này là cần thích nghi với những vận động cơ học cường độ mạnh. Đĩa đệm liên tục phải chịu những áp lực cao do đó thoát vị đĩa đệm thường xãy ra ở khu vực này.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Bởi vì bệnh có liên quan nhiều đến nghề nghiệp lao động nặng, thường xuyên mang vác nặng hoặc hoạt động sai tư thế, tác động lực khi làm việc không đối xứng hai bên.

Vị trí thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là khi đĩa đệm nằm giữa các đốt sống thắt lưng L1 L2 L3 L4 L5 S1 bị thoát vị. Thoát vị đĩa đệm thắt lưng xảy ra nhiều nhất ở vị trí đĩa đệm nằm giữa đốt sống L4-L5 và L5-S1. Bản chất của 2 đĩa đệm này là phần bản lề trọng yếu của cột sống.

Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất là người già, người trưởng thành lao động nặng.

Phòng ngừa bệnh Thoát vị đĩa đệm

Các biện pháp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm có thể thực hiện như sau:

Tập luyện thể dục thể thao bằng các môn thể thao vừa sức, tăng độ dẻo dai của các cơ cạnh cột sống. Điều này có thể giúp làm ổn định cột sống, giảm nguy cơ tổn thương đĩa đệm.

Không mang vác, vận động quá sức hoặc sai tư thế.

Duy trì cân nặng phù hợp với chiều cao, tránh duy trì áp lực quá nặng lên cột sống.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh Thoát vị đĩa đệm

Trong quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ căng cứng của vùng lưng. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nằm xuống và di chuyển chân theo nhiều tư thế khác nhau để xác định nguyên nhân đau. Bác sĩ cũng có thể thực hiện các test về thần kinh để kiểm tra sức cơ, trương lực cơ, khả năng đi lại, khả năng cảm nhận kích thích. Trong đa số các trường hợp, thăm khám lâm sàng kết hợp với khai thác tiền sử đủ để kết luận bệnh. Nếu nghi ngờ nguyên nhân khác hoặc cần xác định rõ vùng nào bị tổn thương, bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm:

Chẩn đoán hình ảnh: bao gồm chụp X quang, chụp CT, chụp MRI, chụp cản quang cột sống. Các phương pháp này đều cung cấp những hình ảnh có giá trị chẩn đoán khác nhau, phục vụ việc kết luận chính xác tình trạng bệnh lý.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy thoát vị đĩa đệm ở vị trí giữa 2 đốt sống thắt lưng L4-L5. Ảnh: Illinois Spine & Scoliosis Cente - www.myissc.com

Test thần kinh: phương pháp đo điện cơ xác định mức độ lan truyền của xung thần kinh dọc theo các mô thần kinh. Phương pháp này giúp xác định phần dây thần kinh bị tổn thương.

Các phương pháp điều trị bệnh Thoát vị đĩa đệm

1. Điều trị bảo tồn:

- Biện pháp không dùng thuốc:

Nằm nghỉ tại giường một thời gian (thường 1-2 ngày) trong giai đoạn đau nhiều và cho hoạt động trở lại khi giảm đau. Sau đó cho người bệnh tập các động tác kéo giãn cột sống và tập tăng cường sức mạnh khối cơ thân như hít xà đơn, hít đất, bơi lội ...

- Dùng thuốc:

Tuỳ tình trạng nặng nhẹ của người bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ kết hợp các thuốc giảm đau, giảm viêm, giãn cơ, chống phù nề ... Tiêm corticoid tại chỗ ngày nay ít sử dụng do nhiều biến chứng về sau.

2. Phẫu thuật:

Khoảng 80% các trường hợp thoát vị đĩa đệm có thể chữa được bằng phương pháp bảo tồn, chỉ khoảng 20% là cần phải mổ. Chỉ định mổ trong các trường hợp sau:

1. Thoát vị đĩa đệm gây đau thần kinh tọa nặng, cấp tính không đáp ứng thuốc giảm đau.

2. Thoát vị đĩa đệm đã được điều trị bảo tồn tích cực 6-8 tuần thất bại.

3. Thoát vị đĩa đệm tái phát sau mổ.

4. Thoát vị đĩa đệm có biến chứng: liệt vận động hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn phương pháp phẫu thuật.

Các phương pháp phẫu thuật:

Mục tiêu của phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm là giải phóng rễ thần kinh khỏi sự chèn ép bởi khối thoát vị, nhằm giúp bệnh nhân giảm đau, phục hồi vận động và sớm trở lại công việc ban đầu.

1. Ứng dụng vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm:

Phương pháp này được áp dụng rộng rãi trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Với đặc điểm là sử dụng kính vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm giúp giải phóng rễ thần kinh. Nhờ có kính vi phẫu thuật, các phẫu thuật viên sẽ quan sát rất rõ tủy sống, rễ thần kinh và các tĩnh mạch quanh màng cứng, nhân đệm, đồng thời có thể giúp hạn chế đến mức thấp nhất những tai biến có thể xảy ra trong khi tiến hành phẫu thuật.

Ưu điểm của phương pháp vi phẫu thuật để lấy nhân đệm là thời gian mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng ngắn, bệnh nhân hồi phục nhanh, có thể ngồi dậy, đi lại sau mổ 24 và chỉ mất 3-4 ngày nằm viện.

2. Lấy nhân đệm qua nội soi:

Từ thập niên 90, phương pháp nội soi đã áp dụng phổ biến trong các lĩnh vực ngoại thần kinh, trong đó có ứng dụng nội soi để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Mặc dù kết quả điều trị của phương pháp lấy nhân đệm qua nội soi và ứng dụng vi phẫu để loại bỏ nhân đệm hoàn toàn giống nhau, nhưng nội soi để lấy nhân đệm vẫn còn nhiều hạn chế so với phương pháp lấy nhân đệm vi phẫu. Một số trường hợp dưới đây không thể sử dụng được phẫu thuật nội soi gồm:

- Bệnh nhân đã mổ thoát vị đĩa đệm lưng trước đây;

- Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhiều tầng và thoát vị trung tâm;

- Bị hẹp ống sống kèm theo hoặc hẹp lỗ liên hợp, hẹp ngách bên, hẹp khoang đĩa đệm và hẹp lỗ liên hợp;

- Bị thoát vị đĩa đệm tái phát và xơ hóa;

- Bệnh nhân bị mất vững cột sống.

 

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Phẫu thuật lấy mảnh đĩa đệm thoát vị bị vỡ, gây chèn ép rễ dây thần kinh. Ảnh: Mayo Clinic

Phương pháp kết hợp khác:

Một số liệu pháp thay thế uống thuốc, kết hợp với thuốc có thể giúp giảm triệu chứng đau lưng:

- Phương pháp kéo nắn xương khớp

- Châm cứu

- Xoa bóp 

- Yoga

Chế độ sinh hoạt phù hợp trong quá trình điều trị

Trong thời gian điều trị thoát vị đĩa đệm, nên hạn chế các hoạt động mạnh, tăng cường nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế

Đi khám ngay nếu thấy các triệu chứng nặng hơn như: tê liệt ở chân, đau tê vùng bàn tọa, khó tiểu hoặc khó đại tiện hoặc bị yếu đột ngột ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là chân.

Tránh nằm quá nhiều: nên nghỉ ngơi một thời gian ngắn sau đó đứng dậy thực hiện vận động nhẹ như đi lại, làm việc nhà do nằm quá nhiều gây cứng khớp cột sống và yếu cơ.

Tóm lại, bệnh lý thoát vị đĩa đệm rất phổ biến. Một khi đã mắc phải căn bệnh này nếu không có phương án điều trị sớm sẽ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, nhờ vào phương pháp chẩn đoán hiện đại, các bác sĩ sẽ chọn lựa và chỉ định phương án điều trị phù hợp, giúp mang lại hiệu quả cao. Đó đó, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm, điều trị càng sớm thì hiệu quả càng tăng lên.

 

Ban Biên tập Y Khoa Online

------------------------------------------

Nguồn: 

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/herniated-disk/diagnosis-treatment/drc-20354101. Truy cập ngày 23/5/2020

https://www.webmd.com/back-pain/guide/cauda-equina-syndrome-overview. Truy cập ngày 23/5/2020

https://www.vinmec.com/vi/benh/thoat-vi-dia-dem-3090/. Truy cập ngày 23/5/2020