Đục thủy tinh thể
Thủy tinh thể là gì?
Thủy tinh thể (hay thể thủy tinh) là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi, nằm sau mống mắt (hay còn gọi là tròng đen). Thủy tinh thể không chứa mạch máu và thần kinh nên dinh dưỡng bằng cách thẩm thấu.
Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính giúp hội tụ ánh sáng trên võng mạc. Võng mạc là lớp nhận cảm ánh sáng và gởi tín hiệu thị giác lên não. Ở mắt bình thường, ánh sáng đi xuyên qua thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc. Thủy tinh thể phải trong suốt để tạo ảnh rõ nét.
Bình thường thủy tinh thể có chức năng điều tiết, cho ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc giúp ta có thể nhìn thấy mọi vật.
Bệnh đục thủy tinh thể là gì?
Bệnh đục thủy tinh thể hay còn gọi là bệnh cườm đá, cườm khô.
Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu là nước và protein. Các protein được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể cản ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực. Tình trạng này gọi là đục thủy tinh thể.
Sự khác biệt giữa mắt bình thường và mắt bị đục thủy tinh thể. Ảnh: wehelpchicagosee.com
Nguyên nhân và các yếu tố gây đục thủy tinh thể
1. Các nguyên nhân gây đục thủy tinh thể gồm
Nguyên nhân nguyên phát
- Do bẩm sinh liên quan tới các rối loạn yếu tố di truyền. Ngoài ra bệnh cũng có thể khởi phát do mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm như như bệnh sởi, bệnh rộp da và giang mai.
- Do quá trình lão hóa: Đây là nguyên nhân thường gặp, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây giảm thị lực ở người cao tuổi. Cùng với tuổi tác, các protein thể thủy tinh trải qua quá trình biến đổi hoá học, tụ tập thành các protein phân tử lượng cao. Sự kết tụ protein này gây ra sự thay đổi chiết suất của thể thủy tinh, làm tán xạ ánh sáng và làm giảm độ trong suốt. Biến đổi hoá học của protein thể thủy tinh cũng sinh ra sắc tố ngày càng nhiều làm thể thủy tinh chuyển màu (vàng, nâu, đen…). Đục thể thủy tinh tuổi già có 3 hình thái chính: đục nhân, đục vỏ, và đục dưới bao sau. Thường gặp ở độ tuổi trên 50.
Nguyên nhân thứ phát
- Mắc các bệnh khác tại mắt tái đi tái lại nhiều lần như viêm màng bồ đào.
- Chấn thương: Có thể do rách vỡ bao thủy tinh thể, làm nước ngấm vào thể thủy tinh gây đục ngay sau chấn thương, hoặc do tổn thương vi thể bao thể thủy tinh gây rối loạn chuyển hoá làm thể thủy tinh đục sau một thời gian dài.
- Thường xuyên sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng tới mắt như corticosteroid, phenothiazine, amiodarone…Thường gặp nhất là đục dưới bao sau do dùng corticosteroid kéo dài. Đục thủy tinh thể có thể gặp do dùng thuốc có corticosteroid theo nhiều đường khác nhau: toàn thân, tra nhỏ tại chỗ, tiêm dưới kết mạc, cạnh nhãn cầu, và cả đường xịt mũi (nasal spray).
- Mắc các bệnh toàn thân như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...
- Do Thường xuyên tiếp xúc với tia tử ngoại, tia X, ánh sáng tia chớp, tia hàn...
2. Các yếu tố liên quan
- Không chú ý luyện tập cung cấp các chất dinh dưỡng cho mắt.
- Dùng quá nhiều các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá...
- Thường xuyên bị stress, tiếp xúc môi trường khói bụi ô nhiễm...
- Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh đục thủy tinh thể
Dấu hiệu nhận biết bệnh đục thủy tinh thể
Bệnh diễn biến thường chậm không gây đau đớn cho người bệnh, ở những giai đoạn đầu gần như không thấy bất kỳ dấu hiệu nào vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể bị đục. Tuy nhiên dần dần thủy tinh thể đục ngày càng nhiều và bệnh nhân nhìn mờ hơn vì giảm ánh sáng đến võng mạc. Dù nhiều người bị đục thủy tinh thể cả hai mắt nhưng bản chất của bệnh là không lây từ mắt này qua mắt kia.
Hình ảnh đục thủy tinh thể rõ rệt trên mắt bệnh nhân. Ảnh: Mayo Clinic
Khi bệnh đến giai đoạn nặng hơn thấy các triệu chứng biểu hiện bệnh như:
- Giảm thị lực là triệu chứng điển hình và quan trọng ở bệnh đục thủy tinh thể. Mắt nhìn mờ hơn, khó nhìn, hay mỏi mắt khi tập trung nhìn vào một vật nào đó.
Triệu chứng nhìn mờ ở bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Ảnh: WebMD
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng, hay lóa mắt. Nhìn ở ngoài sáng khó hơn khi nhìn ở nơi có bóng râm. Lý do khi có ánh sáng đồng tử co lại làm hạn chế ánh sáng có thể tới được võng mạc.
Triệu chứng lóa mắt ở bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Ảnh: WebMD
- Nhìn đôi, nhìn một vật thành nhiều vật
Nhìn đôi ở bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Ảnh: WebMD
- Nhìn mờ như có màn sương che trước mắt
Các triệu chứng có thể thấy ở cả hai mắt hoặc một mắt.
Giảm thị lực là triệu chứng điển hình và quan trọng ở bệnh đục thủy tinh thể.
Các giai đoạn đục thủy tinh thể. Ảnh: matsaigon.com
Các biến chứng của bệnh đục thủy tinh thể
Khi bị đục thủy tinh thể, thể thủy tinh càng ngày càng bị đục nhiều, đến khi thủy tinh thể quá chín sẽ bị gây biến chứng có thể gây tăng nhãn áp và có thể bị vỡ bao, lúc đó protein của thủy tinh thể trở thành vật thể lạ với cơ thể, sẽ bị cơ thể tấn công gây phản ứng viêm màng bồ đào.
Ngoài ra, trong quá trình thủy tinh thể quá chín sẽ bị ngấm nước và phồng lên, gây mất chức năng, không thể điều tiết thể dịch được nữa, gây bệnh tăng nhãn áp (glaucoma), khi đó bệnh nhân bị đau nhức đầu dữ dội. Tình trạng này còn gây ảnh hưởng đến thần kinh thị giác, làm teo thần kinh thị giác không phục hồi. Đến lúc này, thì dù bác sĩ phẫu thuật có tốt đến đâu thì khả năng thị lực hồi phục cũng kém, thậm chí không thể nhìn được nữa.
Khi thủy tinh thể đục quá cứng thì trong mắt sẽ có những phản ứng viêm, đồng tử bị dính lại, mắt thoái hóa, môi trường trong suốt bị đục hết khiến cho phẫu thuật khó khăn hơn và dễ tổn thương đến các vùng xung quanh.
Chính vì vậy, bệnh nhân bị đục thủy tinh thể nên mổ càng sớm càng tốt, để tránh các biến chứng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bệnh cho rằng khi nào mắt không nhìn thấy đường nữa mới đi phẫu thuật. Nhưng thực tế cho thấy nếu để đến mức đó mới quyết định thay thủy tinh thể thì phẫu thuật sẽ khó khăn và tiên lượng thường kém hơn, bởi tỉ lệ xảy ra tai biến trong lúc mổ cao hơn so với phẫu thuật vào thời điểm sớm và thuận lợi hơn.
Có bao nhiêu loại đục thủy tinh thể?
1. Phân loại đục thể thuỷ tinh theo hình thái:
- Đục nhân thủy tinh thể (nuclear cataract): là tình trạng đục vùng trung tâm của thủy tinh thể, nhân trung tâm chuyển sang màu vàng, rồi vàng nâu, nâu, nâu đen. Mức độ xơ cứng và màu sắc của nhân trung tâm được đánh giá trên một thiết bị đặc biệt là kính sinh hiển vi đèn khe và dựa vào màu sắc của ánh đồng tử. Hình thái đục này thường tiến triển chậm, giảm thị lực dần dần. Giai đoạn sớm do sự tăng chiết xuất của thủy tinh thể làm mắt chuyển thành cận thị, giai đoạn muộn mắt nhìn mờ cả xa lẫn gần. Đục nhân thủy tinh thể thường có độ cứng cao, không tương xứng với mức độ giảm thị lực.
- Đục vỏ thủy tinh thể (cortical cataract): Còn gọi là đục hình chêm, do lớp vỏ bị đục. Có thể đục vỏ sau hoặc vỏ trước, tuỳ vị trí đục mà ảnh hưởng đến chức năng thị giác ở mức độ khác nhau. Tuy vậy đục vỏ dễ tiến triển nhanh, gây giảm thị lực sớm vì vậy khi phẫu thuật độ cứng của thủy tinh thể thường không cao.
- Đục dưới bao sau (posterior subcapsular cataract): thường gặp ở người trẻ hơn so với bệnh nhân đục các hình thái khác. Đục khu trú ngay ở lớp vỏ dưới bao sau, đúng trục thị giác nên bệnh nhân có cảm giác chói khi ra ánh sáng, thị lực giảm nhiều và không tương xứng với mức độ đục.
- Đục hỗn hợp: trên một bệnh nhân có thể gặp phối hợp nhiều hình thái đục khác nhau.
- Đục hoàn toàn (mature cataract), có 2 hình thái đục hoàn toàn:
- Đục vỏ hoàn toàn (cortical mature cataract): toàn bộ phần vỏ từ bao tới nhân đục trắng nên còn gọi là đục trương (intumescent cataract). Trong hình thái này, độ cứng của nhân thường không cao, tuy nhiên khi phẫu thuật Phaco rất dễ rách bao sau do thủy tinh thể không còn lớp vỏ đệm.
- Đục quá chín (hypermature cortical cataract) hay gọi là đục Morgagnian: mức độ nặng hơn, lớp vỏ thủy tinh thể có thể hoá lỏng làm nhân trung tâm chìm xuống dưới.
- Đục nhân hoàn toàn (nuclear mature cataract): toàn bộ nhân trung tâm đục cứng, màu nâu đen, hầu như không còn lớp vỏ nhân, nên còn gọi là đục nâu (brunescent cataract). Đây là hình thái rất khó cho phẫu thuật Phaco do nhân rất cứng, khó tán nhuyễn, năng lượng Phaco cao dễ làm tổn thương các thành phần khác trong nội nhãn, dễ xảy ra biến chứng.
2. Phân loại theo độ cứng của nhân thủy tinh thể
Đối với phẫu thuật Phaco, độ cứng của nhân đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tiến hành phẫu thuật cũng như kết quả phẫu thuật. Căn cứ vào việc khám trên sinh hiển vi, màu sắc của nhân và ánh đồng tử, chia ra 5 mức độ:
- Độ I: nhân mềm, còn trong, ánh đồng tử hồng đều. Thường gặp ở người trẻ hoặc đục nhân bẩm sinh, chấn thương.
- Độ II: Nhân mềm vừa phải, màu xanh vàng, ánh đồng tử màu vàng nhạt
- Độ III: Nhân cứng trung bình, màu vàng hổ phách, ánh đồng tử màu xám nhạt.
- Độ IV: Nhân cứng, màu nâu, ánh đồng tử tối.
- Độ V: Nhân rất cứng, màu nâu đen hoặc màu đen, ánh đồng tử tối.
Điều trị đục thủy tinh thể
Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật có 3 mục tiêu:
- Cải thiện thị lực
- Tránh biến chứng và hổ trợ điều trị bệnh khác ở mắt (ví dụ như bệnh tăng nhãn áp)
- Thẩm mỹ
Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính nhân tạo để thay thế thủy tinh thể.
Phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi. Bệnh nhân và bác sĩ cùng quyết định thời điểm phẫu thuật. Trong đa số trường hợp có thể trì hoãn phẫu thuật cho đến khi tư tưởng đã sẵn sàng. Nếu bạn bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, bác sĩ cũng không phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau. Nếu hai mắt bị ảnh hưởng nhiều thì hai phẫu thuật có thể được tiến hành cách nhau 2 – 4 tuần.
Một số trường hợp có thể lấy thủy tinh thể khi chưa gây giảm thị lực nhưng lại cản trở việc khám và điều trị các bệnh mắt khác, chẳng hạn bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể có hiệu quả không?
Hiện nay phẫu thuật lấy thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất của chuyên khoa Mắt. Đây cũng là một trong những phẫu thuật an toàn nhất và cho kết quả rất tốt. Với kỹ thuật tiên tiến và trang thiết bị hiện đại, 90% trường hợp sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể cho thị lực tốt.
Có bao nhiêu phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể?
Có 3 phương pháp phẫu thuật:
1. Mổ lấy thể thủy tinh trong bao (intra-capsulary): là lấy toàn bộ thể thuỷ tinh nằm bên trong cùng với lớp bao của nó.
- Chỉ định: Ngày nay, phương pháp phẫu thuật lấy thể thuỷ tinh ngoài bao hầu như đã thay thế hoàn toàn phương pháp lấy thể thuỷ tinh trong bao do ít biến chứng hơn và còn giữ lại túi bao thể thuỷ tinh để đặt thể thuỷ tinh nhân tạo. Mổ thể thuỷ tinh trong bao chỉ còn được áp dụng trong những trường hợp lệch thể thủy tinh nhiều.
- Chống chỉ định: Đục thể thuỷ tinh ở trẻ em và các trường hợp đục thể thuỷ tinh có rách bao rộng do chấn thương.
2. Mổ lấy thể thuỷ tinh ngoài bao (extra-capsulary): là phẫu thuật lấy đi khối nhân và toàn bộ chất vỏ thể thuỷ tinh qua một khoảng mở ở trung tâm của bao trước và để lại bao sau tại chỗ. Phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với mổ thể thuỷ tinh trong bao. Bao sau còn nguyên vẹn tại chỗ sẽ tạo ra vị trí giải phẫu tốt để cố định thể thủy tinh nhân tạo. Không những thế, phương pháp mổ thể thủy tinh ngoài bao còn hạn chế đáng kể các biến chứng sau mổ đặc biệt là tăng nhãn áp, phù hoàng điểm dạng nang và bong võng mạc.
- Chỉ định: Cho tất cả các loại đục thể thuỷ tinh trừ những trường hợp chống chỉ định.
- Chống chỉ định: Các trường hợp hệ thống dây treo thể thuỷ tinh quá yếu hoặc không còn nguyên vẹn hoặc những trường hợp bị chấn thương xuyên, nghi ngờ có tổn thương rách bao sau thể thủy tinh.
3. Phương pháp tán nhuyễn thể thủy tinh bằng siêu âm (phacoemulsification): Hay còn được gọi là Phẫu thuật Phaco. Bản chất là phẫu thuật ngoài bao, nhưng phẫu thuật được tiến hành qua một đường rạch nhỏ, tiền phòng luôn được khép kín nên an toàn hơn, vết mổ làm sẹo nhanh, giảm được loạn thị sau mổ vì vậy, thị lực phục hồi rất sớm và rất tốt và ổn định. Có thể rạch vào tiền phòng qua đường hầm củng mạc hoặc đường hầm giác mạc. Kích thước đường rạch lúc đầu là 2,8mm đủ để đưa đầu ống phaco vào tiền phòng.
Nguyên tắc chung của phương pháp này là sự rung động của đầu ống Phaco gây ra những khe nứt vỡ của thể thuỷ tinh ở gần đầu tip rồi hút lấy đi những phần đã bị cắt và rạn nứt qua ống nhỏ này (xem ảnh).
Minh họa Phẫu thuật Phaco. Ảnh: Mayo Clinic
Quá trình rửa hút chất thể thuỷ tinh được tiến hành nhờ hệ thống bơm tự động trong máy. Do phẫu thuật được tiến hành trong một nhãn cầu được coi như là khép kín, độ sâu tiền phòng luôn ổn định và chất thể thuỷ tinh đã được tách ra khỏi bao thể thuỷ tinh vì vậy quá trình phẫu thuật dễ dàng và an toàn hơn. Thể thuỷ tinh nhân tạo mềm hoặc cứng sẽ được đặt an toàn vào trong túi thể thuỷ tinh. Vết mổ sẽ được khép kín, không cần khâu hoặc chỉ cần một mũi chỉ để kết thúc phẫu thuật.
Một số trường hợp không thể đặt kính nội nhãn vì đang có bệnh mắt khác hoặc có tai biến khi phẫu thuật. Trường hợp này có thể đeo kính sát tròng hoặc đeo kính gọng sau mổ.
Có mấy loại kính nội nhãn (thủy tinh thể nhân tạo)?
Hiện nay có nhiều loại kính nội nhãn đặt vào trong mắt sau phẫu thuật lấy thuỷ tinh thể như
- Kính nội nhãn đơn tiêu: Giúp mắt nhìn rõ một cự ly nhất định
- Kính nội nhãn đa tiêu: Giúp mắt nhìn rõ cả cự ly xa và gần
- Kính nội nhãn toric: Giúp điều chỉnh loạn thị của mắt
Tuỳ theo tình trạng mắt, tính chất nghề nghiệp, khả năng tài chính của bệnh nhân, Bác sĩ sẽ tư vấn để đặt kính nội nhãn thích hợp giúp hồi phục thị lực cho người bệnh một cách tốt nhất.
Cần làm gì trước phẫu thuật?
Trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm. Những xét nghiệm này bao gồm đo độ cong giác mạc, kích thước và hình dạng nhãn cầu để chọn loại kính nội nhãn thích hợp, xét nghiệm máu (người bệnh nhịn ăn sáng) và khám nội khoa để đảm bảo thể trạng người bệnh cho phép tiến hành phẫu thuật.
Chuyện gì xảy ra trong khi phẫu thuật?
Khi vào bệnh viện, bạn được nhỏ thuốc dãn đồng tử, thuốc rửa mắt.
Cuộc phẫu thuật kéo dài không quá 30 phút và hầu như không đau. Hầu hết bệnh nhân được vô cảm tại chỗ (nhỏ thuốc tê và / hoặc tiêm tê) để làm mất cảm giác đau. Do đó bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được băng mắt và nằm nghỉ. Bác sĩ khám và theo dõi có biến chứng sau phẫu thuật không. Hầu hết bệnh nhân có thể về ngay trong ngày. Bệnh nhân không tự lái xe được ngay nên cần có người thân đi kèm.
Cần lưu ý gì sau phẫu thuật?
Sau phẫu thuật bệnh nhân thường có cảm giác ngứa và xốn nhẹ một thời gian ngắn. Cũng có thể chảy nước mắt, mắt đỏ nhẹ hoặc cảm thấy chói sáng và nhạy đau. Tuy nhiên cảm giác này sẽ qua trong vài ngày sau phẫu thuật. Đa số trường hợp mắt sẽ lành trong khoảng 6 tuần.
Khi xuất hiện các triệu chứng sau, bệnh nhân cần phải quay lại bệnh viện kiểm tra ngay:
- Đau nhức
- Nhìn mờ nhanh
- Đỏ mắt nhiều.
- Thấy chớp sáng hoặc nhiều ruồi muỗi bay trước mắt
Bệnh nhân cần phải tuân thủ các điều sau đây:
Giữ gìn vệ sinh tay, vệ sinh mắt sạch sẽ, tuân thủ lời dặn của bác sĩ.
Sử dụng đúng thuốc theo y lệnh của bác sĩ, trước khi tra thuốc cần phải rửa tay sạch sẽ.
Các loại thuốc nước nên nhỏ cách nhau 5 phút và tra thuốc mỡ cuối cùng. Sau khi nhỏ thuốc cần đậy nắp thuốc ngay để phòng chống nhiễm bẩn lọ thuốc.
Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, cần tránh để xà phòng vào mắt, do đó không nên gội đầu.
Bệnh nhân có thể tắm dưới cổ sau một ngày, tắm toàn thân dưới vòi hoa sen hoặc trong bồn tắm sau một vài tuần. Không bơi trong 1 tháng.
Bệnh nhân có thể ăn uống đồ ăn mềm, không nên ăn đồ quá cứng, tránh nhai nhiều và mạnh.
Tuyệt đối không được day dụi hay gãi mắt.
Cần băng mắt hoặc dùng kính bảo vệ mắt tránh dụi mắt vô thức trong lúc ngủ.
Bệnh nhân không nên mang vác nặng hoặc khom hay cúi đầu nhiều vì sẽ làm tăng áp lực nội nhãn.
Có thể xem tivi như bình thường.
Bệnh nhân có thể quay về công việc như thường sau một tháng.
Khi nào thị lực trở về bình thường?
Bạn có thể nhanh chóng trở về hoạt động thường ngày nhưng mắt có thể còn mờ. Cần có thời gian để mắt điều chỉnh phù hợp với mắt còn lại, nhất là khi mắt đó cũng bị đục thủy tinh thể. Nếu có đặt kính nội nhãn thì bạn sẽ cảm thấy màu có vẻ sáng hoặc hơi xanh. Khi có ánh sáng mặt trời nhiều có thể bạn cũng cảm thấy mọi vật hơi có màu đỏ trong vài giờ. Nếu bạn thấy hiện tượng này có nghĩa là kính nội nhãn trong suốt. Những cảm giác này sẽ hết sau vài tháng. Khi mắt đã lành có thể bạn cũng cần đeo kính thêm.
Các biến chứng trong và sau phẫu thuật lấy thể thủy tinh?
- Phù giác mạc: Ở một vài ngày đầu sau mổ, có thể có viêm khía giác mạc do chấn thương của phẫu thuật gây ra. Dấu hiệu này thường mất đi rất nhanh bằng tra thuốc chống viêm tại mắt.
- Xuất huyết tiền phòng: Xuất huyết tiền phòng sau mổ bắt nguồn từ vết mổ hoặc mống mắt, thường nhẹ và tự tiêu đi sau một vài ngày. Máu có thể chậm tiêu hơn nếu lẫn trong dịch kính.Trong trường hợp này cần cho bệnh nhân hạn chế vận động, uống nhiều nước và dùng các thuốc chống viêm, tiêu huyết.
- Phản ứng viêm: thường nhẹ và sẽ mất đi nhanh chóng với thuốc điều trị chống viêm tại chỗ.
- Đục bao sau thể thuỷ tinh: Đây là biến chứng hay gặp nhất sau khi mổ lấy thể thuỷ tinh, thường do sự xâm lấn của các tế bào biểu mô từ xích đạo tiến vào trung tâm của bao thể thuỷ tinh. Khi tình trạng đục thứ phát của bao sau thể thuỷ tinh gây ảnh hưởng nhiều đến thị lực của người bệnh thì cần phải can thiệp bằng Laser YAG hoặc phẫu thuật rạch bao sau.
- Lệch thể thuỷ tinh nhân tạo: là một biến chứng thường gặp, trong đó chủ yếu là lệch ở mức độ nhẹ thường không gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng thị giác.
- Xơ hoá, co kéo vòng xé bao: Trong giai đoạn hậu phẫu, các tế bào biểu mô thể thuỷ tinh ở phần sau của bao trước sẽ tăng sản xơ gây co kéo. Trong những trường hợp bệnh lý làm cho hệ thống dây treo thể thuỷ tinh yếu đặc biệt như trong hội chứng giả bong bao, sau chấn thương hoặc viêm võng mạc sắc tố …
Biến chứng này thường xuất hiện nhiều hơn và xuất hiện sớm sau mổ. Trong giai đoạn sớm, có thể điều trị bằng Laser YAG để cắt đứt bờ của vòng xé bao trước ở 3 hoặc 4 điểm cách đều nhau.
Làm thế nào để bảo vệ mắt?
Người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh mắt. Do đó nên khám mắt định kỳ mỗi năm một lần để kiểm tra các bệnh đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm tuổi già, tăng nhãn áp (glaucoma) hay còn gọi là cườm nước, biến chứng mắt do bệnh đái tháo đường và các bệnh mắt khác.
Ban Biên tập Y Khoa Online
-----------------------------------------
Nguồn:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cataracts/symptoms-causes/syc-20353790. Truy cập ngày 23/5/2020
https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-cataract-surgery. Truy cập ngày 23/5/2020
https://www.matsaigon.com/benh-duc-thuy-tinh-the.html. Truy cập ngày 23/5/2020
https://www.benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/mat/benh-hoc-the-thuy-tinh/968/. Truy cập ngày 23/5/2020
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-duc-thuy-tinh-nguyen-nhan-trieu-chung-va-phan-loai/. Truy cập ngày 23/5/2020
https://www.webmd.com/eye-health/cataracts/ss/slideshow-cataracts. Truy cập ngày 23/5/2020
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7
-
Viêm kết mạc có giả mạc
06/07/2023 16:00 GMT+7