Lõm ngực
Bệnh lõm ngực hay lõm xương ức (Pectus excavatum) là tình trạng biến dạng thành ngực trước do lõm xương ức phần thân và mũi ức cùng với biến dạng cong của sụn sườn tương ứng, tỷ lệ mắc trong phần lớn các báo cáo khoảng 1/1000 trẻ em và chiếm 80% các dị tật thành ngực, trong đó nam nhiều hơn nữ với tỉ lệ 4:1.
Bệnh lõm ngực thường tiến triển chậm, tăng nhanh ở tuổi dậy thì. Gia đình thường đưa trẻ đi khám vì tình cờ nhìn thấy lồng ngực con biến dạng.
Ở trẻ nhỏ, đôi khi không có triệu chứng về hô hấp và tuần hoàn, nguyên nhân do lồng ngực trẻ còn mềm dẻo và có khả năng thay đổi thể tích tốt.
Ở lứa tuổi cao hơn, lồng ngực cứng, khả năng thay đổi thể tích chủ yếu dựa vào cơ hoành, do vậy bệnh nhân thường có triệu chứng đau ngực, đánh trống ngực, khó thở khi gắng sức và thiếu sức bền trong các bài tập thể lực so với các bạn cùng lứa tuổi.
Các triệu chứng khác không thường xuyên gồm nhiễm trùng hô hấp và các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Biến dạng cột sống thường gặp ở trẻ lõm ngực lệch tâm
Xét nghiệm được chỉ định nhằm chẩn đoán cho các bệnh nhân lõm xương ức là các chụp cắt lớp vi tính (CT scan) đánh giá cấu trúc xương sườn, bất đối xứng lồng ngực, xoắn xương ức, mức độ lõm đánh giá mức độ lõm qua chỉ số Harler (HI). Mức độ lõm ngực theo chỉ số Haller:
- Nhẹ: HI < 3,2,
- Trung bình: HI từ 3,2- 3,5,
- Nặng: HI từ 3,6- 6,
- Rất nặng: HI>6
Ngoài ra, bệnh nhân cần được thăm dò đánh giá chức năng hô hấp (hô hấp ký), siêu âm tim, các xét nghiệm cơ bản phục vụ phẫu thuật
Chỉ định điều trị cho bệnh nhân lõm xương ức khi có 2 trong số các đặc điểm sau đây:
1. Chỉ số Haller trên cắt lớp vi tính lồng ngực > 3,25
2. Lõm ngực tiến triển
3. Lõm ngực có triệu chứng ảnh hưởng đến hô hấp: Đau ngực, khó thở, hụt hơi khi gắng sức, vận động mạnh; ảnh hưởng đến tim mạch: siêu âm tim sa van 2 lá, chụp cắt lớp vi tính chèn ép tim, tim bị đẩy lệch;
4. Ảnh hưởng đến tâm lý, tính thẩm mỹ: Bệnh nhân xấu hổ, tự ti về hình dạng lồng ngực, giảm khả năng giao tiếp và hòa nhập cộng đồng.
Phẫu thuật điều trị lõm xương ức:
Hiện nay trên thế giới, phẫu thuật cho thấy tính hiệu quản, an toàn, ít xâm lấn và thẩm mỹ được các tác giả lựa chọn nhiều nhất là phẫu thuật nội soi đặt thanh nâng xương ức, gọi là phẫu thuật Nuss (tên phẫu thuật nhằm tôn vinh bác sĩ Donald Nuss – người đã nghiên cứu ra phương pháp phẫu thuật này).
Hình 1. Phẫu thuật nội soi đặt thanh nâng ngực (Phẫu thuật Nuss)
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, phẫu thuật Nuss đã được ứng dụng từ những năm đầu thế kỷ 21. Dựa trên phẫu thuật Nuss cơ bản, chúng tôi có nhiều cải tiến về dụng cụ trang thiết bị cũng như quy trình, giúp cuộc mổ trở nên hiệu quản, an toàn và thuận lợi.
Hình 2. Lựa chọn thanh bar dựa trên kích thước lồng ngực bệnh nhân
Phẫu thuật nội soi vào khoang màng phổi, đặt camera hỗ trợ quan sát, luồn thanh bar đã được uốn cong vào lồng ngực (trước tim, sau xương ức). Phẫu thuật viên xoay thanh, đưa chiều cong xuống dưới, đẩy xương ức lõm về tư thế trung gian (hình 1, bước số 4).
Hình 3. Lồng ngực phẳng, thanh cân đối sau phẫu thuật
Điều trị sau phẫu thuật: Mục tiêu giảm đau, theo dõi và xử trí các biến chứng sớm sau mổ
Giảm đau ngoài màng cứng là phương pháp giảm đau thường quy, áp dụng rất hiệu quả cho bệnh nhân thực hiện phẫu thuật Nuss, có giá trị giảm điểm đau đáng kể và được sử dụng trong 3 ngày đầu sau phẫu thuật.
Các thuốc giảm đau đường tĩnh mạch và đường uống: bao gồm giảm đau nhóm non-steroid và paracetamol thường xuyên được sử dụng tính theo kg cân nặng của trẻ, giảm đau thần kinh được sử dụng khi có triệu chứng đau thần kinh. Thời gian điều trị giảm đau tại viện thường kéo dài 5-7 ngày. Có thể sử dụng giảm đau tại nhà đường uống, , thuốc giảm đau giảm dần vào liều giữa ngày trước sau đó bỏ liều cuối cùng vào ban đêm.
Trẻ thường được ra viện sau điều trị 7-10 ngày.
Chăm sóc tại nhà
Vệ sinh cá nhân thường quy.
Chăm sóc vết mổ: kiểm tra vết mổ hàng ngày có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng nóng đỏ, đau, chảy dịch mủ.
Trong vài tuần đầu sau mổ, trẻ có thể mệt mỏi và cần nghỉ ngơi thường xuyên. Trẻ có thể bắt đầu hoạt động không đối kháng như chạy, đá bóng, và các hoạt động thể chất khác sau khi bác sĩ điều trị cho phép (thường sau 6 tuần sau mổ). Không nâng vật nặng hơn 4,5kg trong 3 tháng đầu. Hãy trao đổi với bác sĩ trước các môn thể thao và hoạt động thể chất mình muốn con tham gia. Lưu ý trong các hoạt động thể chất cũng như sinh hoạt, luôn giữ lồng ngực ở tư thế thẳng, hơi ưỡn (tránh xoay, gập, gù, vẹo gây di lệch thanh)
Trẻ có thể đi học lại sau khi xuất viện, hạn chế mang balo nặng, cần tránh các môn thể thao đối kháng, các môn khác có thể hoạt động được trong 3 tháng sau phẫu thuật.
Trong quá trình mang thanh do bản chất là kim loại nên chụp phim cộng hưởng từ (MRI) là chống chỉ định với trẻ.
Khám lại sau phẫu thuật thường xuyên: rút dụng cụ sau 24- 36 tháng sau phẫu thuật.
Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu ngành về điều trị các bệnh lý Nhi khoa nói chung và phẫu thuật Nhi nói riêng.
Phẫu thuật nội soi điều trị lõm xương ức đã được bệnh viện ứng dụng thành công từ những năm đầu của thế kỷ 21. Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận, khám và điều trị cho trên 100 lượt bệnh nhân lõm xương ức mang lại kết quả tốt.
Ngoài thể bệnh lõm xương ức đơn thuần, bệnh viện còn khám và điều trị thành công các dị tật thành ngực phức tạp khác như khe hở xương ức, lồi xương ức, lồi-lõm xương ức phối hợp, gù vẹo cột sống…
BS. Nguyễn Minh Khôi – Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương
------------------------------------
Nguồn:
https://benhviennhitrunguong.gov.vn/phau-thuat-dieu-tri-lom-xuong-uc-tai-benh-vien-nhi-trung-uong.html. Truy cập ngày 14/08/2023
-
Viêm xoang
21/11/2024 14:48 GMT+7
-
Ung thư
18/11/2024 09:51 GMT+7
-
Viêm mũi xoang
15/11/2024 18:38 GMT+7
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7