Viêm hạch bạch huyết sau tiêm ngừa lao

29/01/2023 13:46 GMT+7

Vào một ngày tình cờ, trong lúc tắm cho con, người mẹ bất ngờ phát hiện bé có một khối tròn kích thước to bằng đầu ngón tay vùng nách trái và vội vàng mang bé đến khám. Sau khi thăm khám, bác sỹ chẩn đoán bé bị viêm hạch bạch huyết sau tiêm ngừa lao và dặn dò về nhà theo dõi.

Vậy viêm hạch bạch huyết sau tiêm ngừa lao là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa lao, vaccine Bacille Calmette-Guérin (BCG) đã được nước ta triển khai tiêm phòng cho trẻ em từ rất sớm và là một trong các vắc xin được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia từ năm 1985.Vaccine BCG có vai trò quan trọng trong ngăn ngừa các thể bệnh lao nặng, thường gây tử vong ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ (như lao kê, lao màng não…) với tỷ lệ bảo vệ lên đến hơn 80%.

BCG được xem là loại vắc-xin an toàn bởi tỉ lệ các phản ứng bất lợi được ghi nhận là khá thấp. Đa số các phản ứng bất lợi này là các phản ứng tại chỗ tiêm, kế đó là viêm hạch bạch huyết vùng sau tiêm ngừa BCG.

Viêm hạch bạch huyết sau tiêm ngừa lao

Hình ảnh viêm hạch bạch huyết sau tiêm ngừa lao: không nung mủ (trái) và nung mủ (phải)

Nguyên nhân

Sau khi tiêm trong da, vaccine bắt đầu được vận chuyển đến các tế bào bạch huyết vùng gần đó (như nách, vai, sau vai…) của cơ thể và bắt đầu phát huy tác dụng tạo miễn dịch làm hạch bạch huyết lớn lên. Vì vậy, bé chỉ nổi hạch cùng bên với bên được tiêm ngừa, chủ yếu là bên trái.

Biểu hiện lâm sàng

Viêm hạch bạch huyết biểu hiện có khối hạch tròn sưng to > 1cm, cùng bên với chỗ tiêm ngừa. Viêm hạch bạch huyết do vaccine BCG có thể xuất hiện sớm nhất là 2 tuần đến 6 tháng sau khi tiêm ngừa. Hạch viêm có thể chỉ có 1 hạch hoặc nhiều hạch xuất hiện ở nách (thường gặp nhất), sau tai hoặc cổ. Hạch sưng to nhưng không làm trẻ đau hay sốt. Một số trường hợp có thể thấy hạch sưng đỏ nhẹ kèm chảy mủ.

Điều trị

Viêm hạch là phản ứng bình thường sau tiêm ngừa lao, chứ không phải là HẠCH LAO trong bệnh lao hạch; vì thế, điều trị sẽ không cần dùng thuốc chống lao.

Điều trị dựa theo phân loại:

  • Thể nung mủ: có thể rạch thoát mủ với tỷ lệ thành công lên đến khoảng 80%.
  • Thể không nung mủ: phần lớn chỉ cần theo dõi định kỳ do có thể teo nhỏ dần theo tuổi. Tuy nhiên, một số hạch có kích thước to >3cm hoặc chùm hạch (>2 hạch) có kích thước lớn cần thiết phải can thiệp phẫu thuật cắt trọn hạch vì không thể tự hết và có thể diễn tiến sưng đỏ đau.

Nếu phát hiện trẻ có hạch quanh vùng tiêm ngừa lao, ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

 

BS Trần An Hải Đăng - Khoa Điều trị trong ngày, BV Nhi Đồng 1, TP. HCM

-----------------------------------

Nguồn: 

https://nhidong.org.vn/cau-lac-bo-ba-me/viem-hach-bach-huyet-sau-tiem-ngua-lao-c55-2230.aspx. Truy cập ngày 29/01/2023