Sâu răng và dự phòng sâu răng ở trẻ em
Sâu răng là một bệnh nhiễm khuẩn. Sâu răng là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình huỷ khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng và hình thành các lỗ nhỏ trên răng.
Sâu răng là gì?
Sâu răng là một bệnh nhiễm khuẩn. Sâu răng là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình huỷ khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng và hình thành các lỗ nhỏ trên răng.
Nguyên nhân gây sâu răng là do sự kết hợp của các yếu tố bao gồm vi khuẩn, thói quen ăn vặt, sử dụng thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường và thói quen vệ sinh răng miệng không tốt.
Sâu răng và sức khoẻ răng miệng của trẻ ngày càng được quan tâm nhưng đây vẫn là bệnh phổ biến ở trẻ em. Theo thống kê của viện Răng Hàm Mặt Trung ương, số lượng trẻ em Việt Nam bị sâu răng đang có chiều hướng gia tăng, có đến 80% trẻ từ 4 – 8 tuổi bị sâu răng, có đến 91% các bé chăm sóc răng miệng không đúng cách.
Vai trò của răng sữa
Răng sữa bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn trẻ từ 5 – 7 tháng tuổi và những răng hàm sữa cuối cùng được thay thế khi trẻ 11 – 12 tuổi. Răng sữa có chức năng ăn nhai, phát âm, thẩm mỹ, giữ chỗ cho răng vĩnh viễn và kích thích sự phát triển của xương hàm
Răng sữa bị sâu răng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của trẻ.Sâu răng và mất răng sữa sớm gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ và ảnh hưởng đến bộ răng vĩnh viễn sau này.
Triệu chứng và ảnh hưởng của sâu răng
Dấu hiệu và triệu chứng của sâu răng tuỳ thuộc vào mức độ và vị trí sâu. Khi sâu răng mới khới phát trẻ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi sâu răng tiến triển nặng hơn có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Răng đổi màu ở một vài vùng, vài điểm trên mặt nhai hoặc kẽ răng.
- Đau răng, đau khi ăn nhai hoặc có cơn đau tự phát mà không có nguyên nhân rõ ràng
- Răng nhạy cảm, đau buốt khi ăn uống đồ ngọt, nóng hoặc lạnh hoặc khi có thức ăn giắt vào kẽ răng
- Xuất hiện lỗ sâu trên răng
- Bề mặt, xung quanh lỗ sâubiến đổi sang màu nâu, đen.
Từ những lỗ sâu nhỏ không được điều trị kịp thời, sâu răng sẽ diễn biến đến bệnh lý tuỷ răng gây đau đớn kéo dài. Nhiễm trùng thời gian dài có thể lan rộng ra xung quanh chân răng gây áp-xe, viêm tấy vùng mặt. Trường hợp nặng có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tính mạng, điều trị tốn kém nặng nề.
Bên cạnh nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ, toàn thân, sâu răng còn là nguyên nhân làm trầm trọng thêm một số bệnh toàn thân. Khoa học chứng minh sâu răng làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc trên trẻ mắc Tim bẩm sinh, tăng nguy cơ viêm cầu thận, tăng nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến tử vong trên trẻ mắc bệnh toàn thân nặng.
Phòng bệnh sâu răng
Hình ảnh sâu răng sữa
I. Vệ sinh răng miệng thường xuyên
Trẻ cần được vệ sinh răng miệng thường xuyên và duy trì ngày 2 lần sáng, tối như người trưởng thành.
Bàn chải tối ưu cho trẻ là loại bàn chải lông mềm, có tay cầm đủ to để hỗ trợ trẻ dễ dàng cầm nắm, đầu bàn chải nhỏ. Với trẻ nhỏ mới mọc một vài chiếc răng sữa có thể lựa chọn bàn chải ngón tay.
Chú ý về phương pháp chải răng
- Hầu hết trẻ dễ dàng sử dụng phương pháp chải ngang
- Chải ngang kết hợp với chải xoay tròn sẽ làm sạch răng hiệu quả hơn
- Trẻ thường bỏ qua phần mặt nhai, mặt lưỡi và phần cổ răng gần lợi, do đó cha mẹ cần hỗ trợ trẻ làm sạch nhưng vùng này
- Cha mẹ khuyến khích trẻ tự vệ sinh răng miệng nhưng cũng cần giám sát và hỗ trợ đến khi trẻ đủ khéo léo để tự chải
- Trung bình thời gian chải tất cả các bề mặt răng cần 2,5-3 phút.
Trẻ ở độ tuổi sơ sinh cần được lau lợi hàng ngày để làm sạch và làm quen với vệ sinh răng miệng.
Khi trẻ mới mọc răng, sử dụng bàn chải ngón tay và không dùng bất kỳ loại kem đánh răng nào. Cha mẹ cho trẻ vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý cho đến khi trẻ đủ lớn và biết nhả nước bẩn ra khỏi miệng. Lựa chọn kem đánh răng theo đúng độ tuổi được ghi bởi nhà sản xuất, không dùng kem đánh răng của người lớn cho trẻ nhỏ.
Trẻ ở độ tuổi đến trường và độ tuổi vị thành niên đã có đủ kỹ năng vệ sinh răng miệng nhưng vẫn cần sự giám sát của cha mẹ.
Sử dụng chỉ tơ nha khoa để hỗ trợ làm sach vùng kẽ răng
II. Sử dụng Fluor trong dự phòng sâu răng
Fluor đã được biết đến từ lâu là chất cần thiết và hiệu quả trong phòng ngừa sâu răng.
Fluor được ví như chất dinh dưỡng thiết yếu cho răng.
2.1 Cơ chế bảo vệ răng của Fluor
Fluor là nguyên tố không mùi vị, có khả năng ngấm vào men răng.
- Fluor tác động lên các tinh thể hydroxylapatite của men răng, làm giảm độ hoà tan của chúng, tăng cường khả năng kết tinh tinh thể, tái khoáng hoá
- Tác động lên vi khuẩn: ức chế các enzym, ngăn chặn hoạt động của các vi khuẩn gây sâu răng, tác động lên bề mặt men răng, giảm năng lượng tự do trên bề mặt làm giảm tích luỹ mảng bám.
- Thau đổi hình thái của răng: răng trong môi trường Fluor hoá có xu hướng có múi tròn hơn, hố rãnh nông hơn… làm giảm nguy cơ sâu răng.
2.2 Những cách thức bổ sung Fluor
2.2.1 Bổ sung Fluor đường toàn thân
- Fluor hoá nước uống
- Fluor hoá muối ăn
- Fluor hoá sữa
- Viên uống bổ sung Fluor
Bổ sung Fluor theo đường toàn thân có nhiều điểm hạn chế và những nguy cơ có thể xảy ra vượt qua những lợi ích mà nó đem lại.
2.2.2 Bổ sung Fluor tại chỗ
Bổ sung Fluor tại chỗ là biện pháp để Fluor lắng đọng trên bề mặt răng để bảo vệ tại chỗ trên hoặc gần bề mặt răng.
Fluor dùng tại nhà như kem đánh răng, nước súc miệng chứa Fluor có nồng độ thấp. có thể dùng hàng ngày hoặc định kỳ.
Fluor bổ sung tại phòng khám có nồng độ Fluor cao, được bổ sung chủ yếu sau mỗi 6 tháng.
- Dung dịch, gel Fluor
- Kem đánh răng chứa Fluor
- Nước súc miệng chứa Fluor
- Vec-ni Fluor
2.3 Nhiễm độc Fluor
2.3.1 Nhiễm độc cấp tính
Ngưỡng liều an toàn là 8-16 mg/kg cân nặng, khi dùng lượng Fluor quá ngưỡng này có thể gây triệu chứng nhiễm độc
Ngưỡng liều gây chết là 32-64 mg/kg cân nặng.
Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm độc cấp tính:
- Buồn nôn, nôn, đau bụng, tăng tiết nước bọt, ngạt mũi
- Toàn thân suy yếu
- Mạch yếu, huyết áp tụt
- Suy hô hấp
- Loạn nhịp tim
- Hôn mê và tử vong
Khi nghi ngờ trẻ nhiễm độc Fluor cấp tính cần đưa trẻ tới ngay cơ quan y tế để được chẩn đoán và điều trị
Những cách giảm nguy cơ dùng quá liều Fluor
- Sử dụng có sự giám sát của bố mẹ
- Dùng kem đánh răng với lượng nhỏ
- Dùng các sản phẩm chứa fluor phù hợp lứa tuổi, theo đúng chỉ định của bác sỹ
- Dặn trẻ không nuốt kem đánh răng, nước súc miệng
- Không khuyến cáo sử dụng kem đánh răng chứa Fluor cho trẻ dưới 4 tuổi trừ những trường hợp đặc biệt.
2.3.2 Nhiễm độc mãn tính
Fluor có thể gây nhiễm độc cho răng và xương.
Liều dùng hàng ngày > 0,07 mg/kg cân nặng/ngày cho trẻ đang trong giai đoạn phát triển răng có thể gây nhiễm Fluor.
Răng nhiễm Fluor có thể từ nhẹ đến nặng, men răng càng nhiễm nhiều Fluor thì càng xốp. Biểu hiện răng nhiễm Fluor gồm đổi màu răng, bề mặt gồ ghề, mòn bề mặt và các hố.
Điều trị răng nhiễm Fluor có thể tẩy trắng, phục hồi răng bằng hàn composite, chụp răng, veneer.
III. Dự phòng sâu răng bằng nha khoa can thiệp tối thiểu
3.1. Trám bít hố rãnh
Sâu răng có thể xảy ra ở bất cứ bề mặt nào của răng, nhưng thường xảy ra sớm ở mặt hố và rãnh do hố và rãnh là nơi dễ lưu giữ thức ăn, mảng bám, khó chải sạch. Sâu răng có liên quan trực tiếp đến độ sâu của hố, rãnh răng, có 43-45% sâu răng xảy ra ở mặt nhai.
Nếu chất trám bít hố rãnh vẫn còn nguyên vẹn trong 5 năm thì tỷ lệ sâu răng có thể giảm đến 92%.
Trám bít hố rãnh được thực hiện tại cơ sở nha khoa.
Lựa chọn răng trám bít hố rãnh:
- Răng hàm lớn vĩnh viễn mới mọc ( Răng 6,7)
- Răng hàm nhỏ mới mọc
- Hố các răng cửa vĩnh viễn
- Răng hàm sữa ở trẻ em 3-4 tuổi.
Tiêu chuẩn:
- Răng không bị sâu
- Răng mới bị sâu nhưng không có sự mất men, đổi màu, thăm dò bằng thám trâm chưa có sự mềm mủn.
Kỹ thuật trám bít hố rãnh:
- Làm sạch bề mặt cần trám bít
- Acid etching
- Rửa sạch bằng nước và thổi khô
- Đặt chất trám bít, chiếu đèn
- Hoàn tất.
3.2. Kỹ thuật phục hồi răng không sang chấn
Là kỹ thuật dựa trên sự loại bỏ tổ chức sâu chỉ bằng dụng cụ cầm tay và phục hồi xoang sâu bằng vật liệu phục hồi dính. Hiện tại vật liệu được lựa chọn la GIC.
Kỹ thuật này đươc thực hiện bởi nha sỹ, giúp điều trị răng sâu không gây sợ hãi cho trẻ, chi phí thấp, có thể thực hiện ở cộng đồng hoặc những nơi điều kiện y tế còn thấp.
Chống chỉ đinh:
- Răng có lỗ sâu lớn, có lỗ dò cần phục hồi
- Răng hở tuỷ
- Răng viêm tuỷ mãn tính
- Lỗ sâu không thể tiếp cận bằng dụng cụ cầm tay.
Kỹ thuật thực hiện:
- Đặt bông cách ly răng cần điều trị
- Lấy bỏ mảng bám, cặn bám bề mặt răng, làm khô bề mặt
- Đánh giá lỗ sâu
- Lấy bỏ tổ chức sâu bằng dụng cụ cầm tay
- Phục hồi xoang sâu bằng GIC.
3.3. Dự phòng, ngăn chặn sâu răng tiến triển bằng SDF ( Silver Diamine Fluoride)
SDF là chất được dùng trong nha khoa để dự phòng và ngăn chặn sự tiến triển của sâu răng. SDF đã được nha sỹ ở Mỹ sử dụng từ năm 2015, sử dụng tại Canada từ năm 2017 và hiện đã được sử dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia.
SDF được đánh giá là an toàn, hiệu quả cao trong ngăn chặn sự tiến triển của sâu răng và có giá thành thấp hơn so với điều trị sâu răng truyền thống.
SDF có ba chức năng chính là:
- Ngăn chặn sự tiến triển của sâu răng
- Ngừa sâu răng
- Giảm nhạy cảm ngà
Quy trình bôi SDF:
- Làm sạch bề mặt răng
- Cách ly bề mặt răng cần bôi bằng bông gòn
- Làm khô bề mặt
- Bôi SDF trực tiếp lên bề mặt răng sâu, lấy SDF thừa bằng bông gòn
- Giữ cho trẻ há miệng liên tục trong 1 phút.
- Tuỳ vào nguy cơ sâu răng có thể bôi SDF lại sau mỗi 3-6 tháng.
Kết luận
Sâu răng là bệnh không thể tự khỏi nhưng hoàn toàn có thể dự phòng và điều trị càng sớm càng tốt.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến khám răng 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện và được tư vấn phương pháp điều trị hợp lý, kịp thời.
Việc kiểm soát chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng, kiểm soát vệ sinh răng miệng đóng vai trò quan trọng trong dự phòng sâu răng.
BS. Dương Thị Diễm Hằng
Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương
--------------------------
Nguồn:
https://benhviennhitrunguong.gov.vn/sau-rang-va-du-phong-sau-rang-o-tre-em.html. Truy cập ngày 26/02/2023
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7