Rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình đi kèm với một vài bệnh lý như thiếu máu não, tiểu đường, huyết áp cao... có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, đe dọa tính mạng người bệnh. Vậy rối loạn tiền đình là bệnh gì và chúng được phân loại như thế nào?
1. Rối loạn tiền đình là gì?
Mối liên hệ giữa tai trong và não bộ giúp bạn giữ thăng bằng khi ra khỏi giường hoặc đi trên mặt đất gồ ghề. Đây được gọi là hệ thống tiền đình.
Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình...
Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số VIII hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não. Điều này khiến cho bệnh nhân bị chóng mặt và khó giữ thăng bằng. Đây là 2 triệu chứng phổ biến nhất của rối loạn tiền đình. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể gặp vấn đề về thính giác và thị lực như hoa mắt, quay cuồng, ù tai... Những triệu chứng này lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh.
Minh họa cấu trúc giải phẫu hệ thống tiền đình của tai. Ảnh: www.clipart-library.com
2. Phân loại rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi
Có hai loại rối loạn tiền đình là:
2.1. Rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên
Do tổn thương hệ tiền đình ngay tại vùng tai trong. Triệu chứng thường rầm rộ bệnh nhân chóng mặt và mất thăng băng nhiều nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Đa số mọi người hay bị loại rối loạn tiền đình này.
2.2. Rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương
Rối loạn tiền đình trung ương do các tổn thương nhân tiền đình ở thân não, tiểu não. Nhóm bệnh này ít gặp, triệu chứng không rầm rộ. Tuy vậy nhóm bệnh này thường nguy hiểm và khó chữa hơn nhóm bệnh tiền đình có nguyên nhân ngoại biên.
3. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình là gì?
3.1. Nguyên nhân tiền đình ngoại biên
- Viêm dây thần kinh tiền đình: Do virus Zona, thủy đậu, quai bị (chiếm khoảng 5% các trường hợp), gây liệt dây thần kinh tiền đình dẫn đến chóng mặt xuất hiện đột ngột, kéo dài nhiều giờ đến vài tháng nhưng không rối loạn thính lực (khác với hội chứng Meniere).
- Rối loạn chuyển hóa: tiểu đường, tăng urê huyết, suy giáp...
- Các nhóm nguyên nhân khác:
- Hội chứng Ménière: Phù nề vùng tai trong
- Viêm tai giữa cấp và mạn
- Dị dạng tai trong
- Chấn thương vùng tai trong
- U dây thần kinh số VIII
- Sỏi nhĩ
- Tác dụng không mong muốn của thuốc (streptomycin, gentamycin...); rượu, ma túy
- Say tàu xe
- Nhãn cầu: Nhìn đôi
3.2. Nguyên nhân tiền đình trung ương
- Thiểu năng tuần hoàn sống nền;
- Hạ huyết áp tư thế;
- Hội chứng Wallenberg;
- Nhồi máu tiểu não;
- Xơ cứng rải rác;
- U tiểu não;
- Nhức đầu Migraine;
- Bệnh Parkinson;
- Giang mai thần kinh
3.3. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn tiền đình như:
- Tuổi tác: Bất cứ ai dù ở độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh rối loạn tiền đình nhưng người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ. Ước tính cứ 100 người trên 40 tuổi trở lên thì có khoảng 35 người mắc bệnh rối loạn tiền đình.
- Tiền sử bị chóng mặt: Những người đã từng bị chóng mặt có nhiều khả năng bị choáng váng, hoa mắt, mất thăng bằng... trong tương lai. Tăng nguy cơ bị bệnh rối loạn tiền đình.
- Phụ nữ sau sinh là đối tượng dễ mắc chứng rối loạn tiền đình
4. Dấu hiệu rối loạn tiền đình
Dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mỗi người sẽ gặp phải những triệu chứng khác nhau.
4.1. Hội chứng tiền đình ngoại vi
- Chóng mặt: Các vật quay xung quanh người bệnh nhân hay ngược lại. Biểu hiện rõ nhất thường là khi người bệnh thay đổi tư thế, đặc biệt là đứng lên ngồi xuống một cách đột ngột hoặc khi vừa ngủ dậy.
- Cơ thể mất thăng bằng, choáng váng, đầu óc quay cuồng, cơ thể loạng choạng, đứng không vững
- Rối loạn thị giác: hoa mắt, chóng mặt, mất phương hướng
- Rối loạn thính giác: Ù tai. Khi bệnh nhân có dấu hiệu ù tai phải đến khám sớm và điều trị tích cực. Nếu điều trị muộn bệnh để lại di chứng giảm thính lực (giảm sức nghe), hoặc điếc, có tiếng ve kêu, dế kêu.. trong tai, đặc biệt về đêm.
- Nhãn cầu rung giật
- Buồn nôn hoặc nôn
- Mất ngủ, người mệt mỏi, thiếu tập trung
- Hạ huyết áp
4.2. Hội chứng tiền đình trung ương
- Chóng mặt: Bệnh nhân thường không chóng mặt dữ dội, có cảm giác bồng bềnh như trên sóng.
- Giảm thính lực: Ù tai, nghe kém
- Rung giật nhãn cầu nhiều hướng, có cả rung giật nhãn cầu dọc.
- Dáng đi như người say rượu, bệnh nhân thường không đi theo một đường thẳng, hay đi hình zic zắc.
- Mất phối hợp động tác: Bệnh nhân không thể làm chính xác động tác ví dụ như: lật xấp bàn tay, ngón tay chỉ mũi...
- Đôi khi có thay đổi giọng nói khi phát âm một số âm như âm “Ô”.
5. Chẩn đoán rối loạn tiền đình
Xét nghiệm điện và sử dụng các điện cực nhỏ đặt lên vùng da xung quanh mắt, nhằm đo chuyển động của mắt để đánh giá các dấu hiệu của rối loạn chức năng tiền đình hay các vấn đề về thần kinh.
Xét nghiệm xoay vòng để đánh giá sự hoạt động của mắt và tai. Xét nghiệm sử dụng kính video hoặc các điện cực để theo dõi chuyển động của mắt.
Xét nghiệm âm ốc tai cung cấp thông tin về các tế bào tóc trong ốc tai, bằng cách đo sự đáp ứng của các tế bào tóc với các cú nhấp được tạo ra bởi một loa nhỏ chèn vào trong ống tai
Chụp cộng hưởng MRI sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh cắt ngang các mô cơ thể được quét. MRI não có thể phát hiện các khối u, đột quỵ và sự bất thường về mô mềm khác mà có thể gây chóng mặt hoặc ngất.
6. Các phương pháp điều trị bệnh rối loạn tiền đình hiệu quả
- Điều trị nguyên nhân gây rối loạn tiền đình: Đầu tiên là bác sĩ sẽ xác định xem rối loạn tiền đình có phải do bệnh lý hay do thuốc gây ra. Nếu do bệnh lý gây ra thì bác sĩ sẽ điều trị bệnh lý đó. Còn nếu do thuốc thì bác sĩ sẽ đổi sang thuốc khác.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh Ménière, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống của bạn, chẳng hạn như giảm sử dụng muối trong thức ăn và hạn chế rượu, caffein, không hút thuốc. Một số loại thuốc chống chóng mặt hoặc chống buồn nôn có thể làm giảm các triệu chứng, nhưng có thể gây buồn ngủ. Các loại thuốc khác, chẳng hạn như gentamicin kháng sinh hoặc corticosteroid, có thể được tiêm sau màng nhĩ để đến tai trong. Mặc dù gentamicin giúp giảm chóng mặt, nhưng nó đôi khi phá hủy các tế bào cảm giác trong ốc tai và gây mất thính lực vĩnh viễn. Nguy cơ mất thính lực có thể giảm nếu dùng gentamicin liều nhỏ và liên tục cho đến khi các triệu chứng giảm. Corticosteroid không gây mất thính lực; tuy nhiên, nghiên cứu đang được tiến hành để xác định xem chúng có hiệu quả như gentamicin hay không. Phẫu thuật cơ quan tiền đình có thể cần thiết nếu bạn mắc bệnh Ménière nặng.
- Thay đổi lối sống:
- Tập thể dục đều đặn: tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường lưu thông khí huyết, giúp quá trình tuần hoàn máu não ổn định hơn. Đồng thời giảm bớt áp lực, căng thẳng cho người bệnh.
- Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi
- Có chế độ ăn uống hợp lý: Ăn đầy đủ các nhóm chất, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Ăn nhiều rau, củ, quả; hạn chế các đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhiều dầu mỡ...
- Tập phục hồi chức năng tiền đình: Một số người bị rối loạn tiền đình có thể không thể giảm bớt chóng mặt hoàn toàn và sẽ phải tìm cách đối diện với nó hàng ngày. Tập các bài tập phục hồi chức năng tiền đình. Các bài tập này được sẽ giúp tăng cường hoạt động phối hợp các bộ phận của cơ thể, giúp não nhận biết tín hiệu và xử lý các tín hiệu từ tiền đình thông suốt, nhịp nhàng hơn.
- Phẫu thuật. Khi thuốc và các liệu pháp khác không thể kiểm soát các triệu chứng thì có thể cần phải phẫu thuật. Quyết đinh phẫu thuật phụ thuộc vào nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Mục đích là ổn định và sửa chữa chức năng của tai trong.
- Phòng ngừa nguy cơ chấn thương: Để giảm nguy cơ bị chấn thương do chóng mặt, hãy tránh đi bộ trong bóng tối. Bạn cũng nên đi giày đế thấp hoặc giày đi bộ ngoài trời và sử dụng gậy hoặc khung tập đi nếu cần thiết. Nếu bạn có tay vịn trong nhà, hãy kiểm tra chúng định kỳ để đảm bảo chúng được an toàn và chắc chắn. Những sửa đổi đối với đồ đạc trong phòng tắm có thể giúp chúng an toàn hơn. Các điều kiện tại nơi làm việc có thể cần được sửa đổi hoặc hạn chế, ít nhất là tạm thời. Lái xe hơi có thể nguy hiểm. Hỏi ý kiến của bác sĩ về việc bạn lái xe có an toàn hay không.
Nhìn chung, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ như sử dụng thuốc đúng và đủ liều theo đơn thuốc bác sĩ kê. Các loại thuốc và liều lượng sử dụng của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc và quá trình kiểm tra, xét nghiệm lâm sàng xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương của bệnh.
Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số VIII hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não. Bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm và gây đột quỵ. Vì thế khi có dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình, người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
-----------------------------
Nguồn:
https://www.medicinenet.com/vestibular_balance_disorders/article.htm. Truy cập ngày 10/9/2021
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/vestibular-balance-disorder. Truy cập ngày 10/9/2021
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/roi-loan-tien-dinh-la-benh-gi/. Truy cập ngày 10/9/2021
https://www.webmd.com/brain/vestibular-disorders-facts. Truy cập ngày 10/9/2021
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7