Huyết khối tĩnh mạch sâu: Cách phòng ngừa
Huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đứng hàng thứ 3 trong số bệnh lý tim mạch thường gặp, sau nhồi máu cơ tim và sốc. Bệnh thường gặp ở người già. Mỗi năm, tỷ lệ mắc bệnh mới trong cộng đồng chiếm khoảng 160/100.000 dân. Trong một số nghiên cứu trên tử thi người bệnh lớn tuổi, tỷ lệ HKTMS chiếm từ 35% đến 52%. Tại Mỹ, mỗi năm có từ 250.000 đến 2 triệu người mới mắc các bệnh huyết khối-thuyên tắc tĩnh mạch (một khái niệm rộng bao gồm: HKTMS, thuyên tắc phổi, hoặc kết hợp cả hai).
Tĩnh mạch bình thường và Huyết khối tĩnh mạch sâu. Ảnh: Vinmec
Bệnh thường xảy ra ở hệ tĩnh mạch sâu bắp chân hoặc đùi. Đôi khi xảy ra ở các tĩnh mạch chi trên. Nếu không được điều trị đúng, gần 20% HKTMS sẽ lan rộng sang các tĩnh mạch lớn hơn và trong số này, hơn 50% có nguy cơ bị thuyên tắc phổi dẫn đến 10% tử vong.
Ngoài ra, hội chứng sau thuyên tắc do huyết khối lan rộng sang các tĩnh mạch lớn làm cho tình trạng bệnh càng nặng và kéo dài hơn. Trên thực tế, thuyên tắc phổi thường xuất hiện sau khi người bệnh bị HKTMS ở chân lan lên tĩnh mạch đùi, các tĩnh mạch vùng chậu, tĩnh mạch thận.
NGUYÊN NHÂN CỦA HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU
Tam chứng Virchow
Gồm 3 loại nhân tố khái quát góp phần tạo ra các huyết khối tĩnh mạch:
- Tăng đông máu.
- Các thay đổi huyết động (ứ máu, nhiễu loạn dòng máu).
- Thương tổn nội mạc tĩnh mạch hoặc thương tổn thành mạch.
Các yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ tổng quát:
+ Tuổi > 60.
+ Phẫu thuật hay chấn thương vùng chậu hoặc chi dưới.
+ Bất cứ phẫu thuật nào cần gây mê toàn thân trên 45 phút.
+ Ngồi bất động lâu do đi tàu xe, máy bay.
+ Nằm liệt giường trên 3 ngày hoặc phẫu thuật trong vòng 4 tuần trước đó.
+ Béo phì.
+ Bệnh dãn tĩnh mạch hoặc có tiền sử huyết khối tĩnh mạch nông.
Yếu tố nguy cơ mắc phải hay thứ phát:
+ Bệnh ung thư và hóa trị liệu.
+ Giảm tiểu cầu do thuốc chống đông heparin gây ra. Trong chứng giảm tiểu cầu này, hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể kháng heparin chống lại phức hợp của heparin với yếu tố 4 tiểu cầu, gây ra huyết khối.
+ Hội chứng thận hư.
+ Đông máu nội mạch lan tỏa.
+ Điều trị bằng estrogen, progesterone.
+ Hội chứng lupus.
+ Thai kỳ và thời kỳ hậu sản.
+ Bệnh Buerger (viêm tắc mạch huyết khối) là một bệnh hiếm gặp của động mạch và tĩnh mạch của chi dưới và chi trên.
PHÒNG NGỪA HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU
Các biện pháp phòng bệnh có thể làm trước hay sau một số can thiệp ngoại khoa hoặc khi có các sự kiện làm tăng nguy cơ HKTMS gồm:
Phòng ngừa HKTMS với các biện pháp phòng ngừa nguyên phát và thứ phát.
Phòng ngừa nguyên phát đạt hiệu quả cao nếu sử dụng thuốc chống đông hoặc vật lý trị liệu để đề phòng huyết khối sau một số phẫu thuật. Tương tự, dùng cho những người có tăng nguy cơ hình thành huyết khối hoặc đã có HKTMS trong quá khứ.
Phòng ngừa thứ phát bằng cách phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm qua tầm soát người bệnh sau phẫu thuật với những phương pháp chẩn đoán nhạy chứng huyết khối tĩnh mạch.
Tập chi dưới và cải thiện tuần hoàn tại đó. Cử động các ngón chân để kéo dãn các cơ ở phần thấp cẳng chân và thư dãn sau đó bằng cách đưa cao bàn chân về phía đầu ở tư thế nằm. Những bài tập này đặc biệt quan trọng cho những người phải nằm lâu ở một tư thế nào đó.
Đi máy bay hay tàu xe lâu có thể bị HKTMS, kể cả người không có các yếu tố nguy cơ. Khuyến cáo dùng vớ ép khi ngồi lâu trên 4 - 8 tiếng, đứng dậy và đi lại mỗi 2 - 3 giờ, đứng lên làm một số động tác mỗi giờ, vận động chân cẳng mỗi 20 phút, uống một cốc to nước mỗi 2 giờ, tránh rượu và cà phê.
Rời giường nằm càng sớm càng tốt sau phẫu thuật, bệnh hay chấn thương.
Sử dụng vớ ép (vớ áp lực, vớ thun dãn, vớ y khoa) phòng huyết khối cho những người có nguy cơ cao. Phương pháp này đơn giản, an toàn và hiệu quả: làm tăng vận tốc dòng máu chảy trong TM và giảm ứ trệ máu. Hữu ích trong các trường hợp sau: sau phẫu thuật lớn, nằm viện lâu, phòng ngừa hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch sâu (với các triệu chứng xảy ra lâu dài sau HKTMS như đau, nặng nề, ngứa hay có cảm giác kim châm, sưng phù, dãn tĩnh mạch, đổi màu da nâu hay đỏ, loét da), phòng ngừa nguy cơ huyết khối do ngồi bất động lâu khi đi tàu xe, máy bay… Chống chỉ định duy nhất trong trường hợp người bệnh có bệnh lý thiếu máu chi dưới.
Sử dụng các thiết bị ép bơm hơi, phồng xẹp nhịp nhàng, ôm lấy vùng bắp chân lên tới gối, thường dùng tại bệnh viện sau các phẫu thuật.
Những trường hợp cần thiết, đặt tấm lọc tại các tĩnh mạch của chi dưới hay tại tĩnh mạch chủ dưới để phòng tránh các mảnh huyết khối vỡ ra đi tới các nơi khác của cơ thể.
Những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao, để phòng ngừa HKTMS trước hoặc sau một số can thiệp phẫu thuật, cần sử dụng các thuốc chống đông.
Thường xuyên tập thể dục, giảm cân chống béo phì và không hút thuốc lá. Kê chân cao khi nằm.
ThS BS Lê Quang Đình, CNĐD Lê Thị Anh Đào
Khoa Lồng ngực Mạch máu, BV. Đại học Y Dược TP. HCM
----------------------------------------------------------------
Nguồn:
http://www.bvdaihoc.com.vn/Home/ViewDetail/1865
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7
-
Viêm kết mạc có giả mạc
06/07/2023 16:00 GMT+7
-
Dị ứng thức ăn trẻ em
02/04/2023 08:36 GMT+7