Cường giáp
CƯỜNG GIÁP LÀ GÌ?
Cường giáp là tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp làm gia tăng sản xuất hormon tuyến giáp T3 (triiodothyronine) và T4 (thyroxine) vào máu gây ra những rối loạn chuyển hóa của cơ thể.
Bình thường tuyến giáp sản xuất hormon T3 và T4 dưới sự điều khiển của tuyến yên nằm trên não, thông qua hormone tuyến yên là TSH (Thyroid Stimulating Hormone: Hormon kích thích tuyến giáp).
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH?
Nguyên nhân ngoài tuyến giáp: Do các yếu tố có nguồn gốc khác nhau nằm ở bên ngoài tuyến giáp gây ra:
- Nguyên nhân tự miễn: Biểu hiện bởi bệnh Basedow. Trong bệnh này xuất hiện các kháng thể kích thích tế bào tuyến giáp tăng sản xuất T3 và T4 gây cường giáp.
- Thai trứng: vì trong bệnh này xuất hiện hoạt chất có tác dụng giống như TSH
- U thùy trước tuyến yên tăng sản xuất TSH hoặc các u khác tăng sản xuất hoạt chất giống như TSH.
Nguyên nhân tại tuyến giáp: Một phần mô của tuyến giáp tăng hoạt động do mất sự kiểm soát của tuyến yên làm tăng sản xuất hormon tuyến giáp.
CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH CƯỜNG GIÁP?
Hiện tượng dư thừa hormon tuyến giáp làm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Trong đó, rõ nét nhất gồm hệ thần kinh, tim mạch, tuyến giáp, mắt, da, cơ, rối loạn chuyển hóa, điều hòa thân nhiệt và một số tuyến nội tiết.
Rối loạn chuyển hóa và điều hòa thân nhiệt:
- Biểu hiện bằng việc uống nhiều nhưng mau khát, ăn nhiều nhưng mau đói và lại gầy sút cân
- Luôn có cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi, có thể sốt nhẹ làm người bệnh rất sợ nóng
- Lòng bàn tay nóng ấm, thường ẩm ướt, mọng nước – đặc trưng của bàn tay Basedow
- Tăng nhu động ruột, tiêu chảy hoặc giảm tiết dịch ở đường tiêu hóa
- Rối loạn chuyển hóa đạm, mỡ tại gan
Biểu hiện tim mạch
- Tim tăng động với biểu hiện hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh thường xuyên. Mạch quay nảy mạnh và căng. Huyết áp trên tăng còn huyết áp dưới bình thường hoặc giảm
- Có thể có các triệu chứng của suy tim như mệt mỏi, khó thở về đêm hoặc khi gắng sức, phù chi...
- Đôi khi rối loạn nhịp tim dẫn đến rung nhĩ
- Cuối cùng có thể dẫn đến các cơn đau thắt ngực cả khi gắng sức hoặc khi nghỉ, nguyên nhân do nhu cầu oxy cơ tim tăng khi tim hoạt động quá mức. Mạch máu nuôi tim đa số bình thường, không hẹp.
Biểu hiện thần kinh – cơ
- Cảm thấy bồn chồn, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, xúc động, giận dữ;
- Có thể đau đầu, chóng mặt, sợ ánh sáng, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm khả năng làm việc;
- Run tay liên tục, thường ở đầu ngón, kèm theo có thể run lưỡi, môi, đầu, chân;
- Có thể có cơn kích động hoặc lú lẫn, hoang tưởng nhưng rất hiếm;
- Tổn thương cơ biểu hiện ở các mức độ khác nhau như mỏi cơ, yếu cơ, nhược cơ hoặc liệt cơ có tính chu kì.
Bướu tuyến giáp
- Tuyến giáp to ở các mức độ khác nhau, lan tỏa, sờ thấy mềm, bên phải thường lớn hơn bên trái, không có biểu hiện của viêm như sưng nóng đỏ đau tại tuyến giáp.
Mắt
- Lồi mắt có thể xuất hiện cả hai bên, cân xứng hoặc không
- Cảm giác chói mắt, cộm như có bụi bay vào mắt hoặc đau nhức hốc mắt, chảy nước mắt
- Có thể kèm theo phù nề mi mắt, kết mạc, giác mạc, đỏ giác mạc, đau khi liếc mắt hoặc có khi nhìn đôi.
Rối loạn chức năng một số tuyến nội tiết như tuyến thượng thận, sinh dục hoặc tuyến ức
CÁC BIẾN CHỨNG NẾU KHÔNG ĐIỀU TRỊ KỊP THỜI?
Cơn cường giáp cấp (cơn bão giáp): Dễ xảy ra ở bệnh nhân nặng, bệnh nhân không được điều trị. Biểu hiện bao gồm:
- Gầy nhanh, vã nhiều mồ hôi
- Sốt cao, vật vả, kích động, đôi khi mệt lả
- Tim đập rất nhanh 180 – 200 lần/phút, loạn nhịp tim, trụy tim mạch
Biến chứng tim: Dễ xảy ra ở bệnh nhân điều trị trễ hoặc điều trị không đầy đủ.
- Tình trạng nhịp tim nhanh thường gặp ở bệnh nhân cường giáp, các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ có thể gặp phải. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng lấp mạch não gây liệt nửa người.
- Suy tim sung huyết, suy tim toàn bộ khiến tim không thể lưu thông máu đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Lồi mắt ác tính: Trong cường giáp do bệnh Basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng, hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.
Loãng xương: Bệnh cường giáp nếu không được điều trị cũng có thể dẫn đến xương yếu, dễ gãy (loãng xương).
CHẨN ĐOÁN BỆNH CƯỜNG GIÁP?
Các biện pháp giúp chẩn đoán cường giáp bao gồm:
Triệu chứng lâm sàng:
- Bướu tuyến giáp to lan tỏa (hoặc hỗn hợp)
- Nhịp tim nhanh thường xuyên
- Lồi mắt
- Mệt mỏi, nóng bức, ra nhiều mồ hôi, ăn nhiều, uống nhiều, sút cân
- Thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, yếu hoặc liệt cơ chu kì, run tay đầu ngón
Siêu âm tuyến giáp:
- Tuyến giáp to hoặc không to, có nhân giáp hoặc không
- Tăng sinh mạch máu tại tuyến giáp
Xét nghiệm máu:
- Nồng độ hormon tuyến giáp T3 và T4 tăng
- Nồng độ hormone tuyến yên TSH thường giảm
Độ tập trung iod phóng xạ tại tuyến giáp: tăng
ĐIỀU TRỊ CƯỜNG GIÁP NHƯ THẾ NÀO?
Điều trị cường giáp thường khả quan, tuy nhiên vẫn có những trường hợp tái phát. Việc chọn phương pháp điều trị tùy trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào: tuổi, tình trạng bệnh, điều kiện kinh tế…
Mục tiêu trước mắt là đưa người bệnh về tình trạng bình giáp và duy trì tình trạng này trong một khoảng thời gian, đồng thời dự phòng và điều trị biến chứng nếu có. Có ba phương pháp điều trị cơ bản, bao gồm: nội khoa (dùng thuốc), ngoại khoa (phẫu thuật tuyến giáp) hoặc điều trị bằng phóng xạ (xạ trị).
Nội khoa (Dùng thuốc):
- Thuốc kháng giáp uống
- Thuốc ức chế giao cảm uống. Thời gian điều trị từ 18 – 24 tháng. Sau 2 tháng dùng thuốc kháng giáp, các triệu chứng cải thiện rõ do lúc này chức năng tuyến giáp đã trở về bình thường.
Phụ nữ tuổi sinh sản trong thời gian điều trị cường giáp,sau khi đã ổn định tình trạng cường giáp và dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa nội tiết vẫn có thể có thai và sinh đẻ bình thường.
Khoảng 0,5% trường hợp có thể có tai biến giảm bạch cầu trong 3 tháng đầu điều trị với thuốc kháng giáp. Hiếm gặp tình trạng vàng da được cho là do tắc mật.
Kết quả điều trị: 60-70% khỏi bệnh (trước đây cho là chỉ 50%). Khoảng 30% tái phát sau khi ngưng điều trị nội khoa.
Ngoại khoa (Phẫu thuật tuyến giáp): Một số trường hợp sẽ được chỉ định phẫu thuật như:
- Uống thuốc kết quả hạn chế, hay tái phát
- Bướu giáp quá to
- Phụ nữ mang thai (tháng thứ 3 4) và trong thời gian cho con bú
- Hoặc không có điều kiện điều trị nội khoa
Bác sĩ sẽ cắt gần toàn bộ tuyến giáp để lại 2 - 3g ở mỗi thùy để tránh cắt phải tuyến cận giáp.
Phẫu thuật cắt bỏ gần toàn bộ tuyến giáp. Triệu chứng cải thiện rõ vài tuần đầu sau mổ.
Khoảng 1% có thể bị tai biến suy giáp hoặc tổn thương dây thần kinh quặt ngược gây khàn tiếng hoặc giọng nói yếu, hoặc tổn thương tuyến cận giáp gây co giật do hạ canxi máu. Tỷ lệ tái phát khoảng 20%.
Xạ trị:
Bệnh nhân được điều trị bằng cách uống iod phóng xạ (Iod 131). Phương pháp này an toàn cho bệnh nhân trên 40 tuổi, thể trạng yếu không cho phép điều trị nội khoa hay phẫu thuật.
Lưu ý: Phương pháp này không được dùng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú
Suy giáp có thể xảy ra sau nhiều năm điều trị với iod phóng xạ và cần phải điều trị thay thế với hormon tuyến giáp levothyroxin suốt đời.
Ban Biên tập Y Khoa Online
---------------------------------------------------------
Nguồn:
https://benhvienvanhanh.com/cuong-giap-dieu-tri-co-khoi-khong-phu-nu-bi-cuong-giap-co-sinh-con-duoc-khong/sp-285lvi.html. Truy cập ngày 28/03/2020
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/chan-doan-va-dieu-tri-benh-cuong-giap/. Truy cập ngày 28/03/2020
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-cuong-giap-co-nguy-hiem-khong/. Truy cập ngày 28/03/2020
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/trieu-chung-dien-hinh-cua-benh-cuong-giap/. Truy cập ngày 28/03/2020
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7
-
Viêm kết mạc có giả mạc
06/07/2023 16:00 GMT+7
-
Dị ứng thức ăn trẻ em
02/04/2023 08:36 GMT+7