Bàn chân khoèo bẩm sinh và Bàn chân áp sinh lý

06/06/2020 18:46 GMT+7

Bàn chân khoèo bẩm sinh và bàn chân áp sinh lý giống nhau ở một đặc điểm là khi nhìn sẽ thấy bàn chân bị áp vào trong.

Bàn chân khoèo bẩm sinh là một dị tật bàn chân đã xảy ra trong thời gian người mẹ đang mang thai. Do đã xảy ra trong thời gian trước sinh nên gọi là bẩm sinh. Sau khi sinh, rất dễ dàng phát hiện thấy bàn chân của bé bị khoèo vào trong giống như hình ảnh của cây gậy đánh gôn. Bàn chân khoèo khi sờ nắn có cảm giác cứng và ít di động do các cơ và dây chằng ở bàn chân bị co rút. Do đó khó có thể nắn sửa bàn chân của bé trở về tư thế bình thường. Tư thế bình thường của bàn chân được hiểu là một tư thế mà bàn chân thẳng hàng so với trục của xương cẳng chân và bàn chân vuông góc với cẳng chân một góc 90o.

Bàn chân khoèo bẩm sinh

Trong khi đó, nguyên nhân của bàn chân áp sinh lý là do ảnh hưởng bởi tư thế của hai bàn chân bé ở trong bụng mẹ. Khi còn nằm trong bụng mẹ, hai chân của bé bắt chéo với nhau theo như hình ảnh minh họa và hai bàn chân sẽ được uốn vào trong cho phù hợp với hình dạng cong tròn của tử cung và bụng mẹ. Đây là một tư thế sinh lý bình thường của thai nhi. Tuy nhiên, một số trẻ sau khi sinh có hai bàn chân vẫn còn áp vào trong là do còn bị ảnh hưởng bởi tư thế sinh lý này. Đối với bàn chân áp sinh lý, có thể nắn sửa bàn chân trở về tư thế bình thường một cách dễ dàng.

Ngoài ra, còn một dấu hiệu nữa là khi quan sát hai chân của bé đang cử động, bạn có thể nhìn thấy bàn chân khoèo thì vẫn ở trong tư thế bị khoèo khi bé đang chòi đạp. Ngược lại, ở những bé có bàn chân áp sinh lý, bé có thể giữ hai bàn chân trong tư thế bình thường (bàn chân thẳng hàng so với cẳng chân) khi đang chòi đạp, có nghĩa là bàn chân không bị áp vào trong.

Xử trí Bàn chân khoèo bẩm sinh và Bàn chân áp sinh lý  như thế nào?

Vì bàn chân khoèo bẩm sinh và bàn chân áp sinh lý có những đặc điểm khác nhau, nên hướng xử trí cũng khác nhau.

Chân khoèo bẩm sinh được điều trị sớm ngay sau sinh theo phương pháp Ponseti bao gồm một trình tự có 3 giai đoạn.

  • Đầu tiên là giai đoạn bó bột nắn sửa các biến dạng của chân khoèo
  • Kế đến là phẫu thuật gân gót trong bao gân
  • Cuối cùng là giai đoạn các bé mang giày nẹp để giữ hai bàn chân trong tư thế dang ra ngoài nhằm ngăn ngừa sự tái phát.

Giai đoạn bó bột nắn sửa biến dạng và giai đoạn mang giày nẹp được thực hiện bởi chuyên khoa Vật lý trị liệu. Thời gian mang giày nẹp kéo dài đến 5 tuổi. Phẫu thật gân gót trong bao gân được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Chỉnh hình trẻ em.

Bó bột bàn chân khoèo bẩm sinhBó bột nắn sửa các biến dạng của chân khoèo             

Mang giày nẹp cho bàn chân khoèo bẩm sinh

Mang giày nẹp giữ hai bàn chân dang ra ngoài để ngăn ngừa tái phát

Đối với bàn chân áp sinh lý: Để giúp bàn chân của bé nhanh chóng trở về tư thế bình thường, có thể tập dang bàn chân bé ra ngoài, sử dụng bàn chải đánh răng để kích thích nhóm cơ mác hoạt động giúp đưa bàn chân bé dang ra ngoài và có thể sử dụng loại băng Kinesio dán bên ngoài da để kích thích cử động của nhóm cơ mác.

 Tập dang bàn chân ra ngoài ở bé có bàn chân áp sinh lýTập dang bàn chân bé ra ngoài

Kích thích cơ mác ở bé có bàn chân áp sinh lý

Kích thích cơ mác hoạt động bằng bàn chải

Băng Kinesio nhóm cơ mác ở bé có bàn chân áp sinh lý

Băng Kinesio nhóm cơ mác

Trên đây là cách phân biệt và hướng xử trí tại bệnh viện. Khi bé có những dấu hiệu như trên, các bà mẹ hãy đem bé đến khám tại các bệnh viện chuyên về trẻ em để được tư vấn và hướng dẫn điều trị.

 

Cử nhân VLTL Đinh Thị Kim Vân, BV. Nhi Đồng 1, TP. HCM

------------------------------------------------

Nguồn: 

http://nhidong.org.vn/chuyen-muc/ban-chan-khoeo-bam-sinh-va-ban-chan-ap-sinh-ly-phan-biet-va-huong-xu-tri-c57-722.aspx