Bạch biến
Tổng quan bệnh Bạch biến
Bạch biến là một loại bệnh da liễu thường gặp mà trong đó các tế bào sắc tố da bị phá hủy từ đó làm thay đổi màu da. Bệnh biểu hiện bởi những dát, mảng giảm sắc tố so với vùng da xung quanh, không ngứa, không đóng vảy, giới hạn rõ. Đây là bệnh lành tính, không lây, và có ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ.
Tại Việt nam chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ mắc bệnh. Bệnh bạch biến có thể gặp mọi lứa tuổi và mọi giới. Lứa tuổi thường gặp nhất là từ 10-30, hơn 50% xảy ra trước 20 tuổi và có thể gặp bệnh bạch biến ở trẻ em. Bệnh phân bố nhiều ở các nước vùng nhiệt đới và ở những chủng người da màu. Bệnh có tính chất gia đình nhưng chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn bệnh bạch biến có di truyền không.
Bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh, đặc biệt ở sự phức tạp của nguyên nhân cũng như những khó khăn trong điều trị.
Hiện chưa có số liệu nghiên cứu chính xác về tỷ lệ bạch biến tại Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ bệnh chiếm 1%. Bệnh có tính chất gia đình trong khoảng 30% các trường hợp. Hầu hết bệnh nhân đều khỏe mạnh, có kết hợp với các bệnh lý tự miễn khác như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, thiếu máu, thiểu sản tủy. Do đó, ngoài khía cạnh thẩm mỹ, cần quan tâm chú ý đến các bệnh lý đi kèm.
Nguyên nhân gây bệnh Bạch biến
Nguyên nhân gây bệnh bạch biến còn chưa được biết rõ. Các nhà khoa học nhận thấy bệnh xãy ra khi tế bào hắc tố (melanocyte) chết hoặc ngưng sản xuất melanin, một loại sắc tố giúp da có màu bình thường.
Một vài giả thuyết cho rằng bệnh bạch biến có thể do ảnh hưởng của bệnh tự miễn. Nghĩa là cơ thể tự tạo ra kháng thể chống với chính nó. Các tự kháng thể xem các tế bào hắc tố như là các kháng nguyên và chống lại chúng, phá hủy chúng. Hậu quả là làm giảm sản xuất hắc sắc tố melanin. Khoảng 20 - 30% bệnh nhân bạch biến có tự kháng thể chống lại tế bào của tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, tụy nên một số bệnh nhân bạch biến có các bệnh lý kèm theo liên quan đến các cơ quan kể trên.
Người ta cũng nhận thấy bạch biến có thể có liên quan yếu tố di truyền và đột biến gen.
Triệu chứng bệnh Bạch biến
Biểu hiện chính của bệnh bạch biến là những dát, mảng trắng, giới hạn rõ, mất sắc tố da so với những vùng da xung quanh do các tế bào hắc tố da ở đó đã không còn hoặc đã ngưng hoạt động. Vị trí thường xuất hiện của các mảng bạch biến là những vùng hở, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như tay, chân, mặt, môi.
Da trên đám bạch biến vẫn bình thường, không bị teo, không đóng vảy, cảm giác trên da không biến đổi, không đau ngứa, không tê dại. Lông trên đám bạch biến cũng bị trắng.
Phụ thuộc vào thể bệnh bạch biến, các mảng da bị đổi màu có thể xuất hiện theo cách khác nhau:
Bạch biến không phân đoạn (còn được gọi là bạch biến toàn thể hay bạch biến hai bên): đây là thể bệnh phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% các trường hợp bạch biến. Các mảng bạch biến thường xuất hiện ở nhiều vùng trên cơ thể và có tính chất đối xứng hai bên.
Bạch biến không phân đoạn đối xứng 2 bên mu bàn tay
Bạch biến phân đoạn (còn được gọi là bạch biến khu trú hay bạch biến một bên): thường chỉ biểu hiện ở một vùng hay một vài vị trí của một bên cơ thể. Các mảng da bạch biến thường nhỏ hơn và diễn tiến cũng chậm hơn so với thể không phân đoạn. Thể bạch biên phân đoạn có xu hướng xuất hiện ở những bệnh nhân trẻ tuổi hơn, thường chỉ tiến triển trong vòng 1 đến 2 năm.
Rất khó để dự đoán được tiến triển của bệnh. Đôi khi các mảng bạch biến sẽ tự khu trú mà không cần điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, các mảng da mất sắc tố sẽ lan rộng ra. Bệnh tiến triển mạn tính, có những đợt nặng lên, tổn thương thường nặng lên vào mùa hè, giảm đi vào mùa đông.
Bệnh nhân càng trẻ, tiên lượng càng tốt với thời gian bị bệnh càng ngắn và có nhiều hy vọng khỏi bệnh hơn. Ngược lại, bệnh nhân, càng lớn tuổi, thời gian mắc bệnh càng kéo dài, kết quả đáp ứng điều trị càng kém đi.
Đường lây truyền bệnh Bạch biến
Đây là bệnh ngoài da hoàn toàn không lây cho những người xung quanh, bao gồm cả những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Bạch biến
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bạch biến
Chẩn đoán bệnh bạch biến chủ yếu dựa vào việc khai thác tiền sử và các triệu chứng lâm sàng. Việc thăm khám và hỏi bệnh sử giúp loại trừ một số bệnh lý khác như viêm da hoặc vảy nến.
Bác sĩ có thể sử dụng đèn tia cực tím (UV) hay còn gọi là đèn Wood (Wood’s lamp) chiếu lên da để có thể giúp phân biệt bạch biến với các bệnh lý khác của da, ví dụ như lang ben, cũng là loại bệnh lý co nhiễm nấm có thể làm giảm sắc tố của da.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định để làm thêm các xét nghiệm khác như:
Sinh thiết một mẩu da ở vùng thương tổn. Mục đích của sing thiết là để xem vùng da bị bệnh có còn tế bào hắc tố hay không.
Lấy máu để tìm kiếm các nguyên nhân tự miễn bên dưới như thiếu máu hoặc đái tháo đường
Các biện pháp điều trị bệnh Bạch biến
Việc điều trị nhằm mục đích phục hồi sự cân bằng về màu sắc cho vùng da bị tổn thương. Chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào:
- Mức độ nặng của bệnh
- Vị trí và kích thước của mảng bạch biến
- Số lượng mảng bạch biến
- Mức độ diễn tiến của bệnh
- Mức độ đáp ứng với điều trị
- Mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống
Có một số phương pháp điều trị bạch biến.
1. Điều trị nội khoa:
Dùng thuốc:
Corticosteroid là thuốc bôi được lựa chọn để phối hợp với các liệu pháp trị liệu khác như laser CO2, UVB phổ hẹp, dẫn xuất vitamin D3… đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn, nhất là những trường hợp bạch biến khu trú. Cùng với tác dụng chống viêm, nhóm thuốc này còn có tác dụng ức chế hệ miễn dịch của người bệnh bằng cách tác động làm giảm số lượng các cytokine. Chính vì vậy thuốc làm giảm hoạt động của tự kháng thể gây rối loạn sắc tố. Corticosteroid có nhiều nhóm thuốc khác nhau, việc lựa chọn loại thuốc cụ thể phụ thuộc vào vị trí xuất hiện của các mảng rối loạn sắc tố. Hydrocortisone được ưu tiên sử dụng đối với những tổn thương ở mặt. Những vị trí khác trên da nên lựa chọn corticosetroid nhóm III, IV. Tuy nhiên, vì tác dụng phụ, mà thuốc bị hạn chế sử dụng cho bệnh bạch biến ở trẻ em, và không nên sử dụng kéo dài trên 2 tháng.
Lưu ý: Dùng loại mạnh, liều cao và/hoặc kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng của da, làm da dễ nhiễm khuẩn, mỏng, giãn, teo. Sau khi dùng dạng bôi, tiếp tục dùng corticoid uống (prednisolon) trong thời gian ngắn.
Liệu pháp ánh sáng:
- Liệu pháp PUVA: Dùng thuốc cảm thụ ánh sáng psoralem, cộng với chiếu tia cực tím UVA. Sau khi uống hoặc bôi psoralem vào vùng da tổn thương, bác sĩ sẽ chiếu tia cực tím UVA
- Chiếu tia cực tím UVB dải hẹp (NB-UVB): cần 2-3 đợt điều trị mỗi tuần và kéo dài trong vài tháng. Phương pháp này có thể thay thế cho PUVA, ít tác dụng phụ hơn vì tia sáng tập trung hơn. Hiệu quả của phương pháp này tăng lên khi phối hơp với thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế calcineurin. Có thể điều trị tại nhà dưới sự giám sát của bác sĩ.
- Điều trị bằng tia Laser Excimer: phát ra bước sóng của tia cực tím gần với loại tia UVB dải hẹp. Liệu pháp này phù hợp cho những tổn thương nhỏ. Điều trị 2-3 lân mỗi tuần và kéo dài dưới 4 tháng.
Các liệu pháp “ngụy trang”
- Sử dụng kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên. Kem chống nắng giúp chặn tia cực tím B và tia cực tím A (UVB và UVA). Sử dụng kem chống nắng giúp giảm thiểu sạm da, từ đó hạn chế sự tương phản giữa vùng da bệnh lý và da bình thường.
- Trang điểm bằng Dermablend giúp ngụy trang vùng da bị mất sắc tố.
- Thuốc nhuộm tóc nếu bệnh bạch biến ảnh hưởng đến tóc.
- Liệu pháp giảm sắc tố bằng thuốc monobenzone có thể được sử dụng nếu bệnh lan rộng. Thuốc này được thoa vào vùng da bình thường và sẽ dần dần sẽ làm vùng da này giảm sắc tố để tiệp với màu của vùng da mất sắc tố bệnh lý.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được cân nhắc khi liệu pháp ánh sáng và thuốc không hiệu quả, Có các loại phẫu thuật:
- Ghép da: bác sĩ sẽ chuyển mảng rất nhỏ của vùng da khỏe mạnh để ghép vào vùng da mất sắc tố bệnh lý. Loại phẫu thuật này chỉ áp dụng cho thể bạch biến có các mảng da bệnh lý rất nhỏ. Ghép da có thể có nguy cơ bị nhiễm trùng, sẹo, da lốm đốm, màu không đồng nhất hay thậm chí tái tạo sắc tố da thất bại.
- Cấy tế bào hắc tố (Melanocyte transplants): bác sĩ sẽ lấy một vùng mô da khỏe mạnh của bệnh nhân để nuôi các tế bào hắc tố phát triển trong phòng thí nghiệm rồi sau đó cấy các tế bào này trở lại vào vùng da bệnh lý.Nguy cơ của phương pháp này là nhiễm trùng, màu da không đồng nhất, không tạo được sắc tố da.
3. Tư vấn tâm lý:
Bệnh bạch biến gây ra nhiều tác động lên tâm lý của người bệnh, gây giảm sút chất lượng cuộc sống. Một số vấn đề mà người bệnh phải đối mặt bao gồm bất thường về tâm lý, khó khăn về tình dục, băn khoăn, lo lắng, tự ti, tách ly khỏi xã hội, trầm cảm…
Do đó, vai trò của việc tư vấn tâm lý trong điều trị bạch biến là vô cùng quan trọng, cần nhấn mạnh để người bệnh hiểu rõ bệnh chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ chứ ít nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị có thể dược áp dụng trong tương lai như:
- Thuốc kích thích tế bào hắc tố: Thuốc có tên gọi là afamelanotide được cấy dưới da để thúc đẩy tế tế bào hắc tố phát triển.
- Thuốc kiểm soát tế bào hắc tố: Prostaglandin E2 đang được thử nghiệm như một cách phục hồi màu da ở những người mắc bệnh bạch biến không lan rộng hoặc lan rộng. Thuốc được dử dụng dưới dạng gel để thoa cho da.
Tóm lại, bạch biến là một bệnh lý ngoài da lành tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi với tỷ lệ đồng đều ở cả hai giới. việc điều trị bệnh là một quá trình lâu dài cần sự phối hợp kiên trì giữa bệnh nhân và bác sĩ. Người bệnh cần giữ vững tâm lý, tránh bi quan lo lắng làm bệnh diễn tiến nặng hơn.
Ban Biên tập Y Khoa Online
-----------------------------------------------
Nguồn:
https://www.healthline.com/health/skin-disorders/vitiligo-pictures#diagnosing-vitiligo. Truy cập ngày 5/5/2020
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vitiligo/diagnosis-treatment/drc-20355916. Truy cập ngày 5/5/2020
https://www.nhs.uk/conditions/vitiligo/. Truy cập ngày 5/5/2020
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12419-vitiligo/management-and-treatment. Truy cập ngày 5/5/2020
-
Viêm xoang
21/11/2024 14:48 GMT+7
-
Ung thư
18/11/2024 09:51 GMT+7
-
Viêm mũi xoang
15/11/2024 18:38 GMT+7
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7