Xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là một cấp cứu nội và ngoại khoa nguy hiểm, thường gặp ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê ở nước ta, cứ 100.000 người lại có từ 50 – 150 người bị xuất huyết tiêu hóa mỗi năm, tỷ lệ này đang ngày một tăng.
1. Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, mỗi nguyên nhân lại có cách xử trí và điều trị sẽ khác nhau.
Do loét dạ dày - hành tá tràng
Đây là nguyên nhân hay gặp nhất, chiếm 40% các nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa. Tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng thường do lạm dụng thuốc chống viêm, kháng sinh hoặc uống nhiều rượu bia.
Bệnh nhân nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Chảy máu với lượng máu thường nhiều có thể gây tình trạng thiếu máu trầm trọng; kết hợp với các triệu chứng khác như đau ở vùng thượng vị.
Một số nguyên nhân ít gặp hơn như ung thư dạ dày, viêm dạ dày cấp, viêm loét trợt thực quản...
Do bệnh gan
Tình trạng này gặp trong các bệnh xơ gan, máu ở hệ tĩnh mạch cửa bị cản trở, gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây giãn tĩnh mạch thực quản, cuối cùng là vỡ tĩnh mạch thực quản gây xuất huyết tiêu hóa. Xem thêm Xơ gan.
Ở trường hợp này, máu tươi màu hơi đen vì là máu tĩnh mạch; khối lượng thường rất nhiều và không lẫn thức ăn...
Do lỵ trực trùng
Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa này thường xảy ra ở trẻ em, có thể có sốt cao, đau quặn bụng dữ dội, đại tiện nhiều lần (15-20 lần/ngày), kèm mót rặn và đau hậu môn. Phân lỏng, rất ít hoặc toàn máu, màu đỏ sẫm như máu cá hoặc nước rửa thịt.
Do lỵ amíp
Xuất huyết tiêu hóa do lỵ amíp thường nhẹ, triệu chứng sốt nhẹ, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và vùng hạ vị; đại tiện phân nhầy máu, máu thường chỉ dính quanh phân màu đỏ tươi, kèm dấu hiệu mót rặn và đau hậu môn sau đại tiện.
Ung thư đại - trực tràng
Bệnh lý này thường gây chảy máu tiêu hóa ở người già, kèm theo dấu đại tiện phân lỏng và máu đỏ sẫm. Ung thư đại tràng trái thường có dấu hiệu táo bón, đại tiện phân máu tươi còn ung thư trực tràng hậu môn thường có dấu hiệu kích thích đại tiện nhiều lần.
Ung thư đại tràng thường gây chảy máu tiêu hóa ở người già
Viêm loét đại trực tràng chảy máu
Bệnh này thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, biểu hiện từng đợt gồm sốt, đau khớp, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và đại tiện ra máu, thường là máu tươi. Ngoài ra còn có thể gặp chảy máu trong trĩ, polyp, Crohn đại - trực tràng, nứt kẽ hậu môn...
Do thương hàn
Bệnh nhân bị đau bụng, đại tiện phân có màu đỏ gạch hoặc đỏ sẫm.
Viêm ruột xuất huyết hoại tử
Biểu hiện lâm sàng là tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốt cao 40-41oC, kèm theo đau và chướng bụng, đại tiện phân đen thối khắm.
Bệnh Crohn
Thường gặp là tổn thương vùng hồi manh tràng với triệu chứng đau bụng, đại tiện phân lỏng từng đợt, sốt, máu lắng tăng. Biến chứng chảy máu thường gặp vào giai đoạn 2 hoặc 3 của bệnh khi có tổn thương loét hoặc rò thủng vách ruột.
Ngoài ra còn có thể gặp chảy máu ruột non từ các nguyên nhân hiếm gặp khác như: lồng ruột, lao ruột, loét túi thừa Meckel, ung thư ruột non hoặc chảy máu từ ruột non trong bệnh lý sốt xuất huyết,...
2. Dấu hiệu nhận biết xuất huyết tiêu hóa
Nôn ra máu
- Đây là triệu chứng thường gặp của ở người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa. Tùy theo vị trí giải phẫu và mức độ chảy máu mà tính chất nôn khác nhau
- Số lượng máu: có thể từ vài chục ml đến hàng lít.
- Màu sắc: đỏ tươi, màu hồng do lẫn dịch tiêu hoá lẫn thức ăn hoặc màu nâu sẫm.
- Tính chất: máu nôn ra có thể máu tươi ra ngoài mới đông, có thể thành cục (bằng hạt ngô, hạt lạc), có thể chỉ là các gợn đen như hạt tấm lẫn với thức ăn hoặc dịch nhầy.
Đi ngoài ra máu đỏ tươi hoặc phân đen: Khi quan sát sẽ thấy đại tiện ra máu đỏ tươi hoặc phân có màu đen, nát lỏng như bã cà phê, mùi thối khắm.
Mất máu: Triệu chứng thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, người yếu ớt, xanh xao, da & niêm mạc nhợt nhạt. Nhiều trường hợp xuất huyết tiêu hóa bị mất máu quá nhiều sẽ dẫn tới ngất xỉu, tụt huyết áp, khó thở,… rất nguy hiểm.
Sốc
Trung bình người trưởng thành có khoảng 4-4,5 lít máu.
Khi mất trên 20% thể tích máu cơ thể người bệnh sẽ tím tái, da lạnh, mạch nhanh, huyết áp giảm xuống dưới 90mmHg.
3. Chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa
Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, bao gồm tiền sử chảy máu trước đó, tiến hành khám sức khỏe và có thể yêu cầu các xét nghiệm. Các bài kiểm tra có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu. Công thức máu toàn bộ, xét nghiệm để xem tốc độ đông máu, số lượng tiểu cầu và xét nghiệm chức năng gan.
- Xét nghiệm phân. Phân tích phân có thể giúp xác định nguyên nhân gây chảy máu bí ẩn
- Rửa dạ dày. Một ống được đưa qua đường mũi vào dạ dày để lấy ra các chất trong dạ dày. Việc này có thể giúp xác định nguồn gốc chảy máu.
- Nội soi tiêu hóa trên. Sử dụng một ống dài có gắn camera ở đầu ống, được đưa qua miệng để bác sĩ nội soi có thể kiểm tra đường tiêu hóa trên.
- Nội soi đại tràng (ruột già). Sử dụng một ống dài có gắn camera ở đầu ống, được vào trực tràng để bác sĩ bội soi có thể kiểm tra ruột già và trực tràng.
- Nội soi viên nang. Bệnh nhân nuốt một viên nang kích thước nhỏ như viên thuốc có một camera nhỏ bên trong. Viên nang di chuyển dọc đường tiêu hóa và chụp hàng nghìn bức ảnh được gửi đến máy thu bên ngoài. Thủ thuật này giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong ruột non.
- Nội soi ruột hỗ trợ bằng bóng. Ống soi chuyên dụng kiểm tra các phần ruột non mà các phương pháp nội soi khác không thể tiếp cận. Đôi khi, nguồn chảy máu có thể được kiểm soát hoặc điều trị trong quá trình tiến hành thủ thuật này.
- Chụp mạch máu. Thuốc cản quang được tiêm vào động mạch và một loạt tia X được thực hiện để tìm và điều trị các mạch chảy máu hoặc các bất thường khác.
- Các xét nghiệm hình ảnh. Một loạt các xét nghiệm hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp cắt lớp CT vùng bụng, có thể được sử dụng để tìm nguồn gốc chảy máu.
Nội soi tiêu hóa trên để tìm nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa. Ảnh: Mayoclinic.org
Trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng và các xét nghiệm không xâm lấn không thể tìm ra nguyên nhân thì có thể cần phẫu thuật để tìm nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa. Thường thì những trường hợp này hiếm gặp.
4. Xử trí khi bị xuất huyết tiêu hóa
Tại nhà:
Khi phát hiện xuất huyết tiêu hóa, cần xử trí ngay và sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế tránh biến chứng nguy hiểm.
Cần đặt người bệnh nằm trên giường hoặc cáng, để đầu thấp. Sau đó nhanh chóng liên hệ với hệ thống cấp cứu y tế (115) để được truyền dịch nhằm cải thiện tình trạng mất máu, đồng thời chống sốc bằng các loại thuốc nâng huyết áp, thở ôxy và khẩn trương chuyển người bệnh đến cơ sở cấp cứu gần nhất.
Xuất huyết tiêu hóa là cấp cứu nội khoa nguy hiểm, nếu chậm trễ và xử lý không đúng cách có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, bên cạnh việc xử lý ngay khi phát hiện xuất huyết tiêu hóa, người có nguy cơ cao cần thường xuyên thăm khám định kỳ, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp.
Bên cạnh đó, ngừng sử dụng một số loại thuốc Tây có thể khiến cho tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng. Thường gặp nhất là các thuốc sau:
- Các loại thuốc làm loãng máu (thuốc kháng đông): Điển hình nhất là Warfarin. Loại thuốc này có thể làm gián đoạn quá trình đông máu tự nhiên. Từ đó làm tăng nguy cơ xuất huyết hay khiến tình trạng xuất huyết tiêu hóa trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra các thuốc kháng đông thế hệ mới như rivaroxaban, dabigatran, apixaban cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết.
- Ibuprofen và các loại thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) khác: Nhóm thuốc này có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở rất nhiều người bệnh. Do đó, nếu thường xuyên dùng các loại thuốc này, thì bạn nên cân nhắc ngừng thuốc hay trao đổi với bác sĩ về vấn đề thay đổi loại thuốc.
- Aspirin: Có thể khiến quá trình đông máu bị giảm do thuốc ức chế tiểu cầu, là một loại tế bào cần thiết cho quá trình đông máu. Từ đó có thể làm cho tình trạng xuất huyết nghiêm trọng thêm. Do đó, cần ngừng sử dụng thuốc cho tới khi các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa đã được kiểm soát hoàn toàn.
Tại cơ sở Y tế:
Điều trị xuất huyết tiêu hóa sẽ phụ thuộc vào: nguyên nhân, mức độ "xuất huyết tiêu hóa" nhẹ, trung bình hay nặng và vị trí chảy máu.
Mục tiêu chung điều trị "xuất huyết tiêu hóa" là:
- Cầm máu,
- Chống sốc,
- Khôi phục lượng máu đã mất,
- Điiều trị nguyên nhân và triệu chứng.
Bác sĩ cần thực hiện hồi sức bệnh nhân bằng cách truyền dịch tĩnh mạch và truyền máu.
Với trường hợp máu chảy từ dạ dày người bệnh cần sử dụng thuốc ức chế bơm proton tĩnh mạch như omeprazole để ức chế tiết acid từ dạ dày.
Can thiệp cầm máu:
- Đối với các khối u, ung thư: phẫu thuất cắt khối u.
- Đối các trường hơp lành tính cầm máu bằng nội soi: thắt tĩnh mạch thực quản, chích thuốc cầm máu qua nội soi.
Làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ xuất huyết tiêu hóa tái phát?
Tình trạng xuất huyết tiêu hóa có thể đã được khắc phục hoàn toàn nhưng vẫn có nguy cơ tái phát rất cao. Đặc biệt là trong trường hợp những tổn thương ở niêm mạc cơ quan tiêu hóa chưa được chữa lành hẳn.
Chú ý đến các biện pháp dự phòng bệnh sau đây:
- Tránh xa các thức uống chứa cồn và chất kích thích như rượu bia, trà đặc, cà phê. Bỏ thuốc lá. Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ hay gia vị, đồ chế biến sẵn, đồ ăn quá lạnh hay quá nóng.
- Hạn chế sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, rau củ quả tươi vào khẩu phần ăn hằng ngày.
- Bổ sung đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần, từ 2 đến 2,5 lít để giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
- Nên ăn đúng giờ, đủ bữa, thay vì ăn 3 bữa chính thì có thể chia nhỏ ra 5 – 6 bữa để giảm áp lực cho cơ quan tiêu hóa.
- Cần chế biến thức ăn chín hoàn toàn. Khi niêm mạc tiêu hóa đang tổn thương nên ưu tiên các món cháo, súp.
- Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh. Tránh thức khuya sau 23 giờ, ngủ đúng giờ, đủ giấc. Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, kiểm soát tốt căng thẳng. Đồng thời chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao đề kháng cho cơ thể.
--------------------------------
Nguồn:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastrointestinal-bleeding/diagnosis-treatment/drc-20372732. Truy cập ngày 13/9/2021
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dau-hieu-xuat-huyet-tieu-hoa/. Truy cập ngày 13/9/2021
https://benhvien108.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-xuat-huyet-tieu-hoa.htm. Truy cập ngày 13/9/2021
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7
-
Viêm kết mạc có giả mạc
06/07/2023 16:00 GMT+7
-
Dị ứng thức ăn trẻ em
02/04/2023 08:36 GMT+7