Xẹp phổi
1. Xẹp phổi là gì?
Xẹp phổi xảy ra khi các đường dẫn khí hay các phế nang bên trong phổi bị xẹp hoặc không thể giãn nở tối đa. Xẹp phổi thường có thể hồi phục được. Tuy nhiên nếu như không được điều trị thì nó có thể dẫn đến các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Xẹp phổi có thể chỉ ảnh hưởng một phần phổi hoặc ở cả hai phổi và có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra xẹp phổi.
Hình minh họa phổi bình thường (trái) và xẹp phổi (phải). Ảnh: Myoclinic.org
Khoảng 90% người được gây mê tổng quát khi phẫu thuật sẽ bị xẹp phổi sau đó.
Đôi khi xẹp phổi còn được gọi là xẹp phổi một phần hoặc xẹp phổi toàn phần.
2. Nguyên nhân của xẹp phổi
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng xẹp phổi. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân có thể phân loại thành xẹp phổi tắc nghẽn và xẹp phổi không tắc nghẽn
2.1. Nguyên nhân gây xẹp phổi tắc nghẽn
Xẹp phổi tắc nghẽn xảy ra khi một trong các đường thở bị tắc, ngăn cản không khí đi vào phế nang làm cho phế nang bị xẹp xuống. Những tác nhân gây tắc đường thở bao gồm:
- Hít phải vật lạ như đồ chơi nhỏ hoặc miếng thức ăn nhỏ đi vào trong đường thở
- Tích tụ chất nhầy (nút nhầy) trong đường thở
- Khối u phát triển trong đường thở
- Khối u trong mô phổi đè lên đường thở
- Khối u trong mô phổi gây xẹp phổi tắc nghẽn
2.2. Nguyên nhân gây xẹp phổi không tắc nghẽn
Xẹp phổi không tắc nghẽn là không phải do nguyên nhân gây tắc nghẽn đường thở mà do các nguyên nhân khác, bao gồm:
Phẫu thuật:
Chấn thương có thể xảy ra trong hoặc sau bất kỳ cuộc phẫu thuật. Các cuộc phẫu thuật này thường liên quan đến việc sử dụng thuốc mê. Xẹp phổi hậu phẫu thường tiến triển trong 72 giờ khi được gây mê toàn thân, do gây mê làm thay đổi quá trình trao đổi khí ở phổi.
Tràn dịch màng phổi:
Là trường hợp tích tụ chất dịch trong khoảng trống giữa lớp lót bên ngoài của phổi và lớp lót của thành ngực bên trong. Thông thường, hai lớp lót này sẽ nằm sát với với nhau giúp giữ cho phổi nở rộng. Tràn dịch màng phổi làm cho hai lớp lót tách ra và mất liên lạc với nhau, làm cho phổi bị ép vào bên trong và đẩy không khí ra khỏi phế nang.
Tràn khí màng phổi:
Tình trạng này rất giống với tràn dịch màng phổi nhưng liên quan đến sự tích tụ không khí, chứ không phải là chất dịch giữa hai lớp lót của phổi và ngực. Giống như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi làm cho phổi bị ép vào bên trong và đẩy không khí ra khỏi phế nang..
Sẹo phổi:
Sẹo phổi còn được gọi là xơ phổi. Đây là hậu quả của các tình trạng viêm nhiễm phổi kéo dài, chẳng hạn như bệnh lao. Tiếp xúc lâu dài với các chất kích thích, bao gồm cả khói thuốc lá, cũng có thể gây xơ phổi. Xơ phổi là loại tổn thương vĩnh viễn, không hồi phục và làm cho các phế nang trong vùng phổi bị xơ khó căng phồng.
Khối u ở ngực:
Bất kỳ loại u nào trong lồng ngực khi tăng trưởng cũng có thể chèn ép vào phổi, làm cho không khí ra khỏi phế nang, khiến chúng bị xì hơi.
Thiếu chất hoạt động bề mặt (Surfactant):
Túi khí phế nang ở phổi chứa một chất gọi là chất hoạt động bề mặt, là surfactant giúp phế nang luôn mở. Khi bị thiếu hụt chất này thì phế nang sẽ bị xẹp. Thiếu chất hoạt động bề mặt thường gặp ở trẻ sinh non.
3. Triệu chứng xẹp phổi
Các triệu chứng xẹp phổi dao động từ không có đến rất nghiêm trọng và phụ thuộc vào mức độ phổi bị ảnh ảnh và diễn tiến. Nếu chỉ có một vài phế nang bị ảnh hưởng hoặc diễn tiến chậm, thì có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu tình trạng xẹp phổi liên quan đến rất nhiều phế nang hoặc diễn tiến nhanh chóng, khi đó oxy sẽ không được phế nang lấy đủ, làm oxy máu giảm thấp, khi đó bệnh nhân có thể sẽ có các triệu chứng:
- Khó thở
- Đau ngực dữ dội, đặc biệt là khi hít thở sâu hoặc ho
- Thở nhanh
- Tăng nhịp tim
- Da, môi, móng tay hoặc móng chân màu xanh
Đôi khi, viêm phổi sẽ khởi phát ở những vùng phổi bị ảnh hưởng. Khi điều này xảy ra, có thể có các triệu chứng viêm phổi điển hình, chẳng hạn như ho, sốt và đau ngực.
4. Chẩn đoán xẹp phổi
Xẹp phổi thường được chẩn đoán dựa vào bệnh sử, triệu chứng, bệnh nền, tiền căn y khoa và thăm khám lâm sàng.
Các kỹ thuật hình ảnh y học cũng hỗ trợ chẩn đoán như: X quang, CT scan hay siêu âm.
Bệnh cũng được chẩn đoán bằng phương pháp nội soi khí phế quản. Phương pháp này sử dụng một ống nhỏ có gắn camera và đèn đưa vào bên trong thanh quản, khí quản và phế quản để quan sát được bên trong của đường thở.
5. Biến chứng của xẹp phổi
Các biến chứng sau đây có thể là hậu quả của xẹp phổi:
- Oxy máu thấp (thiếu oxy): Chứng xẹp phổi làm cho phổi khó lấy oxy hơn vào túi khí (phế nang).
- Viêm phổi: Nguy cơ viêm phổi tiếp tục cho đến khi dừng điều trị. Chất nhầy trong phổi bị xẹp có thể dẫn đến nhiễm trùng.
- Suy hô hấp: Mất thùy hoặc toàn bộ phổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh hoặc người mắc bệnh phổi, có thể đe dọa tính mạng.
- Xẹp phổi gây biến chứng suy hô hấp
6. Điều trị xep phổi
Các điều trị thường dùng dành cho xẹp phổi bao gồm:
- Thuốc hít;
- Các bài tập ho và thở;
- Máy hỗ trợ hô hấp;
- Ngồi thẳng;
- Rời khỏi giường và di chuyển sớm sau khi phẫu thuật
Phẫu thuật hay thủ thuật cũng được dùng để điều trị khi cần phải:
- Loại bỏ dịch; loại bỏ khí ở màng phổi
- Loại bỏ vật gây tắc nghẽn;
- Loại bỏ khối uu;
- Chỉnh sửa các cấu trúc bị khiếm khuyết;
- Làm phồng các mô bị xẹp.
7. Các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị xẹp phổi, đặc biệt là sau khi mổ, bao gồm:
- Sử dụng thuốc an thần, gây mê tổng quát hay thuốc giãn cơ;
- Béo phì;
- Mang thai;
- Hút thuốc lá;
- Kiểm soát cơn đau không đúng cách;
- Các phẫu thuật hay thủ thuật tại lồng ngực và tim phổi;
- Chứng ngưng thở lúc ngủ;
- Các bệnh hô hấp như hen, xơ nang, hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Có một vài biện pháp có thể giúp làm giảm nguy cơ bị xẹp phổi, đặc biệt là sau khi thực hiện phẫu thuật hay thủ thuật y khoa có sử dụng thuốc an thần.
Các cách phòng ngừa xẹp phổi bao gồm:
- Bỏ thuốc lá;
- Duy trì cân nặng lý tưởng (theo dướng dẫn của bác sĩ);
- Sử dụng máy hỗ trợ hô hấp;
- Thực hiện các bài tập thở;
- Điều trị các bệnh hô hấp hay các bệnh gây cản trở đường thở;
- Sử dụng các biện pháp giảm đau đúng cách;
- Ngồi thẳng thay vì nằm.
8. Tiên lượng của xẹp phổi
Xẹp phổi thường sẽ khỏi dần theo thời gian và điều trị.
Hầu hết những người bị xẹp phổi do phẫu thuật thường sẽ khỏi sau 24 giờ.
Tuy nhiên nếu như không được chẩn đoán và điều trị thì có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong:
- Tụ dịch bên trong phổi, màng phổi, hay lồng ngực;
- Nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi;
- Suy hô hấp.
Tiên lượng cho bệnh nhân bị xẹp phổi phụ thuộc vào mức độ của bệnh, nguyên nhân và các bệnh lý nền khác.
---------------------------
Nguồn:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pneumothorax/symptoms-causes/syc-20350367 Truy cập ngày 13/9/2021
https://www.webmd.com/lung/what-is-a-collapsed-lung. Truy cập ngày 13/9/2021
https://bvnguyentriphuong.com.vn/noi-ho-hap/xep-phoi. Truy cập ngày 13/9/2021
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7