Viêm tủy răng
Viêm tủy răng là tình trạng vùng tủy và các mô quanh chân răng bị viêm nhiễm. Đây là bệnh lý phổ biến nhưng đa số bệnh nhân đều không thể phát hiện khi bệnh ở giai đoạn đầu, do bệnh phát triển rất thầm lặng và nhẹ nhàng, không có dấu hiệu đáng ngờ nào. Nhưng nếu để bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, việc điều trị sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, có nhiều trường hợp khi phát hiện đã ở giai đoạn chết tủy không thể cứu vãn.
Nguyên nhân gây viêm tủy răng
Tủy răng được bảo vệ bởi tổ chức cứng ở xung quanh là ngà răng và men răng tưởng chừng như rất an toàn và không dễ bị viêm. Thế nhưng vì một số nguyên nhân khiến tổ chức bảo vệ tủy răng bị ảnh hưởng, làm cho tủy răng bị lộ ra, gây viêm tủy răng
- Sâu răng: Khi răng bị sâu, vết sâu không được trám kín kịp thời, để lâu ngày sẽ xâm lấn vào trong tủy răng, gây ra viêm tủy răng
- Viêm quanh răng gây viêm tủy ngược dòng: những vi khuẩn tồn tại gây viêm ở những tổ chức xung quanh răng, ví dụ như viêm lợi, cũng có thể gây nên viêm tủy răng
- Chấn thương răng: Những sự cố chấn thương ngoài ý muốn làm răng tổn thương, gãy, mẻ răng làm tủy răng bị lộ ra ngoài.
- Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ăn những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh làm răng bị sung huyết, dẫn đến viêm tủy răng
- Răng bị tổn thương: Việc đánh răng không phù hợp, bàn chải quá cứng, đánh răng quá mạnh khiến cổ răng bị khuyết dần đi, cổ răng bị khuyết nghiêm trọng có thể làm lộ tủy răng, gây viêm tủy
- Răng bị mài mòn: Ở những người lớn tuổi răng bị mài mòn sau nhiều năm cũng gây ra tình trạng hở tủy răng, cộng với thói quen vệ sinh răng miệng kém do cao tuổi càng dễ mắc bệnh viêm tủy răng
- Do thủ thuật của nha sĩ trong việc điều trị trước đây: vết trám các lỗ sâu chưa kín hoặc vấn đề mài cùi làm chụp khi răng còn sống
Nhận biết dấu hiệu viêm tủy răng qua các giai đoạn
Viêm tủy răng tiến triển qua 3 giai đoạn với tình trạng, mức độ bệnh và những triệu chứng nặng dần, càng ở giai đoạn về sau càng khó điều trị, thậm chí có khả năng không thể làm cách nào khác ngoài cách loại bỏ tủy chết
Giai đoạn viêm tủy răng có phục hồi:
Đây là giai đoạn đầu của viêm tủy răng, nên thường không biểu hiện thành triệu chứng rõ ràng. Triệu chứng thường thấy là thỉnh thoảng có thể xuất hiện những cơn đau, cơn ê buốt nhẹ, kéo dài trong vài giây, khi vào ban đêm hoặc khi ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, thường dễ gây lầm tưởng với những bệnh răng khác. Giai đoạn này diễn ra rất ngắn và khó phát hiện. Thường thì rất hiếm khi người bệnh phát hiện mình bị bệnh viêm tủy trong giai đoạn này vì thế rất ít trường hợp bệnh nhân tới điều trị bệnh khi bệnh đang ở mức độ nhẹ. Nếu được phát hiện và điều trị trong giai đoạn này, tủy răng hoàn toàn có thể phục hồi lại như ban đầu.
Giai đoạn viêm tủy răng cấp:
Ở giai đoạn này, các triệu chứng có thể nhận biết khá rõ ràng. Đây là giai đoạn bệnh đã phát triển ổn định và xuất hiện những dấu hiệu bệnh lý rất rõ rệt với tần suất và mức độ ngày càng cao.
Bệnh nhân phải đối mặt với những cơn đau âm ỉ ở tại vùng khu trú hoặc ở các vùng lây lan.
Trải qua những cơn đau này rất nặng và dai dẳng kéo dài hàng giờ đồng hồ thậm chí nó còn lây lan sang các các răng bên cạnh, nướu và làm đau lên cả nửa đầu.
Có mủ trong răng, phần nướu bị tấy lên
Khoang miệng xuất hiện mùi hôi khó chịu
Có cảm giác tê buốt mỗi khi có vật gì hoặc thức ăn kích thích…
Khi bệnh viêm tủy phát triển ở giai đoạn này sẽ gây nên những nguy hiểm và gây nên những rắc rối trong cuộc sống thường ngày của người bệnh.
Giai đoạn viêm tủy răng hoại tử:
Đây là giai đoạn điều trị tủy răng nặng nhất. Những cơn đau không còn nữa thay vào đó là tình trạng không còn cảm giác do tủy đã chết. Các dịch tủy bị hoại tử sẽ theo các lỗ ở chóp răng chảy ra ngoài gây nên cảm giác khó chịu, mùi hôi cho người bệnh. Đặc biệt, những dịch này có thể dẫn theo vi khuẩn làm lây lan, viêm nhiễm tới các vùng mô mềm quanh răng, gây nên những tổn thương cho chân răng, gây viêm xương, thậm chí làm xương ổ răng bị tiêu hủy dẫn tới mất răng.
Hậu quả của viêm tủy răng
Tủy răng viêm sẽ bị sung huyết. Răng chết tủy không được điều trị dẫn đến viêm quanh chóp chân răng, áp xe quanh chóp răng, và có thể sẽ phát sinh các biến chứng như viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương, viêm hạch rất nguy hại cho sức khoẻ. Khi răng có các triệu chứng như: lỗ sâu lớn, răng bị sang chấn kèm theo các dấu hiệu đau nhức từng cơn tự nhiên , răng bị đổi màu bất thường… phải đến bác sĩ ngay để được khám và điều trị vì có thể tủy răng của bạn đã bị viêm hoặc hoại tử.
Điều trị viêm tủy răng
Hiểu một cách đơn giản nhất, điều trị tủy răng chính là tiến hành loại bỏ phần tủy bị viêm, hoặc bị chết của răng bị bệnh, và sử dụng vật liệu phù hợp để thay thế tủy răng tự nhiên. Việc này được gọi là trám bít ống tủy. Trước đây, những răng có tủy bị bệnh đều được chỉ định loại bỏ. Khoa học ngày nay đã có cách điều trị tủy giúp giữ được răng, không cần phải loại bỏ răng.
Quá trình điều trị tủy răng
Trường hợp đau tủy răng quá mức có thể dùng thuốc giảm đau tạm thời. Khi dùng thuốc phải chú ý tác dụng phụ của thuốc đối với hệ tiêu hóa và đối với toàn thân khác. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp đối phó nhất thời. Cần phải khẩn trương đến bác sĩ răng hàm mặt để điều trị triệt để bệnh tủy răng.
Trước tiên các nha sĩ chẩn đoán tủy răng của bạn hiện trong tình trạng nào. Tùy vào kết quả chụp phim chẩn đoán và tình trạng tủy răng của bạn mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị cụ thể:
Trường hợp răng bị viêm tủy quá nặng, tình trạng tủy bị hoại tử, không còn khả năng điều trị tủy: bác sĩ sẽ có chỉ định nhổ răng để loại bỏ cơn đau và tránh ảnh hưởng đến các răng khác.
Trường hợp răng có tình trạng viêm tủy nhưng có cơ hội cứu chữa: bác sĩ sẽ cố gắng đến mức tối đa để điều trị tủy, bảo tồn răng cho bệnh nhân.Nếu cơn đau ít, ngắn (3-5 phút) thì có thể theo dõi tủy răng, nếu răng bị sâu thì cần làm sạch ngà mủn vì ngà mủn chứa nhiều vi khuẩn, rồi trám lại bằng hydroxit canxi, tránh tuyệt đối kích thích nóng, lạnh, chua, ngọt. Thời gian theo dõi khoảng sáu tháng, nếu cơn đau được loại bỏ hoàn toàn thì không cần lấy bỏ tủy răng
Trường hợp răng chết tủy và đã được lấy tủy (bị loại bỏ hoàn toàn), thì việc bọc răng sứ sẽ giúp giữ răng được lâu dài Nếu trong vòng 6 tháng, cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần tiến hành lấy bỏ tủy. Bệnh nhân được bác sĩ gây tê tại chỗ quanh chân răng và khoan mở tủy, lấy sạch tủy và tạo hình hệ thống ống tủy để các ống tủy có hình thuôn thích hợp cho việc hàn kín ống tủy. Việc lấy bỏ tủy và nong rộng ống tủy đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ tuyệt đối.Sau khi ống tủy đã được làm sạch và tạo hình thuôn thích hợp cho việc trám kín thì bác sĩ nha khoa sẽ đo chiều dài ống tủy bằng máy đo độ dài (máy apex locator), làm khô ống tủy và hàn ống tủy bằng gutta-percha, đây là một loại nhựa cây có tính dẻo tương đối, chảy lỏng khi làm nóng và được bơm vào ống tủy nhằm bảo toàn răng thật, đảm bảo răng không bị loại bỏ. Quá trình hàn ống tủy được kiểm soát bằng X-quang, sau đó bác sĩ tiếp tục bơm thêm gutta-percha, lỗ sâu thân răng sẽ được hàn bằng amalgam hoặc compositeKhi răng bị chết tủy và được lấy tủy thì việc cung cấp chất dinh dưỡng sẽ bị thiếu đi, do đó răng sẽ bị đổi màu, trở nên giòn và dễ vỡ. Ngoài ra khi cấu trúc răng bị mất nhiều, lựa chọn bọc răng lại bằng kim loại hoặc bằng sứ nha khoa sẽ giúp hồi phục răng, tăng độ bền,giúp giữ răng được lâu dài.
Vì sao cần thực hiện điều trị tủy càng sớm càng tốt?
Mặc dù khó có thể nhìn thấy trực tiếp, tủy răng tồn tại lặng lẽ như “trái tim” của mỗi chiếc răng, nghĩa là nếu tủy răng bị chết thì sự sống của chiếc răng cũng không còn. Bình thường tủy răng giúp bạn cảm nhận được mùi vị thức ăn. Khi tủy bị viêm, bạn thấy cảm giác khó chịu và đau nhức khiến bạn “ăn không ngon, ngủ không yên”. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm tủy sẽ diễn biến dần dần đến giai đoạn hoại tử làm cho bạn bị mất răng.
Việc phát hiện bệnh viêm tủy từ sớm sẽ giúp răng dễ phục hồi vì tình trạng viêm này còn kiểm soát được và nếu điều trị kịp thời, răng có thể khỏe mạnh bình thường trở lại. Nếu để bệnh viêm tủy diễn biến phức tạp thì sẽ ảnh hưởng đến các vùng xung quanh răng. Những chất hoại tử từ tủy có thể thoát qua lỗ chóp chân răng gây nên bệnh lý vùng quanh chóp hoặc gây viêm tổ chức liên kết, viêm xương hàm, hoặc tụ lại ở chân răng tạo nên u hạt, nang chân răng,v.v…Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất răng. Ngoài ra, vi khuẩn có thể gây những biến chứng ở nơi khác như viêm xoang hàm, viêm nội tâm mạc v.v…
Điều trị bảo tồn răng luôn luôn là một thách thức lớn, không chỉ với bác sỹ răng hàm mặt nói chung mà còn với các bác sỹ chuyên sâu về nội nha. Điều trị tủy rất phức tạp, yêu cầu tay nghề cao và chuyên môn sâu của các bác sĩ cũng như cần có những trang thiết bị tiên tiến hiện đại.
Chăm sóc răng sau điều trị tủy
Khi răng đã được điều trị tủy thì có nghĩa là phần tủy răng đó đã chết nên răng đó suy yếu hơn những răng còn lại. Vì thế, khi điều trị tủy cần có chế độ chăm sóc đặc biệt cho răng như:
Chế độ ăn uống phù hợp, không cắn nhai thức ăn quá cứng, không ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh (như nước đá, kem…)
Tránh dùng lực nhai nhiều ở răng đã điều trị tủy
Đánh răng với lực chải nhẹ nhàng
Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, không dùng tăm tránh làm mòn răng đã điều trị tủy
Nên đi khám răng định kỳ để phát hiện kịp thời sâu răng ; lý do là vì không còn dây thần kinh để dẫn truyền cảm giác đau khi bị sâu răng
Trường hợp răng điều trị tủy đã được trám nay bị đổi màu, thì cần làm mão phục hình sứ.
Điều cần lưu ý là sau điều trị tủy vài ngày, nếu xảy ra những điểm bất thường như sau thì cần đến gặp nha sĩ:
- Đau răng kéo dài, thậm chí cơn đau dữ dội hơn so với trước khi điều trị
- Viêm chung quanh răng
- Cảm thấy áp lực tăng nhiều trong răng
- Bị các tác dụng phụ khi uống thuốc
---------------------------
Nguồn:
https://nhakhoaminhkhai.net/dieu-tri-viem-tuy-rang-tai-nha-khoa-minh-khai/. Truy cập ngày 25/9/2021
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7
-
Viêm kết mạc có giả mạc
06/07/2023 16:00 GMT+7