Viêm nướu răng

25/09/2021 17:52 GMT+7

Viêm nướu răng là giai đoạn khởi phát của bệnh viêm nha chu, là tình trạng viêm nhiễm ban đầu tại chỗ của nướu, nướu bị kích ứng bởi mảng bám lâu ngày tại đường viền nướu.

Dấu hiệu nhận biết viêm nướu răng

  • Nướu đổi màu so với bình thường, nướu có màu đỏ thẫm, hoặc tím thẫm là dấu hiệu ban đầu của viêm nướu răng
  • Nướu sưng lớn hơn bình thường.
  • Dễ dàng chảy máu khi chải răng.
  • Trường hợp nặng có thể chảy máu tự phát (phát hiện trễ).
  • Cảm giác hơi khó chịu, phù nề.

Viêm nướu răng (viêm lợi)

Hình ảnh viêm nướu răng (viêm lợi) gây sưng đỏ, thậm chí là chảy máu. Ảnh: vidental.vn

Bệnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm mà không gây tổn hại đến răng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành viêm nha chu – đây là giai đoạn bệnh chuyển biến nhanh và nguy hiểm, rất khó điều trị.

Viêm nha chu là tình trạng viêm nhiễm lan rộng, ảnh hướng đến toàn bộ cấu trúc nha chu. Các vi khuẩn có hại tồn tại trong vôi răng không bị loại bỏ lâu ngày sẽ phá hủy dần và xâm lấn vào cấu trúc nha chu, hình thành túi nha chu, làm suy yếu đi sự liên kết giữa xương ổ răng và các mô liên kết nắm chức năng giữ răng. Trường hợp xấu bệnh nhân có thể sẽ đối mặt với tình trạng mất răng mặc dù răng vẫn toàn vẹn và không bị sâu, hư.

Làm sao để ngăn ngừa viêm nướu?

Những bệnh nhân mắc các bệnh như AIDS, ung thư, sẽ suy giảm khả năng chống lại tình trạng nhiễm trùng, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nướu. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ viêm nướu cao hơn so với những người không mắc bệnh. Một số thuốc như thuốc cao huyết áp có thể ảnh hưởng đến nướu. Viêm nướu cũng có thể bị gây ra do sự thay đổi hormone, đặc biệt trong quá trình mang thai. Do đó, phụ nữ mang thai cần phải gặp nha sĩ để kiểm tra.

Viêm nướu khiến bệnh nhân thấy khó chịu, ăn không ngon và nó còn là dấu hiệu ban đầu của bệnh nha chu. Ngăn ngừa viêm nướu từ sớm sẽ giúp mang đến một hàm răng chắc khỏe, loại bỏ hoàn toàn nỗi ám ảnh về bệnh nha chu nguy hiểm.

Cách ngăn ngừa viêm nướu:

  • Đánh răng hai lần một ngày
  • Làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa hoặc thiết bị vệ sinh răng miệng chuyên dùng như máy tăm nước,… ít nhất một lần mỗi ngày
  • Thăm khám nha sĩ định kỳ và cạo vôi răng thường xuyên
  • Cho bác sĩ biết cách bạn đánh răng và chải răng hằng ngày, hỏi thăm nếu có thể cải thiện việc vệ sinh răng miệng tốt hơn
  • Nếu bạn có thói quen hút thuốc hoặc nhai thuốc lá, thuốc lào, bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm nướu cao

 

--------------------------------------

Nguồn: 

https://nhakhoaminhkhai.net/viem-nuou-rang-cach-nhan-biet-va-phong-ngua/. Truy cập 25/9/2021