Viêm mũi dị ứng

03/06/2020 21:46 GMT+7

Viêm mũi dị ứng phổ biến ở mọi lứa tuổi, song thường gặp hơn ở người trưởng thành, với triệu chứng mãn tính, dai dẳng. Bệnh gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe người bệnh. Bệnh nếu không điều trị sớm có nguy cơ diễn tiến mạn tính, gây biến chứng viêm xoang, rối loạn giấc ngủ…

Dấu hiệu và triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm:

  • Sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa mũi, có thể kèm theo ngứa mắt, ngứa vòm họng.
  • Bệnh nhân hoặc gia đình thường có tiền sử hen suyễn, chàm, viêm da dị ứng, nổi mày đay...
  • Khám nội soi mũi thường thấy niêm mạc mũi nhợt màu, phù nề, nước mũi trong.
  • Nếu bệnh kéo dài, có thể ảnh hưởng dến các cơ quan khác như polyp mũi, viêm họng hạt, viêm tai giữa thanh dịch, thâm quầng mi mắt.

Các triệu chứng điển hình của Viêm mũi dị ứng

Các triệu chứng điển hình của Viêm mũi dị ứng. Ảnh: BV. Tai Mũi Họng Sài Gòn

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Khí hậu khắc nghiệt và ô nhiễm môi trường là một trong những tác nhân gây ra sự mất cân bằng dị ứng. Sự mất cân bằng dị ứng, cùng với cơ địa nhạy cảm và tiếp xúc với dị nguyên, là các yếu tố quan trọng liên quan đến nguyên nhân và tỉ lệ mắc bệnh bệnh viêm mũi dị ứng.

a. Cơ địa: nhạy cảm, có yếu tố di truyền.

b. Tiếp xúc với dị nguyên hay còn gọi là chất gây dị ứng:

  • Dị nguyên đường thở: bụi nhà, con mạt nhà, biểu bì, lông súc vật, phấn hoa...
  • Dị ứng thực phẩm: trứng, sữa, các loại hải sản (tôm, cua, sứa …)
  • Dị nguyên là các loại thuốc: thường là kháng sinh nhất là penicillin, aspirin, vaccine.

Trong đó, bụi nhà là loại dị nguyên chính gây ra các bệnh dị ứng đường hô hấp. Có tới 75-80% bệnh dị ứng hô hấp mẫn cảm với dị nguyên bụi nhà. Bụi nhà chứa nhiều tạp chất, trong đó có nhiều dị nguyên, có tính kháng nguyên đa dạng như ve bét (Acarien), lông, biểu bì, vẩy da, nấm mốc

c. Sự mất cân bằng dị ứng

Người dị ứng có thể sống một thời gian dài mà không có biểu hiện lâm sàng. Trong khi đó nghiệm ứng da vẫn dương tính, kể cả một số nghiệm ứng đặc hiệu khác. Thế cân bằng này không bền vững, bệnh sẽ xuất hiện khi có các yếu tố thuận lợi như:

  • Tiếp xúc ồ ạt với dị nguyên, vượt quá ngưỡng.
  • Yếu tố tinh thần: căng thẳng, stress.
  • Yếu tố nội tiết: phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh, thuốc tránh thai.
  • Yếu tố khí hậu: độ ẩm, nhiệt độ, nồng độ các ion trong khí quyển… ảnh hưởng không tốt đến bệnh nhân dị ứng, nhất là dị ứng đường hô hấp.
  • Yếu tố ô nhiễm môi trường.
  • Lối sống thiếu vận động, béo phì, thiếu vitamin D do thiếu ánh nắng, ăn kiêng hoặc sử dụng nhiều rượu, thuốc lá.
  • Virus và vi khuẩn: niêm mạc bị phù nề, hệ lông chuyển bị tê liệt do viêm nhiễm làm tăng tính phản ứng với dị nguyên, giảm khả năng bảo vệ của niêm mạc.

Phân loại viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được chia thành 3 loại:

Viêm mũi dị ứng theo mùa

Viêm mũi dị ứng theo mùa là tình trạng bệnh chỉ xuất hiện vào một mùa, một thời điểm nhất định trong năm. Thông thường mùa xuân là thời điểm nhiều người thường dễ bị và tái phát bệnh nhất. Bởi lẽ mùa xuân là mùa hoa nở, khí hậu nóng ẩm, có nhiều phấn hoa… (Do đó có nhiều người gọi là viêm mũi dị ứng mùa xuân).

Độ ẩm không khí cao là môi trường thuận lợi để các dị nguyên gây viêm mũi dị ứng như phấn hoa, nấm mốc phát triển và lây lan. Đặc biệt, với những người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với những tác nhân này sẽ gây ra các triệu chứng như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục…

Viêm mũi dị ứng quanh năm, không theo mùa

Thường do cơ thể dị ứng với bụi nhà, mạt bụi, bụi vải quần áo, khí cống rãnh, nước thải, hoặc sinh sống trong môi trường bị ô nhiễm… Những người bị viêm mũi dạng này chủ yếu là hắt hơi, niêm nhạt và phù nề. Tuần suất hắt hơi sẽ giảm dần tùy thuộc vào sự thay đổi số lượng các dị nguyên.

Viêm mũi dị ứng do nghề nghiệp

Do người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên là các sợi bông, lông, khí SO2, FeO, khí gas… Những người làm việc trong môi trường hóa chất, khói bụi thường là những người sẽ có nguy cơ bị viêm mũi dị ứng cao nhất.

Ngày nay, Theo Hiệp hội viêm mũi dị ứng quốc tế (ARIA), bệnh viêm mũi dị ứng được phân loại theo khoảng thời gian tồn tại của bệnh, triệu chứng và ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng sống, bao gồm:

Bệnh viêm mũi dị ứng gián đoạn

Bệnh viêm mũi dị ứng dai dẳng

Triệu chứng tồn tại: < 4 ngày/ tuần hoặc < 4 tuần/năm

Triệu chứng tồn tại: ≥ 4 ngày/ tuần và ≥ 4 tuần/ năm

Nhẹ

Trung bình - Nặng

Giấc ngủ bình thường.

Hoạt động hàng ngày, thể thao, giải trí bình thường.

Làm việc, học tập bình thường.

Không có triệu chứng gây khó chịu

Rối loạn giấc ngủ.

Hoạt động hàng ngày, thể thao, giải trí giảm.

Làm việc, học tập bị ảnh hưởng.

Có triệu chứng gây khó chịu.

 

Chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng

Xác định tác nhân gây bệnh hay nói cách khác là xác định yếu tố gây dị ứng, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm mũi dị ứng.

Khai thác bệnh sử: Đầu tiên bác sĩ khai thác bệnh sử, tiền sử cá nhân lẫn gia đình để tìm các yếu tố liên quan đến thời gian và thời điểm xuất hiện bệnh, quá trình tiếp xúc với dị nguyên, môi trường sống, lối sống, cơ địa nhạy cảm...

Khám lâm sàng: Đặc biệt là nội soi mũi để tìm các dấu hiệu điển hình của bệnh. Phát hiện các bệnh lý đi kèm liên quan đến bệnh viêm mũi dị ứng như: viêm xoang, vẹo vách ngăn, hen suyễn, chàm, viêm da dị ứng.

Xét nghiệm: Có 2 loại xét nghiệm về dị ứng:

Test không đăc hiệu: tìm bạch cầu ái toan trong dịch mũi và trong máu, định lượng kháng thể IgE (kháng thể đóng vai trò chủ yếu trong các bệnh miễn dịch - dị ứng) trong huyết thanh.

Test đặc hiệu:

  • Phổ biến và đơn giản hơn là các test da (lẩy da, rạch da, trong da) nhằm đánh giá sư nhạy cảm của cơ thể đối với các chiết xuất của 1 số dị nguyên đã được chuẩn hóa.
  • Chuyên biệt và đắt tiền hơn là các xét nghiệm tìm kháng thể IgE đặc hiệu trong huyết thanh bằng phương pháp miễn dịch enzyme hay miễn dịch phóng xạ.

Biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng

a. Kiểm soát môi trường, tránh tiếp xúc với dị nguyên

Về lý thuyết, tránh được dị nguyên là vấn đề tối ưu nhất trong điều trị viêm mũi dị ứng. Nhưng trên thực tế điều này khó có thể thực hiện. Ngay cả ở những nước phát triển không khí có phần sạch hơn nhưng vẫn bị dị ứng từ phấn hoa, phấn của một số loài cây cỏ… Vì vậy tránh dị nguyên gần như là điều không thể.

Người bệnh có thể điều trị viêm mũi dị ứng theo nhiều cách khác nhau, bao gồm thuốc, cũng như các biện pháp khắc phục tại nhà và có thể là các loại thuốc thay thế. Do đó người bệnh cần được khám và tư vấn của bác sĩ của bạn trước khi thử bất kỳ biện pháp điều trị mới cho viêm mũi dị ứng.

b. Điều trị bằng thuốc

Những thuốc dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng cũng chỉ là tạm thời. Chủ yếu là điều trị triệu chứng hoặc phòng ngừa nên chỉ có thể khống chế bệnh hoặc giảm các triệu chứng trong một thời gian ngắn trong và sau khi dùng thuốc. Không thể khỏi được bệnh trong một khoảng thời gian dài chứ chưa thể nói đến là khỏi hoàn toàn được bệnh.

Có nhiều loại thuốc trong điều trị viêm mũi dị ứng như:

Thuốc kháng histamin dạng uống, dạng xịt

Người bệnh có thể dùng thuốc kháng histamin để điều trị dị ứng dựa trên cơ chế hoạt động bằng cách ngăn cơ thể tạo ra histamin. Người bệnh cần được bác sĩ tư vấn trước khi bắt đầu một loại thuốc mới. Các loại thuốc kháng histamin thông dụng:

  • Fexofenadine
  • Diphenhydramine
  • Desloratadine
  • Loratadine
  • Levocetirizine
  • Cetirizine

Đối với người cao tuổi, nên tránh dùng các thuốc kháng histamin như promethazine, chlorpheniramine vì tác dụng kém chọn lọc nên có thể gây buồn ngủ, lo lắng, lú lẫn, bí tiểu, táo bón, tụt huyết áp… Những trường hợp chỉ có bệnh viêm mũi đơn thuần không đi kèm với viêm kết mạc, nên dùng các thuốc kháng histamin xịt mũi như azelastine vì có tác dụng nhanh và ít tác dụng phụ.

Thuốc chống xung huyết

Người bệnh có thể sử dụng thuốc chống xung huyết trong một thời gian ngắn, thường không quá ba ngày, để giảm nghẹt mũi và áp lực xoang. Sử dụng thuốc này trong một thời gian dài hơn có thể gây ra hiệu ứng tái lại (rebound effects), có nghĩa là một khi ngưng thuốc các triệu chứng của bệnh sẽ còn tệ hơn. Thuốc chống xung huyết mũi phổ biến bao gồm:

  • Oxymetazoline
  • Pseudoephedrine
  • Phenylephrine
  • Cetirizine với pseudoephedrine

Nếu người bệnh có nhịp tim bất thường, bệnh tim, tiền sử đột quỵ, lo âu, rối loạn giấc ngủ, huyết áp cao hoặc các vấn đề về bàng quang, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chống xung huyết.

Corticosteroid

Trong số những thuốc kể trên thì nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ có steroids dạng xịt tại chỗ là có nhiều ưu điểm hơn cả. Dùng đường tại chỗ thuốc hấp thu vào cơ thể tương đối ít nhưng hiệu quả chống viêm tại chỗ lại cao, hiệu quả tốt trong điều trị. Tuy nhiên đây không phải là thuốc điều trị triệu chứng nên phải dùng thường xuyên thì thuốc mới phát huy được tác dụng. Còn nếu có triệu chứng mới dùng thì hiệu quả không cao. Thêm vào đó nhiều bệnh nhân còn ở độ tuổi đôi mươi mà phải xịt thuốc này thêm vài chục năm nữa thì cũng không phải là biện pháp tối ưu. 

Ngoài ra còn có các nhóm thuốc khác như:

  • Kháng cholinergic
  • Thuốc ức chế phóng thích hạt của dưỡng bào.
  • Thuốc kháng leukotrien.

c. Liệu pháp miễn dịch

Nếu đã dùng các biện pháp trên thất bại thì người ta mới xem xét đến phương pháp thứ ba là thay đổi miễn dịch (miễn dịch liệu pháp - immunotherapy). Đây là phương pháp cho bệnh nhân hấp thụ với liều tăng dần dị nguyên nhằm đạt được giảm mẫn cảm, tức là giảm các triệu chứng khi phơi nhiễm tự nhiên trở lại với chính dị nguyên đó. Liệu pháp miễn dịch là phương pháp duy nhất điều trị tận gốc căn nguyên gây dị ứng. 

Theo ARIA (Hiệp hội viêm mũi dị ứng quốc tế), bệnh nhân viêm mũi dị ứng thuộc phân loại:

  • Nhẹ, từng đợt: Không cần điều trị miễn dịch. Họ chỉ cần dùng thuốc kháng histamine, chống sung huyết mũi tại chỗ hoặc toàn thân và tránh tiếp xúc với dị nguyên là đủ.
  • Trung bình-nặng nhưng từng đợt: Có thể dùng steroids tại chỗ. Thuốc ức chế phóng thích hạt từ dưỡng bào và vẫn có thể dùng thêm thuốc chống dị ứng, chống sung huyết mũi.
  • Nhẹ nhưng dai dẳng hoặc viêm mũi dị ứng trung bình – nặng và dai dẳng: Điều trị miễn dịch 

d. Phẫu thuật

Với trường hợp bệnh nhân có thoái hóa cuốn mũi, polyp hoặc do yếu tố giải phẫu gây thuận lợi cho bệnh như gai vách ngăn, lệch vách ngăn. Phẫu thuật sẽ can thiệp làm thay đổi, loại bỏ yếu tố gây thuận lợi này. 

Phòng bệnh viêm mũi dị ứng như thế nào?

a. Tránh các yếu tố nguy cơ

Tránh tiếp xúc với dị nguyên như : bụi nhà, khói thuốc lá , lông mèo, lông chó, phấn hoa…

Không nuôi thú trong nhà.

Nếu có nuôi, cần tắm thú nuôi 2 lần/ tuần.

Sử dụng hệ thống lọc khí tốt, vệ sinh máy điều hòa thường xuyên

Phủ nệm, gối dùng loại không thấm nước; nếu không thì phải giặt mỗi 2 tuần/ lần với nhiệt độ khoảng 500C sẽ giết được mạt bụi nhà.

Tăng cường vệ sinh nhà cửa, xe cộ trong mùa phấn hoa để hạn chế tiếp xúc.

Loại bỏ phấn hoa trên da, tóc khi về nhà.

b. Cải thiện môi trường và lối sống

Tránh các yếu tố ô nhiễm môi trường: khói bụi công nghiệp, hóa chất

Cẩn thận khi thay đổi thời tiết, điều tiết độ ẩm, ấm, đề phòng viêm đường hô hấp.

Chú ý giữ vệ sinh mũi, thường xuyên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để rửa mũi. Không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi.

Ăn uống tránh đồ sống, lạnh, tanh, tránh uống rượu, tránh khói thuốc lá.

Tránh stress, các chất kích thích và giảm sử dụng thuốc aspirin.

Kiên trì rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng cơ thể, giảm béo phì.

Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng ở mũi xoang và vùng răng miệng.

 

Ban Biên tập Y Khoa Online

--------------------------------------------

Nguồn:

https://www.healthline.com/health/allergic-rhinitis#treatments. Truy cập ngày 3/6/2020

https://medlineplus.gov/ency/article/000813.htm. Truy cập ngày 3/6/2020

https://taimuihongsg.com/dieu-tri-benh-viem-mui-di-ung/. Truy cập ngày 3/6/2020

https://www.vinmec.com/vi/benh/viem-mui-di-ung-4751/. Truy cập ngày 3/6/2020