Viêm gan siêu vi A, B, C, D, E
Viêm gan là bệnh thường gặp tại Việt Nam, tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân gây viêm gan, trong đó có viêm gan do virus (siêu vi). Các virus hay gặp bao gồm virus viêm gan A, B, C, D và E. Sự khác nhau giữa các viêm gan virus như thế nào, hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Viêm gan virus A
Bệnh viêm gan virus A do virus viêm gan A (HAV) gây ra. HAV lây truyền từ người sang người qua đường phân miệng, rất hiếm qua đường máu. Viêm gan virus A có thể xảy ra lẻ tẻ hoặc bùng phát thành dịch. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, sau khi khỏi người bệnh có miễn dịch đặc hiệu lâu bền.
Biểu hiện khi mắc bệnh: bệnh thường xảy ra đột ngột, sốt nhẹ, rất mệt, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng, tiểu ít màu rất vàng. Sau 7 - 10 ngày xuất hiện vàng da, vàng mắt, khi bắt đầu vàng da thì hết sốt. Sau 4 - 6 tuần bệnh lui dần, xuất hiện tiểu nhiều, vàng da, vàng mắt hết, nhưng phải mất 1 - 2 tháng người bệnh mới hồi phục hoàn toàn.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để phòng tránh bệnh viêm gan virus A, cần thực hiện:
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân
- Tiêm phòng vacxin viêm gan A
- Giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống
- Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cần tuân thủ công tác chống lây nhiễm.
2. Viêm gan virus B
Bệnh viêm gan virus B do virus viêm gan B (HBV) gây ra. HBV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với máu và chế phẩm từ máu, dịch tiết của cơ thể, qua quan hệ tình dục và có thể lây từ mẹ sang con. 85 - 90%, người trưởng thành mắc bệnh có diễn biến cấp tính, 10% diễn biến thành thể mạn tính (40% bệnh nhân thể mạn tính sau này có nguy cơ xơ gan, ung thư gan nguyên phát). Riêng với trẻ nhỏ bị lây truyền từ mẹ, 90% sẽ ở thể mãn tính.
Biểu hiện khi mắc bệnh: bệnh nhân biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa. 7 - 10 ngày sau hết sốt và xuất hiện vàng da. Bệnh diễn biến khoảng 4 - 6 tuần. Tuy nhiên một số trường hợp mắc bệnh ở thể tối cấp, hôn mê và tử vong > 95% số trường hợp.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để phòng tránh bệnh viêm gan virus B, cần thực hiện:
- Tuyên truyền nâng cao hiểu biết về bệnh
- Tiêm phòng vacxin viêm gan B, đặc biệt là trẻ sơ sinh và đối tượng nguy cơ cao
- Thực hiện an toàn truyền máu
- Giáo dục sức khỏe giới tính, quan hệ tình dục an toàn
- Không tiêm chích ma túy
- Tư vấn cho các phụ nữ mang thai nhiễm HBV
3. Viêm gan virus C
Bệnh viêm gan virus C do virus viêm gan C (HCV) gây ra. HCV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với máu, chế phẩm từ máu, qua quan hệ tình dục, và từ mẹ truyền sang con. 40 - 60% bệnh nhân bị viêm gan C sẽ chuyển thành thể mạn tính, có nguy cơ phát triển thành xơ gan và ung thư gan nguyên phát trong tương lai.
Biểu hiện khi mắc bệnh: thường bệnh xảy ra thầm lặng, chán ăn, đầy bụng, buồn nôn. Tuy nhiên chỉ khoảng 25% số trường hợp mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để phòng tránh bệnh viêm gan virus C cần thực hiện:
- Tuyên truyền nâng cao hiểu biết về bệnh
- Thực hiện an toàn truyền máu, chú trọng tới nhóm người bệnh cần truyền máu nhiều lần
- Giáo dục sức khỏe giới tính, quan hệ tình dục an toàn
- Không tiêm chích ma túy
- Hiện chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan virus C
4. Viêm gan virus D
Bệnh viêm gan virus D do virus viêm gan D (HDV) gây ra. HDV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với máu, chế phẩm từ máu, qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, HDV luôn đồng nhiễm với HBV hoặc bội nhiễm trên bệnh nhân có HBsAg (+)
Biểu hiện của bệnh: vì HDV đồng nhiễm hoặc bội nhiễm trên bệnh nhân có HBsAg (+) nên bệnh thường đột ngột với các triệu chứng như bệnh viêm gan virus B, có thể tự khỏi nhưng có số ít trường hợp bệnh diễn biến rất nặng (nếu đồng nhiễm viêm gan virus B) hoặc trở thành viêm gan mạn tính.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để phòng tránh bệnh viêm gan virus D, cần thực hiện các biện pháp như đối với bệnh viêm gan virus B.
5. Viêm gan virus E
Bệnh viêm gan virus E do virus viêm gan E (HEV) gây ra. HEV lây truyền từ người sang người bằng đường phân - miệng và qua nước bị nhiễm bẩn. Viêm gan virus E có thể xuất hiện lẻ tẻ hoặc thành dịch. Biểu hiện của bệnh: Bệnh biểu hiện lâm sàng như viêm gan virus A, không trở thành mãn tính, tuy nhiên rất nguy hiểm ở phụ nữ có thai.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để phòng tránh bệnh viêm gan virus E cần thực hiện các biện pháp:
- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe
- Giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống
- Quản lý người mắc bệnh và người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân
Khi có các biểu hiện mắc bệnh, bệnh nhân cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Tại Vinmec luôn cung cấp cho khách hàng các loại vacxin phòng ngừa viêm gan A, viêm gan B cũng như đưa ra phác đồ giúp việc điều trị trở nên hiệu quả, nhanh chóng và an toàn.
Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương
Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
--------------------------------------
Nguồn: https://vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/ban-co-biet-su-khac-nhau-giua-cac-benh-viem-gan-virus-b-c-d-e/?link_type=related_posts
-
Viêm xoang
21/11/2024 14:48 GMT+7
-
Ung thư
18/11/2024 09:51 GMT+7
-
Viêm mũi xoang
15/11/2024 18:38 GMT+7
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7