Tăng huyết áp
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch máu. Đo huyết áp là đo áp lực của dòng máu lên thành động mạch. Huyết áp gồm có hai con số (ví dụ 140/80mmHg,). Số cao hơn gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa), số thấp hơn là huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu).
Huyết áp tâm thu là số đo áp lực trong lòng động mạch khi tim co bóp để tống máu từ buồng tim ra ngoài động mạch.
Huyết áp tâm trương là số đo áp lực trong lòng động mạch khi tim giãn ra (thời gian giữa 2 lần co bóp hay thời gian giữa 2 nhịp đập của tim)
Máy đo huyết áp hiển thị huyết áp tâm thu (Sys) và huyết áp tâm trương (Dia). Ảnh: MayoClinic
Tăng huyết áp là bệnh diễn biến thầm lặng qua nhiều năm tháng, đa phần phát hiện tình cờ hoặc chỉ khi bệnh nhân có biến chứng mới được phát hiện. Tăng huyết áp gây ra nhiều hậu quả xấu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như: suy tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy thận…
NGUYÊN NHÂN BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP
Nguyên nhân tăng huyết áp cũng được chia thành hai nhóm
Tăng huyết áp vô căn (nguyên phát): không xác định được nguyên nhân
Tăng huyết áp thứ phát: các nguyên nhân có thể gặp:
- Các bệnh lý về thận: viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận
- Các bệnh nội tiết: U tủy thượng thận, Cushing, cường Aldosteron, cường giáp,..
- Các bệnh lý tim mạch: hở van động mạch chủ (gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc), hẹp eo động mạch chủ (gây tăng huyết áp chi trên), hẹp xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến động mạch thận
- Do thuốc: cam thảo, thuốc tránh thai, một số thuốc cường giao cảm
- Nguyên nhân khác: ngộ độc thai nghén, rối loạn thần kinh
TRIỆU CHỨNG CỦA TĂNG HUYẾT ÁP
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì đặc biệt trong một thời gian dài. Đôi khi người bệnh có thể thấy đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, chảy máu cam khi có cơn tăng huyết áp.
Có thể bệnh nhân biểu hiện những triệu chứng của tổn thương cơ quan đích như nhìn mờ, đau ngực dữ dội, tiểu máu, liệt nửa người (đột quỵ não)…Khi có những triệu chứng này thì chứng tỏ bệnh đã diễn tiến kéo dài, gây tổn thương cơ quan đích và thường có tiên lượng không tốt.
NHỮNG NGƯỜI CÓ NGUY CƠ BỊ TĂNG HUYẾT ÁP
- Giới nam
- Nữ đã mãn kinh
- Tiền sử gia đình có người tăng huyết áp
- Béo phì, thừa cân
- Lối sống ít hoạt động thể lực
- Hút thuốc lá
- Chế độ ăn nhiều muối, ăn mặn
- Stress và căng thẳng tâm lý
- Uống nhiều rượu, bia
- Bệnh thận mạn, đái tháo đường, hội chứng ngừng thở khi ngủ
CHẨN ĐOÁN VÀ PHÂN ĐỘ TĂNG HUYẾT ÁP
- Bình thường: Huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương <80 mmHg
- Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu 120 – 129 mmHg và huyết áp tâm trương <80 mmHg
- Tăng HA giai đoạn 1: Huyết áp tâm thu 130 – 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80 - 89 mmHg
- Tăng HA giai đoạn 2: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg
- Cơn tăng huyết áp cấp tính: Huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 120 mmHg. Đây là loại cần phải điều trị khẩn cấp hoặc cấp cứu.
Cả hai con số (huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương) trong một chỉ số huyết áp đều quan trọng. Nhưng sau 50 tuổi, huyết áp tâm thu thậm chí còn có ý nghĩa hơn. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là tình trạng huyết áp tâm trương bình thường (< 80 mmHg) nhưng huyết áp tâm thu cao (≥ 130 mm Hg). Đây là một loại tăng huyết áp phổ biến ở những người trên 65 tuổi.
Nhân viên y tế có thể sẽ thực hiện hai đến ba lần đo huyết áp cho mỗi lần khám trước khi chẩn đoán bạn bị tăng huyết áp. Điều này là do huyết áp thường thay đổi trong suốt cả ngày, và nó có thể tăng trong khi đến bác sĩ (tăng huyết áp áo choàng trắng).
CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP
Bác sĩ sẽ dựa vào một số yếu tố như mức độ tăng huyết áp và nguyên nhân tăng huyết áp (nếu được xác định) để chọn lựa phác đồ điều trị phù hợp.
Nếu là tăng huyết áp nguyên phát (vô căn) thì thay đổi lối sống có thể giúp hạ huyết áp. Nếu chỉ thay đổi lối sống vẫn không thể kiểm soát tốt huyết áp thì có thể sử dụng thuốc.
Nếu là tăng huyết áp thứ phát, nghĩa là xác định được nguyên nhân cụ thể làm tăng huyết áp thì khi đó sẽ tập trung chủ yếu điều trị nguyên nhân đó.
Đối với tăng huyết áp nguyên phát, mục tiêu điều trị là để giữ cho huyết áp của bệnh nhân ổn định ở mức cho phép. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo các bệnh liên quan như đái tháo đường hoặc bệnh thận mạn tính thì có thể bác sĩ sẽ đề nghị một liệu trình điều trị nghiêm ngặt hơn để giữ cho huyết áp ổn định ở mức dưới 130/80 mmHg. Lưu ý, các mức huyết áp mục tiêu có thể khác nhau theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Sau đây là các phương pháp chữa trị cao huyết áp:
Thay đổi lối sống
Biện pháp không dùng thuốc bao giờ cũng chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng trong liệu trình điều trị chung. Theo lời khuyên của các bác sĩ, bệnh nhân có thể kiểm soát huyết áp bằng cách:
Điều chỉnh chế độ ăn uống: lành mạnh hơn và dùng ít muối (dưới 6g/ngày);
Tập thể dục đều đặn, vừa sức;
Cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân theo hướng dẫn;
Ngừng hoặc hạn chế tối đa uống rượu, bỏ hút thuốc;
Tránh nhiễm lạnh đột ngột
Kiểm soát tốt các bệnh liên quan;
Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp đúng theo hướng dẫn của bác sĩ;
Thường xuyên theo dõi sự thay đổi của huyết áp ngay tại nhà với máy đo thích hợp.
Các nhóm thuốc chủ yếu để điều trị tăng huyết áp:
1. Nhóm chẹn beta giao cảm: metoprolol, bisoprolol… Nhóm thuốc này có tác động chủ yếu là làm chậm nhịp tim và giảm sức co bóp cơ tim, do đó giúp giảm huyết áp. Thường phải dùng bắt đầu từ liều thấp, tăng dần
2. Nhóm chẹn kênh canxi: amlodipine, nifedipin, felodipin…Nhóm này ngăn không cho canxi vào trong cơ tim nên làm giảm sức co bóp cơ tim nên giảm huyết áp. Ngoài ra nhóm này còn có tác động giãn mạch máu nên cũng giảm huyết áp. Nhóm thuốc này có thể gây tác dụng phụ là phù chân, nhịp nhanh phản ứng. Không được dùng Nifedipin nhỏ dưới lưỡi vì có thể gây tụt huyết áp
3. Nhóm ức chế men chuyển angiotensin (ACEI): Angiotensin là một chất gây co mạch. Nhóm thuốc này ức chế sự tạo thành angiotensin nên giúp hạ huyết áp. Nhóm này thường hạ áp êm dịu, tuy nhiên có thể gây ho khan, đây là tác dụng phụ phổ biến của nhóm ức chế men chuyển. Nhóm này có captopril, enalapril, perindopril, lisinopril…
4. Nhóm ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): Nếu như nhóm ức chế men chuyển angiotensin ngăn không cho tạo thành angiotensin thì nhóm này sẽ ức chế sự gắn kết của angiotensin vào thụ thể, do đó cũng sẽ giúp giãn mạch, hạ huyết áp. Ức chế thụ thể thì không gây ho nhưng giá thành cao. Hiệu quả hạ áp thì nhìn chung tương đương nhóm ức chế men chuyển. Nhóm này có losartan, valsartan, telmisartan, irbesartan….
5. Thuốc lợi tiểu: Nồng độ natri trong máu cao làm cho dịch tích tụ nhiều trong cơ thể sẽ gây tăng huyết áp. Thuốc lợi tiểu đào thải natri, giảm lượng dịch trong cơ thể nên làm hạ huyết áp. Có nhiều nhóm thuốc lợi tiểu nhưng thường dùng lợi tiểu thiazide. Tác dụng phụ là có thể gây rối loạn điện giải và chuyển hóa.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân tăng huyết áp đã có biến chứng ở các cơ quan đích như tim, thận, não, mắt...thì bác sĩ sẽ điều trị các biến chứng này song song với kiểm soát huyết áp.
PHÒNG NGỪA BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP
Chế độ ăn: giảm muối, nhiều rau xanh, ít mỡ động vật thay bằng dầu thực vật
Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần
Bỏ thuốc lá, thuốc lào
Giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5-22,9 kg/m2
Duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ
Hạn chế uống rượu bia
Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, thư giãn nghỉ ngơi hợp lí
Ban Biên tập Y Khoa Online
-----------------------------------------------
Nguồn:
https://www.healthline.com/health/high-blood-pressure-hypertension. Truy cập ngày 28/4/2020
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20373410. Truy cập ngày 28/4/2020
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7