Parkinson
1. Bệnh Parkinson là gì?
Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến trên 1% số người trên 50 tuổi. Tỷ lệ mắc tương đương giữa nam và nữ. Mọi chủng tộc đều có tỷ lệ mắc bệnh như nhau. Bệnh Parkinson là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, tiến triển nặng dần lên. Tuy nhiên việc điều trị đúng sẽ giúp người bệnh có những khoảng thời gian dễ chịu, các triệu chứng được cải thiện và người bệnh có thể làm việc, tự chăm sóc bản thân vv.. trong một thời gian dài (khoảng 10 năm)
Đặc điểm chủ yếu của bệnh Parkinson là tổn thương hệ thống dopamine của đường liềm đen- thể vân tại não. Dopamine là một chất dẫn truyền trung gian hóa học giữa các tế bào thần kinh.
Khi dopamine bị giảm sẽ dẫn đến các triệu chứng bệnh Parkinson. Các thuốc điều trị chính là nhằm bù lại lượng dopamine còn thiếu. Vì vậy việc điều trị của bệnh nhân là liên tục, suốt đời.
Parkinson được chia ra làm 2 nhóm đó là: Bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson. Bệnh Parkinson thường đáp ứng tốt với điều trị và nguyên nhân được nghĩ tới là do thoái hóa não vùng liềm đen. Còn hội chứng Parkinson đáp ứng chậm với điều trị và thường xảy ra sau các bệnh gây tổn thương não như: Teo hệ thống nhiều nơi, liệt trên nhân tiến triển, do dùng thuốc, sau tai biến mạch máu não, run vô căn ...
2. Triệu chứng bệnh Parkinson
Giai đoạn đầu các triệu chứng lâm sàng thường kín đáo. Người bệnh mệt mỏi, có cảm giác cứng lưng, cổ, vai, háng. Cột sống và các chi có xu hướng gấp, kém mềm mại, các động tác bị chậm lại. Khi đi, cánh tay ít hoặc không đung đưa theo nhịp bước. Dần dần, bước đi ngắn lại. Tần số chớp mắt cũng giảm đi. Khe mi có vẻ rộng ra tạo cảm giác người bệnh luôn nhìn “chăm chú”. Nếu gõ vào gốc mũi, người bệnh mất khả năng ức chế nháy mắt gây hiện tượng rung giật mi mắt.
Dáng đi của bệnh nhân Parkinson. Ảnh: www.theconversation.com
Khi bệnh biểu hiện rõ, người bệnh có các triệu chứng sau:
- Run khi nghỉ: Xuất hiện khi các cơn run ở trạng thái nghỉ. Dấu hiệu này biến mất khi vận động, khi ngủ. Run tăng lên khi xúc động, tập trung. Run của bệnh Parkinson có đặc điểm đều đặn, bốn chu kỳ/giây. Run thường xuất hiện ở các ngón tay, gây ra động tác như “vê thuốc lào hoặc đếm tiền”. Run có thể gặp ở chi dưới, miệng hoặc vùng đầu.
- Giảm động: Là triệu chứng cơ bản và xuất hiện sớm ở bệnh nhân Parkinson. Các động tác khởi đầu chậm chạp. Tốc độ thực hiện các động tác chậm (bradykinesia) và giảm biên độ của các động tác (hypokinesia) làm động tác trở nên nghèo nàn. Hiện tượng bất động thấy rõ ở chi trên. Giảm động có thể gặp ở các loại hình vận động: Dáng đi, nét mặt, lời nói.
- Tăng trương lực cơ: Ngoại tháp gây ra hiện tượng “cứng kiểu ống chì hay uốn sáp”. Khi vận động thụ động, dấu hiệu cứng thường kèm dấu hiệu “bánh xe răng cưa”: khi làm động tác duỗi, thầy thuốc cảm nhận hiện tượng duỗi xảy ra từng nấc chứ không liên tục.
- Ngoài ra khi ở giai đoạn muộn, người bệnh còn gặp các triệu chứng: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn tiểu tiện, rối loạn tâm thần như hoang tưởng ảo giác, trầm cảm vv...Bệnh lúc đầu thường biểu hiện ở một bên sau khoảng 03 năm, các triệu chứng sẽ xuất hiện sang bên đối diện.
3. Phân loại bệnh
Phân giai đoạn bệnh Parkinson theo thang Hoehn và Yahr
Giai đoạn 0: Không có triệu chứng
Giai đoạn 1: Biểu hiện tổn thương một bên
Giai đoạn 1.5: Biểu hiện tổn thương một bên, kèm lệch trục
Giai đoạn 2: Thương tổn cả hai bên, nhưng chưa có rối loạn thăng bằng
Giai đoạn 2.5: thương tổn hai bên, mức độ nhẹ, vẫn có thể tự lấy lại thăng bằng trong nghiệm pháp đẩy
Giai đoạn 3: Tổn thương hai bên, từ nhẹ đến vừa, có một vài rối loạn về tư thế dáng bộ, sinh hoạt vẫn bình thường
Giai đoạn 4: Bị tàn phế nặng, tuy nhiên vẫn có thể đi lại được hay đứng dậy không cần sự giúp đỡ
Giai đoạn 5: Phải sử dụng xe lăn hoặc nằm liệt giường nếu không có người giúp đỡ
4. Điều trị bệnh Parkinson
4.1 Điều trị bằng thuốc
Các nhóm thuốc điều trị bệnh Parkinson đang được lưu hành
- Các chế phẩm của L-dopa là thuốc có tác dụng thay thế trực tiếp sự thiếu hụt dopamine: madopar, modopa, sinemet
- Các thuốc đồng vận dopamine: ronipiron (requip), peribidil (trivastal), pramipexole (sifrol), apomorphin (apokinon), bromocriptin (parlodel)
- Thuốc ức chế dị hóa dopamine: ức chế MAO-B (séligiline, rasagiline), ức chế COMT (entacapone, tolcapone)
- Thuốc kháng tiết cholin (Artane, trihex)
4.2 Điều trị phẫu thuật
- Phẫu thuật định vị: Phương pháp phá hủy cầu nhạt hoặc nhân VOA hoặc nhâm VIM của đồi thị ngày càng cho kết quả khả quan.
- Kích thích điện vùng liềm đen-thể vân: Cấy điện cực vào vùng nhân VIM và xung kích thích được điều khiển bằng máy tạo nhịp.
- Ghép mô thần kinh: Phương pháp này hiện chưa được ứng dụng rộng rãi. Một số trường hợp liệt trên nhân tiến triển và hội chứng teo đa hệ được sử dụng phương pháp này nhưng thất bại.
4.3 Phục hồi chức năng
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống. Các biện pháp phục hồi chức năng cần được thực hiện song hành với điều trị thuốc để khắc phục những tàn tật do bệnh gây nên.
5. Chăm sóc bệnh nhân Parkinson
Trước hết chúng ta cần hiểu rằng Parkinson là một bệnh điều trị cả đời, tiến triển chậm và nặng dần lên. Vì vậy chiến lược điều trị không phải chúng ta dùng thuốc đạt đến sự dễ chịu và hoàn hảo ngay cho người bệnh.Liều điều trị cần phải được bác sĩ thăm dò từ từ, tùy theo từng người bệnh sao cho đạt được 2 mục tiêu là: Liều dùng là thấp nhất mà người bệnh vẫn có thể tự lao động và sinh hoạt cá nhân được. Ví dụ như: Người bệnh có thể tự đi lại một mình, trao đổi nói chuyện với người khác, nhưng không nhất thiết người bệnh phải đi thật nhanh, thao tác phải thật linh hoạt, ăn nhanh, nói nhanh... Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta lên được 1 kế hoạch điều trị lâu dài, bền vững cho người bệnh. Tránh được sự kỳ vọng quá lớn vào các phương pháp điều trị dẫn đến người bệnh khi không đạt được sự hoàn hảo sẽ chán nản, trầm cảm, bỏ thuốc.
Gia đình có thể nhận biết được các dấu hiệu nặng lên của bệnh như:Vẻ mặt bớt linh hoạt hơn, cứng hơn, run hơn, đi lại chậm chạp hơn hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng loạn thần, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tiểu tiện.... Khi có dấu hiệu nặng lên gia đình nên cho bệnh nhân khám lại để bác sĩ điều chỉnh thuốc.
Gia đình nên giữ đơn thuốc cẩn thận, và luôn mang theo khi đến khám để bác sĩ biết rõ liều thuốc bệnh nhân đang dùng.
Động viên bệnh nhân tập thể dục đều đặn, nên chọn các bài tập chậm, mang tính mềm dẻo.
Phòng tránh ngã cho người bệnh như: Nền nhà không mấp mô, không có nhiều bậc lên xuống, lát gạch chống trơn, không để nước rớt ra sàn đặc biệt khi vào nhà tắm mà sàn nhà ướt, hoặc có xà phòng nên có người hỗ trợ bệnh nhân. Bệnh Parkinson không giết chết bệnh nhân. Nhưng nếu để bệnh nhân: nuốt sặc dẫn đến nghẹt thở và viêm phổi, hoặc ngã và gãy xương hoặc đập vào đầu. Nhưng điều đó có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Phòng tránh táo bón: Khi dùng thuốc parkinson bệnh nhân thường hay bị táo bón, khô miệng vì vậy bệnh nhân nên uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ, xoa bụng hàng ngày và đi vệ sinh vào một giờ nhất định để tạo thói quen.
Luôn gần gũi và trò chuyện với bệnh nhân, khuyến khích bệnh nhân đọc sách để tránh trầm cảm và suy giảm trí nhớ nhanh
Chế độ ăn tùy thuộc vào bệnh nền của bệnh nhân, Bệnh nhân được khuyến cáo ăn nhiều hoa quả, đặc biệt là chuối (nếu bệnh nền không chống chỉ định ).
Bác sĩ CKII Phạm Thị Sơn
Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
------------------------
Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/tong-quan-ve-benh-parkinson/?link_type=related_posts. Truy cập ngày 9/9/2021
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7