Hen phế quản

02/08/2019 12:00 GMT+7

Hen phế quản là gì?

Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính của phế quản gây nên phù và hẹp đường thở. Kết quả là khó thở. Hiện tượng hẹp phế quản thường hồi phục hoàn toàn hoặc ít nhất một phần với điều trị.

Các phế quản bị viêm mạn tính trở nên dễ nhạy cảm với các tác nhân gây dị ứng (đặc hiệu) hoặc những tác nhân kích thích (không đặc hiệu). Đường hô hấp trở nên "bối rối" và vẫn ở trong trạng thái nhạy cảm cao. Hiện tượng này được gọi là "phản ứng quá mức của phế quản" (BHR-Bronchial Hyperreactivity). Những người bị hen phế quản hoặc dị ứng thì thường có hiện tượng phản ứng quá mức của phế quản mạnh hơn so với những người không bị hen phế quản hoặc không bị dị ứng. Ở những người nhạy cảm, phế quản dễ bị phù (sưng) và hẹp khi tiếp xúc với các tác nhân như chất gây dị ứng, khói thuốc lá, hoặc tập thể dục. Trong số những người bị hen phế quản thì một số người có phản ứng quá mức của phế quản ở mức độ nhẹ và không có triệu chứng trong khi một số khác thì có phản ứng quá mức của phế quản ở mức độ nặng và có các triệu chứng mạn tính.

Thế nào là phế quản bình thường?

Trước khi đánh giá hen phế quản ảnh hưởng như thế nào lên đường hô hấp thì chúng ta cần xem qua cấu trúc và chức năng của phế quản bình thường.

Không khí chúng ta thở qua mũi, miệng để vào thanh quản rồi vào khí quản. Không khí sau đó vào phổi bằng một trong hai phế quản chính (mỗi phổi có một phế quản chính). Phế quản tiếp tục phân nhánh trong phổi thành những ống nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa được gọi là tiểu phế quản. Không khí hít vào sẽ đi qua hệ thống các khí đạo (đường thở) này để đến hàng triệu túi khí nhỏ trong phổi được gọi là phế nang. Ôxy (O2) từ phế nang vào dòng máu thông qua hệ thống mạch máu rất nhỏ được gọi là mao mạch. Tương tự, các sản phẩm phế thải của cơ thể như khí carbonic (CO2) sẽ từ dòng máu vào trong phế nang và từ đó sẽ được thở ra ngoài.

Các phế quản bình thường cho phép không khí đi vào và đi ra phổi thật nhanh chóng, giúp đảm bảo nồng độ O2 và CO2 ổn định trong máu. Thành của các phế quản được bao quanh bởi lớp cơ trơn có thể co và dãn một cách tự động khi chúng ta thở. Sự co thắt và dãn nỡ của các phế quản được điều khiển bởi hai hệ thần kinh khác nhau, cùng hòa hợp hoạt động để giúp cho đường thở luôn mở.

Lớp lót bên trong của phế quản còn được gọi là lớp niêm mạc, nó chứa: (1) tuyến nhầy (tiết ra đủ chất nhầy để giúp bôi trơn đường thở); (2) các tế bào viêm như tế bào mast, tế bào lympho, bạch cầu ái toan. Các tế bào này giúp bảo vệ niêm mạc của phế quản đối với vi khuẩn, tác nhân dị ứng, chất kích thích khi được hít vào bên trong, và các tế bào này có thể làm cho mô phế quản bị sưng phù. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng các các tế bào viêm này đóng vai trò rất quan trọng trong phản ứng dị ứng.

Hen phế quản ảnh hưởng đến sự hô hấp như thế nào?

Hen phế quản làm hẹp đường thở, và ảnh hưởng đến việc di chuyển không khí vào và ra phổi. Hen phế quản chỉ ảnh hưởng đến phế quản mà không ảnh hưởng đến phế nang và mô phổi. Hiện tượng chích hẹp phế quản là do ba yếu tố chính: viêm, co thắt phế quản và phản ứng quá mức.

  • Viêm: Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của hẹp lòng phế quản là hiện tượng viêm. Phế quản sẽ bị đỏ, kích thích, phù. Phản ứng viêm xuất hiện là để đáp ứng đối với sự hiện diện của các tác nhân dị ứng hoặc chất kích thích. Phản ứng viêm là do tác động của các hóa chất trung gian như histamine, leukotrienes, và các chất khác. Các mô bị viêm sẽ tiết ra quá mức các chất nhầy vào trong lòng phế quản. Các chất nhầy sẽ kết hợp với nhau để tạo thành những nút nhầy có thể làm nghẹt các phế quản nhỏ (tiểu phế quản). Các tế bào viêm sẽ đến tích tụ và làm tổn thương mô tế bào. Các tế bào bị tổn thương sau đó sẽ bị bong tróc vào bên trong và góp phần gây nên hiện tượng hẹp đường thở.
  • Co thắt phế quản: Cơ bao bọc xung quanh phế quản bị co thắt trong cơn hen phế quản. Hiện tượng co thắt các cơ ở đường thở được gọi là co thắt phế quản. Hiện tượng co thắt phế quản làm cho đường thở càng bị hẹp hơn. Các hóa chất trung gian và dây thần kinh đã làm cho các cơ này co thắt lại.
  • Phản ứng quá mức (Quá mẫn cảm): Ở bệnh nhân bị hen phế quản, đường thở bị co thắt và viêm mạn tính trở nên nhạy cảm hơn, phản ứng mạnh hơn đối với các tác nhân gây dị ứng, chất kích thích, nhiễm trùng. Việc tiếp xúc với các tác nhân này có thể làm cho đường thở bị viêm và hẹp nhiều hơn.

Sự phối hợp của các yếu tố trên gây nên hiện tượng khó thở ở thì thở ra. Kết quả là không khí cần phải được thở ra thật mạnh để có thể đi qua chổ hẹp, do đó tạo nên tiếng khò khè hay tiếng rít.. Người bị hen phế quản thường bị ho để có thể tống các nút nhầy trong phế quản ra ngoài. Sự suy giảm lưu thông không khí làm cho ít ôxy đi vào trong máu, và nếu nặng thì có thể khí carbonic (CO2) sẽ tích tụ nguy hiểm trong máu.

Tầm quan trọng của hiện tượng viêm?

Viêm hay phù là một đáp ứng bình thường của cơ thể đối với hiện tượng chấn thương hoặc nhiễm trùng. Dòng máu và các tế bào viêm đổ dồn về vùng đang bị ảnh hưởng. Quá trình chữa lành vết thương bắt đầu. Khi quá trình chữa lành vết thương hoàn tất thì phản ứng viêm sẽ lắng xuống. Đôi khi quá trình chữa lành vết thương gây nên sẹo. Tuy nhiên, vấn đề trung tâm trong hen phế quản là quá trình viêm không thể tự nó giải quyết được vấn đề. Trong khoảng thời gian ngắn thì nó sẽ gây ra các cơn hen phế quản tái diễn. Về lâu dài thì quá trình viêm có thể làm cho thành phế quản bị dầy lên và được gọi là hiện tượng tái cấu trúc phế quản. Nếu điều này xuất hiện thì hiện tượng hẹp lòng phế quản sẽ trở nên không hồi phục và kém đáp ứng với thuốc. Do đó, mục đích điều trị hen phế quản là: (1) Về ngắn hạn là kiểm soát hiện tượng viêm để làm giảm phản ứng của phế quản và (2) Về lâu dài là ngăn chặn hiện tượng tái cấu trúc ở phế quản.

Tác nhân kích thích nào gây nên cơn hen phế quản?

Các triệu chứng của hen phế quản có thể được kích hoạt và trở nên nặng nề hơn bởi nhiều tác nhân. Không phải tất cả những người bị hen phế quản đều bị phản ứng với cùng một tác nhân. Ngoài ra, ảnh hưởng của các tác nhân này lên phổi cũng khác nhau ở mỗi người. Nói chung, độ nặng của các triệu chứng hen phế quản phụ thuộc vào việc có bao nhiêu tác nhân kích hoạt nên các triệu chứng và phổi của bạn nhạy cảm như thế nào đối với chúng.

Các tác nhân có thể được chia làm 2 nhóm:

  • Tác nhân dị ứng: Loại tác nhân này là đặc hiệu
  • Không phải tác nhân dị ứng -hầu hết là tác nhân kích thích: Loại tác nhân này là không đặc hiệu

Một khi phế quản (hay mũi và mắt) bị viêm do tiếp xúc với tác nhân dị ứng thì việc tái tiếp xúc với những tác nhân dị ứng này thường gây nên các triệu chứng. Và những phế quản phản úng quá mức này cũng có thể đáp ứng với những tác nhân kích thích khác như tập thể dục, nhiễm trùng... Sau đây là liệt kê 2 loại tác nhân thường gặp:

Khoảng 80% trẻ em và 50% người lớn bị hen phế quản đều có dị ứng.

Việc có nhiều tác nhân tiềm ẩn giải thích vì sao hen phế quản có thể khởi phát theo nhiều cách khác nhau. Nhưng trong đa số các trường hợp thì nó thường khởi phát trong độ tuổi từ 2 đến 6. Trong độ tuổi này thì thì hen phế quản thường có liên quan đến việc tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi, khói thuốc và nhiễm siêu vi đường hô hấp. Ở những trẻ dưới 2 tuổi thì khó chẩn đoán hen phế quản một cách chắc chắn. Thở khò khè ở độ tuổi này có thể theo sau tình trạng nhiễm siêu vi đường hô hấp và thường biến mất sau đó mà không dẫn đến bệnh hen phế quản. Tuy nhiên hen phế quản có thể khởi phát trở lại vào độ tuổi trưởng thành. Hen phế quản khởi phát ở người lớn thì thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn, hầu hết vào độ tuổi trung niên và thường theo sau một tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Tác nhân kích thích đối với nhóm này về bản chất là thường không phải do dị ứng.

  • Tác nhân dị ứng:
    • Phấn hoa theo mùa
    • Bụi, nấm mốc, vật nuôi, các thành phần của côn trùng
    • Thực phẩm như cá, trứng, đậu phộng, sữa bò, đậu nành
    • Các chất phụ gia như sulfite
    • Các tác nhân có liên quan đến công việc như chất latex
  • Tác nhân kích thích:
    • Nhiễm trùng hô hấp: chẳng hạn như cảm cúm, viêm phế quản, viêm xoang
    • Thuốc: Như aspirin, các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) khác, thuốc ức chế thụ thể beta (thường được dùng để điều trị cao huyết áp và một số bệnh tim)
    • Hút thuốc lá
    • Các yếu tố ngoài môi trường như khói, thay đổi thời tiết, mùi diesel
    • Các yếu tố trong nhà như nước sơn, bột giặt, khử mùi, hóa chất, nước hoa
    • Ban đêm
    • Bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản (GERD)
    • Tập thể dục: ví dụ như trong điều kiện lạnh và khô
    • Các yếu tố liên quan đến công việc như hóa chất, bụi, gas, kim loại
    • Các yếu tố cảm xúc: cười, khóc, hò hét, đau buồn...
    • Các yếu tố liên quan đến nội tiết tố (hormon): VD như hội chứng tiền mãn kinh

Hen phế quản do dị ứng (ngoại lai) và hen phế quản không do dị ứng (nội tại) là gì?

Bác sĩ có thể đề cập đến hen phế quản là "ngoại lai" hay "nội tại". Việc hiểu rõ hơn về bản chất của hen phế quản có thể giúp giải thích về sự khác biệt giữa chúng.

  • Hen phế quản "ngoại lai" (do dị ứng) thì phổ biến hơn (90%) và thường khởi phát khi còn là trẻ con. Có 80% trong số trẻ em bị hen phế quản được ghi nhận là có hiện tượng dị ứng. Tiền sử gia đình có người bị dị ứng và những trẻ này thường có thêm các dị ứng ở nơi khác như dị ứng mũi, chàm. Hen phế quản do dị ứng thường thuyên giảm khi bắt đầu đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, có khoảng 75% trường hợp thì hen phế quản xuất hiện trở lại.
  • Hen phế quản "nội tại"(không do dị ứng) chiếm khoảng 10% trường hợp, thường khởi phát sau 30 tuổi và không có liên quan đến dị ứng. Loại này liên quan đến phụ nữ nhiều hơn và trong nhiều trường hợp thường theo sau tình trạng nhiễm trùng hô hấp. Loại hen phế quản này thường khó điều trị, các triệu chứng diễn tiến mạn tính và xuất hiện quanh năm.

Các triệu chứng điển hình của hen phế quản là gì?

Các triệu chứng của hen phế quản thì biểu hiện khác nhau ở mỗi người và trên cùng một người chúng cũng biểu hiện khác nhau tùy theo từng thời điểm. Điều quan trọng cần nhớ là phần nhiều trong số các triệu chứng này thì chỉ biểu hiện phảng phất và có thể tương tự với các bệnh lý khác. Tất cả các triệu chứng được đề cập dưới đây có thể gặp ở các bệnh lý hô hấp và thỉnh thoảng có thể gặp ở những bệnh lý tại tim.

Sau đây là 4 triệu chứng thường thấy nhất:

  • Thở nhanh (Thở ngắn): Đặc biệt là có kèm gắng sức hoặc vào buổi tối.
  • Thở khò khè: nghe có tiếng rít khi thở ra
  • Ho: Có thể kéo dài, thường nhiều vào ban đêm và sáng sớm, có thể xuất hiện sau khi tập thể dục, hoặc khi tiếp xúc với không khí lạnh và khô.
  • Nặng ngực: Có thể xuất hiện đi kèm hoặc không đi kèm với các triệu chứng trên.

Hen phế quản được phân loại dựa vào tần suất và độ nặng của triệu chứng, hay của cơn hen phế quản, và dựa vào kết quả xét nghiệm chức năng phổi:

  • 30% bệnh nhân có các triệu chứng hen phế quản ở mức độ nhẹ, không liên tục (ít hơn 2 đợt hen trong một tuần) và những xét nghiệm về chức năng thở bình thường.
  • 30% bệnh nhân có các triệu chứng hen phế quản ở mức độ nhẹ, dai dẳng (2 đợt hay nhiều hơn trong một tuần) và chức năng thở bình thường hoặc bất thường.
  • 40% bệnh nhân có các triệu chứng hen phế quản ở mức độ từ trung bình đến nặng, dai dẳng (mỗi ngày hoặc liên tục) và chức năng thở bất thường.

Cơn hen phế quản cấp tính là gì?

Cơn hen phế quản cấp tính (hay đột ngột) thường do tiếp xúc với các tác nhân dị ứng hoặc nhiễm trùng hô hấp trên. Độ nặng của cơn hen tùy thuộc vào việc cơn hen của bạn được kiểm soát tốt như thế nào (điều này phản ánh tình trạng viêm đường hô hấp được kiểm soát tốt như thế nào). Cơn hen phế quản cấp tính có thể đe dọa mạng sống bởi vì nó có thể tiếp tục diễn tiến dù cho có sử dụng thuốc tác dụng nhanh (thuốc dãn phế quản dạng hít). Hen phế quản không đáp ứng với điều trị bằng đường hít thì nên được theo dõi chặt chẽ tại phòng cấp cứu của bệnh viện. Các cơn hen phế quản không tự dừng lại khi không được điều trị. Nếu bạn bỏ qua các triệu chứng cảnh báo sớm (tiền triệu) thì có nghĩa là bạn tự đặt mình vào nguy cơ bị khởi phát "trạng thái suyễn" (status asthmaticus).

Các cơn hen phế quản kéo dài không đáp ứng điều trị với thuốc dãn phế quản là một cấp cứu nội khoa. Bác sĩ lâm sàng gọi các cơn hen nặng này là "trạng thái suyễn" và cần được săn sóc khẩn cấp.

Các triệu chứng của hen phế quản nặng là:

  • Ho dai dẳng
  • Không có khả năng nói thành câu hoàn chỉnh
  • Không thể đi bộ mà không bị thở nhanh.
  • Ngực cảm thấy bị bóp chặt
  • Môi có thể xanh tái
  • Cảm thấy hồi hộp, không có khả năng tập trung.
  • Bạn có thể khom vai, ngồi hoặc đứng để có thể thở dễ dàng hơn.
  • Các cơ vùng bụng và cổ co kéo. Đây là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy hô hấp.

Vào thời điểm này thì các thuốc dãn phế quản đường hít khó có thể giúp hồi phục. Thông khí cơ học (thở máy) có thể cần thiết để trợ giúp cho các cơ hô hấp. Có thể điều trị bằng mặt nạ dưỡng khí hoặc đặt ống nội khí quản qua đường miệng hoặc mũi. Việc trợ giúp hô hấp này chỉ là tạm thời và được sẽ được tháo bỏ một khi cơn hen dịu đi và phổi hồi phục đầy đủ để có thể tiếp tục thực hiện chức năng hô hấp của nó. Việc nằm viện ngắn hạn trong khoa săn sóc tăng cường có thể là hậu quả của một cơn hen nặng mà không được điều trị kịp thời. Để tránh những trường hợp nhập viện như thế, tốt nhất là khi triệu chứng khởi phát thì bắt đầu điều trị ngay lập tức tại nhà hoặc tại phòng mạch bác sĩ.

Sự xuất hiện các triệu chứng ho và thở khò khè không phải là một tiêu chuẩn đáng tin cậy để đánh giá độ nặng của cơn hen phế quản. Những cơn hen rất nặng có thể gây tắc nghẽn đường thở làm cho không khí không thể đi vào hay ra khỏi phổi và do đó không tạo nên tiếng thở khò khè hay ho.

Những thuốc nào được dùng để điều trị hen phế quản?

Hầu hết các thuốc điều trị hen phế quản có tác động chủ yếu là giảm sự co thắt phế quản (thuốc dãn phế quản) hoặc giảm viêm (thuốc corticosteroids). Trong điều trị hen phế quản, các thuốc dạng hít nhìn chung được ưa chuộng hơn so với các thuốc dạng viên nén hoặc dạng lỏng được uống qua đường miệng. Các thuốc dạng hít tác động trực tiếp lên bề mặt và cơ của đường hô hấp, nơi mà các triệu chứng của hen phế quản bắt đầu. Sự hấp thu của các thuốc dạng hít vào các nơi khác của cơ thể là rất ít. Do đó các tác dụng phụ ít gặp hơn so với các thuốc dạng uống.

Các thuốc dạng hít bao gồm:

  • Thuốc đồng vận thụ thể beta-2 (beta-2 agonist)
  • Thuốc kháng hệ cholinergic (thuốc anticholinergic)
  • Corticosteroids
  • Cromolyn sodium

Các thuốc dạng uống bao gồm:

  • Aminophylline
  • Thuốc đối vận leukotriene (leukotriene antagonist)
  • Viên nén corticosteroids

Trước đây, một trong những thuốc được sử dụng để điều trị hen phế quản là adrenaline (epinephrine). Adrenaline có cơ chế tác động nhanh trong việc mở rộng đường thở (tác dụng dãn phế quản). Nó vẫn còn được sử dụng trong các tình trạng cấp cứu của hen phế quản. Thật không may là adrenaline có nhiều tác dụng phụ như nhịp tim nhanh, nhức đầu, buồn nôn, nôn, bồn chồn, hoảng loạn.

Có nhiều thuốc về mặt hóa học tương tự với adrenaline đã được bào chế. Những thuốc này được gọi là đồng vận beta-2 có tác dụng làm dãn phế quản như adrenaline nhưng không có nhiều tác dụng phụ. Thuốc đồng vận beta-2 là thuốc dãn phế quản dạng hít. Được gọi là "đồng vận" bởi vì chúng thúc đẩy những tác động của thụ thể beta-2 ở các cơ thành phế quản. Các thụ thể này có tác động làm dãn các cơ ở thành phế quản, kết quả là làm dãn phế quản. Tác động làm dãn phế quản của thuốc đồng vận beta-2 này bắt đầu trong vòng vài phút sau khi hít và kéo dài khoảng 4 giờ. Các ví dụ cho nhóm thuốc này là albuterol (Ventolin, Proventil), metaproterenol (Alupent), pirbuterol acetate (Maxair) và terbutaline sulfate (Brethaire).

Các thuốc đồng vận beta-2 tác dụng kéo dài đã được bào chế với thời gian tác dụng liên tục trong 12 giờ. Các thuốc dạng hít này được sử dụng 2 lần một ngày. Ví dụ cho nhóm thuốc đồng vận beta-2 tác dụng kéo dài này là salmeterol xinafoate (Serevent). Các thuốc nhóm này thường không được sử dụng cho các cơn hen cấp tính và chúng có một số tác dụng phụ như lo lắng, rung, hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, hạ kali máu.

Do các thuốc đồng vận beta-2 có thể làm dãn phế quản trong khi các thuốc chẹn thụ thể beta có thể làm suy giảm sự dãn cơ ở phế quản thông qua thụ thể beta-2 và có thể làm co thắt phế quản và tình trạng hen phế quản nặng nề hơn. Do đó, nhóm thuốc chẹn beta như các thuốc điều trị cao huyết áp propanolol (Inderal) và atenolol (Tenormin) nên tránh dùng cho bệnh nhân hen phế quản.

Các thuốc kháng hệ cholinergic (thuốc anticholinergic) tác động vào loại dây thần kinh khác so với nhóm thuốc đồng vận beta-2 để đạt được hiệu quả dãn phế quản. Hai nhóm thuốc dãn phế quản dạng hít khi được sử dụng cùng nhau có thể cho hiệu quả dãn phế quản mạnh hơn. Thuốc nhóm này thường được sử dụng là ipratropium bromide (Atrovent). Ipratropium có thời gian bắt đầu tác dụng lâu hơn nhóm đồng vận beta-2, với đỉnh tác dụng xuất hiện vào khoảng 2 giờ sau khi sử dụng và kéo dài 6 giờ. Nhóm thuốc kháng cholinergic này có thể hữu ích cho những bệnh nhân bị khí phế thủng.

Khi các triệu chứng của hen phế quản khó kiểm soát bằng thuốc đồng vận beta-2 thì corticosteroids (Cortisone) thường được thêm vào. Corticosteroid có thể cải thiện chức năng phổi và làm giảm hiện tượng tắc nghẽn của phế quản. Các thuốc nhóm này bao gồm beclomethasone dipropionate (Beclovent, Beconase, Vancenase, Vanceril), triamcinolone acetonide (Azmacort) và flunisolide (Aerobid). Liều lý tưởng cho các thuốc corticosteroid này chưa rõ. Các tác dụng phụ của thuốc corticosteroid dạng hít bao gồm khàn tiếng, mất giọng, nhiễm nấm ở vùng miệng. Việc sử dụng sớm các corticosteroid dạng hít có thể giúp ngăn chặn những tổn thương không hồi phục của phế quản.

Cromolyn sodium (Intal) ngăn chặn sự phóng thích các hóa chất trung gian ở phổi như histamine, chất mà có thể gây ra cơn hen. Chính xác là cromolyn tác động như thế nào trong việc ngăn ngừa hen phế quản cần được nghiên cứu thêm. Cromolyn không phải là corticosteroid và không có tác dụng phụ đáng kể. Cromolyn là thuốc có ích trong việc ngăn ngừa hen phế quản nhưng lại có tác dụng hạn chế một khi cơn hen phế quản cấp tính khởi phát. Cromolyn có thể giúp ngăn ngừa cơn hen phế quản bị kích thích bởi tập thể dục, không khí lạnh, các tác nhân dị ứng như lông mèo. Cromolyn có thể được sử dụng ở trẻ em cũng như người lớn.

Theophylline (Theodur, Theoair, Slo-bid, Uniphyl, Theo-24), aminophylline là những ví dụ của nhóm thuốc methylxanthines. Methylxanthines có thể được sử dụng bằng đường uống và tiêm tĩnh mạch. Trước khi các thuốc dạng hít trở nên phổ biến thì methylxanthines chính là "trụ cột" trong điều trị hen phế quản. Chất caffeine có trong cafe thông thường và các loại nước giải khát cũng là một thuốc methylxanthine. Theophylline làm dãn cơ phế quản và ngăn ngừa các tế bào lót bên trong lòng phế quản (tế bào mast) phóng thích ra các hóa chất trung gian như histamine mà có thể gây ra cơn hen phế quản. Theophylline có thể hoạt động như một thuốc lợi tiểu nhẹ và làm gia tăng sự tiểu tiện. Đối với hen phế quản khó kiểm soát thì methylxanthines vẫn còn đóng một vai trò quan trọng. Liều lượng sử dụng theophylline hay aminophylline được theo dõi chặt chẽ. Nếu sử dụng liều quá mức có thể gây buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim và thậm chí co giật. Trong một số trường hợp như suy tim hoặc xơ gan thì liều lượng của methylxanthines thường thấp để tránh nồng độ của nó tăng cao trong máu. Sự tương tác với các thuốc khác như cimetidine (Tagamet), thuốc chẹn kênh canxi (Procardia), quinolones (Cipro), allopurinol (Xyloprim) có thể cũng ảnh hưởng đến nồng độ của thuốc trong máu.

Thuốc corticosteroids đường uống có thể được sử dụng ở những bệnh nhân bị hen phế quản nặng không đáp ứng điều trị với các thuốc khác. Tuy nhiên, corticosteroids liều cao và sử dụng kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như loãng xương, gãy xương, tiểu đường (đái tháo đường), cao huyết áp, mỏng da và dễ bị bầm tím, mất ngủ, thay đổi cảm xúc và tăng cân.

Các thuốc long đờm giúp làm loãng đờm trong đường hô hấp, và từ đó làm cho nó dễ bị tống ra ngoài khi ho. Muối KI (potassium iodide) không được sử dụng phổ biến vì có thể gây nên mụn, tăng tiết nước bọt, phát ban, các vấn đề tuyến giáp. Guaifenesin (Entex, Humibid) có thể gia tăng sự sản xuất các chất dịch giúp làm loãng đờm, nhưng cũng có thể là chất kích thích đối với một số người.

Ngoài việc sử dụng các thuốc dãn phế quản cho những bệnh nhân bị hen phế quản do dị ứng thì việc tránh tiếp xúc với những tác nhân dị ứng hoặc các chất kích thích khác cũng rất quan trọng. Đối với những bệnh nhân không thể tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng hoặc không thể được kiểm soát bằng thuốc thì việc tiêm phòng dị ứng cần được xem xét. Lợi ích của việc tiêm phòng dị ứng (khử mẫn cảm: desensitization) để phòng ngừa hen phế quản vẫn chưa được xác nhận rõ ràng. Một số bác sĩ vẫn còn e ngại về nguy cơ sốc phản vệ có thể xuất hiện với tỷ lệ 1/2.000.000. Tiêm phòng dị ứng mang lại lợi ích nhiều nhất ở trẻ em bị dị ứng với bụi trong nhà. Phương pháp này cũng có lợi đối với các loại dị ứng với phấn hoa và lông thú.

Ở một số bệnh nhân hen phế quản thì việc tránh sử dụng thuốc aspirin hay các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) cũng rất quan trọng. Đây là những thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm khớp. Ở một số bệnh nhân khác thì việc điều trị bệnh lý hồi lưu (trào ngược) dạ dày - thực quản (GERD) cũng có thể giúp ngăn ngừa sự kích thích ở đường hô hấp. Các biện pháp để ngăn ngừa trào ngược vào thực quản là dùng thuốc, giảm cân, thay đổi chế độ ăn, bỏ thuốc lá, cafe và rượu. Ví dụ các thuốc được sử dụng để làm giảm tình trạng này bao gồm omeprazole (Prilosec) và ranitidine (Zantac). Bệnh nhân với bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản nặng có thể gây ảnh hưởng đến phổi và cần được phẩu thuật để củng cố cơ thắt thực quản, và từ đó giúp ngăn ngừa hiện tượng trào ngược acid từ dạ dày vào thực quản.

Tóm tắt về hen phế quản:

  • Hen phế quản là hiện tượng viêm mạn tính ở phế quản, gây ra sưng và hẹp lòng phế quản. Hiện tượng hẹp phế quản thường hồi phục hoàn toàn hoặc ít nhất một phần khi điều trị.
  • Hen phế quản chỉ ảnh hưởng đến phế quản mà không ảnh hưởng đến phế nang hay mô phổi. Hiện tượng hẹp phế quản là do ba yếu tố chính: viêm, co thắt phế quản và phản ứng quá mức.
  • Dị ứng đóng vai trò quan trọng ở một số (không phải tất cả) trường hợp hen phế quản.
  • Nhiều yếu tố có thể thúc đẩy khởi phát cơn hen phế quản. Chúng được phân loại thành tác nhân dị ứng (đặc hiệu) và tác nhân kích thích (không đặc hiệu).
  • Các triệu chứng chính của hen phế quản bao gồm: Thở nhanh, khò khè, ho và nặng ngực.
  • Hen phế quản được chẩn đoán dựa trên sự hiện diện của triệu chứng thở khò khè hay thở rít, và được chẩn đoán xác định dựa vào các xét nghiệm về hơi thở.
  • X quang phổi thường cho kết quả bình thường ở bệnh nhân hen phế quản.
 
Ban Biên tập Y Khoa Online