Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ xảy ra khi chất béo tích tụ trong gan. Có một lượng nhỏ chất béo trong gan là bình thường, nhưng có quá nhiều có thể trở thành đề bệnh lý.
Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể, giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thức ăn và đồ uống và lọc các chất độc hại ra khỏi máu.
Quá nhiều chất béo trong gan có thể gây viêm gan, làm tổn thương gan và tạo sẹo. Trong trường hợp nặng có thể dẫn đến suy gan.
Khi gan nhiễm mỡ khởi phát ở những người uống nhiều rượu, nó được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ do rượu. Ở những người không uống nhiều rượu, thì được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Theo các nhà nghiên cứu trên Tạp chí Tiêu hóa Thế giới, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu chiếm từ 25 - 30% ở Hoa Kỳ và Châu Âu.
Các triệu chứng của gan nhiễm mỡ
Trong nhiều trường hợp, gan nhiễm mỡ không gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Có thể cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hoặc đau bụng vùng phía trên bên phải.
Một số người bệnh gan nhiễm mỡ có thể bị các biến chứng như xơ hóa cấu trúc gan. Nếu bị xơ hóa nặng thì gọi là xơ gan.
Xơ gan có thể gây ra các triệu chứng như:
- Ăn mất ngon
- Sụt cân
- Yếu mệt
- Chảy máu cam
- Ngứa da
- Vàng da và mắt
- Xuất hiện dấu sao mạch (các cụm mạch máu nhỏ giống ngôi sao bên dưới da)
- Đau bụng
- Sưng bụng
- Phù chân
- Ngực to ở nam giới
- Lú lẫn
Xơ gan là một tình trạng có thể đe dọa đến tính mạng.
Dấu sao mạch ở bệnh nhân xơ gan. Ảnh: www.healthjade.net
Nguyên nhân của gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ khởi phát khi cơ thể sản xuất quá nhiều chất béo hoặc không chuyển hóa chất béo đủ hiệu quả. Mỡ thừa được lưu trữ trong các tế bào gan, nơi nó tích tụ và gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.
Sự tích tụ chất béo này có thể do nhiều nguyên nhân.
Ví dụ, uống quá nhiều rượu có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ do rượu. Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh gan liên quan đến rượu.
Ở những người không uống nhiều rượu, nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ ít rõ ràng hơn. Có thể liên quan các yếu tố sau:
- Béo phì
- Đường huyết cao
- Kháng insulin
- Mỡ máu cao, đặc biệt là triglycerides
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm:
- Mang thai
- Giảm cân nhanh chóng
- Một số loại nhiễm trùng như viêm gan C
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như methotrexate, tamoxifen, amiodorone, và axit valproic
- Tiếp xúc với độc chất
Một số gen cũng có thể làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Chẩn đoán gan nhiễm mỡ
Để chẩn đoán gan nhiễm mỡ, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, tiến hành thăm khám và chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm.
1. Tiền sử bệnh: Nếu bác sĩ nghi ngờ trình trạng gan nhiễm mỡ, họ có thể sẽ hỏi những câu hỏi về:
- Tiền sử bệnh gia đình, bao gồm cả tiền sử bệnh gan
- Thói quen uống rượu và các thói quen khác
- Bệnh lý khác đi kèm
- Thuốc đã hoặc đang dùng
- Những thay đổi gần đây về sức khỏe
Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi, chán ăn hoặc các triệu chứng không rõ nguyên nhân, hãy cho bác sĩ biết.
2. Khám lâm sàng
Để kiểm tra tình trạng viêm gan, bác sĩ có thể sờ hoặc ấn vào bụng. Nếu gan to thì bác sĩ có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, nếu gan bị viêm mà không to thì bác sĩ sẽ không cảm thấy gì.
3. Xét nghiệm máu
Nhiều trường hợp bệnh gan nhiễm mỡ được chẩn đoán sau khi xét nghiệm máu thấy men gan tăng cao. Ví dụ, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm alanin aminotransferase (ALT) và xét nghiệm aspartate aminotransferase (AST) để kiểm tra men gan.
Xét nghiệm men gan sẽ được bác sĩ chỉ định nếu có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh gan hoặc có thể là một phần của xét nghiệm máu thường qui.
Men gan tăng cao là biểu hiện của tình trạng gan bị viêm nhiễm. Bệnh gan nhiễm mỡ là một trong những nguyên nhân có thể gây ra viêm gan, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất.
Nếu bạn có kết quả dương tính với men gan cao, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây viêm gan.
4. Chẩn đoán hình ảnh
Bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều phương pháp để kiểm tra tình trạng gan:
- Siêu âm
- Chụp CT
- Chụp MRI
5. Sinh thiết gan
Sinh thiết gan được xem là một trong những cách tốt nhất để chẩn đoán & xác định độ nặng của bệnh gan.
Trong quá trình sinh thiết gan, bác sĩ sẽ dùng kim lấy ra một mẩu mô gan để kiểm tra. Bạn sẽ được gây tê cục bộ không cảm thấy đau.
Xét nghiệm này có thể giúp xác định xem bạn có mắc bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan hay không.
Điều trị gan nhiễm mỡ
Hiện nay, chưa có loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.
Trong nhiều trường hợp, thay đổi lối sống có thể giúp đẩy lùi bệnh gan nhiễm mỡ. Ví dụ, bác sĩ có thể khuyên bạn:
- Hạn chế hoặc tránh rượu
- Thực hiện các bước để giảm cân
- Thay đổi chế độ ăn uống
Nếu có các biến chứng, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị bổ sung. Ví dụ để điều trị xơ gan:
- Thay đổi lối sống
- Thuốc men
- Phẫu thuật
- Xơ gan có thể dẫn đến suy gan. Nếu bị suy gan nặng, có thể cần ghép gan.
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Thay đổi lối sống là phương pháp điều trị đầu tiên đối với bệnh gan nhiễm mỡ, bao gồm:
- Giảm cân
- Giảm uống rượu
- Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng; ít calo dư thừa, ít chất béo bão hòa và transfat
- Tập thể dục ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần
Cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn muốn thử bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm bổ sung nào khác, bởi vì có thể chúng sẽ làm tổn thương gan hoặc gây tương tác với các thuốc mà đang đang dùng.
Chế độ ăn uống cho bệnh gan nhiễm mỡ
Chế độ ăn giàu thực phẩm có nguồn gốc thực vật, bao gồm trái cây, rau, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
Hạn chế sử dụng carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như đồ ngọt, gạo trắng, bánh mì trắng, các sản phẩm ngũ cốc tinh chế khác.
Hạn chế sử dụng chất béo bão hòa có trong thịt đỏ và nhiều sản phẩm động vật khác.
Tránh transfat có trong nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
Tránh uống rượu.
Bác sĩ có thể khuyến khích bạn cắt giảm lượng calo từ chế độ ăn uống để giảm cân.
Các loại bệnh gan nhiễm mỡ
Có hai loại bệnh gan nhiễm mỡ: không do rượu và do rượu.
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): bao gồm gan nhiễm mỡ đơn thuần không do rượu, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) và gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ (AFLP).
- Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD): bao gồm bệnh gan nhiễm mỡ đơn thuần do rượu và viêm gan nhiễm mỡ do rượu (ASH).
1. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) xảy ra khi chất béo tích tụ trong gan của người không uống nhiều rượu. Có 3 loại:
- Gan nhiễm mỡ đơn thuần không do rượu: Nếu không có viêm hoặc các biến chứng khác cùng với sự tích tụ chất béo.
- Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH): Xảy ra khi sự tích tụ chất béo dư thừa trong gan kèm theo tình trạng viêm gan. Khi không được điều trị, có thể gây sẹo cho gan (xơ hóa gan). Lâu dài có thể dẫn đến xơ gan và suy gan.
- Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ (AFLP) là một biến chứng hiếm gặp nhưng nặng của thai kỳ. Nguyên nhân vẫn chưa rõ. Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ thường xuất hiện trong ba tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng cho mẹ và bé. Nếu được chẩn đoán mắc chứng AFLP, bác sĩ sẽ khuyên bạn sinh con càng sớm càng tốt và bạn cần được theo dõi trong vài ngày sau khi sinh.
So với gan bình thường (trái), gan nhiễm mỡ (phải) to ra và đổi màu. Gan nhiễm mỡ không do rượu đơn thuần: chỉ thấy chất béo lắng đọng; Trong bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu: có hiện tượng viêm và xơ hóa. Ảnh: Mayoclinic
2. Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (ALFD)
Uống nhiều rượu bia làm tổn thương gan. Tình trạng gan bị tổn thương không thể phân hủy chất béo, làm cho chất béo tích tụ, được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ do rượu. Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu là giai đoạn sớm nhất của bệnh gan liên quan đến rượu. Có 2 loại:
- Gan nhiễm mỡ do rượu đơn thuần: không có viêm hoặc các biến chứng khác cùng với sự tích tụ chất béo
- Viêm gan nhiễm mỡ do rượu (ASH): Xảy ra khi sự tích tụ chất béo dư thừa trong gan kèm theo tình trạng viêm gan. Nếu không được điều trị, viêm gan nhiễm mỡ do rượu có thể gây xơ gan và dẫn đến suy gan.
Để điều trị gan nhiễm mỡ do rượu, điều quan trọng là phải tránh rượu. Nếu bạn bị nghiện rượu, hoặc rối loạn sử dụng rượu, có thể phải tìm tư vấn để giúp bỏ rượu hoặc đổi sang các phương pháp điều trị khác.
Các yếu tố nguy cơ
Uống nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ bị gan nhiễm mỡ.
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Béo phì
- Đề kháng insulin
- Đái tháo đường typ 2
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Đang mang thai
- Có tiền sử mắc một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm gan C
- Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như methotrexate, tamoxifen, amiodorone và axit valproic
- Rối loạn lipid máu: tăng cholesterol máu, tăng triglyceride
- Hội chứng chuyển hóa
- Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh gan nhiễm mỡ, bạn có nhiều khả năng bị bệnh này hơn.
Các giai đoạn của gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ có thể tiến triển qua bốn giai đoạn:
- Gan nhiễm mỡ đơn thuần: Chỉ có sự tích tụ mỡ thừa trong gan.
- Viêm gan nhiễm mỡ: Ngoài mỡ thừa còn bị viêm gan.
- Xơ hóa: Tình trạng viêm trong gan đã gây ra sẹo.
- Xơ gan: Xơ hóa gan đã trở nên nhiều. Xơ gan là một bệnh lý không hồi phục, có thể gây suy gan và gây nguy hiểm đến tính mạng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải ngăn chặn nó ngay từ đầu.
Phòng ngừa
Để ngăn ngừa gan nhiễm mỡ diễn tiến và gây biến chứng, điều quan trọng là phải tuân theo một lối sống lành mạnh:
- Hạn chế hoặc tránh rượu.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, ít chất béo bão hòa, transfat và carbohydrate tinh chế.
- Thực hiện các bước để kiểm soát lượng đường trong máu, lipid máu (triglyceride và cholesterol).
- Điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ nếu bị bệnh tiểu đường.
- Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần.
Thực hiện các bước này cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.
Ban Biên tập Y Khoa Online
------------------------
Nguồn:
https://www.healthline.com/health/fatty-liver. Truy cập ngày 17/7/2021
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nonalcoholic-fatty-liver-disease/symptoms-causes/syc-20354567. Truy cập ngày 17/7/2021
-
Viêm xoang
21/11/2024 14:48 GMT+7
-
Ung thư
18/11/2024 09:51 GMT+7
-
Viêm mũi xoang
15/11/2024 18:38 GMT+7
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7