Đột quỵ do Rung nhĩ: cách ngăn ngừa hậu quả nặng nề
Hiện nay, trên toàn thế giới có hơn 13,7 triệu trường hợp đột quỵ mới mỗi năm và hầu như 60% các trường hợp đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi. Chính vì thế, đột quỵ không chỉ là nguyên nhân tử vong hàng thứ hai, mà còn là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu tính chung cho mọi độ tuổi ở cả hai giới. Trong đó, 1/3 đột quỵ là do vỡ mạch máu não (xuất huyết não), 2/3 còn lại có nguyên nhân do tắc nghẽn mạch máu não (nhồi máu não). Nhồi máu não có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như xơ vữa các mạch máu nuôi não, tắc nghẽn các mạch máu não nhỏ hay cục máu đông từ tim di chuyển làm tắc các động mạch não (thuyên tắc từ tim) – còn được gọi là rung nhĩ.
Bệnh rung nhĩ là gì?
Rung nhĩ (hay rung tâm nhĩ) là một loại rối loạn nhịp tim. Bệnh xảy ra khi tim có hiện tượng một nhịp tim đập bất thường, hay còn gọi là loạn nhịp. Khi rối loạn nhịp tim, các cơ trông như đang rung thay vì co lại như thông thường.
Ảnh minh họa: Rung nhĩ, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ
Theo thống kê, ít nhất 1 trong 5 trường hợp nhồi máu não là do huyết khối di chuyển từ tim gây tắc động mạch não. Mặc dù chúng ta biết đột quỵ để lại những hệ quả tàn phế khá nặng nề, tuỳ theo vùng nhu mô não bị tổn thương, nhưng đột quỵ do huyết khối di chuyển từ tim là kiểu đột quỵ có tỉ lệ tử vong và mất chức năng cao nhất. Tỉ lệ tử vong do kiểu đột quỵ thuyên tắc huyết khối từ tim cao gấp đôi so với các dạng đột quỵ còn lại. Trong đó, rung nhĩ là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ kiểu thuyên tắc huyết khối này. Tần suất đột quỵ do rung nhĩ tăng gấp ba trong vòng vài thập niên trở lại đây và được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Đột quỵ do rung nhĩ không chỉ nặng nề ở nguy cơ tử vong và tàn phế, mà còn có nguy cơ tái phát cao hơn so với những nguyên nhân gây đột quỵ khác. May mắn là đột quỵ do rung nhĩ là một trong những dạng đột quỵ có thể được phòng ngừa thành công nhất dưa trên việc kiểm soát tốt các bệnh lý hay bất thường chức năng đi kèm.
- Huyết áp cao
- Đái tháo đường
- Suy tim
- Lớn tuổi (>65 tuổi)
- Một số bệnh lý van tim
- Đã từng bị đột quỵ trước đó
Bên cạnh đó, cơ chế bệnh học chính gây đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ là sự hình thành máu đông trong buồng tâm nhĩ trái, và di chuyển cục máu đông gây tắc mạch não. Vì thế, để phòng ngừa hình thành cục máu đông này ở bệnh nhân rung nhĩ, tùy theo nguy cơ đột quỵ của bệnh nhân (dựa theo các yếu tố bệnh lý kể trên), bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các thuốc làm “loãng” máu (hay còn gọi là các thuốc kháng đông). Thuốc kháng đông là loại thuốc điều trị hiệu quả nhất để ngăn ngừa hình thành cục máu đông ở bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao. Sử dụng các loại thuốc kháng đông có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ do rung nhĩ đến 70%. Các loại thuốc kháng đông thường được kê đơn ở bệnh nhân rung nhĩ:
- Rivaroxaban
- Dabigatran
- Apixaban
- Edoxaban
- Acenocoumarol, Wafarin
Wafarin hay Acenocoumarol là loại thuốc kháng đông đã được sử dụng từ rất lâu, nhưng tác dụng phụ lo ngại nhất là nguy cơ chảy máu khi sử dụng, đôi khi chảy máu nặng đe doạ tính mạng. Tuy nhiên, hiệu quả phòng ngừa hình thành huyết khối từ tim trong rung nhĩ thường vượt trội hơn so với nguy cơ chảy máu. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân sử dụng Wafarin hay Acenocoumarol nên được theo dõi định kỳ, thường xuyên xét nghiệm đánh giá mức độ “loãng” máu để tránh nguy cơ chảy máu.
Các loại thuốc kháng đông thế hệ mới: Rivaroxaban, Dabigatran, Apixaban, hay Edoxaban cũng có tác động hiệu quả tương tự như Wafarin hay Acenocoumarol, nhưng nguy cơ chảy máu ít hơn, và không cần thiết phải thực hiện thường xuyên các xét nghiệm đánh giá mức độ “loãng” máu. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải được kiểm tra chức năng thận, chức năng gan để đánh giá liệu có thể sử dụng các loại thuốc kháng đông thế hệ mới này được hay không, đồng thời, các thuốc kháng đông này cũng không được kê đơn khi bệnh nhân rung nhĩ có một số bệnh van tim. Tuỳ theo đặc điểm bệnh lý từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn và giải thích để lựa chọn loại kháng đông phù hợp. Cũng giống như Wafarin hay Acenocoumarol, các thuốc kháng đông đường uống thế hệ mới cũng nên được uống ở thời điểm giống nhau mỗi ngày, tránh bỏ liều hay quên liều để duy trì hiệu quả lợi ích phòng ngừa hình thành máu đông trong tim.
Ở một số bệnh nhân khi không thể sử dụng các thuốc kháng đông, một loại dụng cụ nhân tạo bít tiểu nhĩ trái (một cấu trúc nhỏ dạng ống trong nhĩ trái, vị trí hình thành cục máu đông thường gặp nhất) có thể được bác sĩ chỉ định để ngăn ngừa nguy cơ máu đông từ nhĩ trái gây thuyên tắc mạch máu não.
Ngoài ra, việc điều chỉnh lối sống theo hướng tích cực giúp cải thiện đáng kể nguy cơ xuất hiện rung nhĩ, và giảm tần suất các cơn rung nhĩ. Các chiến lược thay đổi lối sống bao gồm: vận động thể lực thường xuyên, duy trì cân nặng lý tưởng bằng khẩu phần ăn hợp lý (nhiều rau xanh, trái cây, ít chất mỡ bão hoà, và cholesterol, ít muối), ngưng hút thuốc lá, giảm lượng cồn trong thức uống.
Chính vì thế, mặc dù đột quỵ do rung nhĩ có tỉ lệ tử vong, mất chức năng và nguy cơ tái phát cao hơn các dạng đột quỵ do nguyên nhân khác, nhưng đột quỵ do rung nhĩ là loại đột quỵ có thể dự phòng hiệu quả bằng thuốc và thay đổi lối sống tích cực.
ThS. BS. Giang Minh Nhật
Khoa Nội Tim Mạch – Bệnh viện Nhân Dân Gia Định
Tài liệu tham khảo:
1. World Stroke Organization: Global Stroke Fact Sheet 2019
2. Kamel H, Healey JS. Cardioembolic stroke. Circ Res. 2017;120:514–526
3. Lin HJ, Wolf PA, Kelly-Hayes M, Beiser AS, Kase CS, Benjamin EJ, D’Agostino RB. Stroke severity in atrial fibrillation. The Framingham Study.Stroke. 1996; 27:1760–1764
4. Tsivgoulis G, Katsanos AH, Patousi A, Pikilidou M, et al. Stroke recurrence and mortality in northeastern Greece: the Evros Stroke Registry. J Neurol. 2018;265:2379–2387.
5. Wolf PA, Abbott RD, Kannel WB. Atrial fibrillation as an independent risk factor for stroke: the Framingham Study.Stroke. 1991; 22:983–988.
----------------------------------
Nguồn: https://dotquy.kcb.vn/phong-ngua-dot-quy/bi-kip-hoa-giai-dot-quy-do-rung-nhi-ngan-ngua-hau-qua-nang-n.html. Truy cập ngày 6/7/2021
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7