Bệnh viêm ruột
Bệnh viêm ruột là một thuật ngữ chung mô tả tình trạng viêm mạn tính đường tiêu hóa. Bệnh viêm ruột bao gồm 2 thể bệnh là Viêm loét đại tràng & Bệnh Crohn.
- Viêm loét đại tràng: Viêm và loét dọc theo lớp niêm mạc của đại tràng (ruột già) và trực tràng. Các vùng tổn thương thường liên tục. Viêm thường chỉ khu trú ở lớp trong cùng của niêm mạc đại tràng.
- Bệnh Crohn: Tình trạng viêm niêm mạc có thể xãy ra ở bất kỳ đoạn nào của đường tiêu hóa, nhưng thường gặp là đoạn ruột non ngay trước đoạn ruột già. Các đoạn ruột tổn thương thường không liên tục như viêm loét đại tràng mà xuất hiện xen kẽ với đoạn ruột bình thường. Tình trạng viêm có thể xãy ra trên nhiều lớp của thành ruột.
Bệnh viêm ruột với 2 thể bệnh: Viêm loét đại tràng (trái) & Bệnh Crohn (phải). Ảnh: CDC.gov
Cả bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn thường có triệu chứng tiêu chảy, chảy máu trực tràng, đau bụng, mệt mỏi và sụt cân.
Các triệu chứng
Bệnh viêm ruột có thể biểu hiện triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ viêm và vị trí bệnh lý. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng. Đầu tiên là giai đoạn khởi phát, sau đó là giai đoạn thuyên giảm.
Các dấu hiệu và triệu chứng chung cho cả bệnh Crohn và viêm loét đại tràng bao gồm:
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Đau bụng
- Đi tiêu ra máu
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Giảm cân không mong muốn
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Khi thấy tthói quen đi tiêu bị thay đổi hoặc nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh viêm ruột. Mặc dù bệnh viêm ruột thường không gây tử vong, nhưng đây là một căn bệnh nghiêm trọng, trong một số trường hợp, có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm ruột vẫn chưa được biết. Trước đây, nghi ngờ bệnh là do chế độ ăn uống và căng thẳng gây nên, nhưng bây giờ người ta xác nhận những yếu tố này có thể khiến bệnh nặng hơn chứ không phải là nguyên nhân của bệnh viêm ruột.
Nguyên nhân có thể đến từ hệ miễn dịch. Bình thường là hệ miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài như virus hoặc vi khuẩn. Nếu đáp ứng của hệ miễn dịch bất thường, nó cũng tấn công luôn cả các tế bào trong đường tiêu hóa và gây bệnh. Bệnh viêm ruột có liên quan yếu tố di truyền vì bệnh phổ biến hơn ở những người có thành viên gia đình mắc bệnh.
Các yếu tố nguy cơ
- Tuổi tác. Hầu hết những người bệnh được chẩn đoán trước 30 tuổi. Một số người muộn hơn, đến tuổi 50 hoặc 60.
- Chủng tộc hoặc sắc tộc. Mặc dù người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, nhưng bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ chủng tộc nào.
- Tiền sử gia đình. Bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có người thân, chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em hoặc con cái, cũng mắc bệnh.
- Hút thuốc lá. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất nhưng có thể kiểm soát được của bệnh Crohn.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Bao gồm ibuprofen, naproxen, diclofenac và những loại khác. Những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh viêm ruột hoặc làm bệnh nặng hơn.
Các biến chứng
Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn có một số biến chứng chung và một số biến chứng riêng đặc trưng cho từng bệnh. Các biến chứng chung bao gồm:
- Ung thư đại tràng. Bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn gây viêm đại tràng mạn tính, có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Tầm soát ung thư nên bắt đầu từ 8 đến 10 năm sau khi bệnh viêm ruột được chẩn đoán. Hỏi bác sĩ khi nào và tần suất thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư.
- Viêm da, mắt và khớp. Bệnh nhân có thể bị viêm khớp, tổn thương da và viêm mắt (viêm màng bồ đào) khi bệnh viêm ruột khởi phát.
- Tác dụng phụ của thuốc. Corticosteroid có thể liên quan đến nguy cơ loãng xương, huyết áp cao và các tình trạng khác.
- Viêm đường mật xơ cứng tiên phát. Bệnh gây viêm và tạo sẹo bên trong đường mật, lâu dài sẽ làm cho đường mật bị hẹp và từ đó có thể làm tổn thương gan.
- Cục máu đông. Bệnh viêm ruột làm tăng nguy cơ hình thành cục đông máu trong tĩnh mạch và động mạch.
Các biến chứng của bệnh Crohn:
- Tắc ruột. Bệnh Crohn có thể gây viêm các lớp của thành ruột. Theo thời gian, các cấu trúc bị viêm có thể dầy lên và làm hẹp lòng ruột, gây tắc ruột và cản trở đường di chuyển của thức ăn. Có thể phải phẫu thuật để cắt bỏ đoạn ruột bị tắc.
- Suy dinh dưỡng. Tiêu chảy, đau bụng hay các triệu chứng khác có thể gây khó ăn uống hoặc làm cho ruột không thể hấp thu đủ chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể. Bệnh nhân cũng có thể bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc vitamin B-12.
- Lỗ rò. Đôi khi tình trạng viêm có thể lan rộng, ăn sâu vào các lớp bên dưới niêm mạc và xuyên qua thành ruột, tạo ra một lỗ rò. Lỗ rò gần hoặc xung quanh khu vực hậu môn là phổ biến nhất. Lỗ rò có thể bị nhiễm trùng và tạo thành áp xe.
- Nứt hậu môn. Là một vết rách nhỏ ở lớp niêm mạc hậu môn hoặc ở vùng da xung quanh hậu môn, là nơi có thể bị nhiễm trùng. Nút hậu môn thường gây đau khi đi tiêu và có thể gây lỗ rò quanh hậu môn.
Các biến chứng của viêm loét đại tràng:
- Phình đại tràng nhiễm độc (toxic megacolon). Viêm loét đại tràng có thể làm cho đại tràng phình to nhanh chóng. Tình trạng này được gọi là Phình đại tràng nhiễm độc.
- Thủng đại tràng. Đại tràng bị thủng nguyên nhân thường gặp nhất là do Phình đại tràng nhiễm độc, nhưng nó cũng có thể tự xảy ra.
- Mất nước nặng. Tiêu chảy quá nhiều có thể gây mất nước nặng.
Chẩn đoán
Thông thường bệnh viêm ruột được chẩn đoán sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng tương tự. Để giúp xác định chẩn đoán bệnh viêm ruột, có thể cần làm các xét nghiệm và các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán khác.
Xét nghiệm.
- Xét nghiệm máu tìm thiếu máu hoặc nhiễm trùng. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu, là tình trạng không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đến các mô cơ thể, hoặc để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi rút.
- Xét nghiệm phân. Bạn có thể cần cung cấp mẫu phân để làm xét nghiệm tìm máu hoặc vi sinh vật trong phân như vi khuẩn, ký sinh trùng...
Nội soi
- Nội soi đại tràng: Để xem toàn bộ đại tràng bằng cách sử dụng một ống nội soi mỏng, dẻo, có ánh sáng và camera. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy các mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để làm thêm xét nghiệm. Sinh thiết là cách để chẩn đoán phân biệt bệnh viêm ruột với dạng bệnh lý viêm khác.
- Nội soi đại tràng sigma. Bác sĩ sử dụng một ống nội soi mảnh, dẻo, có ánh sáng và cemera để kiểm tra trực tràng và đại tràng Sigma (đoạn đại tràng cuối cùng). Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm này thay vì nội soi toàn bộ đại tràng.
- Nội soi đường tiêu hóa trên. Trong thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một ống mảnh, dẻo, có ánh sáng để kiểm tra thực quản, dạ dày và đoạn ruột non đầu tiên là tá tràng. Mặc dù hiếm khi những đoạn này có liên quan đến bệnh Crohn, nhưng xét nghiệm này có thể được chỉ định nếu bạn có các triệu chứng buồn nôn, nôn, khó ăn hoặc đau vùng bụng trên.
- Nội soi viên nang. Xét nghiệm này đôi khi được sử dụng để giúp chẩn đoán bệnh Crohn liên quan đến ruột non. Bạn nuốt một viên nang có gắn camera. Hình sẽ ảnh được truyền tới một cái máy, sau đó viên nang này sẽ thoát ra ngoài cách dễ dàng theo phân. Bạn vẫn có thể cần nội soi kèm sinh thiết để xác định chẩn đoán bệnh Crohn. Nội soi viên nang không nên thực hiện nếu có tắc ruột.
- Nội soi ruột có bóng hỗ trợ. Thiết bị nội soi đặc biệt giúp bác sĩ có thể nhìn sâu hơn vào ruột non khi các ống nội soi thông thường không tiếp cận được. Kỹ thuật này hữu ích khi nội soi viên nang cho thấy có bất thường, nhưng chưa chắc chắn để chẩn đoán và cần khảo sát rõ thêm.
Chẩn đoán hình ảnh
- X quang. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng nặng, bác sĩ có thể cho chụp X-quang vùng bụng tiêu chuẩn để loại trừ các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như thủng đại tràng.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT). Bạn có thể chụp CT, một kỹ thuật X-quang đặc biệt cung cấp nhiều chi tiết hơn so với chụp X-quang tiêu chuẩn, có thể xem toàn bộ ruột cũng như các mô bên ngoài ruột. CT ruột non là một phương pháp chụp cắt lớp cung cấp hình ảnh tốt hơn về ruột non. Chụp CT đã thay thế chụp X quang cản quang bằng Bari ở nhiều cơ sở y tế.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI). Máy quét MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và mô. MRI đặc biệt hữu ích để đánh giá lỗ rò quanh vùng hậu môn hoặc tại ruột non. Không giống như chụp CT, không có tiếp xúc với tia xạ khi chụp MRI.
Điều trị
Mục tiêu điều trị bệnh viêm ruột là giảm tình trạng viêm gây các triệu chứng. Ngoài ra, điều trị cũng giúp giảm tái phát và nguy cơ xuất hiện biến chứng. Điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Thuốc kháng viêm. Thuốc kháng viêm thường là bước đầu tiên trong điều trị bệnh viêm ruột. Thuốc kháng viêm bao gồm corticosteroid và aminosalicylat, chẳng hạn như mesalamine, balsalazide và olsalazine.
Thuốc ức chế hệ miễn dịch. Những loại thuốc này hoạt động theo nhiều cơ chế tác động khác nhau để ngăn chặn phản ứng miễn dịch giải phóng các hóa chất gây viêm. Khi được phóng thích, những hóa chất này có thể làm tổn thương lớp niêm mạc của đường tiêu hóa. Thuốc ức chế miễn dịch bao gồm azathioprine, mercaptopurine và methotrexate.
Sinh học. Sinh học là một loại liệu pháp mới hơn, hướng đến việc trung hòa các protein gây viêm. Ví dụ bao gồm infliximab, adalimumab, golimumab, certolizumab, vedolizumab và ustekinumab.
Thuốc kháng sinh. Có thể được sử dụng cùng với các loại thuốc khác khi có nhiễm trùng, ví dụ như trong trường hợp bệnh Crohn có lỗ rò quanh hậu môn. Thuốc kháng sinh thường được kê toa là ciprofloxacin và metronidazole.
Các loại thuốc và chất bổ sung khác. Ngoài việc kiểm soát tình trạng viêm, một số loại thuốc có thể giúp làm giảm triệu chứng của bệnh, ví dụ:
- Thuốc trị tiêu chảy. Thực phẩm bổ sung chất xơ, chẳng hạn như bột psyllium hoặc methylcellulose có thể giúp giảm tiêu chảy mức độ từ nhẹ đến trung bình. Đối với tiêu chảy nặng hơn, loperamide có thể có hiệu quả.
- Thuốc giảm đau. Đối với những cơn đau nhẹ, bác sĩ có thể khuyên dùng acetaminophen. Tuy nhiên, ibuprofen, naproxen sodium và diclofenac sodium có thể sẽ khiến các triệu chứng nặng hơn.
- Vitamin và thực phẩm bổ sung. Nếu bệnh nhân không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung các loại vitamin và chất dinh dưỡng.
Hỗ trợ dinh dưỡng
Khi sụt cân nặng, tùy vào đánh giá từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định nuôi ăn qua ống (dinh dưỡng đường tiêu hóa) hoặc nuôi ăn bằng cách tiêm dưỡng chất qua đường tĩnh mạch (dinh dưỡng đường tĩnh mạch). Nuôi ăn qua tĩnh mạch có thể cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân và cho phép ruột nghỉ ngơi. Điều này có thể làm giảm tình trạng viêm trong thời gian ngắn.
Phẫu thuật
Nếu thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác không làm giảm các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
Gần đây phẫu thuật ít phổ biến hơn so với cách đây vài thập kỷ nhờ những tiến bộ trong điều trị bằng thuốc. Mục tiêu phẫu thuật để cắt bỏ những đoạn ruột bị hỏng. Vì bệnh Crohn và viêm loét đại tràng ảnh hưởng đến những đoạn tiêu hóa khác nhau, nên phẫu thuật của 2 bệnh này cũng khác nhau.
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà
Những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và kéo dài thời gian giữa các đợt bùng phát.
Chế độ ăn
Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn bùng phát.
Dưới đây là một số gợi ý về chế độ ăn uống chung có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng bệnh lý:
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa. Nhiều người bị bệnh viêm ruột nhận thấy rằng các vấn đề như tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi được cải thiện bằng cách hạn chế hoặc loại bỏ các sản phẩm từ sữa. Bạn có thể không dung nạp lactose - tức là cơ thể bạn không thể tiêu hóa đường sữa (lactose) trong thực phẩm từ sữa. Có thể sử dụng sản phẩm enzyme như Lactaid.
- Ăn nhiều bữa nhỏ. Bệnh nhân có thể cảm thấy tốt hơn khi ăn năm hoặc sáu bữa ăn nhỏ mỗi ngày thay vì hai hoặc ba bữa lớn hơn.
- Uống nhiều chất lỏng. Cố gắng uống nhiều chất lỏng hàng ngày, tốt nhất là nước. Rượu và đồ uống có chứa caffein kích thích đường ruột và có thể làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn, trong khi đồ uống có ga thường tạo ra khí.
- Cân nhắc các loại vitamin tổng hợp. Vì bệnh Crohn có thể cản trở khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, nên các chất bổ sung đa sinh tố và khoáng chất thường hữu ích. Kiểm tra với bác sĩ của bạn trước khi dùng.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh Crohn, và có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn. Những người bị bệnh Crohn hút thuốc có nhiều khả năng bị tái phát phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật lặp lại.
Stress. Mối liên quan của căng thẳng với bệnh Crohn còn gây tranh cãi, nhưng nhiều người mắc bệnh cho biết các triệu chứng bùng phát trong thời gian căng thẳng cao độ. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát căng thẳng, hãy thử một trong các chiến lược sau:
- Tập thể dục. Ngay cả khi tập thể dục nhẹ cũng có thể giúp giảm căng thẳng, giảm trầm cảm và bình thường hóa chức năng ruột.
- Phản hồi sinh học. Kỹ thuật giảm căng thẳng này có thể giúp bạn giảm căng cơ và làm chậm nhịp tim với sự trợ giúp của máy phản hồi. Mục đích là giúp bạn đi vào trạng thái thoải mái để có thể đối phó với căng thẳng dễ dàng hơn.
- Các bài tập thư giãn và tập thở. Một cách để đối phó với căng thẳng là thường xuyên thư giãn và sử dụng các kỹ thuật như hít thở sâu, chậm để bình tĩnh. Bạn có thể tham gia các lớp học yoga và thiền hoặc sử dụng sách, đĩa CD hoặc DVD tại nhà.
Liệu pháp thay thế
Nhiều người bị rối loạn tiêu hóa đã sử dụng một số dạng thuốc bổ sung và thay thế. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu được thiết kế tốt về tính an toàn và hiệu quả của thuốc bổ sung và thuốc thay thế.
Các nhà nghiên cứu không chắc rằng việc bổ sung nhiều vi khuẩn có lợi (probiotics) thường được tìm thấy trong đường tiêu hóa có thể giúp chống lại bệnh viêm ruột. Mặc dù nghiên cứu còn hạn chế, có một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung men vi sinh cùng với các loại thuốc khác có thể hữu ích, nhưng điều này chưa được chứng minh.
Ban Biên tập Y Khoa Online
----------------------
Nguồn:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/inflammatory-bowel-disease. Truy cập ngày 19/6/2021
https://www.cdc.gov/ibd/what-is-IBD.htm. Truy cập ngày 19/6/2021
-
Viêm xoang
21/11/2024 14:48 GMT+7
-
Ung thư
18/11/2024 09:51 GMT+7
-
Viêm mũi xoang
15/11/2024 18:38 GMT+7
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7