AIDS
Tổng quan bệnh AIDS
AIDS là gì?
AIDS là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus gây suy giảm miễn dịch ở người bằng cách giết chết hoặc phá hủy các tế bào miễn dịch của cơ thể, cơ thể con người không thể chống lại bệnh này.
Những bệnh nhân bị AIDS có nguy cơ tử vong cao do những nhiễm trùng cơ hội gây ra nhiều biến chứng khó lường.
AIDS là viết tắt của từ gì?
AIDS là viết tắt của từ Acquired Immunodeficiency Syndrome được hiểu là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải
Nguyên nhân bệnh AIDS
Bệnh nhân bị nhiễm HIV có thể do các nguyên nhân như: quan hệ tình dục, sử dụng kim bị nhiễm HIV trước đó hoặc truyền máu bị nhiễm HIV, truyền từ mẹ sang bào thai hoặc truyền qua em bé mới sinh và bú sữa mẹ.
Bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS khi hệ thống miễn dịch suy yếu tới mức không thể chống lại những nhiễm trùng thông thường. Giai đoạn AIDS sẽ diễn ra nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi bị nhiễm HIV.
Các nguyên nhân làm cho bệnh AIDS trở nên nặng hơn như sau:
- Uống thuốc không đúng liều và không đi tái khám thường xuyên;
- Ngừng dùng thuốc bởi khi bạn cảm thấy khỏe hơn, trừ khi được bác sĩ cho phép; sử dụng quá nhiều rượu hoặc sử dụng ma túy;
- Sử dụng chung kim tiêm hoặc tiêm chích ma túy;
- Ăn các loại thực phẩm như trứng sống, hàu sống hoặc sữa chưa tiệt trùng (có chứa các vi khuẩn có hại);
- Hiến máu, tinh trùng hoặc các bộ phận khác.
AIDS có mấy giai đoạn?
Đến giai đoạn AIDS nghĩa là bệnh nhân đã trải qua 04 giai đoạn: Giai đoạn sơ nhiễm, giai đoạn nhiễm trùng không triệu chứng, giai đoạn liên quan đến AIDS và giai đoạn bệnh AIDS.
Triệu chứng bệnh AIDS
Hầu hết bệnh nhân bị AIDS không có triệu chứng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, mặc dù virus vẫn đang hoạt động. Đây có thể coi là một bệnh suy giảm miễn dịch ở người lớn.
- Một số người có biểu hiện giống bị bệnh giống cúm, kèm theo sốt, nhức đầu, mệt mỏi, phì đại các hạch bạch huyết.
- Nồng độ máu của các tế bào T CD4 dương (còn gọi là tế bào T4) hạ xuống.
- Có các triệu chứng khác xuất hiện trước khi bước sang giai đoạn AIDS như: cơ thể mệt mỏi, sụt cân, thường xuyên sốt, sốt kéo dài và đổ mồ hôi, nhiễm trùng thường xuyên hoặc kéo dài do nấm, trí nhớ trở nên kém đi.
- Có một số trường hợp bị nhiễm herpes có thể bị đau khi nuốt và có thể có một lớp phủ màu trắng trên lưỡi. Bệnh nhân bị AIDS làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da và u lympho (ung thư mô bạch huyết, một phần của hệ thống miễn dịch).
Sự hình thành và tiến triển từ HIV thành AIDS
AIDS được hình thành do nhiễm HIV trong thời gian dài. Thông thường nếu bệnh được điều trị sớm và đáp ứng thuốc tốt thì bệnh nhân có thể duy trì HIV được lâu (có thể là suốt đời). Nếu ngược lại, bệnh sẽ trở nên trầm trọng, và chuyển sang AIDS.
Tuổi thọ sau khi chẩn đoán AIDS là khoảng 3 năm, có thể ngắn hơn nếu người bệnh mắc nhiễm trùng cơ hội nghiêm trọng. Tuy không có phương pháp điều trị đặc hiệu nhưng điều trị bằng thuốc kháng vi-rút có thể ngăn ngừa AIDS tiến triển.
Nếu đã bị AIDS, điều đó có nghĩa là hệ thống miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng. Nó đã suy yếu đến mức không thể chống lại hầu hết các bệnh nhiễm trùng. Điều đó làm cho người bệnh dễ bị một loạt các bệnh như viêm phổi, bệnh lao, nấm miệng, viêm màng não, ung thư Kaposi, ung thư hạch, ...
Nhờ các phương pháp điều trị chống vi-rút được cải thiện hơn, hầu hết những người nhiễm HIV ngày nay không tiến triển thành AIDS. Nếu không được điều trị, HIV thường chuyển sang giai đoạn AIDS sau khoảng 10 năm.
Khi AIDS xảy ra, hệ thống miễn dịch đã bị tổn hại nghiêm trọng. Bạn sẽ có nhiều khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư cơ hội - những căn bệnh thường không gây ra các vấn đề sức khỏe cho người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Các dấu hiệu và triệu chứng của một số bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra bao gồm: Mồ hôi đêm, sốt tái phát, tiêu chảy mãn tính, những đốm trắng dai dẳng hoặc những tổn thương bất thường trên lưỡi hoặc trong miệng, mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, giảm cân, da nổi mẩn đỏ.
Một số biến chứng
Bệnh lao (TB): Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất liên quan đến HIV. Đó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bị AIDS.
Vi rút Cytomegalovirus: Virus herpes phổ biến này được truyền qua dịch cơ thể như nước bọt, máu, nước tiểu, tinh dịch và sữa mẹ. Nếu hệ thống miễn dịch suy yếu, việc nhiễm virus tái phát có thể gây tổn thương cho mắt, đường tiêu hóa, phổi hoặc các cơ quan khác.
Bệnh nấm candida: Candila là một bệnh nhiễm trùng phổ biến liên quan đến HIV. Nó gây viêm và một lớp phủ dày, trắng trên màng nhầy của miệng, lưỡi, thực quản hoặc âm đạo của bạn.
Viêm màng não do cryptococcus: Viêm màng não là tình trạng viêm màng và các dịch lỏng bao quanh não và tủy sống (màng não). Đây là một bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương phổ biến liên quan đến HIV, gây ra bởi một loại nấm được tìm thấy trong đất.
Ung thư hạch: Ung thư này bắt đầu trong các tế bào bạch cầu. Dấu hiệu sớm phổ biến nhất là sưng hạch không đau ở cổ, nách hoặc háng.
Hội chứng suy mòn: Hội chứng suy mòn được định nghĩa là giảm ít nhất 10% trọng lượng cơ thể, thường đi kèm với tiêu chảy, suy nhược mãn tính và sốt. Nó xảy ra với đa số người bị AIDS.
Ngoài ra, còn một số biến chứng khác của AIDS như nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii (gây bệnh tại não), nhiễm Cryptosporidiosis (ký sinh trùng gây bệnh tại đường tiêu hóa), hoặc mắc bệnh ung thư hiếm gặp Kaposi, và xảy ra một số biến chứng thần kinh như mất trí nhớ, nhầm lẫn, hay quên,...
Đường lây truyền bệnh AIDS
Để bị nhiễm HIV, máu, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo bị nhiễm phải đi vào cơ thể. Điều này có thể xảy ra theo nhiều cách:
Qua quan hệ tình dục: Người bệnh có thể bị nhiễm bệnh nếu có quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với bạn tình bị nhiễm HIV có máu, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo xâm nhập vào cơ thể bạn. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua vết loét miệng hoặc nước mắt nhỏ đôi khi có thể lây qua trực tràng hoặc âm đạo khi hoạt động tình dục.
Từ truyền máu: Trong một số trường hợp, virus có thể được lây qua truyền máu. Các bệnh viện và ngân hàng máu có sàng lọc việc cung cấp máu với kháng thể HIV, vì vậy nguy cơ này là rất nhỏ.
Bằng cách dùng chung kim tiêm: Sử dụng chung vật dụng thuốc tiêm tĩnh mạch bị nhiễm bẩn (kim và ống tiêm) khiến bạn có nguy cơ cao nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn như viêm gan.
Trong thời gian mang thai hoặc cho con bú: Người mẹ bị nhiễm bệnh có thể truyền virus cho con. Những bà mẹ nhiễm HIV được điều trị nhiễm trùng trong thai kỳ có thể làm giảm đáng kể nguy cơ truyền bệnh cho con.
Người bệnh không thể bị nhiễm HIV thông qua tiếp xúc thông thường. Điều đó có nghĩa là bạn không thể nhiễm HIV hoặc AIDS bằng cách ôm, hôn, nhảy hoặc bắt tay với người bị nhiễm bệnh.
HIV không lây lan qua không khí, nước hoặc côn trùng cắn.
Đối tượng nguy cơ bệnh AIDS
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm HIV/AIDS nếu nằm trong đường lây truyền. Những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh AIDS như:
- Quan hệ tình dục không an toàn, có nghĩa là giao hợp âm đạo hoặc hậu môn hoặc giao hợp bằng miệng mà không dùng bao cao su với một người bị nhiễm HIV;
- Sử dụng chung kim tiêm để tiêm thuốc hoặc steroid với người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua kim tiêm bẩn được sử dụng để xăm hình hoặc xỏ lỗ trên cơ thể;
- Bị truyền máu từ một người nhiễm bệnh HIV/AIDS.
- Một em bé cũng có thể bị nhiễm HIV từ sữa mẹ nếu người phụ nữ nhiễm bệnh.
Phòng ngừa bệnh AIDS
Không có vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm HIV và không có thuốc chữa AIDS. Nhưng bạn có thể bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi bị nhiễm trùng bằng cách:
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để phòng ngừa lây nhiễm HIV
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Sử dụng bao cao su mới mỗi khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo. Phụ nữ có thể sử dụng bao cao su nữ. Trong quan hệ tình dục bằng miệng, sử dụng bao cao su không cắt, hở hoặc tấm bảo vệ miệng - một miếng cao su y tế.
- Xem xét sử dụng thuốc Truvada: Thuốc emtricitabine-tenofovir (Truvada) có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV lây truyền qua đường tình dục ở những người có nguy cơ rất cao. Bạn cần phải thực hiện nó mỗi ngày. Nó không ngăn ngừa các STI khác, vì vậy bạn vẫn cần quan hệ tình dục an toàn. Nếu bạn bị viêm gan B, bạn nên nhờ tư vấn của bác sĩ và làm kiểm tra chức năng gan trước khi bắt đầu trị liệu. Bạn cũng cần xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận trước khi dùng thuốc này.
- Nói với bạn tình nếu bạn bị nhiễm HIV: Điều quan trọng là nói với tất cả các bạn tình hiện tại và trong quá khứ nếu bạn bị nhiễm HIV. Họ cần phải được kiểm tra.
- Sử dụng bơm tiêm sạch: Nếu bạn sử dụng kim tiêm để tiêm thuốc, hãy đảm bảo rằng nó vô trùng và không dùng chung.
- Phụ nữ mang thai nhiễm HIV: Có thể truyền bệnh HIV cho con. Nhưng nếu được điều trị tốt trong thai kỳ, khả năng truyền bệnh sẽ giảm đáng kể.
- Cân nhắc cắt bao quy đầu nam giới: Có bằng chứng cho thấy cắt bao quy đầu ở nam giới có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh AIDS
Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, sẽ cần thông qua bệnh sử, khám lâm sàng và xét nghiệm máu để phát hiện HIV và các bệnh nhiễm trùng khác. Ngoài ra cũng có thể phải sử dụng thêm những xét nghiệm khác như chụp X-quang ngực.
1. Xét nghiệm kháng nguyên / kháng thể : là những xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất. Xét nghiệm có thể cho kết quả dương tính thông thường trong vòng từ 18 - 45 ngày. sau khi tiếp xúc lần đầu với HIV.
Xét nghiệm này lấy máu tĩnh mạch để tìm kháng nguyên và kháng thể. Kháng nguyên là một phần của virus gây kích hoạt hệ thống miễn dịch. Còn kháng thể là một loại protein mà cơ thể tạo ra để chống lại nhiễm trùng. Còn kháng nguyên là một phần của virus gây kích hoạt hệ thống miễn dịch.
2. Xét nghiệm kháng thể: là loại xét nghiệm chỉ kiểm tra kháng thể trong máu. Từ 23 đến 90 ngày sau khi bị nhiễm, hầu hết mọi người sẽ có các kháng thể HIV có thể phát hiện được trong máu hoặc nước bọt.
Loại xét nghiệm này được thực hiện bằng xét nghiệm máu hoặc phết họng, và không cần chuẩn bị. Một số xét nghiệm cung cấp kết quả sau 30 phút hoặc nhanh hơn và có thể được thực hiện tại văn phòng hoặc phòng khám của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
3. Xét nghiệm acid nucleic (Nucleic acid test - NAT)
Loại xét nghiệm đắt tiền này không được sử dụng để sàng lọc thông thường. Nó dành cho những người có triệu chứng sớm của HIV hoặc có yếu tố nguy cơ đã biết (VD như nghi bị phơi nhiễm với HIV trong vòng vài tuần trước). Xét nghiệm này không tìm kiếm kháng thể mà nó tìm chính virus HIV. Mất từ 5 đến 21 ngày để phát hiện HIV trong máu. NAT là loại xét nghiệm cho kết quả dương tính đầu tiên nếu bị phơi nhiễm với HIV.
Nói chuyện với bác sĩ của bạn về xét nghiệm HIV phù hợp với bạn. Nếu bất kỳ xét nghiệm nào trong số này là âm tính, bạn vẫn có thể cần xét nghiệm theo dõi vài tuần đến vài tháng sau để xác nhận kết quả.
Nếu bạn đã được chẩn đoán nhiễm HIV, điều quan trọng là tìm một chuyên gia được đào tạo về chẩn đoán và điều trị HIV để giúp bạn:
- Xác định xem bạn có cần làm xét nghiệm bổ sung không
- Xác định liệu pháp kháng virus HIV (ART) nào sẽ tốt nhất cho bạn
- Theo dõi diễn tiến và chăm sóc sức khỏe của bạn
Nếu bạn được chẩn đoán là nhiễm HIV / AIDS, một số xét nghiệm có thể giúp bác sĩ xác định giai đoạn bệnh và liệu pháp điều trị tốt nhất, bao gồm:
- Đếm số lượng tế bào Lympho T CD4. Các tế bào lympho T CD4 là các tế bào bạch cầu mà virus HIV nhắm mục tiêu để phá hủy. Ngay cả khi bạn không có triệu chứng, nhiễm HIV vẫn tiến triển thành bệnh AIDS khi số lượng tế bào lympho T CD4 của bạn giảm xuống dưới 200.
- Tải lượng virus (HIV RNA): Xét nghiệm này đo lượng virus trong máu của bạn. Sau khi bắt đầu điều trị HIV, mục tiêu là đưa tải lượng virus về ngưỡng không thể phát hiện được. Điều này làm giảm đáng kể khả năng nhiễm trùng cơ hội và các biến chứng khác liên quan đến nhiễm HIV.
- Kháng thuốc. Một số chủng HIV kháng thuốc. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định xem dạng virus bạn bị nhiễm có kháng thuốc hay không và hướng dẫn quyết định điều trị.
Ngoài ra, có thể cần làm thêm các xét nghiệm liên quan đến nhiễm trùng và biến chứng như: Lao phổi, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, tổn thương gan - thận, nhiễm trùng tiểu..
Giai đoạn cửa sổ HIV là gì?
Ngay sau khi phơi nhiễm, HIV bắt đầu sinh sản trong cơ thể. Hệ thống miễn dịch của con người phản ứng với các kháng nguyên (một bộ phận của virus) bằng cách tạo ra các kháng thể chống lại virus.
Khoảng thời gian giữa phơi nhiễm với HIV đến khi phát hiện kháng thể trong máu được gọi là giai đoạn cửa sổ HIV. Hầu hết mọi người tạo ra kháng thể HIV có thể phát hiện trong vòng 23 đến 90 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Nếu một người làm xét nghiệm HIV trong giai đoạn cửa sổ, thì có khả năng họ sẽ nhận được kết quả âm tính. Tuy nhiên, họ vẫn có thể lây truyền virus cho người khác trong thời gian này. Nếu ai đó nghĩ rằng họ có thể đã bị phơi nhiễm HIV nhưng xét nghiệm cho kết quả âm tính trong thời gian này, thì họ nên lặp lại xét nghiệm trong một vài tháng tới để xác định chắc chắn (thời gian phụ thuộc vào xét nghiệm được sử dụng). Và trong thời gian đó, họ cần sử dụng bao cao su để ngăn ngừa khả năng lây nhiễm HIV.
Một số người có xét nghiệm âm tính trong giai đoạn cửa sổ có thể được hưởng lợi từ việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (Post-exposure prophylaxis - PEP). Đây là phương pháp dùng thuốc ngay sau khi phơi nhiễm để ngăn nhiễm HIV. PEP cần được thực hiện càng sớm càng tốt sau khi phơi nhiễm, không muộn hơn 72 giờ sau khi phơi nhiễm, nhưng lý tưởng nhất là sớm hơn.
Một cách khác để ngăn nhiễm HIV là điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm ( Pre-exposure prophylaxis - PrEP). Kết hợp các loại thuốc chống HIV được sử dụng trước khi có khả năng phơi nhiễm với HIV có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc lây truyền HIV khi sử dụng một cách nhất quán.
Các biện pháp điều trị bệnh AIDS
Điều trị nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán HIV, bất kể tải lượng virus. Phương pháp điều trị HIV chính yếu là thuốc kháng virus. Dùng phối hợp các loại thuốc hàng ngày giúp ngăn chặn virus sinh sản. Điều này giúp bảo vệ các tế bào CD4, giữ cho hệ thống miễn dịch đủ mạnh để chống lại bệnh
Điều trị bằng thuốc kháng virus giúp ngăn ngừa HIV tiến triển thành AIDS. Nó cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác.
Khi điều trị có hiệu quả, tải lượng virus sẽ không thể phát hiện được. Người vẫn nhiễm HIV, nhưng không thấy virus trong kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, virus vẫn còn trong cơ thể. Và nếu người đó ngừng sử dụng thuốc kháng virus, tải lượng virus sẽ tăng trở lại và HIV có thể lại bắt đầu tấn công các tế bào CD4.
Ban Biên tập Y Khoa Online
-------------------------------------------------
Nguồn:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hiv-aids/diagnosis-treatment/drc-20373531. Truy cập ngày 13/03/2020
https://www.healthline.com/health/hiv-aids. Truy cập ngày 13/03/2020
https://www.vinmec.com/vi/benh/aids-4699/. Truy cập ngày 13/03/2020
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Sởi
29/08/2024 11:12 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Ung thư
18/12/2023 10:51 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Ung thư hạch
04/10/2023 14:10 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7
-
Lõm xương ức
14/08/2023 16:23 GMT+7
-
Lõm ngực
14/08/2023 15:59 GMT+7
-
Tay Chân Miệng ở trẻ nhỏ
17/07/2023 15:42 GMT+7
-
Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
06/07/2023 16:16 GMT+7