Cơ thể bạn đã sẵn sàng để mang thai chưa?
Bạn không cần phải có sức khỏe đặc biệt phù hợp mới có thể có con, nhưng nếu khỏe mạnh ngay từ đầu, bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để tận hưởng một thai kỳ khỏe mạnh.
Vậy làm thế nào để biết cơ thể bạn đã sẵn sàng cho việc mang thai hay chưa? Hãy đặt lịch hẹn trước với bác sĩ sản phụ khoa, nhân viên y tế có chuyên môn, những người sẽ hướng dẫn bạn trong suốt thai kỳ.
Một cuộc thăm khám trước khi thụ thai giúp bạn và bác sĩ của bạn có cơ hội xác định bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào đối với thai kỳ của bạn và tìm cách để giảm thiểu những rủi ro đó, cũng như thảo luận về các vấn đề sức khỏe tổng quát.
Nếu có thể, hãy cùng bạn đời tham dự cuộc thăm khám này với bạn vì sức khỏe và lối sống của bạn đời, bao gồm tiền sử bệnh của gia đình và các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng hoặc dị tật bẩm sinh, đều quan trọng vì chúng cũng có thể ảnh hưởng đến bạn và con bạn. Tại cuộc thăm khám, có thể bạn sẽ được kiểm tra thể chất toàn diện, bao gồm huyết áp, xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung và thăm khám vùng chậu. Một số chủ đề có thể thảo luận với bác sĩ, bao gồm:
Thăm khám trước khi thụ thai giúp xác định bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào đối với thai kỳ. Ảnh: womenshealth.gov
Ngừa thai
Nếu bạn đang sử dụng thuốc tránh thai, vòng đặt âm đạo, miếng dán tránh thai hay đặt vòng tránh thai trong tử cung, bạn có thể thụ thai ngay sau khi ngưng sử dụng. Một số phụ nữ có thể mang thai trước kỳ kinh tiếp theo. Khi đó, bạn đừng lo lắng vì vẫn có thể xác định chính xác ngày dự sinh mà không cần biết thời điểm rụng trứng.
Nếu muốn có thời gian chờ đợi sau khi ngừng sử dụng biện pháp tránh thai, hãy sử dụng bao cao su hoặc một biện pháp tránh thai khác cho đến khi bạn sẵn sàng mang thai. Đối với hầu hết phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ trở lại trong vòng ba tháng sau khi ngừng biện pháp ngừa thai. Nếu đang sử dụng thuốc tiêm tránh thai (ví dụ Depo-Provera), bạn có thể cố gắng có thai ngay sau khi ngừng tiêm thuốc, nhưng có thể phải mất đến 10 tháng hoặc hơn mới có thể thụ thai.
Chủng ngừa
Các bệnh nhiễm trùng như thủy đậu (trái rạ), rubella (sởi Đức) và viêm gan B có thể nguy hiểm trong thai kỳ. Nếu bạn chưa chủng ngừa hoặc bạn không chắc liệu mình có miễn dịch với các bệnh nhiễm trùng hay không, thì việc chăm sóc trước khi mang thai có thể bao gồm xét nghiệm khả năng miễn dịch và tiêm một hoặc nhiều loại vắc xin, tốt nhất là ít nhất một tháng trước khi bạn cố gắng thụ thai.
Bệnh mạn tính
Nếu bạn mắc bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, hen suyễn hoặc tăng huyết áp, và muốn các bệnh lý này được kiểm soát trước khi thụ thai thì trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị điều chỉnh thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác trước khi mang thai. Bác sĩ cũng có thể thảo luận với bạn về bất kỳ sự chăm sóc đặc biệt nào mà bạn có thể cần trong thời gian mang thai.
Thuốc và chất bổ sung
Hãy cho bác sĩ của bạn biết về bất kỳ loại thuốc, thảo dược hoặc chất bổ sung nào mà bạn đang dùng. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi liều lượng hoặc ngừng chúng hoàn toàn trước khi bạn thụ thai. Đây cũng là thời điểm bắt đầu bổ sung vitamin trước khi sinh. Tại sao sớm vậy? Ống thần kinh của em bé, sau này sẽ trở thành não và tủy sống, phát triển trong tháng đầu tiên của thai kỳ, có thể trước cả khi bạn biết mình đang mang thai. Uống vitamin trước khi thụ thai là cách tốt nhất để giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh, có thể dẫn đến nứt đốt sống (gai đôi cột sống) và bệnh lý cột sống hoặc não khác.
Vitamin trước sinh Một điều bạn nên làm ngay khi chuẩn bị mang thai là bắt đầu uống vitamin. Nếu bạn đang tự hỏi liệu thói quen hàng ngày này có thực sự quan trọng hay không, hãy yên tâm rằng nó có! Tốt nhất là bắt đầu dùng vitamin từ một đến ba tháng trước khi thụ thai. Vitamin trước khi sinh giúp đảm bảo bạn nhận đủ axit folic, canxi và sắt, là những chất dinh dưỡng thiết yếu trong thai kỳ. - Axit folic giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh. Đây là loại khuyết tật nghiêm trọng của não và tủy sống. Ống thần kinh của em bé sẽ trở thành não và tủy sống và phát triển ngay trong tháng đầu tiên của thai kỳ, khi bạn thậm chí có thể không biết mình đang mang thai. - Canxi giúp xương và răng chắc khỏe cho cả mẹ và bé. Canxi cũng giúp hệ tuần hoàn, cơ bắp và thần kinh của bạn hoạt động bình thường. - Sắt hỗ trợ quá trình phát triển tế bào máu và cơ cho cả mẹ và bé. Sắt giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, là tình trạng máu thiếu hồng cầu khỏe mạnh. Nhiều loại vitamin trước sinh dạng kẹo dẻo nhai không chứa sắt, do đó hãy kiểm tra thành phần trên nhãn sản phẩm. Một số nghiên cứu cho thấy rằng uống vitamin trước khi sinh có thể làm giảm nguy cơ sinh con nhẹ cân. Vitamin trước sinh không cần kê đơn, có sẵn ở hầu hết các hiệu thuốc. Uống vitamin trước khi thụ thai có thể giúp giảm buồn nôn và nôn trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu vitamin trước khi sinh khiến bạn cảm thấy buồn nôn, hãy thử dùng chúng vào buổi tối hoặc cùng với bữa ăn nhẹ. Nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo cứng ngay sau đó cũng có thể hữu ích. Nếu chúng khiến bạn bị táo bón, hãy uống nhiều nước và bổ sung nhiều chất xơ hơn trong chế độ ăn uống cũng như hoạt động thể chất hàng ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc làm mềm phân. Nếu những lời khuyên này không giúp bạn dung nạp tốt vitamin trước sinh, hãy hỏi bác sĩ về những lựa chọn khác. Một loại vitamin trước sinh khác, hoặc bổ sung axit folic, canxi và sắt riêng biệt, có thể gây ra ít tác dụng phụ hơn. Các chất dinh dưỡng bổ sung Mặc dù vitamin trước khi sinh có thể giúp bạn đáp ứng hầu hết các nhu cầu dinh dưỡng của mình, nhưng có một số chất dinh dưỡng mà bạn có thể muốn bổ sung nhiều hơn. Hãy hỏi bác sĩ về những điều này: - Vitamin D: Vitamin này đặc biệt quan trọng trong tam cá nguyệt thứ ba, khi nhu cầu canxi tăng lên. Hầu hết các loại vitamin dành cho bà bầu không chứa lượng vitamin D tối ưu. Ngoài vitamin dành cho bà bầu, hãy uống sữa tăng cường vitamin D hoặc tìm kiếm các loại thực phẩm giàu canxi khác có chứa vitamin D. Nếu bạn không uống sữa hàng ngày hoặc không ăn các loại thực phẩm giàu canxi như sữa chua, cá hồi hoặc cải xoăn, có thể bạn nên bổ sung canxi và vitamin D. - Axit béo omega-3: Các thuốc bổ sung vitamin trước sinh thông thường không chứa axit béo omega-3. Lợi ích của axit béo omega-3 đối với sự phát triển của thai nhi là không chắc chắn, nhưng có một số bằng chứng cho thấy chúng có thể thúc đẩy sự phát triển não bộ của thai nhi. Nếu bạn không thể hoặc chọn không ăn cá hoặc các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để xem liệu việc bổ sung axit béo omega-3 có phù hợp hay không. |
Nhiễm trùng lây qua đường tình dục
Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có thể làm tăng nguy cơ vô sinh, thai ngoài tử cung (trứng đã thụ tinh tự làm tổ bên ngoài tử cung, chẳng hạn như trong ống dẫn trứng) và các biến chứng thai kỳ khác. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục, có thể bạn được đề nghị các xét nghiệm sàng lọc trước khi thụ thai, sau đó là điều trị nếu cần thiết.
Tiền sử gia đình
Một số tình trạng bệnh lý hoặc dị tật bẩm sinh có tính chất di truyền trong gia đình và sắc tộc. Nếu bạn hoặc bạn đời của bạn có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn di truyền hoặc có nguy cơ, thì có thể bạn và bạn đời cần được thăm khám, đánh giá và tư vấn thêm trước khi có thai.
Những lần mang thai trước
Nếu đây không phải là lần mang thai đầu tiên của bạn, bác sĩ của bạn có thể hỏi về những lần mang thai trước. Bạn cần đề cập mọi biến chứng mà bạn gặp phải, chẳng hạn như tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh. Nếu ở lần mang thai trước, con bạn bị dị tật ống thần kinh, bác sĩ có thể tăng liều axit folic hàng ngày cao hơn liều có trong hầu hết các loại vitamin bổ sung trước sinh.
Nếu bạn có bất kỳ lo lắng hoặc sợ hãi nào về việc mang thai lần nữa, hãy chia sẻ với bác sĩ để họ giúp bạn tìm cách tốt nhất để có thể có một thai kỳ khỏe mạnh.
Lối sống
Lựa chọn lối sống lành mạnh trong khi mang thai là điều cần thiết. Bác sĩ của bạn có thể sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc. Dinh dưỡng tốt và tập thể dục tạo môi trường lý tưởng để có một em bé khỏe mạnh. Nếu bạn là người nghiện đồ ăn vặt, bạn có thể phải từ bỏ một số đồ ăn vặt trước khi mang thai và thay thế bằng trái cây, rau và ngũ cốc tốt cho sức khỏe. Hãy cố gắng đi bộ hoặc đạp xe mỗi ngày hoặc đăng ký một lớp tập thể dục hoặc yoga. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn chuẩn bị sẵn sàng cho việc mang thai.
Nếu bạn thiếu cân hoặc thừa cân, bác sĩ có thể khuyên bạn cách giải quyết vấn đề cân nặng trước khi thụ thai. Khi bạn chuẩn bị mang thai, điều quan trọng là bạn phải tránh uống rượu, sử dụng ma túy và tiếp xúc với các chất độc hại. Nếu bạn hút thuốc, hãy hỏi bác sĩ về các phương pháp cai thuốc lá.
Ban Biên tập Y Khoa Việt Nam
---------------------------------
Nguồn:
Mayo Clinic Guide to a Healthy Pregnancy, 2nd Edition.
-
Điều chỉnh thói quen khi mang thai
24/02/2023 16:30 GMT+7
-
Lối sống năng động lúc mang thai
24/02/2023 15:27 GMT+7
-
Tăng cân trong thai kỳ
24/02/2023 10:12 GMT+7
-
Chế độ ăn uống khi mang thai
23/02/2023 16:50 GMT+7
-
Chậm có thai
23/02/2023 11:15 GMT+7
-
Bạn đã có thai?
22/02/2023 18:16 GMT+7
-
Làm sao để thụ thai?
22/02/2023 16:04 GMT+7
-
Làm cách nào để tăng cơ hội thụ thai?
21/02/2023 18:50 GMT+7
-
Đã đến lúc có thai chưa?
21/02/2023 15:37 GMT+7
-
Nỗi lo nào sẽ đến với tuổi mãn kinh
08/07/2021 07:59 GMT+7
-
Sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai và cho con bú
24/05/2020 15:52 GMT+7
-
Người có thai cần tránh những kháng sinh nào?
01/08/2019 23:07 GMT+7