Quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn trong cơ thể
Quá trình tiêu hóa bắt đầu ngay cả trước khi bạn cắn miếng thức ăn đầu tiên. Mùi thơm của món ăn mà bạn sắp ăn — hoặc thậm chí chỉ cần nghĩ đến việc ăn — cũng đủ khiến bạn bắt đầu chảy nước bọt trong miệng. Sau khi bạn cắn một miếng, các tuyến nước bọt sẽ hoạt động tiết dịch mạnh mẽ để bắt đầu phân hủy thức ăn về mặt hóa học. Tuy nhiên, các hoạt động tại đây không phải chỉ liên quan về mặt hóa học. Răng giúp xé và nghiền thức ăn, trong khi lưỡi trộn thức ăn với nước bọt. Nước bọt của bạn có chứa enzym ptyalin bắt đầu biến đổi tinh bột (carbohydrate) thành đường. Nhai làm thức ăn trở nên mềm nhão. Khi bạn nuốt, thức ăn được đẩy vào phần sau của cổ họng, đi ngang qua thanh quản để vào phần trên của thực quản.
Thức ăn được ngăn không cho đi vào thanh quản và đường hô hấp nhờ một vạt mô mềm (được gọi là nắp thanh môn) đóng lại khi thức ăn đi vào thực quản. Khi nắp thanh môn không đóng hoàn toàn, có thể sẽ gây ho hay sặc, do thức ăn đã “đi nhầm đường”. Phản xạ sặc này có chức năng bảo vệ là giúp đưa thức ăn và nước bọt trở lại miệng, ngăn không cho đi tiếp xuống khí quản để vào phổi.
Thực quản
Thực quản là một ống dài khoảng 25cm dẫn trực tiếp vào dạ dày. Thức ăn được đưa vào thực quản nhờ các cơ ở phía sau cổ họng (hầu họng). Khi thức ăn đi vào phần chính của thực quản, các cơ tại đây tạo nên các cơn co thắt giống như sóng, được gọi là nhu động, để di chuyển thức ăn vào dạ dày. Nhu động cũng là cơ chế giúp thức ăn di chuyển trong suốt phần còn lại của ống tiêu hóa cho đến khi các chất thải đến các cơ của hậu môn.
Có một cơ bao quanh phần dưới cùng của thực quản (cơ thắt thực quản dưới) rất quan trọng trong quá trình đưa thức ăn vào dạ dày vì nó đóng vai trò như một cái van. Khi cơ vòng này giãn, nó sẽ mở ra và cho phép thức ăn từ thực quản đi vào dạ dày. Sau đó, nó đóng lại, ngăn không cho thức ăn quay trở lại thực quản (trào ngược). Khi cơ vòng không hoạt động bình thường, axit trong dạ dày có thể trào ngược vào thực quản, làm hỏng lớp niêm mạc nhạy cảm của thực quản. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể bị các triệu chứng ợ nóng. Ợ nóng thường xuyên là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý phổ biến gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Dạ dày
Thành của dạ dày bao gồm chủ yếu là các lớp cơ khỏe mạnh. Những cơ này giúp cho dạ dày nhào trộn, phân cắt thức ăn thành những mảnh càng ngày càng nhỏ hơn. Đồng thời, dịch dạ dày được sản xuất bởi các tuyến nằm trong dạ dày sẽ trộn lẫn với thức ăn. Các loại dịch vị này có chứa pepsin, một loại enzyme tiêu hóa giúp phân cắt protein và axit clohydric giúp tạo môi trường hóa học thích hợp để pepsin hoạt động.
Có một sự cân bằng tinh tế trong dạ dày giữa axit do các tuyến của nó tiết ra và sức đề kháng của niêm mạc dạ dày đối với axit đó. Nếu sự cân bằng này bị đảo lộn, kết quả có thể là tổn thương niêm mạc dạ dày, gây loét dạ dày hoặc viêm lan tỏa được gọi là viêm dạ dày.
Thức ăn rời khỏi dạ dày theo hai giai đoạn. Phần trên của dạ dày co bóp trước, đẩy thức ăn lỏng vào ruột non. Phần rắn hơn sẽ rời đi sau đó, chủ yếu là do hoạt động của các cơ ở phần dưới dạ dày. Thức ăn đã được xử lý một phần (gọi là dưỡng trấp) sau đó đi qua ống môn vị, là phần liền kề với đoạn đầu tiên của ruột non, được gọi là tá tràng. Rất ít thức ăn thực sự được dạ dày hấp thu, chỉ một lượng nhỏ rượu, đường đơn và một số loại thuốc.
Ruột non
Ruột non là một ống có chiều dài ở người lớn khoảng 6 mét, tùy thuộc vào trương lực cơ thành ruột non và cách đo.
Ruột non được chia thành ba phần. Tá tràng là phần đầu tiên và ngắn nhất. Tại đây, quá trình hấp thụ thực sự bắt đầu. Hỗng tràng, phần giữa và lớn nhất của ruột non, là nơi diễn ra phần lớn quá trình hấp thụ. Hồi tràng, là phần cuối cùng của ruột non, cũng có chức năng hấp thụ quan trọng (ví dụ như vitamin B12). Nó cũng chịu trách nhiệm vận chuyển thức ăn vào ruột già.
Tá tràng góp phần trộn nguyên liệu thức ăn và cũng trung hòa axit từ dạ dày. Các ống mật từ gan và túi mật và ống tụy từ tuyến tụy đổ dịch tiêu hóa vào tá tràng để giúp hấp thụ tối đa nhũ trấp. Khi thức ăn bán rắn tiếp tục di chuyển qua ruột non, nó sẽ trải qua quá trình tiêu hóa thêm bởi nhiều loại enzyme khác nhau. Trong quá trình này, thức ăn được chia thành các thành phần nhỏ hơn có thể được hấp thụ qua niêm mạc ruột non để đi vào máu.
Tinh bột được phân cắt thành đường đơn và protein được phân cắt thành axit amin. Chất béo được phân cắt bởi các enzym từ tuyến tụy. Do đặc tính giống như chất tẩy rửa, axit mật từ gan làm cho các phân tử chất béo hòa tan trong nước để sau đó được hấp thụ vào máu. Ngoài ra, khoáng chất, vitamin, nước và chất điện giải, chẳng hạn như natri và canxi, được hấp thụ qua thành ruột non và vào máu.
Vào thời điểm thức ăn sẵn sàng đi vào ruột già, hầu hết các chất dinh dưỡng có trong thức ăn đã được hấp thụ.
Ruột già
Khi phần thức ăn còn lại đến ruột già (gọi là đại tràng, hoặc ruột kết), thì vai trò của hệ tiêu hóa sẽ thay đổi. Bây giờ công việc của nó là xử lý chất thải, bao gồm chủ yếu là thức ăn, chất xơ và nước không được tiêu hóa và hấp thụ. Chất lỏng từ ruột non được đưa vào đại tràng, nơi phần lớn được hấp thụ vào máu. Ruột già của người trưởng thành dài khoảng 1,5 mét, hoạt động rất hiệu quả trong quá trình này. Trong số khoảng 1 lít chất lỏng đi vào nó mỗi ngày, gần 80 phần trăm được hấp thụ trước khi đến hậu môn. Phần còn lại của chất thải di chuyển qua ba đoạn chính của đại tràng — đại tràng phải (đại tràng lên), đại tràng ngang và đại tràng trái (đại tràng xuống), sau đó vào đại tràng sigma hình chữ S nằm ở vùng bụng dưới bên trái. Sau cùng, chất thải đi vào đoạn ruột già cuối cùng của ống tiêu hóa dài 10 đến 15 cm (gọi là trực tràng). Tại đây những hoạt động hấp thu cuối cùng tiếp diễn cho đến khi đại tiện (đi cầu).
Gan
Gan sản xuất mật, một chất lỏng có chứa cholesterol và axit mật. Mật chảy từ gan và qua ống túi mật vào túi mật để được cô đặc và lưu trữ. Mật cuối cùng được đổ vào tá tràng sau bữa ăn, nơi nó thực hiện chức năng chính là hỗ trợ hấp thu chất béo qua niêm mạc ruột non vào máu. Axit mật sau đó được tái hấp thu bởi ruột non - chủ yếu ở hồi tràng - và được đưa trở lại gan để tái sử dụng.
Gan cũng có các chức năng khác. Một trong số đó là dự trữ glycogen, một loại carbohydrate phức tạp được chuyển hóa thành đường để giải phóng vào máu khi lượng đường trong máu giảm xuống. Glycogen được dự trữ ở gan khi lượng đường trong máu tăng lên. Nhiều protein được tổng hợp ở gan.
Gan cũng giúp quyết định lượng chất dinh dưỡng được gửi đến phần còn lại của cơ thể. Nó chuyển đổi các chất dinh dưỡng trong thức ăn thành các chất mà cơ thể có thể sử dụng. Ngoài ra, gan còn giúp chuyển hóa một số loại thuốc để có thể được đào thải theo phân ra ngoài. Rượu được chuyển hóa ở gan để cung cấp năng lượng hoặc được tích trữ dưới dạng chất béo.
Túi mật
Túi mật là một cơ quan hình quả lê nằm bên dưới gan. Đây là nơi lưu trữ phần lớn mật được sản xuất trong gan. Mật đi vào túi mật thông qua ống túi mật và được lưu trữ ở đó cho đến khi cần thiết cho quá trình tiêu hóa chất béo. Mặc dù túi mật có chức năng hữu ích, nhưng nó không quá quan trọng để duy trì các chức năng bình thường của cơ thể vì mật có thể được cung cấp trực tiếp từ ống mật chủ để vào tá tràng.
Tuyến tụy
Có hình dạng hơi giống quả chuối nhưng rộng hơn, tuyến tụy trải dài từ tá tràng đến lá lách. Cơ quan này sản xuất 2 hai loại chất tiết: những chất được tiết vào tá tràng và những chất tiết trực tiếp vào máu. Loại đầu tiên được gọi là dịch tụy. Nó hỗ trợ tiêu hóa chất béo, protein và một số carbohydrate. Loại thứ 2 bao gồm các hormone nội tiết gồm insulin và glucagon, giúp điều chỉnh quá trình chuyển hóa lượng đường trong máu (glucose).
Ban Biên tập Y Khoa Online
----------------------
Nguồn:
Your Digestive System at Work. Mayo Clinic Family Health Book: The Ultimate Home Medical Reference (The fifth edition)
-
Nissen
02/08/2023 17:08 GMT+7
-
ERCP
26/09/2021 16:33 GMT+7
-
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
26/09/2021 15:33 GMT+7
-
Cột búi trĩ
19/09/2021 17:50 GMT+7
-
Xuất huyết tiêu hóa
13/09/2021 17:04 GMT+7
-
Xơ gan
12/09/2021 21:33 GMT+7
-
Thắt búi trĩ
05/09/2021 17:46 GMT+7
-
Gan nhiễm mỡ
17/07/2021 22:36 GMT+7
-
Viêm gan siêu vi A, B, C, D, E
04/07/2021 21:31 GMT+7
-
Viêm loét đại tràng
29/06/2021 21:31 GMT+7
-
Crohn (Bệnh Crohn)
23/06/2021 21:26 GMT+7
-
IBS (Hội chứng ruột kích thích)
21/06/2021 08:54 GMT+7