Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
Nội soi mật tụy ngược dòng là kỹ thuật nội soi dùng để khảo sát và điều trị các bệnh lý đường mật, ống tụy, và túi mật. Ống mật là các ống dẫn dịch mật từ gan và túi mật; còn ống tụy dẫn dịch tụy từ tụy. Cả hai ống này đều đổ dịch vào tá tràng, là phần đầu tiên của ruột non. Vậy nội soi mật tụy ngược dòng được thực hiện như thế nào?
Nội soi mật tụy ngược dòng còn được gọi là ERCP. ERCP là chữ viết tắt của “Endoscopic Retrograde Cholangio-Pancreatography”, nghĩa là nội soi chụp mật tụy ngược dòng. Nội soi mật tụy ngược dòng là thủ thuật có thể được sử dụng để chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh khác nhau như sỏi mật, viêm tụy cấp, viêm tụy mạn.
Ống nội soi là một ống quang học có đường kính nhỏ khoảng ngón tay út và có thể uốn cong dễ dàng. Ống nội soi được đưa qua miệng đi vào trong thực quản và xuống đến dạ dày và tá tràng. Ống nội soi chứa các sợi quang học dẫn truyền ánh sáng giúp bác sĩ có thể nhìn thấy bên trong các cấu trúc bên trong.
Nội soi mật tụy ngược dòng được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc bác sĩ phẫu thuật, là những người được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật này. Ống soi là một ống dài, mềm, đầu có gắn đèn và camera. Do thủ thuật có an thần hoặc gây mê toàn thân, bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây mê tư vấn trước thủ thuật.
Ống soi được đưa vào miệng, đi qua thực quản, dạ dày, rồi đến nơi ống mật đổ vào tá tràng; đây gọi là nhú tá tràng. Một ống thông bằng nhựa (mỏng) được luồn vào trong ống soi để đi đến đầu ống rồi sau đó đưa vào nhú tá tràng và ống dẫn mật. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào ống dẫn mật và tiến hành chụp X-quang. Bằng cách khảo sát ống dẫn mật theo cách này, các hình ảnh tắc nghẽn, sỏi mật, khối u, hoặc các bất thường của ống dẫn đều có thể được phát hiện.
Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể thực hiện các kỹ thuật để can thiệp điều trị hoặc cải thiện tình trạng gọi là mổ nội soi mật tụy ngược dòng. Ví dụ, nếu phát hiện có sỏi, bác sĩ có thể nong hoặc cắt rộng nhú tá tràng để lấy sỏi ra khỏi ống dẫn mật bằng dây dẫn. Nhú có cơ vòng thường được cắt bằng dao đốt (có dòng điện) trong quá trình thủ thuật (cắt cơ vòng), giúp ống dẫn mật được dẫn lưu tốt hơn. Nếu có tình trạng hẹp ống mật, bác sĩ sẽ đặt một ống nhựa hoặc kim loại ngắn gọi là giá đỡ (stent) vào chỗ hẹp để dẫn lưu dịch mật.
Tại sao cần thực hiện Nội soi mật tụy ngược dòng?
Lý do (hay chỉ định) thường gặp nhất là nhằm phát hiện và lấy sỏi nằm trong ống mật. Các lý do khác có thể bao gồm tìm nguyên nhân gây đau dai dẳng ở vùng bụng trên bên phải, tìm nguyên nhân gây viêm tụy cấp và điều trị tắc nghẽn ống mật do các khối u như ung thư tuyến tụy và nguyên nhân gây vàng da. Thông thường, trong các trường hợp này, siêu âm bụng hoặc một loại khảo sát Cộng hưởng từ (MRI) đặc biệt gọi là Chụp cộng hưởng từ đường mật (MRCP) có thể được thực hiện giúp thu thập thông tin sơ bộ nhằm xác định mức độ cần thiết để thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng.
Cần chuẩn bị những gì cho Nội soi mật tụy ngược dòng?
Bạn sẽ được hướng dẫn trước khi làm nội soi mật tụy ngược dòng. Các hướng dẫn bao gồm:
- Không nên ăn vài giờ trước thủ thuật. Bạn được phép uống một ít nước đến 2 giờ trước thủ thuật.
- Những loại thuốc cần ngưng trước thủ thuật.
- Có thể cần dùng kháng sinh tùy từng mục đích.
Nội soi mật tụy ngược dòng được thực hiện như thế nào?
Đầu tiên bác sĩ có thể làm tê phần sau họng của bạn bằng thuốc xịt gây tê tại chỗ. Bạn thường được tiêm thuốc an thần vào tĩnh mạch ở tay. Thuốc an thần làm bạn buồn ngủ và thư giãn nhưng không gây ngủ. Đây không phải là gây mê toàn thân.
Bệnh nhân nằm ở tư thế nằm nghiêng trên giường sẽ được bác sĩ sẽ yêu cầu nuốt đoạn đầu của ống nội soi. Những ống nội soi hiện đại thường nhỏ hơn ngón trỏ và khá dễ nuốt. Bác sĩ nhẹ nhàng đẩy ống soi xuống thực quản, dạ dày rồi vào tá tràng.
Bác sĩ sẽ quan sát mặt trong dạ dày, tá tràng của bạn qua màn hình nối với máy nội soi. Sau đó không khí được bơm vào dạ dày và tá tràng qua một kênh trong ống nội soi giúp bề mặt căng ra và quan sát dễ dàng hơn. Bạn có thể cảm thấy đầy bụng và muốn ợ hơi.
Ống nội soi cũng có một kênh ở bên cho các dụng cụ đi qua, được bác sĩ sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ:
- Bơm thuốc cản quang vào ống mật hoặc ống tụy. Phim X quang sẽ được chụp ngay sau đó để ghi lại chi tiết trong ống. Việc bơm thuốc cản quang cũng có thể cho thấy hẹp đường ống, sỏi kẹt trong ống hoặc khối u chèn ép ống...
- Lấy mẫu sinh thiết ở mặt trong tá tràng, dạ dày, ống mật và ống tụy gần nhú tá tràng. Mẫu sinh thiết sẽ được xem dưới kính hiển vi để tìm các mô và tế bào bất thường.
- Nếu chụp X quang thấy sỏi mật kẹt trong ống, bác sĩ sẽ làm rộng lỗ nhú để sỏi thoát xuống tá tràng.
- Nếu hình ảnh X quang thấy hẹp hoặc tắc nghẽn ống mật, bác sĩ có thể đặt stent để mở rộng lòng ống. Stent này cho phép mật chảy xuống tá tràng theo đường tự nhiên và có thể nằm vĩnh viễn tại vị trí đặt mà bệnh nhân không hề cảm nhận được.
Điều gì sẽ xảy ra sau nội soi mật tụy ngược dòng?
ERCP được tiến hành chỉ để chụp phim X quang, hầu hết mọi người có thể về nhà sau khi nghỉ ngơi vài giờ. Bạn không nên chạy xe, vận hành máy móc hoặc uống rượu trong vòng 24 giờ sau khi dùng thuốc an thần. Nếu bạn về nhà trong ngày làm thủ thuật, bạn cần có người đi cùng và ở cùng trong 24 giờ cho tới khi thuốc an thần hết tác dụng hoàn toàn. Hầu hết mọi người có thể hoạt động bình thường trở lại sau 24 giờ.
Nội soi mật tụy ngược dòng có tác dụng phụ hay biến chứng gì không?
Đa phần các ca nội soi mật tụy ngược dòng được thực hiện an toàn và không có vấn đề gì, nhưng vẫn có một số nguy cơ liên quan đến thủ thuật. Bác sĩ nên thảo luận các nguy cơ có thể xảy ra với bệnh nhân trước khi thực hiện thủ thuật:
- Chảy máu có thể xảy ra, đặc biệt là khi cắt cơ vòng của nhú tá tràng. Chảy máu thường không đáng kể và sẽ tự khỏi. Nếu tình trạng này xảy ra trong thủ thuật thì có thể được điều trị bằng các kỹ thuật nội soi, như kẹp clip cầm máu, tiêm epinephrine (thuốc co mạch), hoăc sử dụng dao đốt điện..
- Nhiễm trùng ống mật (viêm ống mật) có thể xảy ra, đặc biệt là khi ống mật không được dẫn lưu tốt. Một số bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh trong thủ thuật và trong một vài ngày sau khi thực hiện ERCP.
- Viêm tụy xảy ra từ 3% đến 7% số bệnh nhân có thực hiện ERCP. Tình trạng này có thể nhận biết khi cơn đau bụng dữ dội hơn và không thuyên giảm bằng cách ợ hơi hoặc xì hơi. Phần lớn trường hợp viêm tụy sau khi thực hiện ERCP thường nhẹ, hiếm khi nó có thể trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và cần phải nhập viện.
- Lỗ thủng hoặc rách ở thực quản, dạ dày, ruột non, hoặc ống dẫn mật có thể xảy ra. Mặc dù đây là biến chứng hiếm gặp và có thể tự khỏi, nhưng nó có thể trở nên nghiêm trọng và thậm chí cần phẫu thuật để chỉnh sửa.
- Hít sặc có thể xảy ra khi thức ăn từ dạ dày trào ngược lên cổ họng và bị hít vào đường thở, gây khó thở hoặc viêm phổi. Các bệnh nhân đã nhịn ăn uống trong vài giờ trước thủ thuật sẽ giảm thiểu nguy cơ này.
- Tác dụng không mong muốn với thuốc an thần hoặc gây mê.
Nếu các triệu chứng dưới đây xảy ra trong vòng 48 giờ sau nội soi mật tụy ngược dòng hãy gặp bác sĩ để kiểm tra lại:
- Đau bụng - đặc biệt là đau tăng dần, đau dữ dội và có tính chất khác với triệu chứng ợ nóng, khó tiêu thông thường
- Sốt
- Khó thở
- Ói/nôn ra máu
- Tiêu máu: phân có lẫn máu tươi, nâu sẫm hay đen
- Viêm tụy: Biến chứng này có thể trầm trọng trong vài trường hợp
Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai, hãy nói với bác sĩ trước khi tiến hành nội soi mật tụy ngược dòng vì nếu thủ thuật có sử dụng tia X thì có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Ngoài ra, cũng cần báo cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng hoặc nhạy cảm với thuốc, thuốc cản quang, iốt hoặc latex.
---------------------------------------
Nguồn:
https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/endoscopic-retrograde-cholangiopancreatography-ercp. Truy cập ngày 26/9/2021
https://www.sages.org/publications/patient-information/patient-information-for-ercp-endoscopic-retrograde-cholangio-pancreatography-from-sages. Truy cập ngày 26/9/2021
https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/noi-soi-mat-tuy-nguoc-dong-duoc-thuc-hien-nhu-nao/. Truy cập ngày 26/9/2021
https://www.fvhospital.com/ban-can-biet/noi-soi-mat-tuy-nguoc-dong-ercp/. Truy cập ngày 26/9/2021
-
Nút mạch hóa trị qua động mạch (TACE)
29/12/2023 15:53 GMT+7
-
Sinh thiết
20/12/2023 17:59 GMT+7
-
Nong mạch vành
09/11/2023 16:59 GMT+7
-
Nuss
14/08/2023 16:34 GMT+7
-
Nissen
02/08/2023 17:08 GMT+7
-
Mohs
31/07/2023 12:11 GMT+7
-
LASEK
28/07/2023 18:27 GMT+7
-
LASIK
21/07/2023 17:31 GMT+7
-
Chọc hút bằng kim nhỏ
18/07/2023 21:06 GMT+7
-
FNA (Chọc hút bằng kim nhỏ)
18/07/2023 19:08 GMT+7
-
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
16/07/2023 11:05 GMT+7
-
Hỗ trợ phôi thoát màng trong IVF (thụ tinh trong ống nghiệm)
16/07/2023 10:31 GMT+7