Niêm mạc

11/07/2021 21:58 GMT+7

Niêm mạc hay còn được gọi là màng nhầy, là lớp lót bên trong các khoang và các ống cơ quan trong cơ thể, chủ yếu là đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu & niệu sinh dục. Niêm mạc lót nhiều vùng và cấu trúc của cơ thể, bao gồm miệng, mũi, mí mắt, khí quản và phổi, dạ dày và ruột, niệu quản, niệu đạo và bàng quang.

Các lớp niêm mạc khác nhau về cấu trúc, nhưng chúng đều có một lớp bề mặt là các tế bào biểu mô nằm trên lớp mô liên kết sâu bên dưới. Thông thường, lớp biểu mô của niêm mạc bao gồm hoặc là loại biểu mô vảy phân tầng (có nhiều lớp tế bào biểu mô) hoặc là loại biểu mô hình trụ (các tế bào có chiều cao lớn hơn chiều rộng nhiều). Những loại biểu mô này có khả năng chịu đựng sự mài mòn do tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài (ví dụ như thức ăn). Chúng thường có các tế bào chịu trách nhiệm hấp thụ và bài tiết. Tên gọi "màng nhầy" xuất phát từ thực tế là màng này chủ yếu tiết ra chất nhầy. Thành phần chính của chất nhầy là mucopolysaccharide, được gọi là mucin.

Niêm mạc và chất nhờn mà chúng tiết ra phục vụ chủ yếu trong việc bảo vệ và bôi trơn. Ví dụ các mầm bệnh (sinh vật gây bệnh) sẽ bị chất nhầy bắt giữ, ngăn cản sự xâm nhập của chúng vào các mô sâu hơn, ví dụ là phổi (trong trường hợp của đường hô hấp) hay các mô nằm ngay bên dưới lớp niêm mạc. Niêm mạc và chất nhầy cũng giúp giữ ẩm cho các mô bên dưới.

---------------------

Nguồn: https://www.britannica.com/science/mucous-membrane. Truy cập ngày 11/7/2021