Người cao tuổi cần ăn, uống gì để tăng đề kháng chống lại COVID-19

23/03/2020 17:48 GMT+7

Người cao tuổi và người có bệnh mạn tính mắc bệnh COVID-19 chiếm tỷ lệ cao, là do họ có sức đề kháng và miễn dịch kém hơn các đối tượng khác.

Theo thống kê về các đối tượng mắc bệnh COVID-19, thì người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính chiếm tỷ lệ cao, do sức đề kháng và miễn dịch kém hơn các đối tượng khác. Sức đề kháng và miễn dịch của con người được hình thành và phát triển kể từ khi họ được sinh ra, điều kiện quyết định để tạo ra sức đề kháng và miễn dịch khỏe mạnh là do chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối và lối sống.

Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng đối với người cao tuổi nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Theo khuyến nghị với người cao tuổi nhu cầu về năng lượng là từ 1700-1900 kcal/người/ngàyNhu cầu protein từ 60-70 gam/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% tổng số protein. Người cao tuổi ăn ít thịt, thay vào đó là các thực phẩm giàu can xi như: cá, tôm, cua (100 g tép chứa 910 mg can xi, 100 g cua chứa 5040 mg can xi). Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/ 1 tuần, nên ăn thêm sữa chua (dễ tiêu và có lợi cho tiêu hóa). Về chất béo: nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, tỷ lệ chất béo thực vật chiếm 35% tổng lượng chất béo.

ThS. BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng)

ThS. BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng) chia sẻ về ăn, uống gì để tăng đề kháng chống lại COVID-19.

Luôn đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp nấu chín mềm. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày, BS Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo BS Tiến, những người đang mắc các bệnh mạn tính: như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gout,... cần thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sỹ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng về sử dụng thuốc điều trị thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng bệnh lý.

Vai trò của một số vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng và miễn dịch:

  • Vitamin A: Có vai trò rõ rệt cả với miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn ở trẻ em mà nguyên nhân do thiếu vitamin A rất cao. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng biện pháp bổ sung vitamin A có thể làm giảm 23% tử vong ở trẻ em. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng – miễn dịch tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Thiếu vitamin A các biểu mô quá sản, sừng hoá, các tuyến ngoại tiết giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn giảm đi. VitaminA có nhiều trong gấc, rau ngót rau dền cơm, gan gà, gan lợn, gan bò,...
  • Vitamin E: Vitamin E làm tăng tính miễn dịch bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn mạnh hơn, làm chậm tiến triển bệnh sa sút trí tuệ (Alzheimer), bảo vệ vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị o xy hóa, tham gia vào chuyển hóa tế bào. Vitamin E bảo vệ các chất béo trong não khỏi các gốc tự do, đặc biệt là các chất béo omega-3 DHA và EPA, trong đó tập trung ở tế bào thần kinh. Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên: đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm.
  • Vitamin C: Vai trò tăng cường miễn dịch, cần thiết cho các tế bào miễn dịch T và bạch cầu, từ đó làm tăng chức năng của hệ miễn dịch. Thiếu vitamin C, sự nhậy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp. Nếu ăn đủ vitamin C, các glubulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lymphô bào và giúp tạo thành các bổ thể. Hơn 90% lượng vitamin C có trong khẩu phần ăn được cung cấp từ các loại trái cây và rau củ. Các thực phẩm giàu vitamin C: rau ngót, rau mùi tàu, rau dền, rau đay, rau mồng tời, hành hoa, …trong các loại quả như bưởi, đủ đủ, quýt, cam, chanh,…
  • Vitamin D: Là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn chính của vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống, do đó, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản… cho bữa ăn hàng ngày.
  • Vitamin nhóm B: Trong các vitamin nhóm B, vai trò các folat và pyridoxin đáng chú ý hơn cả. Thiếu folat làm chậm sự tổng hợp của các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Tương tự như thiếu sắt, miễn dịch dịch thể ít bị ảnh hưởng hơn miễn dịch qua trung gian tế bào. Trên thực tế ở trẻ em nhất là phụ nữ có thai, thiếu folat thường đi kèm thiếu sắt là hai yếu tố gây thiếu máu dinh dưỡng. Thiếu pyridoxin (vitamin B6) làm chậm các chức năng miễm dịch, cả dịch thể và trung gian tế bào. Các vitamin  nhóm B có nhiều trong cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì, tim, gan.

 

Tăng cường ăn rau quả để tăng sức đề kháng.

Vai trò của một số chất khoáng và miễn dịch.

Rất nhiều chất khoáng và vi khoáng tham gia vào miễn dịch, trong đó vai trò của sắt, kẽm được nghiên cứu nhiều hơn cả.

  • Sắt: Sắt cần thiết cho tổng hợp ADN, nghĩa là nó cần thiết cho quá trình phân bào. Ngoài ra sắt còn tham gia vào nhiều enzym can thiệp vào quá trình phân giải bên trong tế bào. Thiếu sắt, nhiễm khuẩn tăng. Sắt gây ảnh hưởng đến miễn dịch qua trung gian tế bào hơn là miễn dịch dịch thể. Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, bầu dục lợn, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng,..
  • Kẽm: Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp làm vết thương mau lành và giúp duy trì vị giác và khướu giác. Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, vì vậy khi thiếu kẽm trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa do giảm sức đề kháng. Ngoài ra khi thiếu kẽm trẻ thường có biểu hiện biếng ăn chậm lớn, chậm phát triển chiều cao. Các thức ăn giàu kẽm như thịt, cá, tôm, sò, sữa, trứng, ngao, hàu,..

Giá trị dinh dưỡng có trong 100g của một số loại rau xanh và hoa quả như sau:

Trong các kết quả nghiên cứu cho thấy:

Rau xanh: rau ngót, rau đay, rau dền là những loại có gía trị dinh dưỡng cao, đồng đều về hàm lượng caroten, vitamin C  (179 – 64 - 52 mg%), hàm lượng sắt (2,8 - 2,5 - 2,1 mg%), giàu các muối khoáng, vi khoáng, lượng protein cao gấp 3 - 5 lần các loại rau khác (3 - 6 g%). Rau muống có giá trị dinh dưỡng trung bình (380 mcg% retinol; 2,8 mg% vitamin C; 1,2 mg% sắt).

Các loại rau gia vị như: mùi, tía tô, húng, thìa là,..có hàm lượng caroten cao và đồng đều hơn so với rau ăn và quả ngọt, cao nhất là tía tô, húng quế, ớt vàng, đồng thời chúng giàu sắt (1- 3 mg% ). Rau gia vị lại được sử dụng tươi sống không bị tổn thất dinh dưỡng qua nấu nướng, nên giá trị sử dụng các vitamin rất cao. Ngoài ra các rau gia vị còn cung cấp nguồn kháng sinh thực vật rất có giá trị.

Các loại quả chín màu vàng, đỏ, da cam như: đu đủ, hồng, dưa hấu, cam, quýt vàng có hàng lượng caroten khá cao và giàu sắt (0,9 - 1,2 mg%). Đặc biệt màng gấc tươi có hàm lượng caroten đặc biệt cao. Đây là một loại quả qúi được nhiều người quan tâm nghiên cứu về khả năng phòng bệnh thiếu vitamin A, chống oxy hoá và ung thư.

ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng

---------------------------------------

Nguồn: Bộ Y tế Việt Nam

Link: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-cao-tuoi-can-an-uong-gi-de-tang-de-khang-chong-lai-covid-19-n170749.html