IVF (Thụ tinh trong ống nghiệm)
IVF là gì?
IVF (In Vitro Fertilization) nghĩa là “thụ tinh trong ống nghiệm”. Đây là một phương pháp hỗ trợ khả năng sinh sản trong đó trứng được kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm bên ngoài cơ thể. IVF là một phương pháp được sử dụng cho những người cần trợ giúp để mang thai. IVF là một dạng của công nghệ hỗ trợ sinh sản gồm nhiều bước phức tạp như chọc hút trứng từ buồng trứng, phối hợp thủ công với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để thụ tinh. Vài ngày sau khi thụ tinh, trứng đã thụ tinh (bây giờ được gọi là phôi thai) được đặt vào bên trong tử cung. Mang thai xảy ra khi phôi này tự cấy vào thành tử cung.
Vì sao chọn IVF?
IVF được chọn vì nhiều lý do, như vô sinh hoặc khi đối tác của bạn hiện có vấn đề về sức khỏe. Một số người sẽ thử làm IVF sau khi các phương pháp sinh sản khác không thành công hoặc nếu họ đang ở độ tuổi làm mẹ cao. IVF cũng là một lựa chọn sinh sản cho các cặp đồng giới hoặc những người muốn có con mà không cần bạn tình.
IVF là một lựa chọn nếu bạn hoặc đối tác của bạn có:
- Ống dẫn trứng bị tắc hoặc tổn thương
- Lạc nội mạc tử cung
- Số lượng tinh trùng thấp, chất lượng tinh trùng giảm, hoặc các bất thường về tinh trùng khác
- Hội chứng buồng trứng đa nang hoặc các bệnh lý buồng trứng khác
- U xơ tử cung hoặc các bệnh lý tử cung khác
- Nguy cơ truyền bệnh hoặc rối loạn di truyền
- Vô sinh không rõ nguyên nhân
- Đang sử dụng trứng được hiến tặng hoặc người mang thai hộ
Quá trình IVF từ đầu đến cuối mất bao lâu?
IVF là một quá trình phức tạp với nhiều bước. Trung bình, quá trình này kéo dài từ 4-6 tuần, bao gồm thời gian dùng thuốc hỗ trợ sinh sản trước khi chọc hút trứng đến khi thử thai.
IVF có phổ biến không?
Khoảng 5% các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ thử IVF. Hơn 8 triệu trẻ sơ sinh đã được sinh ra từ IVF kể từ năm 1978. Đây là một trong những công nghệ hỗ trợ sinh sản hiệu quả nhất hiện nay.
Sự khác biệt giữa IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) và IUI (thụ tinh trong tử cung) là gì?
Thụ tinh trong tử cung (IUI) khác với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vì trong quy trình IUI, quá trình thụ tinh xảy ra trong cơ thể người. Một mẫu tinh trùng được thu thập và rửa sạch để chỉ còn lại những tinh trùng chất lượng cao. Mẫu này được đưa vào tử cung bằng một ống thông mỏng trong thời gian rụng trứng. Phương pháp này giúp tinh trùng gặp trứng dễ dàng hơn với hi vọng quá trình thụ tinh sẽ diễn ra.
Với IVF, tinh trùng và trứng được thụ tinh bên ngoài tử cung (trong phòng thí nghiệm) và sau đó được đưa vào tử cung dưới dạng phôi thai.
IUI ít tốn kém và ít xâm lấn hơn IVF. IUI có tỷ lệ thành công mỗi chu kỳ thấp hơn.
IVF gồm những bước nào?
IVF có thể được chia thành các bước sau:
1. Dùng thuốc tránh thai hoặc estrogen
Trước khi bắt đầu điều trị IVF, bác sĩ có thể kê toa thuốc tránh thai hoặc estrogen. Thuốc này được sử dụng để ngăn sự phát triển nang buồng trứng và kiểm soát thời gian của chu kỳ kinh nguyệt, từ đó giúp kiểm soát điều trị và tối đa hóa số lượng trứng trưởng thành tại thời điểm tiến hành thủ thuật chọc hút trứng. Bác sĩ kê đơn thuốc tránh thai kết hợp (estrogen và progesterone), hoặc có khi chỉ là estrogen.
2. Kích thích buồng trứng
Trong mỗi chu kỳ tự nhiên ở một người khỏe mạnh trong độ tuổi sinh sản, mỗi tháng có một nhóm trứng bắt đầu trưởng. Thông thường, chỉ có một quả trứng đủ trưởng thành để rụng trứng. Những quả trứng chưa trưởng thành còn lại trong nhóm đó bị phân hủy.
Trong chu kỳ IVF, bạn sẽ dùng thuốc nội tiết tố tiêm để kích thích toàn bộ nhóm trứng của chu kỳ đó cùng lúc hoàn toàn trưởng thành. Điều này có nghĩa là thay vì chỉ có một trứng (như trong chu kỳ tự nhiên), bạn có thể có nhiều trứng. Loại, liều lượng và tần suất dùng thuốc được kê đơn sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân dựa trên tiền sử bệnh, tuổi tác, nồng độ nội tiết tố AMH (Anti-Mullerian Hormone) và đáp ứng của bạn đối với kích thích buồng trứng trong các chu kỳ IVF trước đó.
Các bước khác trong quá trình kích thích buồng trứng bao gồm:
- Theo dõi: Đáp ứng của buồng trứng đối với thuốc được theo dõi bằng siêu âm và nồng độ hormone trong máu. Việc giám sát có thể diễn ra hàng ngày hoặc vài ngày một lần trong vòng hai tuần. Thường thì quá trình kích thích buồng trứng kéo dài từ 8 đến 14 ngày. Tại các cuộc hẹn tái khám theo dõi, bác sĩ sử dụng siêu âm để đánh giá tử cung và buồng trứng của bạn. Bản thân những trứng quá nhỏ khó có thể nhìn thấy rõ bằng siêu âm. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đo kích thước và số lượng nang trứng đang phát triển. Nang trứng là những túi nhỏ trong buồng trứng, mỗi nang trứng chứa một trứng. Kích thước của mỗi nang cho biết độ trưởng thành của trứng chứa trong đó. Hầu hết các nang lớn hơn 14 mm đều chứa một trứng trưởng thành. Trứng trong các nang nhỏ hơn 14 mm có nhiều khả năng chưa trưởng thành và không được thụ tinh.
- Mũi kích rụng trứng: Khi trứng của bạn đã sẵn sàng cho giai đoạn trưởng thành cuối cùng (được xác định bằng siêu âm và nồng độ hormone), một “mũi kích rụng trứng” sẽ được thực hiện để hoàn tất quá trình trưởng thành của trứng nhằm chuẩn bị cho việc chọc hút lấy trứng. Bạn sẽ được tiêm kích rụng trứng chính xác vào thời điểm 36 giờ trước khi thủ thuật chọc hút trứng được tiến hành.
3. Chọc hút trứng
- Bác sĩ sử dụng sóng siêu âm để hướng dẫn một cây kim nhỏ đưa vào từng buồng trứng qua âm đạo. Kim được nối với một thiết bị hút để hút trứng ra khỏi từng nang trứng.
- Trứng được đặt trong một đĩa chứa dung dịch đặc biệt. Sau đó đĩa được đưa vào tủ ấm (môi trường được kiểm soát).
- Thuốc tê và thuốc an thần nhẹ được sử dụng để giảm bớt sự khó chịu khi thực hiện thủ thuật này.
- Thủ thuật chọc hút trứng được thực hiện 36 giờ sau lần tiêm hormone cuối cùng gọi là “mũi kích rụng trứng”.
4. Thụ tinh
Sau khi thủ thuật chọc hút trứng được thực hiện, chuyên gia về phôi học sẽ cố gắng thụ tinh cho tất cả trứng trưởng thành bằng cách tiêm tinh trùng vào trong bào tương của trứng (ICSI: intracytoplasmic sperm injection). Có nghĩa là tinh trùng sẽ được tiêm vào từng trứng trưởng thành. Phương pháp này được gọi là IVF- ICSI.
Trung bình 70% trứng trưởng thành sẽ thụ tinh. Ví dụ, nếu lấy được 10 quả trứng trưởng thành thì khoảng 7 quả sẽ thụ tinh. Nếu thành công, trứng được thụ tinh sẽ trở thành phôi thai.
Nếu có quá nhiều trứng hoặc bạn không muốn tất cả trứng được thụ tinh, một số trứng có thể được đông lạnh trước khi thụ tinh để sử dụng trong tương lai.
Còn một phương pháp thụ tinh khác, được gọi là IVF cổ điển. Trong đó, tế bào trứng được đặt cùng với một giọt tinh dịch chứa hàng triệu tinh trùng vào đĩa chuyên dụng cho IVF. Quá trình thụ tinh dự kiến sẽ diễn ra tương tự như quá trình tự nhiên mà không có sự can thiệp của con người. Để trứng có thể được thụ tinh thì tinh trùng phải có khả năng sống và di chuyển bình thường. Nếu không, nhiều khả năng tinh trùng không thể tiếp cận và xâm nhập vào lớp vỏ của trứng, đi vào bên trong để thụ tinh. Mặt khác, trong IVF cổ điển, có sự chọn lọc tinh trùng tự nhiên để thụ tinh cho trứng. Điều này không xảy ra trong IVF- ICSI, vì trong kỹ thuật này, chuyên gia về phôi học sẽ chủ động chọn tinh trùng để tiêm vào bên trong bào tương của trứng. Xem hình minh họa sự khác biệt giữa IVF cổ điển và IVF-ICSI bên dưới.
Sự khác nhau giữa 2 kỹ thuật thụ tinh: IVF cổ điển và IVF-ICSI (IVF tiêm tinh trùng vào trong bào tương của trứng). Ảnh: www.invitra.com
5. Phát triển phôi
Trong năm đến sáu ngày tới, sự phát triển của phôi thai sẽ được theo dõi cẩn thận.
Phôi thai phải vượt qua nhiều trở ngại để trở thành phôi thai phù hợp để chuyển vào tử cung. Trung bình, 50% phôi được thụ tinh chuyển sang giai đoạn túi phôi. Đây là giai đoạn thích hợp nhất để chuyển vào tử cung. Ví dụ, nếu có 7 trứng được thụ tinh thành phôi, thì 3 hoặc 4 phôi có thể phát triển đến giai đoạn túi phôi. 50% phôi còn lại thường không tiến triển và bị loại bỏ.
Tất cả các phôi phù hợp cho chuyển phôi sẽ được đông lạnh vào ngày thứ năm hoặc thứ sáu của quá trình thụ tinh để sử dụng cho các lần chuyển phôi trong tương lai.
6. Chuyển phôi
Có hai hình thức chuyển phôi là chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh. Bác sĩ có thể thảo luận với bạn về việc sử dụng phôi tươi hoặc phôi đông lạnh và quyết định hình thức nào là tốt nhất cho riêng bạn. Cả chuyển phôi tươi & phôi đông lạnh đều theo cùng một quy trình chuyển phôi.
Chuyển phôi tươi là chuyển vào tử cung ngay sau khi phôi được tạo ra, chưa được đông lạnh.
Chuyển phôi đông lạnh là phôi được đông lạnh (từ chu kỳ IVF trước đó hoặc trứng của người hiến tặng) được rã đông và đưa vào tử cung. Dạng chuyển phôi này phổ biến hơn vì lý do hậu cần và cũng bởi vì phương pháp này có nhiều khả năng thành công hơn. Chuyển phôi đông lạnh có thể thực hiện nhiều năm sau khi chọc hút trứng và thụ tinh.
Trong quy trình chuyển phôi đông lạnh, bước đầu tiên là bạn sẽ sử dụng các loại hormone dạng uống, dạng tiêm, dạng đặt âm đạo hoặc dạng xuyên da để chuẩn bị cho tử cung tiếp nhận phôi. Quá trình này gồm khoảng 14 đến 21 ngày dùng thuốc uống, sau đó là 6 ngày tiêm. Thông thường, bạn sẽ có hai hoặc ba cuộc hẹn trong thời gian này để theo dõi sự sẵn sàng của tử cung bằng siêu âm và đo nồng độ hormone bằng xét nghiệm máu. Khi tử cung của bạn đã sẵn sàng, bạn sẽ được lên lịch cho thủ thuật chuyển phôi.
Nếu chuyển phôi tươi thì thủ thuật chuyển phôi được thực hiện sớm hơn, chỉ trong vòng khoảng 3 đến 5 ngày sau khi chọc hút trứng.
Chuyển phôi là một thủ thuật đơn giản không cần gây tê. Nó có cảm giác tương tự như khi được thăm khám vùng chậu hoặc khi làm phết tế bào cổ tử cung (PAP smear). Dụng cụ mỏ vịt được đặt vào trong âm đạo, sau đó luồn một ống thông mỏng qua cổ tử cung để vào trong tử cung. Một ống tiêm gắn vào đầu kia của ống thông chứa một hoặc nhiều phôi. Phôi được đưa vào tử cung qua ống thông. Thủ thuật này thường mất ít hơn 10 phút.
Hỗ trợ phôi thoát màng trong IVF
Hỗ trợ phôi thoát màng (AH: assisted hatching) là một kỹ thuật được sử dụng trong IVF. Kỹ thuật này sẽ giúp tạo một lỗ trên lớp vỏ ngoài của phôi trước khi chuyển phôi vào tử cung. Lỗ này sẽ giúp phôi thoát ra khỏi lớp vỏ bên ngoài dễ dàng hơn. Để có thai, phôi phải thoát ra và bám vào niêm mạc tử cung. Hỗ trợ phôi thoát màng giống như giúp phôi có một khởi đầu thuận lợi và tăng cơ hội làm tổ trong tử cung. Hỗ trợ phôi thoát màng được sử dụng chủ yếu cho những người đã có một số chu kỳ IVF thất bại.
Có bao nhiêu phôi được chuyển?
Số lượng phôi được chuyển thường dựa vào tuổi và số lượng trứng lấy được. Phụ nữ lớn tuổi có tỷ lệ cấy phôi thành công vào tử cung thấp hơn nên thường được chuyển nhiều phôi hơn, ngoại trừ những trường hợp sử dụng trứng của người hiến tặng hoặc phôi đã qua xét nghiệm di truyền.
Hầu hết các bác sĩ đều tuân theo các hướng dẫn cụ thể để ngăn ngừa trường hợp đa thai, chẳng hạn như sinh ba hoặc nhiều hơn. Ở một số quốc gia, luật pháp giới hạn số lượng phôi được chuyển. Hãy chắc chắn rằng bạn và bác sĩ của bạn đồng ý về số lượng phôi sẽ được chuyển trước khi làm thủ thuật chuyển phôi.
Bạn sẽ làm gì với số phôi còn dư?
Phôi còn thừa có thể được đông lạnh và lưu trữ để sử dụng trong tương lai trong vài năm. Không phải tất cả các phôi sẽ sống sót qua quá trình đông lạnh và rã đông, mặc dù hầu hết phôi sẽ còn sống.
Có phôi đông lạnh có thể làm cho các chu kỳ IVF trong tương lai ít tốn kém hơn và ít xâm lấn hơn. Hoặc, bạn có thể tặng phôi đông lạnh chưa sử dụng cho một cặp vợ chồng khác hoặc một cơ sở nghiên cứu. Bạn cũng có thể chọn loại bỏ các phôi không sử dụng.
7. Mang thai
Mang thai xảy ra khi phôi tự cấy vào niêm mạc tử cung. Trong khoảng 9 đến 14 ngày sau khi chuyển phôi, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để xác định xem bạn có đang mang thai hay không.
Nếu sử dụng trứng được hiến tặng, cũng thực hiện các bước tương tự. Người cho trứng sẽ hoàn thành việc kích thích buồng trứng và lấy trứng. Sau khi quá trình thụ tinh diễn ra, phôi được chuyển cho người muốn mang thai.
Có nhiều yếu tố cần xem xét trước khi bắt đầu điều trị IVF. Để hiểu thật rõ về quy trình IVF và những gì có thể xảy ra, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn.
Một số bước quan trọng trong IVF: Chọc hút trứng (hình A); Thụ tinh (hinh B); Chuyển phôi (hình C). Ảnh: MayoClinic
Cần làm gì để chuẩn bị cho điều trị IVF?
Trước khi bắt đầu điều trị IVF, bạn sẽ cần khám sức khỏe kỹ lưỡng và xét nghiệm khả năng sinh sản. Đối tác của bạn cũng sẽ được kiểm tra và xét nghiệm. Các bước chuẩn bị bao gồm:
- Tư vấn IVF (gặp bác sĩ để thảo luận chi tiết về quy trình IVF)
- Khám tử cung, làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung mới nhất và chụp nhũ ảnh (nếu trên 40 tuổi)
- Xét nghiệm tinh dịch
- Sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh truyền nhiễm khác
- Xét nghiệm dự trữ buồng trứng, xét nghiệm máu và nước tiểu
- Hướng dẫn cách dùng các thuốc hỗ trợ sinh sản
- Khám sàng lọc di truyền học
- Ký các mẫu đơn đồng ý thực hiện IVF
- Đánh giá buồng tử cung (nội soi tử cung hoặc siêu âm tử cung sau khi bơm nước muối).
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn bắt đầu bổ sung axit folic ít nhất ba tháng trước khi chuyển phôi.
Những lưu ý sau khi điều trị IVF?
Có một số triệu chứng nhẹ mà bạn có thể gặp phải sau khi chuyển phôi:
- Hơi chướng bụng hoặc đau bụng,
- Đau ngực do nồng độ estrogen cao
- Táo bón
- Rỉ một lượng nhỏ dịch lỏng trong suốt hoặc có máu ngay sau khi làm thủ thuật, do thủ thuật chuyển phôi có tác động lên cổ tử cung.
Nhiều người sẽ trở lại hoạt động bình thường ngay sau thủ thuật lấy trứng. Tuy nhiên, bạn không nên lái xe trong 24 giờ sau khi gây tê. Khoảng 9 đến 14 ngày sau khi chuyển phôi, bạn sẽ quay lại phòng khám để thử thai bằng xét nghiệm máu.
Tiêm thuốc trong quy trình IVF như thế nào?
Trong chu kỳ IVF, bạn sẽ dùng thuốc nội tiết tố tiêm để khích thích toàn bộ nhóm trứng của chu kỳ đó hoàn toàn trưởng thành cùng lúc. Bác sĩ sẽ xác định loại thuốc, tần suất và liều lượng dựa vào tuổi, tiền sử, nồng độ hormone và phản ứng của bạn với các chu kỳ IVF trước đó nếu có. Bạn có thể tiêm thuốc trong khoảng 8 đến 14 ngày.
Những loại thuốc được sử dụng cho IVF?
Một số loại thuốc có thể được sử dụng trong một chu kỳ IVF. Có loại được dùng bằng đường uống, đường tiêm, miếng dán da hoặc đặt trong âm đạo. Bác sĩ sẽ quyết định liều lượng và thời gian chính xác tùy thuộc vào kế hoạch điều trị cho từng cá nhân.
Trong giai đoạn kích thích buồng trứng, bạn có thể được tiêm hormone:
- Hormone kích thích nang trứng (FSH): Những hormone này có tác dụng kích thích buồng trứng sản xuất trứng. Bác sĩ kê toa một hoặc kết hợp cả hai trong quá trình điều trị, kéo dài trong khoảng 14 ngày.
- Human chorionic gonadotropin (hCG): Loại hormone này thường được tiêm lần cuối (mũi kích rụng trứng) để kích hoạt trứng trưởng thành và bắt đầu rụng trứng.
- Leuprolide acetate: Một loại chất chủ vận của hormone phóng thích gonadotropin (GnRH) được dùng dưới dạng tiêm. Nó giúp kiểm soát quá trình kích thích buồng trứng hoặc được sử dụng như một mũi tiêm kích rụng trứng.
Bạn có thể được kê đơn thuốc tránh thai hoặc thuốc tiêm trước khi bắt đầu IVF nhằm giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và giúp tất cả trứng bắt đầu được kích thích cùng lúc. Hầu hết phụ nữ đều được bổ sung estrogen trước và sau khi chuyển phôi. Loại hormone này giúp làm dày niêm mạc tử cung. Progesterone cũng được dùng phối hợp để cải thiện cơ hội phôi được cấy và phát triển thai thành công trong tử cung. Thường thì việc sử dụng các thuốc này tiếp tục trong suốt tam cá nguyệt đầu tiên dưới dạng thuốc uống, tiêm, dán da hoặc đặt âm đạo.
Những nguy cơ khi tiến hành IVF là gì?
Có một số nguy cơ khi làm IVF:
- Đa thai: Mang đa thai có nguy cơ sinh non cao hơn
- Sinh non: Có nguy cơ sinh con sớm hoặc nhẹ cân hơn
- Sảy thai: Tỷ lệ sảy thai ngang bằng với những trường hợp mang thai do thụ thai tự nhiên
- Thai ngoài tử cung: Đây là tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung
- Các biến chứng trong quá trình chọc hút trứng: Chảy máu; nhiễm trùng; tổn thương bàng quang, ruột hoặc các cơ quan sinh sản trong quá trình chọc hút trứng
- Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS: Ovarian hyperstimulation syndrome): Một tình trạng hiếm gặp gây đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tăng cân nhanh, đầy bụng, khó thở và bí tiểu.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của IVF là gì?
Một số tác dụng phụ gặp phải từ các loại thuốc sinh sản được sử dụng trong giai đoạn kích thích rụng trứng của IVF. Bao gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Nóng bừng
- Nhức đầu
- To buồng trứng
- Đau bụng
- Bầm tím do tiêm IVF
Sau khi chuyển phôi, bạn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường. Buồng trứng của bạn có thể sẽ to ra và có thể gây khó chịu. Các tác dụng phụ thường gặp sau khi chuyển phôi là:
- Táo bón
- Đầy bụng
- Chuột rút
- Đau vú (do estrogen cao)
- Rỉ ít dịch hoặc ra huyết âm đạo
IVF là một thủ thuật thử thách cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều người điều trị IVF phải chống chọi với trầm cảm và lo âu. Cuộc chiến đấu với vô sinh và IVF có thể khiến mọi người cảm thấy thất vọng hoặc choáng ngợp. Hãy nói chuyện cởi mở với bác sĩ về cảm giác của bạn để họ có thể hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện IVF.
Mang thai bằng IVF có nguy cơ nhiều không?
Bản thân việc mang thai bằng IVF không phải là nguy cơ cao. Mang thai bằng IVF sẽ được xem là có nguy cơ cao nếu bố mẹ có bệnh lý hoặc có yếu tố nguy cơ. Ví dụ, tuổi mẹ cao, mang thai nhiều lần hoặc huyết áp cao.
Hiệu quả đậu thai của IVF như thế nào?
Tuổi là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với sự thành công của IVF. Cơ hội mang thai thông qua IVF của bạn cao hơn nhiều nếu bạn dưới 35 tuổi và thấp hơn nếu bạn trên 40 tuổi. Tỷ lệ sinh thành công cũng thay đổi và có liên quan chặt chẽ với tuổi tác. Ví dụ, tỷ lệ sinh thành công khi cha mẹ dưới 35 tuổi và sử dụng trứng của chính họ là khoảng 46%, trong khi tỷ lệ sinh thành công của một người 38 tuổi sử dụng trứng của chính họ là khoảng 22%.
Sau khi tiến hành xong IVF thì bao lâu mới biết có thai?
Mất khoảng 9 đến 14 ngày để thử thai sau khi chuyển phôi. Thời gian chính xác có thể khác nhau tùy thuộc vào cách thức thực hiện và cơ sở IVF. Bác sĩ có thể cho thử thai bằng xét nghiệm máu để đo nồng độ hCG (Human chorionic gonadotropin), đây là loại hormone do nhau thai sản xuất trong thai kỳ.
Nếu IVF thất bại, thì sau bao lâu có thể làm lại?
Hầu hết các cơ sở điều trị khuyên là nên có một chu kỳ kinh nguyệt hoàn chỉnh giữa các chu kỳ IVF. Thời gian của một chu kỳ kinh nguyệt khác nhau, nhưng bạn có thể đợi từ 4 đến 6 tuần sau khi xét nghiệm thử thai âm tính để bắt đầu một chu kỳ IVF khác. Một khoảng nghỉ ngắn giữa các chu kỳ IVF thường được khuyên vì lý do sức khỏe, tài chính và tâm lý.
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?
Nếu đang trong quá trình điều trị IVF, bạn nên liên hệ với bác sĩ của mình nếu xảy ra bất kỳ trường hợp nào sau đây:
- Sốt cao hơn 380C
- Tiểu ra máu
- Ra huyết âm đạo nhiều
- Đau bụng vùng chậu (vùng bụng dưới) dữ dội
Nên hỏi gì khi khi đến cơ sở hỗ trợ sinh sản?
Lựa chọn một cơ sở hỗ trợ sinh sản và tiến hành IVF là một quyết định quan trọng. Do đó, bạn nên tìm hiểu thông tin thật rõ trước khi quyết đinh. Dưới đây là một số câu hỏi mà bạn có thể hỏi:
- Tỷ lệ thành công cho các cặp vợ chồng như chúng tôi là bao nhiêu?
- Tỷ lệ sinh thành công của bạn mỗi năm là bao nhiêu?
- Tỷ lệ đậu thai thành công của bạn trên mỗi lần chuyển phôi là bao nhiêu?
- Tỷ lệ mang đa thai là bao nhiêu?
- Chi phí IVF là bao nhiêu?
- Có thể đông lạnh và lưu trữ phôi của bạn không? Trong bao lâu?
- Có được phép lựa chọn giới tính không?
Các thông tin bổ sung
Bạn có thể chọn giới tính khi mang thai bằng IVF không?
Có, bạn có thể chọn giới tính của em bé với IVF. Trước khi phôi được cấy vào tử cung của bạn, có thể thực hiện xét nghiệm tế bào phôi để tìm nhiễm sắc thể giới tính. Các cặp vợ chồng có thể chọn chỉ cấy ghép giới tính mong muốn và loại bỏ các phôi khác. Lưu ý: Dịch vụ này là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia bên ngoài Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, không phải tất cả các cơ sở hỗ trợ sinh sản hoặc bác sĩ đều cung cấp dịch vụ này.
Tôi có thể làm gì để tăng cơ hội mang thai bằng IVF không?
Một số yếu tố có thể quyết định sự thành công của IVF - một số yếu tố nằm trong tầm kiểm soát của bạn và những yếu tố khác thì không. Những yếu tố này bao gồm:
- Tuổi
- Chiều cao và cân nặng
- Số lần sinh trước
- Tổng số lần mang thai
- Sử dụng trứng của bạn hoặc trứng hiến tặng
- Số chu kỳ IVF
- Tỷ lệ thành công của cơ sở hỗ trợ sinh sản
- Tình trạng sức khỏe
- Nguyên nhân vô sinh của bạn
Bác sĩ tại cơ sở hỗ trợ sinh sản sẽ làm việc với bạn để xác định cách bạn có thể tăng cơ hội mang thai bằng IVF dựa trên tình hình và tiền sử bệnh của bạn.
Tỷ lệ thành công của IVF theo độ tuổi là gì?
Dữ liệu được thu thập ở Hoa Kỳ được tính theo mỗi lần chọc hút trứng chứ không phải theo chu kỳ. Tỷ lệ ca sinh thành công (còn sống) trung bình trên mỗi lần lấy trứng vào năm 2019 là:
- Dưới 35 tuổi: 46,7%
- Độ tuổi 35 đến 37: 34,2%
- Độ tuổi 38 đến 40: 21,6%
- Độ tuổi 41 đến 42: 10,6%
- Từ 43 tuổi trở lên: 3,2%
Các nguyên nhấn khiến IVF thất bại?
Phương pháp điều trị IVF có thể thất bại vì nhiều lý do và tại bất kỳ bước nào trong quy trình IVF. Một số lý do thất bại là:
- Rụng trứng sớm
- Không có trứng đang phát triển
- Quá nhiều trứng đang phát triển
- Trứng không được thụ tinh bởi tinh trùng
- Chất lượng tinh trùng
- Phôi ngừng phát triển hoặc không cấy được vào tử cung
- Các vấn đề về chọc hút trứng hoặc chuyển phôi
Bác sĩ có thể kiểm tra từng bước của quy trình và xác định cách tiến hành tốt nhất với các phương pháp điều trị trong tương lai.
IVF có gây dị tật bẩm sinh không?
Không chắc liệu một mình IVF có phải là nguyên nhân gây ra dị tật bẩm sinh hay không. Đối với những trường hợp mang thai không phải bằng IVF, khoảng 2% trẻ em sinh ra sẽ bị dị tật bẩm sinh. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ sinh ra bằng IVF có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn một chút. Điều này có thể là do thụ thai chậm hoặc liên quan đến nguyên nhân của vô sinh.
Độ tuổi tốt nhất để làm IVF là bao nhiêu?
Nghiên cứu cho thấy cơ hội mang thai hoặc sinh con sau khi điều trị IVF bắt đầu giảm từ tuổi 35. Tỷ lệ thành công giảm đáng kể sau tuổi 40.
Bạn có nên trữ phôi đông lạnh trong quá trình điều trị IVF?
Bảo quản phôi đông lạnh được thực hiện trong hầu hết các chương trình IVF. Một số người chọn cách đông lạnh và lưu trữ phôi để họ có cơ hội mang thai lần nữa. Phôi thừa có thể được đông lạnh và lưu trữ trong vài năm, mặc dù không phải tất cả phôi sẽ sống sót sau quá trình đông lạnh và rã đông.
Lưu ý chung đối với những ai dự định làm IVF
Điều trị IVF là một quá trình phức tạp và riêng tư. Cần trao đổi cởi mở với bác sĩ tại cơ sở hỗ trợ sinh sản để bạn hiểu tất cả các bước liên quan và bác sĩ cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn và đối tác trong suốt quá trình tiến hành IVF.
Ban Biên tập Y Khoa Online
------------------------------------------
Nguồn:
https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/22457-ivf. Truy cập ngày 14/07/2023
https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/in-vitro-fertilization/about/pac-20384716. Truy cập ngày 14/07/2023
https://www.invitra.com/en/ivf-or-icsi/. Truy cập ngày 14/07/2023
-
Sinh thiết vú
31/10/2024 14:05 GMT+7
-
Nút mạch hóa trị qua động mạch (TACE)
29/12/2023 15:53 GMT+7
-
Sinh thiết
20/12/2023 17:59 GMT+7
-
Nong mạch vành
09/11/2023 16:59 GMT+7
-
Nuss
14/08/2023 16:34 GMT+7
-
Nissen
02/08/2023 17:08 GMT+7
-
Mohs
31/07/2023 12:11 GMT+7
-
LASEK
28/07/2023 18:27 GMT+7
-
LASIK
21/07/2023 17:31 GMT+7
-
Chọc hút bằng kim nhỏ
18/07/2023 21:06 GMT+7
-
FNA (Chọc hút bằng kim nhỏ)
18/07/2023 19:08 GMT+7
-
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
16/07/2023 11:05 GMT+7