Tiểu cầu

09/07/2021 20:12 GMT+7

Tiểu cầu là một loại tế bào có mặt trong máu người. Trong cơ thể con người, tiểu cầu là một tế bào đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông cầm máu, hình thành các cục máu đông để bảo vệ sự vẹn toàn của mạch máu.

1. Tiểu cầu là gì?

Trong máu có 03 loại tế bào là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Mỗi loại tế bào có hình thái và chức năng riêng biệt. Tiểu cầu là tế bào máu nhỏ nhất, đường kính 3-4μm, số lượng khoảng từ 150-450G/L.

Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong cơ chế đông cầm máu nhất là giai đoạn cầm máu ban đầu. Tiểu cầu được sản sinh từ mẫu tiểu cầu. Tiểu cầu có đời sống ngắn, khoảng từ 8-15 ngày, hiện nay có thể lưu trữ được tiểu cầu trong 7 ngày ngoài cơ thể ở nhiệt độ 20-22oC, lắc liên tục.

2. Chức năng của tiểu cầu

Tiểu cầu có 3 chức năng chính là dính, ngưng tập và chế tiết. Ngoài ra tiểu cầu còn có vai trò trong phản ứng viêm, vai trò miễn dịch.

Chức năng dính

Bình thường tiểu cầu không dính vào thành mạch, khi thành mạch bị tổn thương tiểu cầu được hoạt hóa và dính vào nơi tổn thương. Collagen là chất quan trọng để tiểu cầu bám dính, kích thích tiểu cầu ngưng tập, collagen tồn tại ở vùng gian bào mạch máu. Các yếu tố khác tham gia hiện tượng dính: GPIb, GPIIb/IIIa,vWF, can xi...

Chức năng ngưng tập

Đây là hiện tượng tiểu cầu tập trung thành “nút” qua hiện tượng dính. Hiện tượng dính đã hoạt hóa tiểu cầu, tạo điều kiện cho hiện tượng ngưng tập xảy ra. Hiện tượng ngưng tập được kích thích bởi một số chất: ADP, thrombin, adrenalin.

Vai trò tiểu cầu với dòng thác đông máu: Tiểu cầu cung cấp điện tích (-) tạo điều kiện cho hoạt hóa yếu tố XII, là bước đầu của quá trình đông máu và tiểu cầu gắn với yếu tố xa tăng hoạt hóa prothrombin.

Chức năng chế tiết

Với sự có mặt của collagen hoặc thrombin hoạt hóa sẽ dẫn đến tăng chế tiết của các hạt tiểu cầu bao gồm ADP, serotonin, fibrinogen,...; collagen và thrombin hoạt hóa quá trình tổng hợp prostaglandin tiểu cầu. Các chất trên không chỉ làm tăng hoạt hóa tiếp theo của tiểu cầu mà còn có tác dụng làm tăng thấm mạch, hoạt hóa protein C, tạo thromboxan A2 và prostacyclin. Từ đây một chuỗi phản ứng bao gồm tăng thấm mạch, ức chế ngưng tập tiểu cầu sẽ xảy ra.

Thông qua các chức năng, tiểu cầu có vai trò quan trong trong đông cầm máu nhất là giai đoạn cầm máu ban đầu. Chức năng cầm máu của tiểu cầu phụ thuộc vào cả số lượng và chức năng của tiểu cầu. Trên thực tế, các bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu thường là hệ quả của sự phối hợp phức tạp giữa sự giảm cả số lượng và chức năng của tiểu cầu.

Tiểu cầu

Tiểu cầu có 3 chức năng chính là dính, ngưng tập và chế tiết. Ảnh: www.redcrossblood.org

3. Ý nghĩa chỉ số tiểu cầu

Chỉ số tiểu cầu bình thường trong cơ thể ở mức 150– 450G/L máu.

Số lượng tiểu cầu ≥ 450 G/L hằng định kéo dài được xác định là tăng tiểu cầu.

Số lượng tiểu cầu < 150 G/L được xác định là giảm tiểu cầu.

Giảm tiểu cầu

Khi số lượng tiểu cầu giảm, quá trình đông máu không thể diễn ra bình thường, chảy máu khó cầm, kéo dài thời gian đông máu. Cơ thể có thể xuất hiện xuất huyết: Xuất huyết dưới da biểu hiện bằng vết bầm tím, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết nội sọ...trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Nguyên nhân gây giảm tiểu cầu có thể do giảm sinh sản tiểu cầu hoặc tăng tiêu hủy tiểu cầu, thường gặp trong các bệnh lý:

  • Do thuốc, hóa chất điều trị ung thư
  • Do di truyền
  • Bệnh lý ác tính
  • Do nhiễm trùng
  • Do bệnh lý gan: Xơ gan, ung thư gan

Tăng tiểu cầu

Khi tăng tiểu cầu thường có các biểu hiện: Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt; Cảm thấy đau, tức ngực, khó thở thường xuyên; Ngất xỉu đột ngột và tái diễn nhiều lần; Tầm nhìn bị hạn chế trong một khoảng thời gian, cảm thấy mắt kém; Hay có cảm giác tê ngứa lòng bàn tay, chân.

Khi tăng tiểu cầu, biểu hiện chảy máu ít gặp. Khi số lượng tiểu cầu tăng trên 1.000 G/L thì tỷ lệ biến chứng chảy máu tăng lên: Chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hoá, chảy máu sau phẫu thuật.

Để theo dõi số lượng tiểu cầu ở người khỏe mạnh chỉ cần khám sức khỏe định kỳ, khi khám sẽ thực hiện xét nghiệm số lượng tiểu cầu thông qua xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi tại các cơ sở y tế. Khi có các biểu hiện chảy máu bất thường cần khám để phát hiện các bất thường do tiểu cầu (nếu có).

 

ThS .BS. Lê Thị Na

Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

-----------------------------------

Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/vai-tro-cua-tieu-cau/. Truy cập ngày 9/7/2021