Mao mạch
Mao mạch là những mạch máu rất nhỏ, nhỏ đến mức chỉ vừa đủ cho một tế bào hồng lọt qua. Hầu hết các mao mạch có đường kính từ 3 đến 4 µm (micromet), nhưng cũng có một số mao mạch có thể có thể lớn tới 40 µm.
Ngoài việc tạo điều kiện trao đổi các chất giữa máu và mô của cơ thể thì mao mạch còn giúp kết nối giữa tiểu động mạch và tiểu tĩnh mạch. Đây là lý do tại sao các mô hoạt động rất tích cực như mô cơ, gan và thận thì có rất nhiều mao mạch. Các mô ít hoạt động trao đổi chất hơn như một số loại mô liên kết thì không có nhiều mao mạch.
Chức năng của mao mạch là gì?
Các mao mạch kết nối hệ thống động mạch, bao gồm các mạch máu mang máu đi từ tim, với hệ thống tĩnh mạch, bao gồm các mạch máu đưa máu trở về tim.
Sự trao đổi oxy, chất dinh dưỡng và chất thải giữa máu và các mô cũng diễn ra trong các mao mạch. Điều này xảy ra nhờ hai quá trình:
- Khuếch tán thụ động. Đây là sự di chuyển của một chất từ khu vực có nồng độ cao hơn đến khu vực có nồng độ thấp hơn.
- Ẩm bào (pinocytosis): Các tế bào thu nhận chủ động các phân tử nhỏ, chẳng hạn như chất béo và protein.
Thành của mao mạch được tạo thành từ một lớp tế bào mỏng gọi là tế bào nội mạc, được bao quanh bởi một lớp mỏng khác gọi là màng đáy. Cầu tạo của lớp tế bào nội mạc và màng đáy xung quanh khác nhau giữa các loại mao mạch, làm cho các mao mạch này“rò rỉ” hơn một chút so với các loại mạch máu khác. Điều này cho phép oxy và những phân tử khác tiếp cận các tế bào của mô cơ thể một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, các tế bào bạch cầu từ hệ thống miễn dịch cũng nhờ mao mạch để có thể tiếp cận các vị trí nhiễm trùng hoặc những nơi tổn thương viêm khác.
Có ba loại mao mạch. Mỗi loại có cấu trúc khác nhau nên cách thức hoạt động cũng khác nhau.
1. Mao mạch liên tục (Continuous capillaries): Đây là loại mao mạch phổ biến nhất. Các tế bào nội mạc nằm liên tục với nhau, có những khe rất nhỏ giữa các tế bào nội mạc và chỉ cho phép những phân tử như khí, nước, glucose và một số hormone đi qua. Tuy nhiên, các mao mạch liên tục trong não là một ngoại lệ vì chúng là một phần của hàng rào máu - não, giúp bảo vệ não bằng cách chỉ cho những chất dinh dưỡng thiết yếu nhất đi qua. Đó là lý do tại sao các mao mạch liên tục trong não không có bất kỳ khoảng trống nào giữa các tế bào nội mạc và màng đáy xung quanh của chúng cũng dày hơn.
2. Các mao mạch có lỗ (Fenestrated capillaries): Các mao mạch này “rò rỉ” hơn so với loại mao mạch liên tục. Ngoài khoảng trống nhỏ giữa các tế bào nội mạc, thì thành của những mao mạch này có nhiều lỗ nhỏ cho phép các phân tử lớn hơn qua lại trao đổi với nhau. Loại mao mạch này được tìm thấy ở những khu vực cần sự trao đổi nhiều giữa máu và các mô. Ví dụ:
- Ruột non: nơi các chất dinh dưỡng được hấp thụ từ thức ăn
- Thận: Đặc biệt là tại cầu thận, nơi các chất thải được lọc ra khỏi máu để vào nước tiểu
3. Mao mạch kiểu xoang (Sinusoid capillaries): Tên gọi khác là mao mạch không liên tục (discontinuous capillaries). Đây là loại mao mạch ít gặp nhất và "dễ rò rỉ nhất".
Các mao mạch dạng xoang cho phép trao đổi các phân tử lớn, thậm chí cả tế bào. Lý do là vì ngoài các lỗ nhỏ và các khoảng trống nhỏ giữa các tế bào nội mạc thì chúng có nhiều khoảng trống lớn hơn trên thành mao mạch. Màng đáy xung quanh cũng không hoàn thiện với các lỗ hở ở nhiều nơi. Những loại mao mạch này được tìm thấy trong một số mô cơ quan như gan, lá lách và tủy xương. Ví dụ, trong tủy xương, những mao mạch này cho phép các tế bào máu mới sản xuất đi vào máu và bắt đầu lưu thông trong hệ tuần hoàn.
Minh họa 3 loại mao mạch. Ảnh: https://openstax.org
Điều gì xảy ra khi các mao mạch không hoạt động bình thường?
Mặc dù các mao mạch rất nhỏ, nhưng bất kỳ điều gì bất thường trong hoạt động của chúng đều có thể gây ra các triệu chứng có thể nhìn thấy hoặc thậm chí có thể là các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.
Vết rượu vang: Là một loại vết bớt do sự giãn nở của các mao mạch trên da. Sự giãn nở này làm cho da có màu hồng hoặc đỏ sẫm, giống như vết rượu vang. Theo thời gian, chúng có thể sẫm màu và dày lên. Mặc dù không tự biến mất, nhưng vết rượu vang cũng không lan ra các khu vực khác. Vết rượu vang thường không cần xử lý, mặc dù xử lý bằng laser có thể làm cho chúng có màu sáng hơn.
Chấm xuất huyết: Hay còn gọi là ban xuất huyết, đốm xuất huyết. Đó là những chấm tròn, nhỏ xuất hiện trên da. Chúng thường có kích thước bằng đầu đinh ghim, có thể có màu đỏ hoặc tím và phẳng trên da. Chấm xuất huyết xảy ra khi máu thoát ra khỏi mao mạch để vào da. Không bị nhạt màu đi khi có áp lực đè lên chúng.
Các đốm xuất huyết thường là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý nào đó, ví dụ như:
- Các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như bệnh ban đỏ, bệnh viêm màng não mô cầu và sốt đốm Rocky Mountain
- Tổn thương do nôn hay ho nhiều
- Thiếu vitamin C gây xuất huyết dưới da (Bệnh Scorbut)
- Ung thư máu
- Tiểu cầu thấp
Một số loại thuốc, bao gồm cả penicillin, cũng có thể gây tác dụng phụ là những chấm xuất huyết.
Ban Biên tập Y Khoa Online
------------------------------
Nguồn:
https://www.healthline.com/health/function-of-capillaries#dysfunction. Truy cập ngày 11/7/2021
https://www.kenhub.com/en/library/anatomy/capillaries. Truy cập ngày 11/7/2021
-
BIRADS
31/10/2024 09:51 GMT+7
-
IVF
16/07/2023 10:48 GMT+7
-
Tụy nhân tạo
14/02/2023 19:20 GMT+7
-
Tủy răng
25/09/2021 16:32 GMT+7
-
SARS-CoV-2
24/07/2021 18:49 GMT+7
-
Virus Zika
17/07/2021 13:30 GMT+7
-
ZNF9
17/07/2021 13:02 GMT+7
-
Xanh methylen
17/07/2021 11:44 GMT+7
-
Xanthine
17/07/2021 11:33 GMT+7
-
Wolframin
17/07/2021 11:05 GMT+7
-
Quai động mạch chủ
17/07/2021 10:29 GMT+7
-
Van tim
17/07/2021 08:14 GMT+7