Giác mạc
Giác mạc được xem là lớp thấu kính đặc biệt của đôi mắt. Cùng tìm hiểu cấu tạo và chức năng để biết thêm về giác mạc, một trong những bộ phận đặc biệt quan trọng hình thành nên đôi mắt.
Mắt là cơ quan nhỏ bé nhưng có vai trò nhìn sự vật bên ngoài hết sức quan trọng trong đời sống con người. Mắt có cấu tạo hết sức tinh vi. Để thực hiện chức năng nhìn đó mắt cần có những bộ phận cơ bản như võng mạc, thuỷ tinh thể và đặc biệt là giác mạc.
Giác mạc (hay còn gọi là lòng đen) có tên tiếng Anh là cornea, là một màng trong suốt có hình chỏm cầu chiếm 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Giác mạc thực hiện chức năng bảo vệ nhãn cầu, kiểm soát và hội tụ ánh sáng đi vào mắt.
Cấu tạo của giác mạc
Đường kính của giác mạc khoảng 11 mm, bán kính độ cong là 7,7 mm. Chiều dày giác mạc ở trung tâm (trung bình 520µm) mỏng hơn ở vùng rìa (trung bình 700µm).
Bán kính cong mặt trước giác mạc tạo thành lực hội tụ khoảng 48,8D, chiếm 2/3 tổng công suất khúc xạ của nhãn cầu. Để điều trị tật khúc xạ, giác mạc có lợi thế nhất vì dễ tiếp cận, can thiệp ngoại nhãn nên an toàn, ít nguy cơ biến chứng.
Giác mạc bao gồm 5 lớp, từ ngoài vào trong gồm các lớp sau:
- Biểu mô: là biểu mô lát tầng không sừng hoá.
- Màng Bowman: có vai trò như lớp màng đáy của biểu mô.
- Nhu mô: chiếm 9/10 chiều dày giác mạc. Phẫu thuật khúc xạ bằng laser thường chỉ can thiệp từ 1/2 lớp nhu mô trở ra trước.
- Màng Descemet: rất dai.
- Nội mô: chỉ có một lớp tế bào
Mỗi bộ phận của giác mạc đều có những đặc điểm và chức năng riêng cấu tạo nên giác mạc hoàn chỉnh cho đôi mắt của chúng ta.
Cấu trúc 5 lớp của giác mạc. Ảnh: allaboutvision.com
Biểu mô
Biểu mô là lớp bề mặt vô cùng quan trọng của giác mạc, có độ dầy khoảng 50 µm (khoảng gần 1/10 bề dầy của giác mạc), gồm 5-7 lớp biểu mô xếp rất trật tự, không sừng hoá.
- Lớp trên cùng là hai hàng tế bào mỏng dẹt, có các mối liên kết chặt chẽ bằng các vòng dính tạo nên hàng rào thẩm thấu cho bề mặt giác mạc, thực hiện nhiệm vụ trao đổi chất, chuyển hoá và là nơi bám dính của màng nước mắt.
- Lớp trung gian có 23 hàng tế bào đa diện dạng xoè hoặc có nhánh.
- Các tế bào đáy hình trụ gắn chặt với màng đáy dày chừng 50nm, có cấu tạo chủ yếu từ collagen, liên kết chặt chẽ với màng Bowman ở phía sau.
Chức năng của lớp biểu mô là cung cấp bề mặt tối ưu cho lớp phim nước mắt phía trên, trải đều bề mặt mắt với vai trò bảo vệ và cung cấp chất dinh dưỡng cho toàn bộ giác mạc. Lớp biểu mô có nhiệm vụ hấp thụ oxy và dưỡng chất từ nước mắt và vận chuyển đến các lớp còn lại của giác mạc. Do đó, lớp biểu mô có vai trò rất quan trọng đối với giác mạc, nên cần tránh các tổn thương trực tiếp lên bề mặt giác mạc.
Màng Bowman
Đây là màng mỏng trong suốt dày cỡ 10-13 µm, áp sát vào lớp nhu mô. Năm 1847, William Bowman là nhà giải phẫu học đầu tiên mô tả lớp màng này, đã gọi đó là “màng chun trước” do nó có cấu tạo dạng sợi tương đối chặt chẽ. Màng Bowman có chức năng chống đỡ những tác nhân chấn thương cơ học và kháng khuẩn cho mắt. Khi một vùng của màng này bị tổn thương thì tổ chức xơ mới sẽ thay thế làm cho vùng đó mất tính trong suốt, và nếu bị rách lớp màng này sẽ để lại sẹo giác mạc.
Lớp nhu mô
Lớp nhu mô chiếm 90% bề dày giác mạc, đây là 1 tổ chức liên kết bao gồm:
- Các sợi liên kết: về bản chất đó là các sợi collagen, tập hợp thành từng bó, từng lớp. Mỗi lớp dày chừng 2 µm. Các lớp xếp song song với nhau và song song với bề mặt giác mạc. Cũng thuộc về nhóm sợi còn có những sợi đàn hồi rất nhỏ tập trung thành một lớp ở ngay trước màng Descemet.
- Tế bào: gồm các tế bào cố định và tế bào di động. Tế bào cố định là các tế bào sợi, các tế bào sợi nằm rải rác khắp giác mạc xen kẽ giữa các sợi collagen. Các tế bào di động của giác mạc gồm tế bào bạch cầu nằm ở các khe kẽ giữa những lớp sợi, những tế bào giác mạc từ vùng rìa.
- Chất căn bản: chiếm khoảng 18% trọng lượng khô của giác mạc gồm ba thành phần: nước, mucopolysaccharit, các muối hữu cơ. Các bó sợi collagen nói trên được gắn với nhau nhờ chất căn bản.
Cấu trúc đặc biệt của lớp nhu mô góp phần tạo nên độ trong suốt của giác mạc. Những thương tổn như vết thương, vết loét …đến lớp nhu mô thường để lại sẹo đục vĩnh viễn ở giác mạc.
Màng Descemet
Jean Descemet là một nhà sinh lý học, thực vật học người Pháp đã mô tả cấu trúc này từ năm 1758. Màng đáy còn có tên khác là màng chun sau của Bowman. Trên người trưởng thành, màng này dày chừng 5-7 µm ở trung tâm và tăng dần độ dày về phía ngoại vi. Ở sát rìa có độ dày chừng 8-10 µm.
Màng Descemet trong suốt có cấu tạo gồm các sợi rất nhỏ kết chặt với nhau nhờ chất căn bản làm nên đặc tính là tương đối dai và đàn hồi. Các sợi của màng Descemet kéo dài liên tục tới góc tiền phòng, có tác dụng giúp chống đỡ cho lớp nội mô giác mạc. Cũng như màng Bowman, lớp màng này nếu bị rách sẽ để lại sẹo giác mạc.
Nội mô
Nội mô chỉ có một lớp tế bào gồm các tế bào hình lục giác, có đường kính 18-20 µm xếp sát vào nhau trải đều trên mặt sau của màng Descemet.
Một đặc điểm quan trọng của nội mô giác mạc là số lượng tế bào hằng định từ khi mới sinh ra, không có sự tái tạo. Khi một vùng nào đó của nội mô bị tổn thương thì các tế bào nội mô lân cận sẽ trải rộng để che phủ vùng bị thương do đó mật độ tế bào giảm xuống. Từ đặc điểm này mà có phương pháp xét nghiệm đếm tế bào nội mô để chẩn đoán một số bệnh lý của mắt.
Chức năng của Giác mạc
Giác mạc có cấu tạo gồm 5 lớp màng giúp cho giác mạc có những chức năng sau:
- Giác mạc cùng với hốc mắt, mi mắt, củng mạc bảo vệ bề mặt nhãn cầu tránh các tác nhân như vi trùng, bụi, các tác nhân có hại khác xâm nhập vào nhãn cầu.
- Giác mạc giống như một thấu kính có chức năng kiểm soát và hội tụ các tia sáng vào mắt. Giác mạc chiếm 2/3 công suất khúc xạ của nhãn cầu. Để nhìn rõ, các tia sáng đến bề mặt nhãn cầu phải được hội tụ bởi giác mạc và thủy tinh thể để rơi đúng vào võng mạc. Võng mạc chuyển các tia sáng thành các xung thần kinh truyền đến não giúp ta nhận biết hình ảnh.
- Ngoài ra, giác mạc còn giống như bộ lọc sàng lọc tia cực tím (UV) có hại cho mắt, nếu không, thủy tinh thể và võng mạc sẽ bị tổn hại bởi tia UV.
Dinh dưỡng giác mạc
Không giống với các mô cơ quan khác, giác mạc không có mạch máu vì giác mạc cần trong suốt để đảm nhiệm chức năng quang học. Dinh dưỡng của giác mạc chủ yếu do thẩm thấu từ hai cung mạch nông và sâu của vùng rìa, từ nước mắt và từ thủy dịch ở tiền phòng.
Thần kinh cảm giác giác mạc
Giác mạc là một trong những mô của cơ thể có mật độ phân bố thần kinh cao nhất, nhạy cảm nhất. Thần kinh cảm giác giác mạc được phân nhánh từ dây thần kinh sinh ba, dây V1.
Nghiên cứu cho thấy cảm giác đau ở giác mạc nhiều hơn 300 – 600 lần so với da và nhiều hơn gấp 20 – 40 lần so với tủy răng, do vậy nếu có tổn thương cấu trúc của giác mạc bệnh nhân sẽ có cảm giác đau khủng khiếp.
Các tình trạng bất thường của giác mạc
Các tình trạng bệnh lý hay tổn thương giác mạc hay gặp là viêm giác mạc, xước giác mạc hay rách giác mạc, lét giác mạc, đục rìa giác mạc (thường gặp ở người cao tuổi)…
Những điều cần lưu ý về giác mạc
Giác mạc sẽ đáp ứng tốt với các tổn thương hoặc vết trầy xước nhỏ, các tế bào biểu mô khỏe mạnh sẽ nhanh chóng trượt đến, bắt cầu qua các tổn thương trước khi tổn thương bị nhiễm trùng và gây ảnh hưởng thị lực. Tổn thương nông có thể hồi phục hoàn toàn hoặc chỉ để lại sẹo rất mỏng.
Nếu tổn thương thâm nhập giác mạc sâu hơn, quá trình lành sẹo sẽ mất nhiều thời gian, bệnh nhân sẽ cảm giác đau rất nhiều, mờ mắt, kích thích chảy nước mắt, đỏ mắt và cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng. Các tổn thương giác mạc sâu sẽ để lại sẹo dày, giảm tầm nhìn và có thể phải ghép giác mạc.
Ban Biên tập Y Khoa Online
-------------------------------------------
Nguồn:
https://www.allaboutvision.com/resources/cornea.htm
https://www.healthline.com/human-body-maps/cornea
https://benhvienmatsaigon.com.vn/giac-mac-la-gi/
https://www.vinmec.com/vi/co-the-nguoi/giac-mac-26/