Saccharin

15/07/2021 15:30 GMT+7

Saccharin là chất làm ngọt nhân tạo (đường nhân tạo) có độ ngọt hơn 200-700 lần so với đường sucrose (đường ăn). Tên hóa học của saccharin là o-sulfabenzamide; 2,3-dihydro-3-oxobenzisosulfonazole.

Saccharin được phát hiện bởi các nhà hóa học Ira Remsen và Constantin Fahlberg vào năm 1879, trong khi họ đang nghiên cứu quá trình oxy hóa o-toluenesulfonamide trong một phòng thí nghiệm tại Đại học John Hopkins ở Baltimore.. Fahlberg nhận thấy thức ăn của mình có rất vị ngọt và thấy rằng trên bàn tay và cánh tay của ông cũng có vị ngọt, mặc dù ông đã rửa rất kỹ sau khi rời phòng thí nghiệm. Kiểm tra thiết bị phòng thí nghiệm của mình bằng các thử nghiệm vị giác, Fahlberg cuối cùng khám phá ra nguồn gốc của vị ngọt này, đó là saccharin. Saccharin trở thành đường nhân tạo đầu tiên được bán trên thị trường. Nó vẫn được tạo ra bởi quá trình oxy hóa o-toluenesulfonamide, cũng như từ phthalic anhydride.

Saccharin không hòa tan là một tinh thể màu trắng, nóng chảy ở 228,8° đến 229,7°C. Muối Natri và Canxi saccharins là chất bột kết tinh màu trắng rất dễ hòa tan trong nước. Saccharin ổn định trong phạm vi pH từ 2 đến 7 và ở nhiệt độ lên đến 150°C. Nó không có giá trị dinh dưỡng và không gây sâu răng. Nó không được cơ thể chuyển hóa và được bài tiết dưới dạng không đổi. Saccharin được sử dụng rộng rãi trong chế độ ăn kiêng của bệnh nhân tiểu đường và những người phải tránh ăn đường. Nó cũng được sử dụng rộng rãi trong nước giải khát dành cho người ăn kiêng và các loại thực phẩm ít calo khác.

Trước đây saccharin từng bị đưa vào danh sách cấm dùng nhưng sau đó chính phủ Mỹ đã loại bỏ saccharin khỏi danh sách các chất có thể gây ung thư vào năm 2000 vì các nghiên cứu cho thấy nó gây ung thư bàng quang ở chuột thông qua một cơ chế không liên quan đến sinh lý ở người. Không có bằng chứng cho thấy saccharin gây ra khối u trên người. 

Có thể được phối hợp saccharin với đường nhân tạo khác không?

Saccharin thường được dùng phối hợp với các loại đường nhân tạo khác để bù đắp cho những khuyết điểm của từng loại đường nhân tạo.

Ví dụ: Saccharin và aspartame cũng thường được sử dụng chung trong nước giải khát có ga dành cho người ăn kiêng để đảm bảo vị ngọt vẫn còn trong trường hợp aspartame hết vị ngọt.

Saccharin có làm tăng lượng đường trong máu không?

Mặc dù là loại đường nhân tạo không cung cấp năng lượng, nhưng một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng saccharin làm tăng mức đường huyết. Người ta cho rằng lý do là vì đường nhân tạo có thể làm thay đổi các vi khuẩn đường ruột.

Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này đều được thực hiện trên chuột, và những nghiên cứu được thực hiện trên người có số lượng người tham gia nghiên cứu rất ít.

Do đó, rất khó để đưa ra kết luận chắc chắn từ nghiên cứu. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu cho thấy loại đường nhân tạo stevia không ảnh hưởng đến mức đường huyết. Do đó stevia trở thành một lựa chọn khả thi nếu bạn lo lắng về những ảnh hưởng có thể có của saccharin.

 

Ban Biên tập Y khoa Việt Nam

--------------------------

Nguồn:

https://www.medicinenet.com/saccharin/definition.htm. Truy cập ngày 16/7/2021

https://www.diabetes.co.uk/sweeteners/saccharin.html. Truy cập ngày 16/7/2021

https://www.britannica.com/science/saccharin. Truy cập ngày 16/7/2021