Rotavirus

04/07/2021 18:19 GMT+7

Rotavirus là gì?

Nhiễm rotavirus là loại nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Rotavirus rất dễ lây lan và là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên toàn thế giới. Nếu quan sát Rotavirus qua kính hiển vi, nó có hình tròn. Tiếng La tinh của từ "bánh xe" là rota. Đó là lý do virus mang tên Rotavirus.

Rotavirus dưới kính hiển vi. Ảnh: www.news-medical.net

Các thông tin về dịch tễ học của rotavirus

– Nguồn bệnh: Người và một số động vật như bò, cừu, khỉ, chó…. có thể là ổ chứa virus. Rotavirus có thể gây bệnh trên động vật như khỉ, trâu, bò, cừu, ngựa, chuột, chó, mèo, thỏ…. chưa trưởng thành và có thể từ đó lây bệnh cho người. Rotavirus ở động vật có thể lây truyền trực tiếp sang người hoặc tái tổ hợp với các chủng rota gây bệnh trên người.

– Lứa tuổi mắc bệnh: Lứa tuổi hay mắc tiêu chảy do Rotavirus là nhóm trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng. Nhiễm rotavirus có thể gặp ở trẻ sơ sinh và người lớn nhưng thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Ở Việt Nam có sự khác biệt về mùa mắc tiêu chảy do rotavirus giữa 2 miền nam bắc. Tỷ lệ mắc tiêu chảy do rotavirus tăng cao vào mùa đông xuân ở miền Bắc, cao nhất từ tháng 9-11 trong khi đó ở miền Nam bệnh không phụ thuộc theo mùa.

– Đường lây truyền: Virus rota chủ yếu lây truyền qua đường phân-miệng, ngoài ra virus có thể lây qua đường hô hấp. Rotavirus có thể lây ngoài cộng đồng hoặc lây chéo trong bệnh viện.

– Miễn dịch của cơ thể với Rotavirus: Trẻ dưới 3 tháng ít bị bệnh vì có sẵn kháng thể của mẹ truyền cho. Các loại kháng thể đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ gồm":

  • Kháng thể tiết IgA: có trong sữa mẹ và có thể tồn tại đến 24 tháng do đó trẻ bú sữa mẹ có thể được bảo vệ trước sự tấn công của rotavirus. IgA tiết ở niêm mạc ruột non có vai trò chính bảo vệ chống nhiễm virus rota.
  • Kháng thể dịch thể: IgM xuất hiện sớm trong máu, đạt nồng độ cao nhất trong giai đoạn cấp tính và giảm dần sau 10 ngày. IgG đạt nồng độ thấp trong giai đoạn cấp và tăng cao trong giai đoạn hồi phục.

Các triệu chứng khi nhiễm Rotavirus

Nếu bé đã tiếp xúc với rotavirus, các triệu chứng sẽ không xuất hiện trong khoảng 2 ngày. Sau đó có thể sẽ bị:

  • Sốt, nôn mửa và đau bụng. Rotavirus thường bắt đầu với những triệu chứng này, sau đó sẽ biến mất.
  • Tiêu chảy bắt đầu sau khi hết ba triệu chứng đầu tiên. Tiêu chảy có thể kéo dài từ 5 đến 7 ngày.

Đưa bé đi thăm khám nếu có những biểu hiện sau:

  • Hôn mê
  • Thường xuyên nôn mửa
  • Ít muốn uống nước
  • Phân có màu đen hoặc có máu hoặc mủ
  • Sốt ở trẻ nhỏ hơn 6 tháng
  • Sốt kéo dài hơn 24 giờ ở trẻ trên 6 tháng

Sau khi hết nôn mửa và tiêu chảy, bé có thể không muốn ăn hoặc uống. Điều này có thể khiến bé bị mất nước, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Người lớn tuổi, đặc biệt là những người bị bệnh hoặc tình trạng khác, cũng có thể bị mất nước.

Liên hệ với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng mất nước nào sau đây:

  • Lo lắng
  • Khóc không ra nước mắt
  • Đi tiểu ít hoặc tã khô
  • Chóng mặt
  • Khô miệng và cổ họng
  • Buồn ngủ nghiêm trọng
  • Da nhợt nhạt
  • Mắt trũng

Người lớn thường có các triệu chứng tương tự, nhưng thường ít nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân nhiễm rotavirus và yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm rotavirus, nhưng thường nhất là:

  • Trẻ sơ sinh
  • Trẻ nhỏ
  • Họ hàng gần
  • Những người làm việc với trẻ em, chẳng hạn như bảo mẫu hoặc nhân viên chăm sóc trẻ em

Nếu con bạn bị nhiễm rotavirus, virus sẽ hiện diện trong phân của trẻ trước khi các triệu chứng bắt đầu và kéo dài đến 10 ngày sau khi các triệu chứng thuyên giảm. Trong thời gian đó, khi con bạn đi vệ sinh, rotavirus có thể lây sang tay của trẻ. Nếu trẻ không rửa tay, thì có thể làm ô nhiễm bất cứ thứ gì trẻ chạm vào, bao gồm:

  • Bút chì màu và bút dạ quang
  • Đồ ăn
  • Các bề mặt như bồn rửa và quầy bếp
  • Đồ chơi, bao gồm cả đồ điện tử dùng chung như iPad và điều khiển từ xa
  • Đồ dùng
  • Nước

Nếu bạn chạm vào bàn tay chưa rửa của con bạn hoặc bất kỳ đồ vật nào đã bị nhiễm và sau đó chạm vào miệng của bạn, bạn có thể bị nhiễm bệnh.

Trên thực tế, những yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm:

– Trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình.
– Ăn bổ sung không đúng cách: cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến.
– Nước uống không sạch (không đun sôi hoặc để lâu), hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
– Dụng cụ, tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh.
– Xử lý chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách, quan niệm phân trẻ em không bẩn như phân người lớn.
– Không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn…

Chẩn đoán nhiễm rotavirus

Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên khám và hỏi về các triệu chứng.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm phân của con bạn.

Điều trị rotavirus và các biện pháp hỗ trợ tại nhà

Không có thuốc đặc trị để điều trị rotavirus. Thuốc kháng sinh & thuốc kháng virus không có hiệu quả.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc làm giảm các triệu chứng và bù nước, điện giải có thể bị mất do nôn mửa và tiêu chảy.

Rotavirus thường hoạt động trong cơ thể của con bạn trong suốt một tuần. Trong thời gian đó, hãy cho bé uống nhiều nước để bù lại tình trạng mất nước, bao gồm:

  • Nước
  • Rượu gừng hoặc nước sô-đa trong
  • Đá bào
  • Tốt nhất là thực phẩm nhạt, chẳng hạn như bánh quy giòn. Tránh xa nước ép táo, sữa, pho mát, thực phẩm có đường và bất cứ thứ gì khác có thể khiến tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy trầm trọng hơn. Cũng tránh đồ uống thể thao có đường.

Phòng ngừa Rotavirus

Thường xuyên rửa tay và khử trùng các bề mặt vật dụng, đồ dùng trong nhà.

Nên cho con bạn chủng ngừa rotavirus vì sẽ giúp bé ít có nguy cơ mắc bệnh hơn. Nếu mắc bệnh thì các triệu chứng cũng sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Vắc xin rotavirus

Vắc-xin rotavirus lần đầu tiên được giới thiệu trên thị trường vào năm 2006. Trước thời điểm này, trẻ nhỏ bị nhiễm rotavirus ít nhất một lần là điều bình thường.

Kể từ khi vắc-xin này được đưa vào sử dụng, số ca nhập viện và tử vong do rotavirus đã giảm đáng kể.

Có thể giúp ngăn ngừa rotavirus và các biến chứng của nó bằng cách cho con bạn tiêm chủng. Có 2 hai loại vắc xin:

  • Rotarix cho trẻ sơ sinh từ 6 đến 24 tuần tuổi
  • RotaTeq cho trẻ sơ sinh từ 6 đến 32 tuần tuổi

Cả hai loại vắc-xin này đều được dùng bằng đường uống, không phải bằng đường tiêm.

Không có vắc-xin chủng ngừa cho trẻ lớn hơn và người lớn. Đây là lý do tại sao các chuyên gia y tế khuyên bạn nên chủng ngừa rotavirus cho con bạn khi còn nhỏ.

Mặc dù vắc-xin rotavirus ngăn ngừa gần như tất cả các trường hợp nhiễm trùng nặng, nhưng không có vắc-xin nào hiệu quả 100 phần trăm. Bạn có thể hỏi thêm bác sĩ nhi khoa về những rủi ro và lợi ích của loại vắc xin này và liệu đó có phải là biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho con bạn hay không.

Trẻ sơ sinh bị suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng hoặc bị lồng ruột, hay bị bệnh nặng thì không nên chủng ngừa.

Các tác dụng phụ hiếm gặp của vắc-xin bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Sốt
  • Quấy khóc
  • Cáu gắt
  • Lồng ruột (rất hiếm)

 

Ban Biên tập Y Khoa Online

----------------------------

Nguồn:

https://www.webmd.com/children/guide/what-is-rotavirus. Truy cập ngày 4/7/2021

https://www.medicinenet.com/rotavirus/definition.htm. Truy cập ngày 4/7/2021

https://benhviennhitrunguong.org.vn/rotavirus-nguyen-nhan-hang-dau-gay-tu-vong-do-tieu-chay-o-tre-em.html. Truy cập ngày 4/7/2021

https://www.healthline.com/health/rotavirus. Truy cập ngày 4/7/2021