Rhesus (Rh)

14/07/2021 11:36 GMT+7

Yếu tố Rhesus (Rh) là gì?

Yếu tố Rh là một loại protein được tìm thấy trên bề mặt của hồng cầu. Nếu hồng cầu của bạn có protein này, thì có nghĩa là bạn có Rh dương tính (Rh+). Ngược lại, nếu hồng cầu của bạn không có protein này, bạn có Rh âm tính (Rh-). Trong thời kỳ mang thai, có thể có một số vấn đề nếu bạn là Rh- và thai nhi của bạn là Rh +. Có thể điều trị để phòng ngừa những vấn đề này.

Yếu tố Rhesus (Rh) trên bề mặt hồng cầu. Ảnh: www.thevoicemagazine.org

Thai nhi nhận được yếu tố Rh như thế nào?

Yếu tố Rh được di truyền, có nghĩa là nó được truyền từ cha mẹ sang con cái thông qua gen. Thai nhi có thể thừa hưởng yếu tố Rh từ bố hoặc mẹ. Hầu hết mọi người có Rh+, có nghĩa là họ đã thừa hưởng yếu tố Rh từ mẹ hoặc cha của họ. Nếu thai nhi không được thừa hưởng yếu tố Rh từ mẹ hoặc cha, thì thai nhi đó là Rh-. Khi một thai phụ có Rh- mà thai nhi của cô ấy là Rh+ thì được gọi là bất đồng yếu tố Rh.

Tại sao bất đồng yếu tố Rh là một vấn đề?

Khi máu của một thai nhi Rh+ vào máu của một phụ nữ Rh-, cơ thể của mẹ sẽ nhận ra rằng máu Rh+ không phải của mình và sẽ cố gắng tiêu diệt nó bằng cách tạo ra các kháng thể kháng Rh. Những kháng thể này có thể đi qua nhau thai và tấn công các tế bào máu của thai nhi. Điều này có thể gây hại, thậm chí tử vong cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.

Kháng thể kháng Rh được tạo ra như thế nào?

Trong thời kỳ mang thai, mẹ và thai nhi thường không có trao đổi máu với nhau. Nhưng đôi khi một lượng nhỏ máu từ bào thai có thể trộn lẫn với máu của thai phụ. Điều này có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Nó cũng có thể xảy ra khi:

  • Chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau
  • Chảy máu trong thai kỳ
  • Cố gắng xoay thai bằng tay để đầu thai nhi quay xuống (ví dụ trường hợp thai nhi ngôi mông)
  • Chấn thương vùng bụng khi mang thai

Khi nào thì kháng thể kháng Rh gây nguy hiểm?

Thường không gặp vấn đề nguy hiểm trong lần mang thai đầu tiên của bà mẹ Rh- với thai nhi Rh+. Điều này là do cơ thể của bà mẹ không có cơ hội để tạo nhiều kháng thể. Nhưng nếu không được điều trị trong lần mang thai đầu tiên và bà mẹ đó có thai lần 2 với thai nhi Rh+, thì lúc này cơ thể của bà mẹ có thể tạo ra nhiều kháng thể hơn, khiến thai nhi trong tương lai gặp nguy hiểm.

Có thể tạo kháng thể kháng Rh khi thai chưa đủ tháng không?

Có, một phụ nữ có Rh- cũng có thể tạo ra kháng thể sau khi:

  • Sẩy thai
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Nạo phá thai

Nếu một phụ nữ Rh- mang thai sau khi có một trong những sự kiện này và không được điều trị, thì thai nhi trong tương lai có thể có nguy cơ nếu Rh dương tính.

Kháng thể kháng Rh ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Khi mang thai, các kháng thể Rh được tạo ra trong cơ thể phụ nữ có thể đi qua nhau thai và tấn công yếu tố Rh trên các tế bào máu của thai nhi. Điều này có thể gây ra một loại thiếu máu nghiêm trọng ở thai nhi, trong đó hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn tốc độ cơ thể có thể thay thế chúng.

Hồng cầu mang oxy đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Nếu không có đủ tế bào hồng cầu, thai nhi sẽ không nhận đủ oxy. Trong một số trường hợp, thai nhi hoặc trẻ sơ sinh có thể chết vì thiếu máu. Không tương thích Rh cũng có thể gây vàng da ở trẻ sơ sinh.

Có thể phòng ngừa các vấn đề liên quan bất đồng Rh không?

Có, các vấn đề trong thai kỳ do bất đồng yếu tố Rh có thể được ngăn ngừa. Mục tiêu của điều trị là ngăn chặn một phụ nữ Rh- tạo ra kháng thể kháng Rh ngay từ đầu. Thực hiện bằng cách xem bạn có Rh- âm tính khi mới mang thai (hoặc trước khi mang thai) hay không, và nếu cần, cho bạn một loại thuốc để ngăn ngừa hình thành kháng thể.

Làm cách nào để biết mình có Rh- hay không?

Một xét nghiệm máu đơn giản có thể xác định nhóm máu và tình trạng Rh của bạn. Bạn có thể lấy mẫu máu để làm xét nghiệm thường được thực hiện trong lần khám khai đầu tiên.

Xét nghiệm tìm kháng thể là gì?

Kiểm tra kháng thể là một xét nghiệm máu khác có thể cho biết liệu một phụ nữ có Rh- đã tạo ra kháng thể với máu Rh+ hay chưa. Thử nghiệm này cũng có thể cho biết có bao nhiêu kháng thể đã được tạo ra.

Khi nào tôi cần làm xét nghiệm tìm kháng thể?

Nếu bạn là Rh- và có khả năng thai nhi của bạn là Rh+, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm này trong tam cá nguyệt đầu tiên của bạn. Bạn có thể làm xét nghiệm này một lần nữa khi thai được 28 tuần. Trong một số trường hợp, bạn có thể được kiểm tra thường xuyên hơn.

Immunoglobulin Rh là gì?

Immunoglobulin Rh (Rhlg) là một loại thuốc ngăn cơ thể tạo ra kháng thể nếu cơ thể chưa tạo ra chúng. Điều này có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu máu trầm trọng của thai nhi trong lần mang thai sau. RhIg là thuốc dạng tiêm. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc bạn có cần RhIg hay không và khi nào bạn có thể được dùng thuốc này. Nếu cơ thể bạn đã tạo ra kháng thể kháng Rh rồi thì thuốc này không có ích.

Khi nào tôi cần dùng RhIg?

  • Ở tuần thứ 28 của thai kỳ: Một số ít phụ nữ Rh- có thể tiếp xúc với các tế bào máu Rh+ từ bào thai trong vài tháng cuối của thai kỳ và có thể tạo ra kháng thể chống lại các tế bào này. RhIg được tiêm vào tuần thứ 28 của thai kỳ sẽ phá hủy các tế bào Rh+ này trong cơ thể người phụ nữ. Điều này ngăn cản việc tạo ra các kháng thể kháng Rh+.
  • Trong vòng 72 giờ sau khi sinh một em bé Rh+: Cơ hội lớn nhất để máu của một thai nhi Rh+ sẽ đi vào máu của một phụ nữ Rh âm tính xảy ra trong khi sinh. RhIg ngăn một phụ nữ có Rh- tạo ra các kháng thể có thể ảnh hưởng đến việc mang thai trong tương lai. Mỗi lần mang thai và sinh em bé có Rh+ cần phải tiêm nhắc lại một liều RhIg.

Có lúc nào khác mà tôi có thể cần RhIg không?

Có, một liều RhIg có thể cần thiết cho các trường hợp:

  • Sau khi mang thai ngoài tử cung, sẩy thai hoặc phá thai
  • Sau khi chọc ối, sinh thiết gai nhau, lấy mẫu máu thai nhi hoặc phẫu thuật thai nhi
  • Nếu bạn bị chảy máu khi mang thai
  • Nếu bạn bị chấn thương vùng bụng khi mang thai
  • Nếu cố gắng chuyển ngôi thai bằng tay

Nếu kháng thể đã có rồi thì sao?

Điều trị RhIg không giúp ích gì khi một phụ nữ có Rh- đã tạo kháng thể. Trong trường hợp này, tình trạng sức khỏe của thai nhi sẽ được kiểm tra trong suốt thai kỳ, thường là bằng siêu âm.

Làm gì khi thai nhi bị thiếu máu nghiêm trọng?

Nếu khám siêu âm cho thấy thai nhi bị thiếu máu nặng, có thể cần sinh sớm (trước tuần thứ 37 của thai kỳ). Một lựa chọn khác có thể là truyền máu qua dây rốn khi thai nhi vẫn còn trong tử cung của mẹ.

Nếu thai nhi chỉ bị thiếu máu nhẹ thì sao?

Nếu thiếu máu nhẹ, có thể sinh bình thường theo thời gian. Sau khi sinh, em bé có thể cần được truyền máu để thay thế các tế bào máu.

 

Ban Biên tập Y Khoa Online

----------------------

Nguồn: https://www.acog.org/womens-health/faqs/the-rh-factor-how-it-can-affect-your-pregnancy. Truy cập ngày 14/7/2021