Nuss

14/08/2023 16:34 GMT+7

Phẫu thuật Nuss là phương pháp phẫu thuật để điều trị tật lõm ngực hay lõm xương ức. Phẫu thuật Nuss là phẫu thuật nội soi đặt thanh nâng xương ức, cho thấy tính hiệu quản, an toàn, ít xâm lấn và thẩm mỹ nên được lựa chọn nhiều nhất. Tên gọi của phẫu thuật nhằm tôn vinh bác sĩ Donald Nuss – người đã nghiên cứu ra phương pháp phẫu thuật này.

Phẫu thuật Nuss điều trị lõm ngực (lõm xương ức)

Ảnh minh họa các bước của phẫu thuật Nuss

Các bước phẫu thuật gồm: 

- Phẫu thuật nội soi vào khoang màng phổi, đặt camera hỗ trợ quan sát,

- Luồn thanh bar đã được uốn cong vào lồng ngực (trước tim, sau xương ức).

- Phẫu thuật viên xoay thanh, đưa chiều cong xuống dưới, đẩy xương ức lõm về tư thế trung gian (bước số 4, phía trái bên dưới).

Các biến chứng của phẫu thuật Nuss:

Người bệnh thường đau nhất trong 3 ngày đầu sau mổ. Sau đó giảm dần và khoảng 2 tháng sau sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, cũng có những nguy cơ biến chứng sau mổ như:

Nhiễm trùng vết mổ: ít gặp, biểu hiện sưng nóng đỏ đau tại ví trí luồn thanh nâng, có thể có sốt. Xử trí bằng cách thay băng sạch sẽ, dùng kháng sinh.

Tràn khí, tràn máu màng phổi: ít gặp, biểu hiện đau ngực, khó thở. Xử trí bằng cách có thể phải đặt dẫn lưu màng phổi.

Dị ứng thanh đỡ: tỷ lệ gặp 2-3%, do cơ thể không thích ứng được với thanh đỡ, biểu hiện thường sau mổ một tháng vết mổ lồi lên, có thể vỡ rỉ dịch ra ngoài, vết mổ không liền. Xử trí bằng điều trị ít hiệu quả thường phải phẫu thuật lấy thanh ra.

Thủng tim, thủng phổi, thủng cơ hoành: hiếm gặp, đã có một vài trường hợp trên thế giới được báo cáo.

Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu bất thường hoặc đau tăng lên, người bệnh hoặc gia đình của người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ.

Những lưu ý sau phẫu thuật Nuss:

Người bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường sau mổ 7-10 ngày. Trong 2 tháng đầu cần tránh các hoạt động thể lực mạnh vì thanh đỡ có khả năng bị di lệch.

Tránh các môn thể thao mang tính đối kháng như bóng đá, các môn võ… nên tập các môn thể thao giúp phát triển cơ ngực như bơi lội.

Nếu mổ trước 18 tuổi thường để khoảng 2 năm thì người bệnh có thể rút thanh. Sau 18 tuổi thường phải để lâu hơn tầm 3 - 4 năm.

Tham khảo thêm: Lõm ngực

--------------------------

Nguồn: 

https://benhviennhitrunguong.gov.vn/phau-thuat-dieu-tri-lom-xuong-uc-tai-benh-vien-nhi-trung-uong.html. Truy cập ngày 14/08/2023

http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/bai-viet-chuyen-mon-menuleft-33/7439-lom-nguc-bam-sinh-dau-hieu-nhan-biet-va-phuong-phap-dieu-tri.html. Truy cập ngày 14/08/2023