Ghép tế bào gốc điều trị bại não
70 - 80% bệnh nhân sau ghép tế bào gốc điều trị bại não đã cải thiện về chức năng vận động, giảm đáng kể trương lực cơ, tăng cường sức mạnh cơ bắp, phối hợp tốt hơn trong sinh hoạt, tăng cảm giác ngon miệng và tăng cân, cải thiện kỹ năng tập trung, ghi nhớ tốt hơn...
Ghép tế bào gốc điều trị bại não
Liệu pháp tế bào gốc là phương pháp điều trị bại não còn rất mới trên thế giới. Tế bào gốc được tách chiết từ tủy xương trong môi trường vô trùng tuyệt đối và truyền vào cơ thể bệnh nhân qua đường cột sống lưng, ngang mức L4-5. Tế bào gốc sẽ theo tuần hoàn của dịch não tủy đi lên não bộ. Tại đây, tế bào gốc giúp tăng sinh mạch máu, hình thành các chất có chức năng kháng viêm, đồng thời kích thích nhưng tế bào gốc thần kinh tại khu vực biệt hóa, tăng sinh. Tế bào gốc được cấy ghép vào cơ thể còn có tác dụng dẫn truyền thần kinh tốt hơn. Từ đó, đem lại hiệu quả phục hồi vùng não bị tổn thương.
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec là người trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng thành công tế bào gốc trong việc điều trị bệnh bại não tại Việt Nam. Tùy thuộc vào thể bại não, 70 - 80% bệnh nhân sau ghép đã cải thiện về chức năng vận động, giảm đáng kể trương lực cơ, tăng cường sức mạnh cơ bắp, có sự phối hợp tốt hơn trong sinh hoạt, tăng cảm giác ngon miệng và tăng cân, cải thiện kỹ năng tập trung, ghi nhớ tốt hơn.
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gene - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là người trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng thành công liệu pháp tế bào gốc trong việc điều trị bệnh bại não tại Việt Nam.
Quy trình Ghép tế bào gốc điều trị bại não
1. Chỉ định
Ghép tế bào gốc hỗ trợ trong điều trị bại não được chỉ định cho các bệnh nhân thỏa mãn các tiêu chuẩn sau
Các bệnh nhân được chẩn đoán xác định là bại não do các nguyên nhân mắc phải
Theo phân loại GMFCS mức độ nặng từ mức II đến mức V
Trên phim chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não có tổn thương não phù hợp với nguyên nhân gây bại não
Bệnh nhân không mắc các bệnh lý thần kinh tiến triển, các bệnh có liên quan đến gen hoặc nhiễm sắc thể, bệnh lý nhiễm trùng, rối loạn đông máu, bất thường cơ quan tạo máu, dị ứng thuốc kháng sinh, thuốc gây mê...
Các thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng trước ghép của đối tượng đảm bảo điều kiện sức khỏe thực hiện ghép tế bào gốc điều trị
2. Khám và đánh giá bệnh nhân trước ghép tế bào gốc
2.1. Hỏi bệnh
Bác sĩ khai thác tiền sử sản khoa, diễn biến quanh cuộc đẻ, cân nặng lúc sinh, các biến cố bất thường phát sinh trong quá trình phát triển của trẻ.
2.2. Khám lâm sàng
Khám toàn trạng: Đánh giá cân nặng, chiều cao, tinh thần của trẻ
Cơ xương khớp: Trương lực cơ, cơ lực, phản xạ gân xương...
Khám thần kinh
Khám tim, phổi
Đánh giá chức năng vận động thô và phân loại mức độ vận động: sử dụng thang đo lường GMFM và thang phân loại GMFCS
Đánh giá chức năng vận động tinh: Thang FMS
Đánh giá trương lực cơ: Thang Ashworth cải tiến
Đánh giá khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và nhận thức: Test Denver II.
2.3. Các thăm khám cận lâm sàng
Chụp MRI sọ não (có gây mê/ không gây mê)
Các bệnh nhân khám lâm sàng được chẩn đoán bại não có nguyên nhân mắc phải được tiến hành chụp MRI sọ não để đánh giá tổn thương, một số tổn thương thường gặp trên phim MRI sọ não do các nguyên nhân mắc phải, bao gồm
- Các tổn thương chất xám vỏ não: Teo nhu mô não...
- Các tổn thương chất trắng dưới vỏ: Nhuyễn não quanh não thất...
- Các tổn thương nhân não...
Chụp MRI sọ não để chẩn đoán nguyên nhân bại não
Điện não đồ
Tiến hành đo điện não đồ để đánh giá nguy cơ và tình trạng động kinh của người bệnh trước khi ghép
Điện tâm đồ
Tiến hành đo điện tim để đánh giá tình trạng sức khỏe chung của trẻ trước ghép tế bào gốc, đảm bảo an toàn trong quá trình gây mê, lấy tủy xương và ghép tế bào gốc
Chụp X-quang tim phổi
Việc chụp xquang tim phổi hỗ trợ cho khám lâm sàng đánh giá tình trạng hô hấp của đối tượng tham gia nghiên cứu đảm bảo sức khỏe khi ghép tế bào gốc
Xét nghiệm sinh hóa máu
Chức năng gan: GOT, GPT
Chức năng thận: Urê, Creatinene
Điện giải đồ
Đường huyết
Tổng phân tích nước tiểu
Xét nghiệm sinh huyết học
Công thức máu
Đông máu cơ bản
Nhóm máu
Xét nghiệm vi sinh
Xét nghiệm HIV
Xét nghiệm viêm gan B: HBsAg
Các thăm dò khác:
Tùy vào tình trạng lâm sàng của từng bệnh nhân, một số bệnh nhân sẽ tiến hành thêm một số thăm dò để chẩn đoán phân biệt: Xét nghiệm nhiễm sắc thể, các xét nghiệm di truyền, chuyển hóa, xét nghiệm gen...
3. Quy trình thực hiện can thiệp ghép tế bào gốc tự thân từ tủy xương
Bệnh nhân đủ điều kiện ghép tế bào gốc sẽ được nhập viện, tiến hành gây mê để lấy tủy xương ở các vị trí gai chậu trước trên bên phải và bên trái
Tủy xương thu thập được sẽ chuyển về Trung tâm công nghệ cao Vinmec xử lý, chiết tách tế bào gốc, kiểm định đánh giá chất lượng tế bào gốc thu hoạch
Tiến hành gây mê và truyền tế bào gốc cho bệnh nhân qua đường tủy sống, mỗi ca ghép tế bào gốc thường ghép từ 2 - 4 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 6 tháng.
Với các trường hợp ghép tế bào gốc từ tủy xương có nuôi cấy tăng sinh, bệnh nhân được lấy tủy xương 1 lần, tiến hành phân lập và ghép 95% số lượng tế bào gốc thu thập được, 5% lượng tế bào gốc còn lại được nuôi cấy và lưu trữ cho các lần ghép tiếp theo, mỗi liệu trình ghép có thể cách nhau từ 3-6 tháng.
Sau ghép, bệnh nhân được theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại khu nội trú khoảng 2-3 ngày, khi sức khỏe ổn định có thể xuất viện, trẻ tiếp tục được theo dõi tại nhà sau ghép tế bào gốc.
4. Những nguy cơ, tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi can thiệp bằng ghép tế bào gốc tự thân
Theo y văn thế giới cũng như kinh nghiệm điều trị tại Vinmec, sử dụng liệu pháp tế bào gốc tự thân trong can thiệp hỗ trợ điều trị bại não là tương đối an toàn. Chỏ có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có thể đau, nôn, sốt, viêm phổi, xuất hiện cơn động kinh, kích thích, quấy khóc hơn... sau ghép. Với các trường hợp có xuất hiện các tác dụng không mong muốn như vậy, gia đình cần cho con tái khám hoặc liên hệ khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bệnh nhân có thể có các nguy cơ nghiêm trọng xảy ra: Nhiễm trùng thần kinh (viêm não, viêm màng não...), nhiễm trùng huyết và các nhiễm trùng, biến chứng khác...sau ghép.
Việc gây mê để thu gom tủy xương và truyền tế bào gốc qua đường tủy sống đi kèm một số nguy cơ rất hiếm gặp như: Suy hô hấp, rối loạn nhịp tim hay thay đổi huyết áp, ngừng tuần hoàn.
Các nguy cơ, tác dụng không mong muốn nêu trên nếu xảy ra có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng và thậm chí có thể nguy hại đến tính mạng của bệnh nhân
Không phải tất cả các bệnh nhân bại não sau khi can thiệp bằng ghép tế bào gốc tự thân đều tốt lên. Có một tỷ lệ nhất định các cháu ít hoặc không có đáp ứng với việc can thiệp hỗ trợ bằng tế bào gốc, không có tiến bộ sau ghép.
5. Các vấn đề cần lưu ý sau ghép tế bào gốc
Các trẻ bại não vừa trải qua 1 cuộc phẫu thuật (gây mê lấy tủy xương, truyền ghép tế bào gốc tế bào gốc) làm cơ thể trẻ yếu, sức đề kháng của cơ thể bé với các tác nhân từ môi trường yếu hơn nên trẻ rất dễ bị ốm. Do vậy cần hết sức chú ý khi chăm sóc trẻ. Nên tránh
Không nên tắm cho trẻ ngay sau 1-2 ngày đầu sau ghép tế bào gốc, chỉ lau người nhanh cho trẻ bằng nước ấm, tránh nhiễm lạnh dễ gây viêm phổi
Tạo không gian, môi trường thuận lợi cho trẻ, tránh môi trường quá nóng hay lạnh quá, tránh nằm trực tiếp dưới luồng điều hòa, quạt gió...
Không nên cho trẻ đi chơi hay di chuyển xa
Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa
Sau điều trị nên cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa
6. Các vấn đề cần theo dõi ở trẻ bại não sau ghép tế bào gốc
Sau ghép tế bào gốc, trẻ bại não xuất viện về nhà cần được tiếp tục theo dõi các vấn đề sau
Theo dõi sốt: Cha mẹ hãy để ý xem trẻ có sốt không, kiểm tra trán của trẻ bằng mu tay hoặc cảm nhận bằng chạm nhẹ môi lên trán trẻ. Có thể sử dụng nhiệt kế kiểm tra nhiệt độ cho con ít nhất ngày 3-4 lần để phát hiện nếu sốt
Theo dõi đau: Để ý xem trẻ có quấy khóc hơn ngày thường, ăn uống kém, gồng cứng nhiều hơn, trẻ ngủ kém, đó có thể là dấu hiệu trẻ đau. Các vị trí gây đau thường là vùng gai chậu trước, nơi lấy tủy xương, vùng lưng của trẻ nơi đưa kim vào để truyền tế bào gốc. Ngoài ra trẻ có thể có các khó chịu khác trên cơ thể. Hãy ghi lại số lần xuất hiện các khó chịu ở trẻ, diễn biến khác thường sau ghép, liên hệ và báo cho bác sĩ điều trị để nhận được lời khuyên.
Theo dõi nôn: Trẻ sau ghép tế bào gốc có thể xuất hiện nôn, khi trẻ có nôn cần được cho nằm nghiêng sang bên tránh chất nôn hít vào phổi gây sặc, gây viêm phổi. Sau mỗi lần nôn, cần bổ sung nước và điện giải bằng cách cho uống oresol (pha dung dịch và uống theo hướng dẫn), theo dõi sát trẻ, ghi nhận số lần nôn mỗi ngày. Tránh cho trẻ ăn no quá, nên cho trẻ ăn làm nhiều bữa, mỗi lần ăn ít đi, thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Theo dõi hô hấp: Để ý xem trẻ có thở nhanh hơn bình thường, có khò khè hay không, có ho không, đặc biệt quan sát 2 cánh mũi khi trẻ thở có khó khăn không, có rút lõm mũi ức hay hõm ức không, có tiếng thở rít hay bất thường không, trẻ có tăng tiết nhiều đờm dãi hơn bình thường không, cần ghi nhận và thông báo cho bác sĩ điều trị.
Các biểu hiện bất thường khác của cơ thể: Trẻ kích thích, quấy hơn, ngủ kém...hiếm khi xuất hiện cơn động kinh sau ghép tế bào gốc do não bị kích thích trong những ngày đầu sau ghép
Tái khám và đánh giá bởi bác sĩ điều trị sau ghép tế bào gốc điều trị bại não
7. Tái khám và đánh giá
Sau ghép tế bào gốc ra viện, trẻ cần được tái khám để bác sĩ điều trị đánh giá và theo dõi các vấn đề phát sinh sau ghép: Đau, nôn, sốt, nhiễm trùng, quấy khóc...Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn và điều chỉnh thuốc điều trị để trẻ phục hồi tốt hơn.
Sau 3 tháng, trẻ được tái khám lần 2, được xét nghiệm máu kiểm tra công thức máu, đánh giá chức năng gan, thận sau ghép tế bào gốc, kiểm tra đáp ứng ban đầu của cơ thể trẻ với tế bào gốc.
Sau 6 tháng, 12 tháng, trẻ được tái khám để đánh giá lại đánh giá lại tình trạng bệnh, sự thay đổi, tiến bộ của trẻ trên các lĩnh vực: Trương lực cơ, khả năng vận động thô, vận động tinh, khả năng nhận thức... sau can thiệp tế bào gốc.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng phương pháp tế bào gốc điều trị thành công nhiều ca bệnh bại não tưởng chừng đã hết hy vọng. Toàn bộ quy trình tách ghép tế bào gốc điều trị bại não tại Vinmec được thực hiện rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Các cuộc phẫu thuật đều do các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành phụ trách cùng hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại. Ngoài ra, Vinmec cũng xây dựng quy trình ghép chuẩn để có thể chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội được chữa trị cho trẻ em bị bại não trên cả nước.
Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Chinh
Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
----------------------------------------------------
Nguồn:
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/quy-trinh-ghep-te-bao-goc-dieu-tri-bai-nao/. Truy cập ngày 08/05/2020
-
Nút mạch hóa trị qua động mạch (TACE)
29/12/2023 15:53 GMT+7
-
Sinh thiết
20/12/2023 17:59 GMT+7
-
Nong mạch vành
09/11/2023 16:59 GMT+7
-
Nuss
14/08/2023 16:34 GMT+7
-
Nissen
02/08/2023 17:08 GMT+7
-
Mohs
31/07/2023 12:11 GMT+7
-
LASEK
28/07/2023 18:27 GMT+7
-
LASIK
21/07/2023 17:31 GMT+7
-
Chọc hút bằng kim nhỏ
18/07/2023 21:06 GMT+7
-
FNA (Chọc hút bằng kim nhỏ)
18/07/2023 19:08 GMT+7
-
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
16/07/2023 11:05 GMT+7
-
Hỗ trợ phôi thoát màng trong IVF (thụ tinh trong ống nghiệm)
16/07/2023 10:31 GMT+7