Sinh thiết vú
Sinh thiết vú là thủ thuật được thực hiện để lấy một phần mô vú hoặc khối u, được gọi là mẫu. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy mẫu từ vùng nghi ngờ ung thư để gửi phòng thí nghiệm xem mẫu mô có chứa tế bào ung thư hay không.
Cần làm sinh thiết vú không có nghĩa là chắc chắn bị ung thư, mà chỉ là nghi ngờ ung thư. Sinh thiết là cách duy nhất để chẩn đoán xác định là ung thư.
Các loại sinh thiết vú
Có nhiều loại sinh thiết vú khác nhau. Bác sĩ sẽ chỉ định loại sinh thiết tùy vào các yếu tố:
- Bất thường ở vú qua thăm khám lâm sàng
- Kích thước khối u
- Vị trí khối u
- Có nhiều vùng nghi ngờ ung thư không
- Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân
- Lựa chọn của bệnh nhân
Có các loại sinh thiết như sau:
- Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA: Fine Needle Aspiration)
- Sinh thiết bằng kim lõi (CNB: Core Needle Biospy)
- Sinh thiết bằng phẫu thuật
- Sinh thiết hạch bạch huyết
1. Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA)
Thủ thuật này thường được thực hiện nếu vùng nghi ngờ có khả năng là một túi chứa đầy dịch (u nang). Dùng kim hút bỏ dịch có thể giúp giảm đau do u nang. Chọc hút bằng kim nhỏ cũng có thể hữu ích nếu bác sĩ không chắc chắn liệu vùng nhìn thấy trên hình ảnh là u nang hay u đặc.
Trong thủ thuật chọc hút bằng kim nhỏ, bác sĩ sử dụng một cây kim rỗng rất nhỏ gắn vào ống tiêm để rút (hút) một lượng nhỏ mô vú hoặc dịch từ một vùng khả nghi để kiểm tra.
Nếu có thể cảm nhận được vùng cần sinh thiết, bác sĩ có thể vừa cảm nhận vừa đưa kim vào.
Nếu khó cảm nhận khối u (ví dụ khối u nằm sâu trong mô vú), bác sĩ có thể đưa kim vào chọc hút theo hướng dẫn của siêu âm. Đây được gọi là chọc hút bằng kim nhỏ có siêu âm hướng dẫn.
Minh họa thủ thuật chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) có siêu âm hướng dẫn. Ảnh: clevelandclinic.org
Mẫu được chọc hút bằng kim nhỏ sau đó sẽ được kiểm tra xem có tế bào ung thư không. Một nhược điểm của FNA là nó chỉ chọc hút một lượng nhỏ mô và tế bào, vì vậy mẫu thường cần được kiểm tra ngay dưới kính hiển vi để tránh phải lấy thêm mẫu.
Các bước tiến hành
FNA là một thủ thuật ngoại trú (không cần nằm viện). Bác sĩ có thể dùng hay không dùng thuốc gây tê tại chỗ tùy từng trường hợp vì kim dùng để sinh thiết rất nhỏ nên việc dùng kim tiêm thuốc gây tê có khi còn đau hơn cả khi sinh thiết.
Bạn sẽ nằm ngửa và nằm im khi bác sĩ thực hiện FNA.
Có thể cảm thấy một chút áp lực từ đầu dò nếu bác sĩ có sử dụng siêu âm hướng dẫn. Sau đó bác sĩ sẽ đưa kim vào vùng cần chọc hút sinh thiết. Khi kim đã vào đúng vị trí, bác sĩ sẽ sử dụng ống tiêm để kéo ra một lượng nhỏ mô và/hoặc dịch. Có thể lặp lại thao tác này vài lần để lấy một số mẫu. Sau khi hoàn tất thủ thuật, vùng đó sẽ được băng hoặc gạc vô trùng.
Chọc hút để lấy một mẫu sinh thiết thường mất khoảng 15 giây. Toàn bộ quy trình từ đầu đến cuối thường mất khoảng 20 đến 30 phút nếu có siêu âm hướng dẫn.
Sau khi làm FNA
Bác sĩ hoặc y tá sẽ hướng dẫn cách chăm sóc vùng đã làm sinh thiết, những việc có thể làm và những việc cần tránh trong thời gian chờ vết thương lành lại. Hoạt động gắng sức có thể được yêu cầu phải hạn chế trong khoảng một ngày, sau đó có thể quay lại bình thường.
Đôi khi, sinh thiết gây chảy máu, bầm tím hoặc sưng tấy, làm cho khối u ở vú trông to hơn sau khi sinh thiết. Thông thường, không cần lo lắng về điều này và tình trạng bầm tím và sưng tấy sẽ biến mất theo thời gian. Bác sĩ hoặc y tá sẽ hướng dẫn những điều lưu ý và khi nào thì cần liên lạc bác sĩ.
Biết được gì khi làm thủ thuật chọc hút bằng kim nhỏ?
Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ xem xét mẫu mô hoặc dịch sinh thiết để tìm xem có tế bào ung thư trong đó không.
Ưu điểm chính của thủ thuật này là nhanh, thường không cần gây tê và không cần rạch da, do đó không cần khâu và không để lại sẹo. Ngoài ra, trong một số trường hợp, có thể có ngay kết quả ngay trong ngày.
Tuy nhiên, đôi khi có thể bỏ sót ung thư nếu kim không đi đúng vào vùng có tế bào ung thư hoặc nếu không lấy đủ tế bào. Ngay cả khi tìm thấy ung thư, lượng tế bào ung thư được chọc hút bằng kim nhỏ cũng có thể không đủ để thực hiện một số xét nghiệm khác nếu cần.
Nếu kết quả chọc hút sinh thiết bằng kim nhỏ không đưa ra chẩn đoán rõ ràng hoặc nếu bác sĩ vẫn còn lo ngại, có thể bác sĩ sẽ chỉ định một loại sinh thiết rộng hơn, như sinh thiết bằng kim lõi hoặc sinh thiết bằng phẫu thuật.
2. Sinh thiết bằng kim lõi
Nếu xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh nghi ngờ ung thư vú, bác sĩ có thể chỉ định làm sinh thiết bằng kim lõi. Đây là loại sinh thiết thường được sử dụng nếu nghi ngờ ung thư vú, vì nó lấy được nhiều mô vú hơn so với chọc hút bằng kim nhỏ mà không cần phẫu thuật.
Với thủ thuật này, bác sĩ sử dụng kim rỗng để lấy các mảnh mô vú từ vùng nghi ngờ mà bác sĩ đã cảm nhận khi khám hoặc đã thấy trên xét nghiệm hình ảnh. Kim được gắn vào một lò xo để có thể di chuyển ra vào mô vú nhanh chóng hoặc có thể được gắn vào một thiết bị hút giúp hút kéo mô vú vào kim (được gọi là sinh thiết lõi có hút chân không).
Mỗi lần sẽ lấy một mẫu mô hình trụ nhỏ (lõi). Thường bác sĩ sẽ lấy nhiều mẫu mô.
Sinh thiết vú bằng kim lõi. Ảnh: cancer.org
Bác sĩ có thể đưa kim vào vùng bất thường bằng cách sờ khối u. Nhưng cũng có thể bác sĩ sẽ sử dụng một số loại xét nghiệm hình ảnh để hướng dẫn kim vào đúng vị trí như chụp nhũ ảnh (hoặc chụp cắt lớp vú), MRI hay siêu âm vú.
Các bước thực hiện
Đây là thủ thuật ngoại trú, không cần nhập viện. Bản thân thủ thuật này thường khá nhanh, nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn nếu cần có xét nghiệm hình ảnh hỗ trợ hoặc tiến hành loại sinh thiết bằng kim lõi đặc biệt.
Nếu sinh thiết bằng kim lõi được thực hiện bằng hướng dẫn hình ảnh, tư thế của bệnh nhân tùy thuộc vào loại xét nghiệm hình ảnh được sử dụng.
Đầu tiên bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào khu vực cần sinh thiết, đôi khi sau đó cần rạch một vết nhỏ trên da vú (khoảng 5-6mm). Kim sinh thiết được đưa vào mô vú thông qua vết cắt này để lấy mẫu mô. Bác sĩ sẽ đưa kim vào, có thể cùng với hướng dẫn của các xét nghiệm hình ảnh để giúp kim đến đúng vị trí để lấy mẫu mô.
Thường sau đó, bác sĩ sẽ đưa vào một dụng cụ nhỏ (kẹp) để đánh dấu vùng sinh thiết. Kẹp đánh dấu này sẽ hiển thị trên phim chụp nhũ ảnh hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác, giúp xác định vị trí chính xác của khu vực cần điều trị thêm (nếu cần) hoặc để theo dõi. Kẹp này sẽ ở nguyên vị trí và an toàn khi chụp MRI.
Thường không cần khâu sau khi rút kim, nhưng có thể phải ấn trong thời gian ngắn để giúp hạn chế chảy máu. Sau đó, băng lại bằng băng vô trùng.
Sau khi sinh thiết bằng kim lõi
Hoạt động gắng sức có thể được yêu cầu phải hạn chế trong khoảng một ngày, sau đó có thể quay lại bình thường.
Thủ thuật này có thể gây chảy máu, bầm tím hoặc sưng tấy, làm cho khối u ở vú trông lớn hơn sau khi sinh thiết. Thường không cần quá lo lắng về điều này và vết bầm tím hay sưng sẽ biến mất theo thời gian. Bác sĩ hoặc y tá sẽ hướng dẫn những điều lưu ý và khi nào thì cần liên lạc bác sĩ.
Sinh thiết bằng kim lõi thường không để lại sẹo.
Biết được gì khi làm thủ thuật sinh thiết bằng kim lõi?
Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ kiểm tra mô sinh thiết dưới kính hiển vị để xem có tế bào ung thư trong đó không. Sinh thiết bằng kim lõi thường giúp phát hiện nếu có tế bào ung thư và cũng cung cấp đủ mẫu nếu cần thêm xét nghiệm khác. Tuy nhiên, nó vẫn có thể bỏ sót một số loại ung thư.
Nếu kết quả sinh thiết bằng kim lõi không đưa ra chẩn đoán rõ ràng hoặc nếu vẫn còn nghi ngời, bác sĩ có thể chỉ định làm lại sinh thiết bằng kim lõi, hoặc chỉ định loại sinh thiết khác rộng hơn như sinh thiết bằng phẫu thuật.
3. Sinh thiết bằng phẫu thuật
Nếu kết quả sinh thiết kim (kim nhỏ hoặc kim lõi) không rõ ràng, có thể bác sĩ sẽ cho chỉ định sinh thiết bằng phẫu thuật (đôi khi được gọi là sinh thiết mở).
Đối với loại sinh thiết này, phẫu thuật được sử dụng để cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của vùng nghi ngờ để kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không.
Có 2 loại sinh thiết bằng phẫu thuật:
- Sinh thiết một phần: chỉ cắt đi một phần khối u hoặc vùng mô vú bất thường.
- Sinh thiết trọn: Cắt bỏ toàn bộ khối u hoặc vùng bất thường và một phần vùng mô bình thường xung quanh khối u (bờ hay viền khối u).
Các bước tiến hành
Sinh thiết bằng phẫu thuật thường phải gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch da vú và cắt bỏ vùng mô nghi ngờ, sau đó khâu lại và băng vết thương bằng băng vô trùng.
Sau khi sinh thiết phẫu thuật
Sinh thiết bằng phẫu thuật có thể gây chảy máu, bầm tím hoặc sưng, có thể khiến vú to và sưng hơn sau phẫu thuật sinh thiết. Thường thì vết bầm tím và sưng sẽ biến mất theo thời gian. Bác sĩ hoặc y tá sẽ hướng dẫn cách chăm sóc vị trí sinh thiết phẫu thuật, và thời gian và mức độ cần hạn chế các hoạt động cũng như khi nào thì cần liên hệ bác sĩ nếu có vấn đề bất thường.
Sinh thiết bằng phẫu thuật có thể để lại sẹo. Hình dạng vú có thể thay đổi tùy thuộc vào lượng mô vú được cắt bỏ.
Biết được gì khi sinh thiết bằng phẫu thuật?
Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ kiểm tra mẫu mô được sinh thiết bằng phẫu thuật dưới kính hiển vi xem có tế bào ung thư không.
Hãy hỏi bác sĩ khi nào có kết quả sinh thiết. Các bước tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả sinh thiết.
Nếu không tìm thấy tế bào ung thư trong sinh thiết, bác sĩ sẽ trao đổi xem có cần làm thêm xét nghiệm khác không, thời điểm cần chụp nhũ ảnh tiếp theo và hẹn lần tái khám tới…
Nếu phát hiện thấy có tế bào ung thư, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm xét nghiệm khác để nhận biết loại ung thư và vạch kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Có thể bác sĩ cũng sẽ đề nghị hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa khác.
4. Sinh thiết hạch bạch huyết
Nếu ung thư vú lan rộng, trước tiên nó thường di căn đến các hạch bạch huyết gần đó, dưới cánh tay (nhóm hạch nách). Đôi khi di căn đến các hạch bạch huyết gần xương đòn hoặc gần xương ức (phần giữa phía trước của ngực). Biết được ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết hay chưa sẽ giúp đưa ra hướng điều trị tốt nhất.
Cắt bỏ một hoặc nhiều hạch bạch huyết dưới cánh tay (hạch nách) và kiểm tra trong phòng thí nghiệm để đánh giá xem ung thư đã di căn ra ngoài vú hay chưa. Việc này cũng giúp đánh giá giai đoạn của ung thư vú. Nếu các hạch bạch huyết có tế bào ung thư, thì khả năng tế bào ung thư cũng di căn xa đến các bộ phận khác của cơ thể sẽ cao hơn. Có thể thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh nếu trường hợp này xảy ra.
Có thể cắt bỏ hạch bạch huyết theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào việc có hạch bạch huyết nào bị to ra không, khối u vú lớn đến mức nào và các yếu tố khác.
Sinh thiết hạch phì đại
Nếu bất kỳ hạch bạch huyết nào dưới cánh tay hoặc xung quanh xương đòn sưng to ra, thì có thể sinh thiết kim: chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) hoặc sinh thiết bằng kim lõi. Trường hợp phẫu thuật để cắt bỏ hạch phì đại thì ít phổ biến hơn. Nếu phát hiện ung thư ở hạch bạch huyết, sẽ cần cắt bỏ nhiều hạch hơn.
Các loại phẫu thuật hạch bạch huyết
Các hạch bạch huyết lân cận cần được kiểm tra xem ung thư đã xâm lấn hay chưa, kể cả khi chúng không phì đại. Có 2 cách để kiểm tra:
- Sinh thiết hạch bạch huyết gác cửa: chỉ cắt bỏ một vài hạch.
- Cắt bỏ hạch nách: trong một số trường hợp, có thể cần phải cắt bỏ nhiều hạch hơn.
Cắt bỏ hạch bạch huyết thường được thực hiện trong ca phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư vú, nhưng cũng có khi được thực hiện như một ca phẫu thuật riêng biệt.
Sinh thiết hạch bạch huyết gác cửa
Bác sĩ phẫu thuật sẽ tìm và cắt bỏ hạch bạch huyết đầu tiên mà ung thư có khả năng di căn đến (gọi là hạch gác cửa hay gác cổng). Trong thủ thuật này, có một chất sẽ được tiêm vào khối u, vùng xung quanh khối u hoặc vùng xung quanh núm vú. Có thể thực hiện bằng:
- Chất phóng xạ và/hoặc thuốc nhuộm màu xanh, HOẶC
- Dung dịch chứa các hạt oxit sắt
Các mạch bạch huyết sẽ mang những chất này theo cùng một con đường mà ung thư có khả năng di căn. Hạch bạch huyết đầu tiên mà chất này di chuyển đến sẽ là hạch gác cửa.
Sau khi tiêm chất này, có thể xác định được hạch gác cửa bằng cách:
- Sử dụng một máy đặc biệt để phát hiện phóng xạ hoặc các hạt oxit sắt trong các hạch
- Tìm kiếm các hạch đã chuyển sang màu xanh (hoặc nâu nếu sử dụng dung dịch chứa các hạt oxit sắt)
Đôi khi, cả hai phương pháp đều được sử dụng.
Kế đến, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch vùng da phía trên và cắt bỏ hạch bạch huyết gác cửa.
Hạch gác cửa bị cắt bỏ sẽ được gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh để kiểm tra xem có chứa tế bào ung thư không. Nhiều khi xét nghiệm giải phẫu bệnh này được thực hiện ngay trong quá trình phẫu thuật. Lý do là nếu phát hiện thấy ung thư hiện diện trong hạch bạch huyết gác cửa, thì có khả năng ung thư cũng đã xâm lấn các hạch bạch huyết khác lân cận. Khi đó, bác sĩ phẫu thuật có thể cắt luôn hạch nách khi bệnh nhân vẫn còn đang trên bàn mổ. Còn nếu không thấy tế bào ung thư trong các hạch gác cửa tại thời điểm phẫu thuật hoặc nếu bác sĩ giải phẫu bệnh không thể kiểm tra tại thời điểm phẫu thuật, thì chúng sẽ được kiểm tra kỹ hơn trong vài ngày tiếp theo.
Các bước sinh thiết hạch gác cửa tại vú: Một chất phóng xạ và/hoặc thuốc nhuộm màu xanh được tiêm gần khối u. Chất được tiêm vào được định vị bằng mắt thường và/hoặc bằng thiết bị phát hiện phóng xạ. Hạch gác cửa (hạch bạch huyết đầu tiên tiếp nhận chất phóng xạ hoặc thuốc nhuộm) được cắt bỏ và kiểm tra xem có tế bào ung thư không. Ảnh: cancer.gov
Nếu sau phẫu thuật, bác sĩ giải phẫu bệnh phát hiện ung thư có trong hạch gác cửa, bệnh nhân có thể được đề nghị phẫu thuật cắt bỏ hạch nách để kiểm tra xem có ung thư không. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không cần phẫu thuật cắt hạch tùy vào đánh giá các yếu tố như kích thước của khối u vú, loại phẫu thuật được sử dụng để cắt bỏ khối u và phương pháp điều trị nào được lên kế hoạch sau phẫu thuật.
Các trường hợp sau có thể không cần phải phẫu thuật cắt hạch nách:
- Phụ nữ có khối u vú kích thước ≤ 5cm, có không quá 2 hạch gác cửa dương tính (có tế bào ung thư), đang được phẫu thuật bảo tồn vú sau đó là xạ trị và không hóa trị trước khi phẫu thuật.
- Phụ nữ có hạch bạch huyết với lượng ung thư rất nhỏ (≤2 mm) và đang được phẫu thuật cắt trọn vú.
Nếu không có ung thư ở hạch gác cửa, thì khả năng ung thư đã di căn đến các hạch nơi khác là rất thấp, do đó không cần phẫu thuật cắt hạch thêm nữa.
Sinh thiết hạch gác cửa thường được chỉ định cho trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm, ung thư vú tiến triển tại chỗ trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như sau khi điều trị tân bổ trợ và không áp dụng cho những phụ nữ bị ung thư vú dạng viêm.
Mặc dù đây là một thủ thuật phổ biến, nhưng nó đòi hỏi nhiều kỹ năng và cần được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm.
Phẫu thuật cắt bỏ hạch nách
Hạch bạch huyết vùng dưới cánh tay (hạch nách) được cắt bỏ và và kiểm tra giải phẫu bệnh xem bên trong có tế bào ung thư hay không. Cắt bỏ hạch nách thường được thực hiện cùng lúc với ca phẫu thuật điều trị cắt trọn vú hoặc phẫu thuật bảo tồn vú, nhưng cũng có khi thực hiện trong ca phẫu thuật lần hai. Phẫu thuật cắt hạch nách thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nếu sinh thiết hạch gác cửa trước đó cho thấy 3 hoặc nhiều hạch bạch huyết dưới cánh tay có tế bào ung thư
- Nếu hạch nách dưới cánh tay hoặc xương đòn sưng to có thể sờ thấy trước khi phẫu thuật hoặc nhìn thấy trên các xét nghiệm hình ảnh và chọc hút bằng kim nhỏ hoặc sinh thiết bằng kim lõi cho thấy tế bào ung thư
- Nếu ung thư đã phát triển đủ lớn và vượt khỏi hạch bạch huyết
- Nếu sinh thiết hạch gác cửa có kết quả dương tính với tế bào ung thư sau khi hóa trị trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u (hóa trị bổ trợ)
Các biến cố không mong muốn của phẫu thuật cắt hạch
Sau phẫu thuật cắt hạch, có thể xảy ra tình trạng đau, sưng, chảy máu, huyết khối và nhiễm trùng.
- Phù bạch huyết
Một tác dụng phụ lâu dài có thể xảy ra của phẫu thuật cắt hạch bạch huyết là sưng ở cánh tay hoặc ngực, được gọi là phù bạch huyết. Nguyên nhân là vì lượng dịch dư thừa ở cánh tay thường sẽ đi ngược trở lại vào máu thông qua hệ bạch huyết, nên việc cắt bỏ các hạch bạch huyết đôi khi sẽ chặn đường dẫn lưu từ cánh tay, khiến dịch bị tích tụ, gây phù.
Minh họa cánh tay bị phù bạch huyết. Ảnh: cancer.org
Sinh thiết hạch gác cửa ít gây phù bạch huyết hơn so với phẫu thuật cắt bỏ hạch nách (5%-17% đối với sinh thiết hạch gác cửa và 20% - 30% đối với phẫu thuật cắt bỏ hạch nách). Phù bạch huyết phổ biến hơn nếu có xạ trị sau phẫu thuật hoặc ở những phụ nữ béo phì. Đôi khi triệu chứng phù chỉ kéo dài trong vài tuần rồi biến mất, nhưng cũng có trường hợp kéo dài rất lâu. Nếu cánh tay bị phù, cứng hoặc đau sau phẫu thuật cắt hạch bạch huyết, hãy báo ngay với bác sĩ.
- Hạn chế vận động vai và cánh tay
Hạn chế vận động ở cánh tay và vai sau phẫu thuật cũng là biến cố không mong muốn, phổ biến hơn ở phẫu thuật cắt hạch nách so với sinh thiết hạch gác cửa. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách tập thể dục để tránh các biến chứng lâu dài (như cứng khớp vai).
- Tê bì
Cảm giác tê da phần trên, bên trong cánh tay là một tác dụng phụ phổ biến vì dây thần kinh cảm giác ở đây đi qua vùng hạch bạch huyết.
BS. Trần Quốc Hùng
Ban Biên tập Y Khoa Online
---------------------------------------
Tham khảo:
https://www.cancer.org/cancer/types/breast-cancer.html. Truy cập ngày 31/10/2024
https://www.cancer.gov/about-cancer/diagnosis-staging/staging/sentinel-node-biopsy-fact-sheet. Truy cập ngày 31/10/2024
-
Nút mạch hóa trị qua động mạch (TACE)
29/12/2023 15:53 GMT+7
-
Sinh thiết
20/12/2023 17:59 GMT+7
-
Nong mạch vành
09/11/2023 16:59 GMT+7
-
Nuss
14/08/2023 16:34 GMT+7
-
Nissen
02/08/2023 17:08 GMT+7
-
Mohs
31/07/2023 12:11 GMT+7
-
LASEK
28/07/2023 18:27 GMT+7
-
LASIK
21/07/2023 17:31 GMT+7
-
Chọc hút bằng kim nhỏ
18/07/2023 21:06 GMT+7
-
FNA (Chọc hút bằng kim nhỏ)
18/07/2023 19:08 GMT+7
-
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
16/07/2023 11:05 GMT+7
-
Hỗ trợ phôi thoát màng trong IVF (thụ tinh trong ống nghiệm)
16/07/2023 10:31 GMT+7