LASIK
Phẫu thuật LASIK là gì?
LASIK, viết tắt của laser in-situ keratomileusis, nghĩa là bào mòn giác mạc bằng tia laser. Đây là một loại phẫu thuật khúc xạ mắt. Phẫu thuật LASIK sử dụng tia laser để điều trị các vấn đề về thị lực do tật khúc xạ gây ra. Bạn mắc tật khúc xạ khi mắt bạn không khúc xạ (bẻ cong) ánh sáng đúng cách.
Để có thể nhìn rõ, các tia sáng phải đi qua giác mạc và thủy tinh thể. Giác mạc và thủy tinh thể khúc xạ ánh sáng để nó chiếu vào võng mạc. Võng mạc biến ánh sáng thành tín hiệu truyền đến não và trở thành hình ảnh. Với các tật khúc xạ, bất thường về hình dạng giác mạc hoặc thủy tinh thể khiến ánh sáng không được khúc xạ đúng cách, làm cho ánh sáng không thể hội tụ vào võng mạc như bình thường, do đó thị lực sẽ giảm và bạn bị nhìn mờ.
Với LASIK, bác sĩ nhãn khoa sử dụng tia laser để thay đổi hình dạng bề mặt giác mạc, giúp cải thiện việc hội tụ các tia sáng vào võng mạc. LASIK được sử dụng để điều trị các tật khúc xạ của mắt như cận thị, viễn thị và loạn thị.
Mục tiêu của LASIK là điều chỉnh tật khúc xạ để cải thiện thị lực của mắt. Phẫu thuật mắt LASIK có thể giúp giảm nhu cầu đeo kính gọng hoặc kính áp tròng. Trong một số trường hợp, phẫu thuật LASIK có thể giúp bạn bạn không cần phải đeo kính.
Các tật khúc xạ của mắt?
Khi ánh sáng không hội tụ vào võng mạc bình thường, thị lực của bạn sẽ bị mờ. Các bác sĩ gọi đây là tật khúc xạ. Có các loại tật khúc xạ phổ biến như:
- Cận thị: Bạn nhìn thấy mọi thứ rõ ràng khi chúng ở gần, nhưng những thứ ở xa hơn lại bị mờ.
- Viễn thị: Bạn nhìn rõ những vật ở xa hơn, nhưng những vật ở gần lại bị mờ.
- Loạn thị: Do bất thường về hình dạng giác mạc hoặc thủy tinh thể, có thể tạo ra nhiều hình ảnh trên võng mạc, làm người loạn thị nhìn mờ ở mọi khoảng cách. Có nhiều người bị mắc tật khúc xạ phối hợp như cận thị với loạn thị hoặc viễn thị với loạn thị.
Ai là đối tượng phù hợp để phẫu thuật LASIK?
Để được phẫu thuật LASIK, bạn cần đáp ứng một số yêu cầu nhất định, như:
- Từ 18 tuổi trở lên (lý tưởng nhất là trên 21 tuổi, vì ở đột tuổi này thì thị lực có nhiều khả năng đã ngừng thay đổi).
- Toa thuốc cho mắt của bạn không thay đổi nhiều trong năm qua.
- Tật khúc xạ mắt của bạn phải là loại tật khúc xạ có thể điều trị bằng phẫu thuật LASIK.
- Giác mạc của bạn cần phải đủ dày và tốt, đồng thời sức khỏe tổng thể của mắt bạn phải tốt.
Ai không phải là đối tượng phù hợp để mổ LASIK?
Những người có một trong các triệu chứng hay bệnh lý dưới đây là chống chỉ định của LASIK:
- Tật khúc xạ không ổn định (thay đổi)
- Độ cận thị, viễn thị hoặc loạn thị rất nặng
- Khô mắt nặng
- Giác mạc quá mỏng
- Có bệnh về mắt hoặc bị sẹo giác mạc
- Giác mạc hình nón (keratoconus)
- Tăng nhãn áp đang tiến triển
- Đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến thị lực
- Tiền sử bị nhiễm trùng mắt
- Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) không được kiểm soát tốt
Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú không nên phẫu thuật LASIK. Lý do là những thay đổi về thị lực có thể xảy ra trong thai kỳ.
Bác sĩ nhãn khoa có thể nói chuyện với bạn về các tình trạng bệnh lý khác có thể khiến bạn không thể phẫu thuật LASIK.
Để xác định xem bạn có phải là đối tượng phù hợp cho LASIK hay không, bác sĩ nhãn khoa sẽ kiểm tra mắt của bạn, bao gồm:
- Sức khỏe tổng thể của đôi mắt.
- Đo và đánh giá giác mạc
- Đo kích thước đồng tử của mắt
- Đo tật khúc xạ của mắt
Trong một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa sẽ đo chất lượng và số lượng nước mắt của mắt bạn để kiểm tra xem bạn có bị khô mắt hay không và nếu có thì đánh giá mức độ khô mắt.
Những lợi ích của phẫu thuật LASIK là gì?
Những lợi ích của LASIK bao gồm:
- Phẫu thuật LASIK đã có lịch sử tồn tại hơn 25 năm. Khoảng 96% bệnh nhân đạt được mục tiêu thị lực sau phẫu thuật LASIK. Khi kỹ thuật được cải tiến, con số này có thể còn cao hơn nữa.
- Nếu phẫu thuật có gây đau thì chỉ đau rất ít.
- Không có băng hoặc mũi khâu nào ở mắt.
- Nếu thị lực sau này của bạn thay đổi khi già đi, bác sĩ có thể điều chỉnh lại.
- Có thể bạn sẽ ít cần hay thậm chí không cần sử dụng kính đeo hoặc kính áp tròng sau phẫu thuật LASIK.
Phẫu thuật LASIK có nguy cơ gì không?
Giống như mọi cuộc phẫu thuật khác, LASIK cũng có nguy cơ xảy ra một số vấn đề ngoài ý muốn hoặc biến chứng.
Đa số những vấn đề ngoài ý muốn của LASIK thường biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, chúng có thể không biến mất. Ví dụ, hầu hết những người phẫu thuật LASIK sẽ bị khô mắt và thay đổi thị lực trong ngày. Những triệu chứng này thường giảm dần trong vòng một tháng. Tuy nhiên, đối với một số người, triệu chứng có thể tồn tại lâu hơn rồi mới biến mất hoặc có thể còn hoài.
Các vấn đề không mong muốn khác có thể xuất hiện tạm thời hoặc vĩnh viễn như:
- Đau mắt hoặc khó chịu ở mắt
- Nhìn mờ hoặc giống như có sương mù
- Ngứa mắt
- Chói mắt
- Thấy quầng sáng,
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Những vệt máu nhỏ màu hồng hoặc đỏ trên lòng trắng của mắt sẽ biến mất theo thời gian
Các nguy cơ hiếm gặp khác bao gồm:
- Nhiễm trùng mắt
- Thị lực kém hơn trước khi phẫu thuật LASIK, ngay cả khi đeo kính hoặc kính áp tròng
- Bị mù
Ngoài ra, khi phẫu thuật LASIK, thị lực của bạn có thể bị điều chỉnh dưới mức hoặc quá mức. Những vấn đề này thường có thể được cải thiện bằng đeo kính, kính áp tròng hoặc phẫu thuật laser bổ sung.
Nếu bạn hài lòng khi đeo kính hoặc kính áp tròng, bạn có thể không cần phẫu thuật khúc xạ. Do đó, bạn và bác sĩ nhãn khoa cần thảo luận và cân nhắc những nguy cơ và lợi ích của LASIK trước khi quyết định.
Cần chuẩn bị gì trước phẫu thuật LASIK?
Bạn và bác sĩ nhãn khoa sẽ thảo luận về nhu cầu thị lực dựa trên lối sống của bạn. Ví dụ, nếu bạn chơi thể thao thì bạn có thể có nhu cầu nhìn xa và rõ sau phẫu thuật.
Ngoài ra, bạn và bác sĩ nhãn khoa của bạn nên thảo luận về những kỳ vọng của bạn đối với LASIK. Những người phẫu thuật LASIK để mong có thị lực hoàn hảo mà không cần đeo kính hoặc kính áp tròng có nguy cơ bị thất vọng. Phẫu thuật LASIK bằng tia laser này cho phép mọi người thực hiện hầu hết các công việc hàng ngày mà không cần đeo kính. Tuy nhiên, bạn có thể cần đeo kính cho một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như đọc sách hoặc lái xe vào ban đêm.
Bác sĩ nhãn khoa của bạn sẽ kiểm tra kỹ lưỡng mắt của bạn và đảm bảo rằng bạn là đối tượng phù hợp cho LASIK. Đây là những gì bác sĩ sẽ làm:
- Kiểm tra thị lực của bạn, để đảm bảo rằng thị lực của bạn không thay đổi. Nó cũng giúp đánh giá độ nặng của tật khúc xạ và liệu LASIK có phù hợp hay không.
- Kiểm tra các bệnh lý về mắt khác. Bác sĩ nhãn khoa cần chắc chắn rằng bạn không có bệnh lý mắt nào khác có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc phẫu thuật hoặc phẫu thuật LASIK có thể làm cho những bệnh lý này trở nên nặng hơn. Ví dụ, nếu bạn bị chứng khô mắt thì nó có thể tệ hơn sau khi phẫu thuật LASIK.
- Đo và lập bản đồ bề mặt giác mạc của bạn. Bác sĩ nhãn khoa sẽ kiểm tra độ dày giác mạc của bạn và thực hiện các phép đo chính xác về bề mặt giác mạc. Bác sĩ phẫu thuật mắt sẽ sử dụng các kết quả đo đạc này để lập trình tia laser bằng máy tính trong quá trình phẫu thuật.
- Đo kích thước đồng tử của mắt bạn. Nếu đồng tử của bạn rất lớn, bạn có thể nhìn thấy quầng sáng (vòng sáng) vào ban đêm sau khi phẫu thuật LASIK.
Nếu bạn đang đeo kính áp tròng cứng thấm khí, ngưng đeo chúng ít nhất 3 tuần trước khi bác sĩ mắt đánh giá. Không đeo các loại kính áp tròng khác ít nhất 3 ngày trước khi bác sĩ mắt đánh giá. Nếu bạn có đeo kính gọng, hãy mang theo để bác sĩ xem và đánh giá.
Các bước trong quá trình phẫu thuật LASIK
Bác sĩ phẫu thuật mắt sử dụng tia laser để chỉnh hình lại giác mạc của bạn. Đây là các bước tiến hành:
- Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc tê vào mắt.
- Bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt một dụng cụ giữ mí mắt để ngăn bạn chớp mắt, sau đó đặt một vòng hút lên mắt bạn để giữ cho mắt không di chuyển. Bạn sẽ cảm thấy áp lực giống như một ngón tay ấn mạnh vào mí mắt của bạn. Tại thời điểm này, bạn sẽ nhìn thấy mờ hoặc đen.
- Bằng cách sử dụng một thiết bị gọi là dao microkeratome hoặc tia laser, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một vạt giác mạc mỏng như tờ giấy. Sau đó kéo nó lên và gấp sang một bên.
- Bạn sẽ được yêu cầu nhìn chằm chằm vào đèn mục tiêu để mắt không di chuyển. Sau đó, bác sĩ nhãn khoa sẽ điều chỉnh hình dạng giác mạc bằng tia laser đã được lập trình dựa vào các kết quả đo đạc trước đó.
- Trong khi bác sĩ dùng tia laser, bạn sẽ nghe tiếng lách cách. Sau khi chỉnh hình lại giác mạc, bác sĩ phẫu thuật gấp vạt giác mạc lại, xuống đúng vị trí ban đầu và làm phẳng các gờ xung quanh. Vạt giác mạc tự gắn trong 2–3 phút và sẽ lành tại chỗ.
Những lưu ý sau phẫu thuật LASIK
Trong vài giờ sau phẫu thuật, bạn có thể thấy mắt mình bị nóng rát, ngứa hoặc cảm thấy cộm như có vật gì trong mắt, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nhiều nước mắt, nhìn mờ, lóa mắt, nhìn thấy các vệt sao hoặc quầng sáng, mắt hơi đỏ hoặc đỏ ngầu. Tất cả các triệu chứng này sẽ được cải thiện trong vài ngày đầu sau phẫu thuật. Bạn không được dụi mắt trong bất kỳ trường hợp nào, vì dụi mắt có thể làm trật hoặc dịch chuyển vạt giác mạc, có thể phải tiến hành phẫu thuật để chỉnh lại vị trí vạt giác mạc.
Điều rất quan trọng là bạn phải liên hệ với bác sĩ ngay trong đêm đầu tiên sau phẫu thuật nếu mắt bạn bị đau dữ dội hoặc thị lực ngày càng kém đi mà không cải thiện. Bạn không cần đợi đến lần tái khám đầu tiên sau mổ theo lịch hẹn nếu bạn đang đang bị những triệu chứng này.
Bác sĩ có thể sẽ cho bạn thuốc nhỏ mắt để phòng nhiễm trùng và viêm, cũng như thuốc nhỏ mắt để giữ ẩm cho mắt. Bạn có thể có cảm giác nóng nhẹ thoáng qua hoặc mờ mắt khi sử dụng chúng. Lưu ý: Bạn không được sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ mắt nào khác mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Trong một số trường hợp, bạn có thể có cảm giác đau nhẹ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau đường uống. Trong hầu hết các trường hợp, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), chẳng hạn như ibuprofen, là đủ để giảm đau. Có thể bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm (steroid), bắt đầu uống vào ngày phẫu thuật và tiếp tục uống trong nhiều ngày đến nhiều tuần sau phẫu thuật.
Để giúp bảo vệ mắt bạn trong quá trình lành lại sau phẫu thuật, bác sĩ nhãn khoa có thể cho bạn đeo kính bảo vệ mắt bạn hoặc yêu cầu bạn đeo miếng che mắt khi ngủ trong vài ngày.
Đôi mắt của bạn có thể sẽ lành rất nhanh. Hầu hết bệnh nhân nhận thấy thị lực tốt hơn trong vòng vài ngày. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề hoặc tác dụng phụ bất thường nào.
Bác sĩ sẽ hẹn bạn lịch tái khám sau phẫu thuật.
Tại buổi khám đó, bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực và kiểm tra mắt của bạn. Có thể bạn sẽ tiếp tục sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc nhỏ steroid cũng như nước mắt nhân tạo. Thường thì mắt của bạn sẽ nhìn rõ hơn, nhưng vẫn có thể bị mờ trong vài ngày đầu sau phẫu thuật và bạn có thể phải điều chỉnh lịch làm việc hoặc đi lại hay thậm chí nghỉ ngơi một thời gian sau phẫu thuật để mắt hồi phục hoàn toàn.
Bạn nên hỏi bác sĩ xem bạn cần đợi bao lâu để bắt đầu chơi các môn thể thao trở lại, như đi bộ hoặc chạy bộ. Nói chung, bạn cần đợi từ một đến ba ngày sau phẫu thuật để bắt đầu lại các môn thể thao nhẹ. Đối với các môn thể thao nặng thì cần phải chờ từ 2 tuần trở lên để tránh tổn thương mắt. Ngoài ra, mắt phẫu thuật cần tránh tiếp xúc với các nguy cơ gây nhiễm trùng mắt như nước, chẳng hạn như tắm trong hồ bơi, bồn nước, vòi nước… Bác sĩ sẽ dặn khi nào bạn có thể tiếp tục các hoạt động này.
Các sản phẩm trang điểm mắt có thể tích tụ trên mí mắt và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hãy hỏi bác sĩ khi nào có thể sử dụng các sản phẩm này.
Cuối cùng, bạn không nên ngần ngại gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng xấu đi hoặc bất thường, bất cứ lúc nào sau khi phẫu thuật. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng có thể dẫn đến mất thị lực nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Ban Biên tập Y Khoa Online
----------------------------------------
Nguồn:
https://www.aao.org/eye-health/treatments/lasik. Truy cập ngày 19/07/2023
https://www.medicinenet.com/lasik_eye_surgery/article.htm. Truy cập ngày 19/07/2023
https://www.webmd.com/eye-health/lasik-laser-eye-surgery. Truy cập ngày 19/07/2023
https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/21805-lasik-eye-surgery. Truy cập ngày 21/07/2023
-
Nút mạch hóa trị qua động mạch (TACE)
29/12/2023 15:53 GMT+7
-
Sinh thiết
20/12/2023 17:59 GMT+7
-
Nong mạch vành
09/11/2023 16:59 GMT+7
-
Nuss
14/08/2023 16:34 GMT+7
-
Nissen
02/08/2023 17:08 GMT+7
-
Mohs
31/07/2023 12:11 GMT+7
-
LASEK
28/07/2023 18:27 GMT+7
-
Chọc hút bằng kim nhỏ
18/07/2023 21:06 GMT+7
-
FNA (Chọc hút bằng kim nhỏ)
18/07/2023 19:08 GMT+7
-
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
16/07/2023 11:05 GMT+7
-
Hỗ trợ phôi thoát màng trong IVF (thụ tinh trong ống nghiệm)
16/07/2023 10:31 GMT+7
-
IVF (Thụ tinh trong ống nghiệm)
14/07/2023 18:11 GMT+7